David Thiên Ngọc (Danlambao) - Bài này được viết sau khi đọc một Stt trên FaceBook có nick “Lọ Lem Đất Võ Minh Đan” với câu chuyện cuối tuần. Cô ấy nói lên một nét lặng buồn trong cái văn hóa mà nhà cầm quyền CSVN cố tô son để đưa con thuyền Quốc Gia hòa ra biển lớn. Những điều mà cô trăn trở là cho cái nét văn minh, văn hóa và ý thức đạo đức của con người trong một xã hội luôn tự hào được lãnh đạo bởi tập đoàn “đỉnh cao trí tuệ” sáng ngời với “đạo đức HCM”.
Ngay tại Thủ Đô Hà Nội trong một chuyến du lịch cô đã bị một tài xế Taxi lừa chở cô đi lòng vòng với mục đích móc túi tiền của cô một cách hạ đẳng, không thương tiếc vì những lý do tắt đường nghẽn lối nọ kia, mặc dù đích đến là gần ngay trước mắt nhưng cô không biết. Vì là du khách cô đành phải cam lòng ngậm bù hòn làm ngọt sau khi vỡ lẽ. Nhưng trong cô đã có một cái nhìn về một nền văn minh của xứ sở “ngàn năm văn hiến” này và những lời tô son có cánh của lãnh đạo CSVN trong đó có các tập đoàn “Du Lịch Lữ Hành”.
Đọc những gì cô viết lầm tôi nhớ lại một thời trong quá vãng, ngược về thời gian những năm tháng mà nhân dân Miền Nam VN “được giải phóng” và tiếp nhận luồng gió chướng.
Ngày ấy dạo “đất nước những tháng năm thật buồn” của những năm cuối của thập niên 70s thế kỷ trước. Lúc đó cũng vào lúc mà những cơn gió mùa đông bắc ùa về “sưởi ấm” cho nhân dân Miền Bắc để có những cặp môi ráp khô và nứt nẻ... kể cả các cô gái có làn da trắng mịn nõn nà và cũng không quên giúp tiễn đưa các cụ về “Văn Điển” nghỉ ngơi cho an giấc... (một nghĩa trang ở Hà Nội).
Tôi, một người Miền Nam sau bao nhiêu năm bị bóc lột, kẹp kềm bởi một chế độ “Ngụy tà” và ngụp lặn trong một xã hội “phồn vinh giả tạo”, có một chút suy tư và cảm nhận đối với những luồng gió mới đang tràn về nên muốn làm một chuyến ngược xuôi khắp mọi miền đất nước tạm gọi là “biệt ly hương” trước khi làm “khúc ruột ngàn dặm” của đất nước ngày nay.
Ngày ấy muốn về thăm trái tim Tổ Quốc nơi được gọi là “Ngàn Năm Văn Vật” mà một người dân như tôi “bị” gọi là “con người cũ của xã hội cũ” muốn đi cũng khó và phải có một loại “passport” quái dị chỉ để dùng trong nội địa là “Giấy phép đặc biệt đi A”. Nhưng sự đời như ông bà xưa đã nói “đa kim ngân phá luật lệ” mà sau này tên trùm xã hội đen “Năm Cam” nói rằng: “những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” và những triết lý ấy đã mang đến cho tôi tờ “Giấy phép đặc biệt đi A” nắm trong tay.
Cái thời mà chen lấn trên những chuyến tàu ngược xuôi Nam-Bắc để có một chỗ đứng thôi chứ không ngồi, nằm như ngày nay không dễ một chút nào? Tất nhiên cũng mua được bằng tiền. Cho nên suy tính chuyện phương tiện trước lúc ngược xuôi dọc đường gió bụi tôi cũng bị chiếm mất thời gian cả tuần lễ và cuối cùng được một anh “đầy tớ” “vai mang sắc cốp kè kè-đầu đội nón cối chân phè dép râu” chỉ lối vẽ đường.
Thời ấy cái phong trào “Miền Nam nhận họ Miền Bắc nhận hàng” như là một “quốc sách” không khác nào cái thời “Bách hoa tề phóng-Bách gia tranh Minh” (Trăm hoa đua nở-Trăm nhà đua tiếng) ở bên Tề bên Sở dưới thời bác Lông (Mao) trị vì vào năm 1956. Do đó những chuyến xe tải mà dân Miền Nam thường gọi là xe “ba lua” lũ lượt chở đầy ắp hàng xa xỉ độc hại tàn dư của “Mỹ Ngụy” đem về Miền Bắc để xây dựng XHCN. Tôi được một người quen thân là tài xế mà trước đó là chủ chiếc xe này nay đã trở thành tài sản XHCN cho quá giang về “thiên đường miền đất hứa (lèo)”.
Đặt chân xuống đất Kinh Đô tôi cứ nghĩ là mình lạc vào xứ “sương mù” xa lắc ở trời Tây vì bầu trời nơi đây “mịt mù khói tỏa ngàn sương...” mà trong không trung đặc quánh những bụi mù của đất cát pha lẫn với bụi xỉ than đá hình như lượng oxy chỉ là phần nhỏ và hiếm trong cái hỗn hợp không khí này. Đến đây tôi bỗng nhớ đến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Trường “Mảnh đất lắm người... nhiều ma” vì trước mắt lờ mờ của tôi là những ngôi “nhà mồ” được xếp bằng những viên “táp lô” được in bằng đất trộn xỉ than đá thải ra chứ không phải bằng cát và xi măng và trên mái nhà được phủ che bằng lớp giấy tẩm dầu hắc của xứ sở “Bạch Dương” ngày trước và được dằn bởi những thanh tre dài, dây kẽm buộc và những viên táp lô ấy đè lên. Những ngôi nhà mồ này được xếp dài dài dọc theo hai bên đường và cửa luôn đóng kín. Thỉnh thoảng có một vài bóng hình mờ ảo hé cửa vào ra mà mặt thì được che kín còn hơn cả Ninja hay thích khách trong các phim kiếm hiệp Kim Dung nên khó mà nhận được là bóng hay hình, người hay ma quì?. Sau đó tôi mới được biết những ngôi “nhà mồ” đó là “nhà dân”. Lòng đường thì như một công trường nơi rừng núi, nhựa đường hầu như là chuyện trong cổ tích thần tiên và các hỗn hợp đất, cát, than đá được tung lên hàng loạt bởi những chiếc xe ở xứ “rừng Taiga và Lộc Đỉnh Sơn” lũ lượt réo còi gầm rú, người cách nhau khoảng 5-7 thước là không còn thấy mặt, ẩn hiện như ma trơi nơi nghĩa địa.
Ngay chiều tối hôm ấy tôi rời chiếc xe tải mà tôi quá giang và trú ngụ để đi thăm thú vài nơi. Lúc ấy Thủ Đô làm gì có những chiếc Taxi bóng lộn như ngày nay để cho “Lọ Lem” cùng các du khách ngự tọa? mà là những chiếc xích lô không là xích lô, ba-gát không là ba-gát. Sàn xe là một tấm ván được trải một manh chiếu của “cái bang” đầy bụi cát và xỉ than. Người ngồi lên đó chỉ có ngồi “chồm hổm” kiểu “nước lụt” ở Miền Trung nếu không muốn bẩn quần. Hai bên chỗ gát tay cũng là 2 thanh ván dài, bên trên không có “mui trần” mà khách thoải mái chống chọi với nắng mưa. Bên dưới hai bên xe được treo một bên là chiếc đèn dầu loại đèn bão khỏi bị tắt trước gió để làm tín hiệu cả ngày đêm vì nơi đây ban ngày cũng giống buổi hoàng hôn chạng vạng bởi bụi mù sương. Và bên kia là treo lủng lẳng một chiếc chuông đồng như trong cổ tích hay xe kem đường phố Miền Nam để làm “còi” rung lên khi cần báo hiệu.
Chú “tài xế” cũng là một thanh niên nhưng vẻ mặt không có gì là tuấn tú. Đầu đội chiếc mũ cối te tua vành lòi cốt mùn cưa ra với bộ áo quần nhàu nát màu “cứt ngựa” 8 nắng 5 sương, chân mang đôi “quốc hài” được lấy mẫu từ hang “Pắc Pó”. Tuy nhiên giọng nói thì ngọt và có vẻ kính cẩn và hiếu khách không kém phần lễ độ. Sau khi ngã giá cả đi lẫn về là 5$ thời xu hào còn giá trị và lên ngôi.
Xe qua đoạn Hồ Gươm. Tôi vạch lớp bụi mù nhìn chút lăn tăn sóng gợn, vài chiếc lá “khẻ đưa vèo” bỗng có tiếng còi “tu huýt” công an sát vang lên và tiếng than của chú xích lô trẻ “thôi chết em rồi” chiếc đèn em mới bị vỡ bóng khi trưa mà chưa có tiền mua bóng mới để lắp vào. Sau mấy lời hoạnh họe và năn nỉ của cả 2 bên, cuối cùng là câu “nếu không chịu nộp phạt thì đem xe về đồn!”. Cảnh này có khác nào cảnh “người ngựa-Ngựa người” của Nguyễn công Hoan ngày trước, trong khi chú xích lô nói “từ trưa giờ con không có hột cơm nào trong bụng chứ đừng nói chi tiền” và gương mặt sắt lạnh của tên công an vẫn không hề thay đổi.
Không muốn lỡ chuyến ruổi dong trên phố và cũng cảm thương cho kẻ khốn cùng, tôi xuống xe và làm việc nghĩa. Tiền phạt 1$ tôi xin chịu và cho thêm 5 hào bảo chú xích lô chạy đi mua bóng đèn chứ không thì còn mang họa tiếp mặc dù tôi không phải kẻ phong lưu, hào phóng.
Cuối cuộc ngao du trên đường về trong tôi thấy bao tử cồn cào và hình như chú em xích lô cũng gần mệt lả vì đói được thể hiện qua từng cai đạp mệt mỏi và yếu dần của bàn chân cho xe chạy. Tôi ngỏ ý ghé vào một hiệu ăn nào đó và tôi mời cả em cùng ăn. Thế là 2 tô mì hoành thánh, xỉu cảo... ở phố Hàng Đào nghi nút khói thơm ngậy được bày ra. Sau một hồi sì sụp, hình như từ trước giờ em chưa từng có dịp được ăn như thế nó thể hiện qua nét mặt của em và hình ảnh chưa từng thấy cảnh này (sự đối xử tình người của khách Miền Nam đối dân lao động Miền Bắc) trong cặp mắt của người chủ quán ném tia nhìn về phía chú em tội nghiệp. Sau khi thanh toán tiền ăn và quay về khách sạn là chiếc thùng xe tải đã nhập kho hết hàng “Mỹ Ngụy” nên trở thành chỗ nằm lý tưởng của tôi và anh chủ xe.
Đến lượt thanh toán tiền xe xích lô-đây là đoạn tôi muốn nói nhất. Tôi thanh toán cho chú em 5$ như thỏa thuận và không quên nhắc là “anh giúp cho em tiền công an phạt lẫn tiền mua bóng đèn xe” còn ăn thì tôi mời nên không nói đến. Nhưng tôi không nhận được một nụ cười thân thiện và kèm theo lời cảm ơn như tôi đã nghĩ mà tôi không tin vào tai, mắt mình khi nghe câu nói vô cùng văn hóa cùng vẻ mặt biến dạng thành “dao búa” từ phía chú em phóng ra rằng:
- Ủa! Đị.. mẹ ông không trả thêm tiền tôi chờ ông à?!
Tôi bàng hoàng mà rằng:
- Có chờ gì đâu em?
-Cái đ.. chờ ông ăn mì í!
- Úi trời... trời... tui mời em cùng ăn mà!
- Việc đó là việc của ông tui đ.. biết! nếu ông không trả thêm 2$ tiền chờ thì cục đá này (có sẵn phía sau xe của hắn) sẽ tương vào kính chiếc xe tải này!
Như sét đánh ngang tai và không biết nơi này là đâu? Thiên đường hay địa ngục? tôi đang tiếp xúc với người hay loài ngạ quỉ?
Thôi! đối với ma quỉ thì “kính nhi viễn chi” tôi vội móc ví trả thêm mấy đồng tiền “học” cho lành và leo lên thùng xe lăn ra ngủ một giấc ngủ chìm sâu và đầy ác mộng, mong trời mau sáng để ngày mai trở về với “Mẹ Miền Nam” Thân yêu.
Chuyện chú taxi của Lọ Lem hôm nay có bằng một phần của chú xích lô ngày ấy của tôi cũng cùng ở một nơi mà tự hào là “ngàn năm văn vật” này không? Tuy thời gian có cách xa. Trên đây là chuyện có thật của người viết mà không hề thêm bớt một chữ nào.
Một chút tản mạn sau khi đọc STT của Lọ Lem Đất Võ Minh Đan trên Facebook.
Ngày 8.11.2014