Lễ viếng: 10 giờ sáng ngày 19.12.2014.
Lễ Truy điệu: 10 giờ sáng thứ bảy ngày 20 tháng 12 năm 2014.
Nhà văn, Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934, quê ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954 và là cây viết khá nổi tiếng khi còn trẻ.
Bùi Ngọc Tấn từng bị bắt và phải ở tù 5 năm (1968-1973) trong vụ án "Xét lại, chống Đảng", mà không được xét xử.
Wikipedia viết: “Theo ông (Bùi Ngọc Tấn) thì người hạ lệnh bắt ông, cũng như đuổi vợ ông khỏi trường Đại học trong thời gian ông bị cải tạo, ngăn chặn ông đi làm sau khi ra tù là giám đốc công an thành phố Hải Phòng Trần Đông. Khi bị bắt giữ, ông cũng bị tịch thu hơn nghìn trang bản thảo và sau này không được trả lại. Từ khi được xóa án, sau hai năm thất nghiệp, Bùi Ngọc Tấn được tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Hoàng Hữu Nhân xếp vào làm nhân viên theo dõi thi đua khen thưởng ở Liên hiệp Xí nghiệp Đánh cá Hạ Long. Trong khoảng thời gian làm công việc này từ 1974 đến 1994, ông trở thành một "người ẩn dật" với văn chương, ngừng viết trong khoảng thời gian 20 năm này. Theo đài RFA, trong thời gian đó "ông không được phép viết lách gì, ngay cả nhật ký cũng thường xuyên bị công an văn hóa xét nhà, lục lọi tịch thu..."
Ông trở lại với bạn đọc qua bài "Nguyên Hồng, thời đã mất" đăng trên tạp chí Cửa biển tại Hải Phòng năm 1993”.
Một số tác phẩm chính đã được xuất bản từ năm 1995 trở lại đây: Một thời để mất, Những người rách việc, Một ngày dài đàng đẵng, Chuyện kể năm 2000, Rừng xưa xanh lá...
Một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng sau này của Bùi Ngọc Tấn là cuốn tiểu thuyết “Biển và chim bói cá”, xuất bản năm 2008.
Tuy nhiên, nhắc tới Bùi Ngọc Tấn người ta nghĩ ngay tới “Chuyện kể năm 2000”.
Cuốn tự truyện này đã gây được sự chú ý của quốc tế và trở thành một trong những cuốn sách được giới bất đồng chính kiến trong nước quan tâm nhất. “Chuyện kể năm 2000” đã được dịch ra tiếng Anh, Đức và Pháp. “Theo tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF), câu chuyện 600 trang về người tù mang tên Tuấn mô tả lại cách “chính quyền Việt Nam trấn áp trí thức”. Chính vì vậy mà "Chuyện kể năm 2000" vừa in tháng Hai năm 2000 thì ngày 16 tháng 3, bộ Văn hóa-Thông tin đã ký quyết định số 395, đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy cuốn này do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. (Wikipedia).
Ngoài các giải thưởng văn học trong nước, Nhà văn Bùi Ngọc Tấn từng nhận được một số giải thưởng quốc tế như: “Giải Henri Queffenlec (Pháp) năm 2012 cho tác phẩm Biển và chim bói cá”, giải Nhân quyền Hellman-Hammett do HRW trao tặng.
Bùi Ngọc Tấn cũng là Hội viên danh dự Hội Văn bút Quốc tế. Hội viên danh dự Hội Văn bút Canada.