Tiểu thương An Đông Plaza tiếp tục đóng sạp phản đối chủ đầu tư - Dân Làm Báo

Tiểu thương An Đông Plaza tiếp tục đóng sạp phản đối chủ đầu tư

Hồng Châu (VnExpress) - Sau đợt bãi thị phản đối cách đây một tháng, sáng 20/11, hàng trăm tiểu thương ở Trung tâm thương mại An Đông Plaza tiếp tục đóng cửa sạp, căng băng rôn không chấp thuận chủ đầu tư tăng giá cho thuê. 

Chị Thanh, một tiểu thương ở chợ này cho biết, sau đợt phản đối ngày 23/10 trước đó, Ban quản lý hứa sẽ giảm giá cho tiểu thương, nhưng đã không thực hiện như cam kết.

Chị đưa ra dẫn chứng, hiện chị có 5 sạp tại chợ này, một sạp lớn được chủ đầu tư ra giá mới 200.000 USD, và 4 sạp nhỏ 360.000 USD. Tổng cộng chị phải trả 560.000 USD (tức hơn 11 tỷ đồng) cho thời hạn 5 năm. Ban quản lý cho biết sẽ giảm 20% nếu chị đóng đủ số tiền trong một lần.

“Với số tiền lớn như vậy, lại cao gấp 8 lần so với trước đây, làm sao tôi có thể xoay sở ngay, trong khi 10 năm trước chúng tôi được thuê với giá rẻ hơn và được trả làm 3 đợt. Đợt đầu đóng 50%, đợt 2 và 3 mỗi lần 25%”, chị Thanh bộc bạch.

Còn chị Lê, tiểu thương ở sạp TL28 và TM14 cũng cho biết, trước đây khi thông báo giá mới, Ban quản lý có thỏa thuận qua điện thoại là 110.000 USD cho 2 sạp. Khi xảy ra việc tiểu thương phản đối, phía quản lý đã hứa sẽ sớm đưa ra khung giá chính thức và sau đó một tuần mời tiểu thương lên đưa giấy yêu cầu ghi thông tin cơ bản về sạp, số tiền cho thuê mà không hề có văn bản chính thức. Đồng thời đưa ra điều kiện, nếu tiểu thương thanh toán hết giá sang nhượng chậm nhất vào ngày 31/1/2015 sẽ được giảm 20% mức giá được phê duyệt. 

“Mức giá phê duyệt mà tôi được nhận là 2,6 tỷ đồng, cao hơn gần 30% so với trước đó. Nếu tôi trả hết trong một đợt sẽ được giảm còn 1,3 tỷ đồng. Và nếu so với giá cách đây một tháng mà Ban quản lý báo, tôi không hề được giảm”, chị Lê nói.

Hiện cả 300 tiểu thương nơi đây đã 2 lần kiến nghị, cầu cứu sự giúp đỡ từ UBND quận 5 và Sở Công Thương TP HCM, nhưng chưa hề có sự can thiệp của các cơ quan này. “Lần này chúng tôi sẽ không dễ dàng thỏa hiệp như lần trước, mà đứng phản đối cho tới khi nào có được văn bản trả lời hợp lý của ban quản lý", một tiểu thương cho biết.

Tiểu thương An Đông Plaza tiếp tục đóng sạp phản đối chủ đầu tư. 
Ảnh: Hồng Châu. 

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo An Đông Plaza cho biết đang tìm hướng giải quyết và không muốn bình luận gì thêm về vấn đề này, ngay cả với tiểu thương.

Trước đó, ngày 23/10, tiểu thương ở trung tâm thương mại này cũng đã tập trung trước tiền sảnh, căng băng rôn để phản đối chủ đầu tư. Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc An Đông Plaza cũng đã phải xuống trước sảnh tòa nhà và ra tận ngoài đường để vận động tiểu thương ngưng tụ tập và hứa giải quyết thỏa đáng. Thế nhưng, sau lời hứa trên, tới nay hai bên vẫn chưa tìm ra sự đồng thuận.

Giải thích cho nguyên nhân tăng giá trước đó, ban quản lý ở đây cho biết, mức giá thuê mới do An Đông Plaza đề xuất được tính toán trên nguyên tắc giá thị trường, trong đó có tính tới tình hình kinh doanh chung tại trung tâm, các yếu tố lạm phát, trượt giá, nhu cầu đầu tư mới và nâng cấp các trang thiết bị bảo đảm an toàn cũng như tạo điều kiện thuận tiện cho việc kinh doanh của tiểu thương, lẫn người mua sắm. Cùng với mức giá thuê mới, An Đông Plaza cũng đề xuất việc thống nhất thời hạn của mỗi hợp đồng thuê là 5 năm để dễ quản lý.



*

Hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Xuân phản đối giá thuê kiốt mới

Không đồng tình với mức giá thuê kiốt mới, hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đã tụ tập phản đối. Trong khi đó, đơn vị quản lý chợ cho hay đây là dự kiến và mức giá đưa ra đã có sự chia sẻ với người dân.

Chiều 20/11, sau khi không được gặp lãnh đạo đơn vị quản lý chợ (Công ty cổ phần Đồng Xuân) để phản ánh ý kiến liên quan đến việc điều chỉnh giá thuê kiốt, hàng trăm tiểu thương đã tụ tập trước cổng chợ để phản đối. 

Theo chị Nguyễn Thị Phương (kinh doanh ngành hàng quần áo), sau khi nhận được thông báo về phương án điều chỉnh giá cho thuê địa điểm kinh doanh tại chợ giai đoạn 2015–2019 và mẫu đơn đăng ký tiếp tục thuê địa điểm của Công ty cổ phần Đồng Xuân, nhiều hộ bức xúc và muốn gặp trực tiếp lãnh đạo công ty để phản ánh. 

“Chúng tôi đã lên đề nghị được gặp lãnh đạo công ty 2 lần nhưng họ đều lấy lý do trì hoãn và từ chối. Do đó, bà con mới kéo xuống cổng chợ tụ tập phản đối”, chị Phương nói. 

Chị Phương cho hay, mức giá mới là quá cao và nếu minh bạch, đơn vị quản lý phải tổ chức họp lấy ý kiến tất cả 3.000 tiểu thương chứ không chỉ lấy ý kiến của các đại diện ngành hàng và Ban chấp hành phụ nữ. 

Tiểu thương chợ Đồng Xuân tụ tập phản đối mức giá thuê ki ốt mới. 
Ảnh: Minh Minh. 

Nhắc lại vụ cháy hồi năm 1994, chị Bùi Thị Phương cho biết tiểu thương sau đó đã phải góp tiền xây chợ mới, nhưng đến nay gần như không còn quyền lợi gì. “Bãi gửi xe bị chiếm, nhiều không gian của chợ bị cho thuê, việc kinh doanh ngày càng ế ẩm, đã có một số tiểu thương bị vỡ nợ...” chị Phương nêu. 

Cũng theo chị Phương, trong hợp đồng cũ tiểu thương có quyền cho thuê lại kiốt. Nhưng hợp đồng mới quy định, nếu thuê lại phải có sự đồng ý của doanh nghiệp, nếu tự ý cho thuê sẽ bị chấm dứt hợp đồng. 

“Nguyện vọng của chúng tôi là được giữ nguyên các điều khoản trong hợp đồng cũ, điều chỉnh lại mức giá thuê hợp lý và trả lại chợ không gian gửi xe. Như thế chúng tôi mới đảm bảo cuộc sống cho gia đình và đóng thuế cho Nhà nước”, chị Phương bày tỏ. 

Cũng nói đến việc đã đóng góp xây dựng chợ Đồng Xuân sau vụ hỏa hoạn, chị Nguyễn Thị Chi, kinh doanh tại tầng 2 đưa ra ý kiến, trong lúc năm hết Tết đến, tiểu thương đang bận rộn chuẩn bị kinh doanh thì công ty lại đưa ra thông báo tăng giá thuê kiốt và cho thời hạn 10 ngày để lấy ý kiến. 

Chị Chi bức xúc: “Khi nhận được thông báo, tôi ngỡ ngàng. Tôi cũng đóng góp xây dựng chợ cách đây 20 năm, hà cớ gì công ty lại đưa ra thông báo nếu cho thuê lại không được, sẽ thu hồi chỗ”. 

Trao đổi với báo chí chiều cùng ngày, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đông Xuân, ông Đỗ Xuân Thủy cho hay đơn vị này đang tiến hành các bước để thực hiện điều chỉnh giá thuê kiốt. Ông Thủy cho rằng việc điều chỉnh đang được tiến hành theo các các bước rất công khai, dân chủ và đúng pháp luật. 

“Sau khi tính toán phương án, công ty đã báo cáo với Thường trực quận ủy UBND quận Hoàn Kiếm và được Thường trực nhất trí điều chỉnh. Ngày 18/11, chúng tôi đã họp với đại diện ngành hàng và Ban chấp hành phụ nữ, sau đó gửi thông báo tới từng hộ kinh doanh”, lãnh đạo Công ty cổ phần Đông Xuân thông tin. 

Theo vị Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đông Xuân, doanh nghiệp đã thành lập các tổ tiếp nhận ý kiến tiểu thương. Người dân có thể phán ánh ý kiến trực tiếp với cán bộ quản lý ngành hàng hoặc bộ phận tiếp dân. Sau đó doanh nghiệp sẽ tổng hợp ý kiến và phản hồi với tiểu thương. 

“Chưa nên kết luận là mức giá thuê kiốt mới là cao hay thấp vì còn có các cơ quan nhà nước thẩm định, Ủy ban thành phố thông qua thì mới có mức giá chính xác”, ông Thủy cho biết. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty cổ phần Đồng Xuân, mức giá doanh nghiệp này đưa ra là phù hợp với tình hình hiện nay và đã có sự chia sẻ với người dân.

Mức giá thuê kiốt giai đoạn 2015 – 2019 được Công ty cổ phần Đồng Xuân dự kiến như sau: 

Đối với các sạp trong chợ: Trong 30 tháng đầu (2,5 năm) điều chỉnh tăng 17%; Trong 30 tháng tiếp theo (2,5 năm tiếp theo) điều chỉnh tăng so với mức tăng của 30 tháng đầu là 17%. 

Đối với các kiốt xung quanh chợ: Trong 30 tháng đầu (2,5 năm) điều chỉnh tăng 22%; Trong 30 tháng tiếp theo (2,5 năm tiếp theo) điều chỉnh tăng so với mức tăng của 30 tháng đầu là 22%. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo