Cái tết tù đầu tiên - Dân Làm Báo

Cái tết tù đầu tiên

Nguyễn Xuân Nghĩa (Danlambao) - Tôi không còn nhớ năm 2008 bước sang 2009 cái Tết cổ truyền đến vào ngày nào của Dương lịch, nhưng không khí tết thì nhớ rất rõ, bởi đó là cái tết đầu tiên tôi "hưởng" ở trong tù. Trại tạm giam B 14 bộ công an nằm trong địa phận xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Tp Hà Nội. Nói là xã, huyện nhưng vùng này đang đô thị hóa rất nhanh và đã trở thành một quận sau khi Hà Nội được mở rộng. Trại tạm giam bé nhỏ, khuôn viên lại chật nên không khí sôi động của những ngày giáp Tết ngoài xã hội lọt vào các xà lim qua âm thanh từ tiếng còi xe, tiếng người nói ngoài con đường chạy qua nhà tù và thậm chí qua các khuôn mặt và cử chỉ của những viên cai tù mà tôi tiếp xúc.

Tôi nhớ từ ngày 22 Âm lịch các vụ án đã được tạm ngừng điều tra xét hỏi nên không còn tiếng cánh cửa sắt rít lên một cách thoảng thốt, đe dọa khi mở cho nghi can đi “làm việc” (lấy cung), và đóng đánh “sầm” khi nghi can trở về. Không còn lo lắng, thấp thỏm, và suy nghĩ để dự đoán câu hỏi của lũ công an điều tra và câu đáp trả của mình nên tất cả tâm trạng của tù nhân đều hướng về gia đình và cái Tết ngoài xã hội. Trại tạm giam chỉ có một dãy nhà 3 tầng, mỗi tầng có 30 xà lim, chia làm hai dãy lẻ và chẵn. Bên dưới, nối vào đầu hồi phải là dãy buồng giam một tầng, giam những tù nhân đã thành án, cải tạo tốt sắp được tự do. Họ làm công việc phục vụ cho tù chưa có án (chúng tôi) như nấu cơm, đun nước, quét dọn, phát quà gia đình gửi đến và giúp cán bộ khám các buồng giam tìm vật cấm. Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, của tờ Thanh niên, cây bút hăng hái nhất trong làng báo viết về vụ PMU 18, sau khi thành án đã chuyển xuống khu xà lim này trong 6 tháng, trước khi được tự do. Tôi vẫn còn nhớ câu anh chào biệt tôi từ buồng giam 13, trước khi chuyển xuống làm tù có án: “Anh Nghĩa ơi! Cố lên nhé!”

Lúc bấy giờ tôi đang bị giam ở xà lim số 17, trên tầng 2 cùng một người đàn ông bằng tuổi, chủ một công ty TNHH “gia đình”; một loại công ty tư nhân những năm đầu chính quyền cộng sản cho mở cửa nền kinh tế. Công ty “gia đình” nghĩa là cái công ty có chồng làm giám đốc, vợ làm phó giám đốc kiêm thủ quỹ, kế toán; con làm nhân viên kiêm bảo vệ hay một chức danh gì đó đại loại. Ông này đang bị điều tra tội đưa người trốn đi nước ngoài và luôn kêu với tôi rằng bị lừa, bị sập bẫy... Chuyện là ông được mách có một thứ rượu vang bên Úc, một thương lái đã nhập về Sài Gòn phục vụ cho tết, đang bán rất chạy, rất có lãi. Tin lời, ông ta vội ký hợp đồng tuyển dụng với người môi giới, bỏ tiền làm hộ chiếu, xin viza nhập cảnh cho người đó với tư cách là đại diện công ty tư nhân có quan hệ thương mại quốc tế sau cái WTO. Sang đến nơi người đó trốn luôn. Khi bị cảnh sát Úc bắt được, trục xuất trở lại Việt Nam, bị cảnh sát Việt nam kết tội trốn ra nước ngoài trái phép, người đó khai ra “đường dây đưa người trốn ra nước ngoài” mà ông là “giám đốc”.

Câu chuyện về vụ án của ông liên quan đến chuyến nhập rượu tết từ Úc vào ngày giáp tết nên không gian trong xà lim phảng phất mùi rượu vang. Bắt đầu từ ngày 20, 21 gì đó, câu chuyện về phi vụ nhập rượu vang của ông kết thúc, hai gã tù già chúng tôi trở lại tâm trạng sầu não như ngày mới vào tù.

Để giải khuây, những ngày cận kề cái tết đầu tiên buồn thảm ấy, tôi thường đọc thơ của Huy Cận, Nguyễn Bính, rồi tôi chế biến bài “Xuân tha hương” của Nguyễn Bính cho hợp với tâm trạng của tôi
Tết này chắc chắn không về được.

Anh gửi về em một tấm lòng
Ơi vợ một chồng, chồng một vợ
Đảng làm xa cách mấy con song.

Tôi đọc oang oang những câu đầu, đến câu “đảng làm xa cách mấy con song” phải đọc nhỏ lại. Buồng liền kề giam hai phụ nữ. Họ lấy tay gõ vào vách, yêu cầu:

- Đọc lại câu cuối chú Nghĩa ơi

- Ai làm xa cách mấy con song hả chú Nghĩa?

Không khí tết náo nhiệt hẳn lên từ các ngày 24, 25. Ngoài hành lang rầm rập bước chân và tiếng gọi, tiếng nói của cán bộ và tù phục vụ, mang quà tết của thân nhân tù đến các buồng giam. Tiếng giày cồm cộp là của cán bộ, tiếng dép loẹt xoẹt là của tù. Hai chúng tôi thay nhau đứng cạnh chiếc cửa sổ bé tí, nơi làm chỗ đút cơm và nhận quà để dự đoán cho chính xác quà vào buồng nào? lấy thời gian đi qua và trở lại của cán bộ và tù phát quà để biết người tù nào đó nhận nhiều quà hay ít. Khi tiếng bước chân kia đi xa dần và không còn hy vọng nó trở lại, chúng tôi thường nói với nhau: “Nhất định ngày mai mình sẽ có...”

Những ngày đó, người tù nào cũng được vui một lần. Sớm muộn cũng chỉ một lần vui, nhưng vui sớm vẫn hơn vui muộn. Gia đình gửi quà sớm giúp người bị tù giảm bớt được ngày chờ đợi, buồn bã và lo lắng. Vâng lo lắng!. Tại sao lại lo lắng? Tâm trạng của người tù rất phức tạp, niềm tin của họ không vững vàng. Người tù thường nghĩ quẩn trong đầu, nếu chưa thấy quà vợ con gửi vào khi đã cận kề ngày tết “Vợ, con có ốm đau gì không? Vợ mình có còn nghĩ đến mình nữa không nếu án mình dài? Những câu hỏi này thường buột ra khỏi mồm dưới dạng một câu đùa. Một câu đùa thực sự đau xót, não nề.

Tôi nhận quà tết của vợ cách ngày ông Táo lên trời đúng hai ngày. 

Cũng như những người tù khác, khi nghe tiếng những bước chân dừng lại trước cửa xà lim, đang nằm trên bệ xi măng, tôi đứng bật dậy. “Anh Nghĩa, có quà!”. Tiếng viên cán bộ làm nhiệm vụ nhận và phát quà gọn lỏn. Rồi những gói kẹo bánh, mứt, trái cây, đồ ăn, mì tôm từ bàn tay của anh tù phục vụ được ném một cách vội vàng, vô lễ lên miếng tôn nhỏ tựa hai quyển vở học sinh, khiến gói nằm nguyên gói rơi bịch xuống nền nhà, tôi không thể nào nhặt lại kịp.

Vui nhiều, ức đến tận cổ cũng nhiều khi nhìn đống quà tết nằm ngổn ngang trên nền xi măng.

Tất cả các hộp, các bao gói đã không còn nguyên vẹn. Tất cả bị rạch nát. Những chiếc kẹo, chiếc bánh bích-quy rơi vãi ra ngoài sàn, lẫn lộn vào nhau, không còn biết chiếc nào xếp vào gói nào. Nhiều quả cam bị dập nát do bị nắn bóp, khám xét. Một nửa số gói mì tôm bị bóc, miệng há hoác, các sợi mì vung vãi trên sàn... Quà càng được gửi nhiều nỗi chán chường và uất nghẹn càng lớn. Khúc giò bị cắt hai đầu hai nhát sâu đến nửa chừng. Con gà luộc chín nhìn như một khúc thịt nham nhở, không rõ đầu, rõ cánh, bụng bị rạch rộng thêm, bị nắn bóp, vật lên vật xuống tìm vật gì đó bên trong. Hai cái bánh chưng nom tệ hại hơn cả. Cái nào cũng bị cắt đôi. Nhát cắt do một con dao quá cùn và bẩn tạo ra những đường cắt cẩu thả, lá gói bị đùn vào tận vùng có nhân và nhân bị kéo theo rơi vãi ra ngoài sàn đất... Tôi đã nhìn thấy những anh tù kiểm tra lục soát đồ ăn chín dùng tay trần, khi xong chùi tay vào vạt áo, khi một lần đi cung trước đó.

Là một nhà văn hay suy nghĩ và liên tưởng, khi viết lại những dòng chữ này, tôi ứa nước mắt...

Tôi nhớ lại những cái tết cùng vợ con khi còn tự do. Từ một quả cam kiếm được cho đến một cái bánh chưng gói được... vợ tôi đều nhẹ nhàng, thận trọng đặt lên bàn thờ; những cử chỉ văn hóa ấy biểu hiện tấm lòng thành kính đối với tổ tiên, ông bà... Một sự cung kính đến linh thiêng và sang trọng đối với linh hồn người nhận vô hình từ người dâng hiến hữu hình. Đầu sàn nằm của tôi sẽ là ban thờ. Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá... Với hai cái bánh chưng, gói mứt, gói kẹo và vài quả cam, tôi sẽ đặt lên "ban thờ" như vợ tôi ở nhà theo phong tục cổ truyền. Tôi cũng cầu mong cho tai qua nạn khỏi, vững chí bền gan... Vậy mà những thứ tôi sẽ dâng hiến đã bị làm nhàu nát, ô uế, đã bị ma vọc.

Đêm giao thừa, chính viên phó giám thị trại giam, người đã lệnh cho cấp dưới khám xét đồ cúng của chúng tôi thật kỹ, đi chúc tết tù nhân và mời mỗi người một điếu thuốc lá...

Cái tết tù đầu tiên của tôi là như vậy!

Sau 6 tết xa chồng, Tết năm nay vợ tôi đã mua một cành đào




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo