Douglas MacArthur - Quân tử gặp Anh hùng - Dân Làm Báo

Douglas MacArthur - Quân tử gặp Anh hùng

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Lời người dịch: Douglas MacArthur có lẽ là vị tướng tài ba nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử Mỹ. Ông còn được mệnh danh là "Người hùng Thái Bình Dương" trong Thế chiến Thứ hai. Nhưng thành công sáng chói nhất và trường tồn theo thời gian của ông là chỉ trong vài năm ngắn ngủi ông đã tạo ra nền tảng tự do và dân chủ bền vững cho một nước Nhật bại trận, tuyệt vọng, đói rách, và hoàn toàn đổ nát. Chính từ nền tảng thể chế này, Nhật Bản - như chim phượng hoàng huyền thoại hồi sinh từ đống tro tàn- đã bay vút vào tương lai và ngày nay trở thành cường quốc dân chủ thịnh vượng. 

Còn Nhật Hoàng Hirohito kêu gọi nhân dân Nhật hãy can đảm chấp nhận đầu hàng vô điều kiện để "mở đường cho tất cả những thế hệ tương lai bằng cách chịu đựng những gì không thể nào chịu đựng được và đau khổ những gì không thể nào đau khổ được... để theo kịp đà tiến bộ của thế giới." Lời kêu gọi của ông đã khích lệ rất lớn đến tinh thần và nỗ lực kiên trì tái kiến thiết lại đất nước của người Nhật trong hoàn cảnh nhục nhã nhất và tuyệt vọng nhất của họ sau khi bại trận. 

Nhưng Douglas MacArthur đã đối xử với họ rất bao dung, độ lượng, trắc ẩn, và công bằng trong suốt thời gian ông nắm giữ quyền lực tối cao ở Nhật Bản. Ông nhận hàng trăm ngàn lá thư cảm ơn từ các tầng lớp người Nhật. Ngày ông rời Nhật Bản về nước, hàng trăm ngàn người già trẻ nam nữ xếp hàng dài dày dặc ở hai bên đường từ sáng sớm trên suốt hàng chục cây số để tiễn đưa ông lần cuối. Họ kêu to "Sayonara, Sayonara," hay giơ cao biểu ngữ ghi "Chúng tôi thương mến Tướng Quân MacArthur," và "Chúng tôi cảm ơn ông." 

Hai người đã gặp nhau sau khi lực lượng đồng minh chiếm đóng dưới sự lãnh đạo của tướng Douglas MacArthur đến Nhật Bản vào tháng Chín, 1945 và buổi gặp nhau ban đầu của hai người mà tiêu biểu cho hai chiến tuyến thù nghịch mới ngày nào đã mở cánh cửa tương lai tươi sáng cho nhiều thế hệ người Nhật. 

*

Chẳng bao lâu sau khi tôi đến Tokyo, những người trong bộ tham mưu của tôi thúc giục tôi triệu Nhật Hoàng đến tổng hành dinh của tôi để biểu lộ quyền lực. Tôi bỏ qua những lời đề nghị của họ. "Làm như thế," tôi giải thích, "sẽ xúc phạm đến tình cảm của nhân dân Nhật và biến Nhật Hoàng thành người tuẫn đạo trong mắt họ. Không, tôi sẽ đợi rồi từ từ Nhật Hoàng sẽ tự đến gặp tôi. Trong trường hợp này, sự kiên nhẫn của Phương Đông sẽ phục vụ tốt nhất mục đích của chúng ta hơn sự vội vàng của Phương Tây." 

Quả nhiên chẳng bao lâu sau Nhật Hoàng yêu cầu cuộc hội kiến. Mặc áo ghi lê và quần kẻ sọc, đội mũ cao, đi trên chiếc Daimler với quan tổng thị vệ triều đình ngồi đối diện ở ghế phụ, Hirohito đến tòa đại sứ. Ngay từ đầu cuộc chiếm đóng, tôi đã chỉ thị không nên đối xử bất kính với ông. Phải dành cho ông tất cả những danh dự thích hợp với bậc quân vương. Tôi tiếp đón ông chân tình, và kể lại dịp tôi được cha ông đón tiếp vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Nhật Hoàng trông hồi hộp và bao căng thẳng trong suốt mấy tháng qua hiện ra rõ ràng. Tôi yêu cầu tất cả mọi người đi ra ngoài chỉ ngoại trừ người thông dịch cho ông, và chúng tôi ngồi xuống trước lò sưởi ở cuối phòng tiếp khách dài. Tôi mời ông thuốc lá Mỹ, ông cầm lấy và cảm ơn. Khi tôi châm thuốc lá cho ông tôi nhận thấy hai tay ông run. Tôi gắng hết sức mình để tạo cho ông sự thoải mái và tự nhiên, nhưng tôi biết niềm đau tủi nhục ở ông ắt hẳn sâu thẳm và khủng khiếp biết chừng nào. Tôi có cảm giác khó chịu là ông có thể sẽ kể lể ra những lý do để khẩn cầu đừng truy tố ông như tội phạm chiến tranh. 

Trước đấy nhiều đồng minh, đặc biệt người Nga và người Anh, đã lên tiếng mạnh mẽ đòi đặt ông vào loại tội phạm ấy. Quả thật, tên của Nhật Hoàng đứng đầu danh sách tội phạm đầu tiên do họ đề nghị. Nhận thức những hậu quả bi kịch sẽ theo sau hành động bất công như thế, tôi cực lực chống lại những ý định ấy. Khi Washington dường như nghiêng về quan điểm của người Anh, tôi đề nghị rằng tôi sẽ cần thêm ít nhất một triệu quân tiếp viện nữa nếu họ làm như thế. Tôi tin rằng nếu Nhật Hoàng bị buộc tội, và có lẽ bị treo cổ như tội phạm chiến tranh, chính quyền quân sự phải được thiết lập trên toàn cõi Nhật Bản, và chiến tranh du kích có lẽ sẽ bùng phát. Tên của Nhật Hoàng sau đó bị gạch ra khỏi danh sách tội phạm chiến tranh. Nhưng ông chẳng hề biết gì về tất cả điều này. 

Nhưng mối lo sợ của tôi không có căn cứ. Nhật Hoàng nói như thế này: "Thưa Tướng Quân MacArthur, là người chịu trách nhiệm duy nhất cho mọi quyết định chính trị và quân sự và mọi hành động của nhân dân tôi khi tiến hành chiến tranh, tôi đến đây gặp ông để chịu sự phán xét của các cường quốc mà ông đại diện." Lòng tôi chợt dâng trào lên cảm xúc phi thường khó tả. Sự gánh vác can đảm trách nhiệm này mà đồng nghĩa với cái chết, một trách nhiệm rõ ràng không đúng với những sự thật tôi hoàn toàn biết rõ, khiến tôi xúc động đến tận cả cõi lòng. Ông là hoàng đế cha truyền con nối, nhưng trong khoảnh khắc ấy tôi biết tôi đang đối diện với Đệ Nhất Quân Tử Nhật Bản đích thực. 

Sau lần ấy Nhật Hoàng đến thăm tôi thường xuyên, chúng tôi bàn về hầu hết các vấn đề quốc tế. Tôi luôn luôn giải thích kỹ càng những lý do quan trọng nhất về chính sách chiếm đóng,và tôi nhận thấy ông hiểu biết uyên thâm về khái niệm dân chủ hơn hầu hết những người Nhật tôi có dịp trò chuyện. Ông đóng vai trò rất lớn trong sự hồi sinh tinh thần của Nhật Bản, và sự hợp tác trung thành và ảnh hưởng của ông đã tác động rất nhiều đến sự thành công của công cuộc chiếm đóng. 

Nguồn: 

Trích dịch từ tác phẩm "Reminiscences" của Douglas MacArthur, nhà xuất bản McGraw-Hill, 1964, trang 287-288. Tựa đề của người dịch.

Bản tiếng Việt:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo