Chân Tuệ (Danlambao) - Ngày 8/12 tại New York, một nhóm các thanh niên Phật tử người Mỹ gốc Việt, cùng với đại diện của Tăng đoàn Giáo hội Việt Nam Thống nhất, đã đến trụ sở của Liên Hợp Quốc để gặp gỡ một số quan chức LHQ và chính khách Mỹ để vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là hai vấn đề: tự do tôn giáo và bảo vệ người hoạt động nhân quyền.
Trưởng phái đoàn là hòa thượng Thích Viên Lý, Chủ tịch Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại. Ngoài ra, Tăng đoàn còn có hai thành viên khác cùng tham gia là hòa thượng Thích Chơn Trí và thượng tọa Thích Viên Thông.
Phát biểu tại Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, ba vị hòa thượng đã trình bày một bản báo cáo chi tiết về tình hình vi phạm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay và trong những năm gần đây, đồng thời đề nghị LHQ giúp đỡ thúc đẩy tự do tôn giáo nói riêng, nhân quyền nói chung cho tất cả người dân Việt Nam.
Anh Nguyễn Tuấn, một thanh niên Phật tử người Mỹ gốc Việt, nhấn mạnh việc chính quyền địa phương ở nhiều nơi trong nước đang sử dụng một số biện pháp mới để trấn áp tự do tôn giáo - tín ngưỡng: Nhận biết được rằng chùa chiền có xu hướng là nơi tăng ni Phật tử tổ chức các hoạt động từ thiện, cứu giúp trẻ em nghèo, người khuyết tật, người vô gia cư, thương phế binh…, chính quyền và lực lượng công an địa phương đang đẩy mạnh việc cưỡng chế thu hồi đất nhà chùa hoặc giải tỏa chùa, nhưng lại không bố trí tái định cư cho tăng ni. Điều này đẩy các tăng ni Phật tử vào tình cảnh “bơ vơ”, không có nơi thờ phượng, nhưng hễ họ phản đối thì lập tức bị chính quyền và công an chụp mũ là phản động, chống đối nhà nước. Gần đây nhất, có ít nhất ba ngôi chùa đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”, là chùa Liên Trì, chùa An Cư, và tịnh thất Minh Tâm. Các hòa thượng Thích Không Tánh, Thích Thiện Hạnh, Thích Viên Định bị ngăn cản, không cho thuyết giảng.
Anh Tuấn cũng nói thêm về tình trạng công an giả làm “quần chúng bức xúc” đe dọa, hành hung những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Chẳng hạn như trường hợp Huỳnh Trọng Hiếu, một nhà hoạt động bảo vệ tự do tôn giáo. Gia đình anh Hiếu bị công an và côn đồ địa phương sách nhiễu thường xuyên; lần gần đây nhất (ngày 10/10/2014), họ còn xông vào đập phá nhà anh, bất chấp việc vợ chồng anh có con nhỏ mới 10 tháng tuổi.
Một vị quan chức của Mỹ tại LHQ nhận định, thời gian gần đây, đã có nhiều nỗ lực vận động cho nhân quyền Việt Nam, từ phía cộng đồng quốc tế cũng như từ chính phủ Mỹ. “Xét tổng thể, tình hình nhân quyền ở Việt Nam có gì tiến bộ hơn không?” - ông nêu câu hỏi.
Chị Lý Trí Anh, một Phật tử, cho biết: “Theo nhận định của nhiều người, nhất là của những blogger nổi tiếng trên mạng xã hội, thì tình hình không có gì khá hơn. Một số tù nhân lương tâm được thả nhưng một số blogger lại bị bắt vào tù, đa số khác ở trong tình trạng có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Nói chung, mọi người đều lo lắng vì không biết lúc nào tới phiên mình hay phiên bạn bè mình vào tù”. Chị nhắc đến việc blogger Mẹ Nấm và các bạn bị công an “mời” về đồn làm việc, thẩm vấn, chỉ vì tham gia hưởng ứng một chiến dịch vận động nhân quyền được phát động trên Facebook nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền 10-12.
“Nhưng, sợ thì vẫn sợ, song họ vẫn đấu tranh cho quyền con người, cũng là quyền của chính họ” – chị Lý Trí Anh nói.
Một Phật tử trẻ khác, anh Cao Tuệ Anh, thông báo với các vị đại diện của Cao ủy Nhân quyền LHQ về việc công an bắt giữ ba blogger trong nửa năm qua - Ba Sàm, Người Lót Gạch, và Bọ Lập - chỉ vì họ đã viết blog để nói lên những sự thật ở Việt Nam, một cách ôn hòa.
Anh Tuệ Anh cũng vạch rõ tình trạng chính quyền dựng lên các tổ chức tôn giáo quốc doanh để một mặt đưa các tôn giáo vào vòng khống chế, kiểm soát, mặt khác lại có cớ để nói với thế giới rằng “ở Việt Nam, quyền tự do tôn giáo được bảo đảm”. Ví dụ, họ thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản, để làm đại diện duy nhất cho Phật giáo toàn quốc. Trong khi đó, họ vẫn không ngừng phá rối chùa chiền, ngăn cản chư tăng hành đạo, và cưỡng chế thu hồi đất của những ngôi chùa thuộc diện “sổ đen”, với lý do tu sĩ của các chùa này không hoạt động trong giáo hội nhà nước. Chùa bị tịch thu, tăng ni Phật tử bị đánh đập, bị lăng mạ trên phương tiện truyền thông quốc doanh… Không chỉ Phật giáo, mà tất cả các tôn giáo khác ở Việt Nam cũng bị trấn áp với những biện pháp tương tự.
Phía đại diện của Cao ủy Nhân quyền LHQ ghi nhận những ý kiến và báo cáo của các hòa thượng cũng như các thanh niên Phật tử. Một vị quan chức LHQ có vài lời chia sẻ kinh nghiệm. Ông khuyên các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, ngoài việc tiếp tục kiên trì đấu tranh, cũng nên tăng cường sử dụng các cơ chế bảo vệ nhân quyền của LHQ, như cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) và Báo cáo viên Đặc biệt (Special Rapporteur) để được trợ giúp thêm.