Cuộc tuyệt thực của Hải ĐC (P.5) - Dân Làm Báo

Cuộc tuyệt thực của Hải ĐC (P.5)


Sáng ngày 24 tháng 6.

Bữa trưa đầu tiên anh Hải tuyệt thực, cảm xúc ấn tượng nhất trong tôi không phải là cái đói của người nhịn ăn mà là hình ảnh một suất cơm trắng xóa, anh Rơlank Thik mang đổ ngay đầu cống, cạnh bể nước.

Phải thừa nhận anh em tù dân chủ - nhân quyền được gia đình thăm nuôi đầy đủ. Riêng vợ tôi và vợ anh Trội không bỏ thăm nuôi lần/ tháng nào và thường đi cùng nhau. Lúc ấy đồ ăn tươi, trái cây, bánh kẹo, đường, sữa mang về bày la liệt ra sàn nằm, thu xếp hàng giờ mới gọn. Vợ con chúng tôi không giàu tiền bạc, nhưng giàu tình cảm và trách nhiệm. Chúng tôi còn được sự hỗ trợ của một ít đồng bào Hải Ngoại cùng chung chiến tuyến. Chúng tôi san sẻ cho anh em Tây Nguyên, là những tù nhân ít được thăm nuôi. Bù cho những ngày thường, suất cơm trại không đủ no cho họ. Sau các bữa cơm này chúng tôi có cả trái cây hoặc bánh kẹo tráng miệng. Nó là những bữa tiệc theo tiêu chuẩn của tù nhân cho cả hai bàn ăn: anh em tù dân chủ-nhân quyền và tù tôn giáo Tây Nguyên. Anh em tù không bao giờ tự có cái của mình phải đem đổ đi. Tuy nhiên cũng có những ngày chúng tôi ăn không hết. Đó là ngày tết cổ truyền. Từ ngày 24, 25,26... tết chúng tôi lần lượt nhận đồ thăm nuôi ngày tết từ gia đình. Đó là những ngày bận rộn và hạnh phúc nhất của tù. Không phải vì quà gia đình mang đến nhiều hơn, ngon hơn mà vì tình cảm gia đình. Nó hiển thị lòng nhớ thương, thủy chung và trách nhiệm; rồi đến ngày mồng Một, mồng Hai Tết, tiêu chuẩn ăn của tù nhân tăng gấp 5 lần ngày thường. Cũng có bánh chưng, thịt, giò, măng, miến và mứt tết. Không có phương tiện bảo quản, chúng tôi cố gắng điều hòa cho hợp lý. Chúng tôi ăn đồ của nhà mình trước, sau đó mới ăn đồ của nhà tù đang tù mình. Ăn được bao nhiêu đồ của nhà tù thì ăn, hỏng phải đổ đi. Cái sự đổ đi vì thiu, thối, vì chế biến cẩu thả, chế biến lấy được, chế biến cho xong... là một sự đổ đi tội lỗi. 

Từ sáng ngày 24 tháng 6 đến chiều ngày 27 tháng 7, tổng là 32 ngày x2 +1 = 65 lần, không phải ngày lễ, tết, suất cơm của mình không đủ no, anh Rơlank Thik đều đặn mang cặp lồng cơm từ buồng biệt giam anh Hải ra đổ đầu cống. Quy trình là: Lúc thì một, lúc hai cán bộ, họ đi trước, tay một người cầm tờ biên bản nhận cơm. Một tù hình sự đi sau xách cặp lồng nhựa màu xanh, trong có tiêu chuẩn cơm- rau của anh Hải. Rồi tiếp theo là anh Y-zon, đội trưởng đội tù ANQG được gọi vào khi anh Hải từ chối nhận cơm. Biên bản bao giờ cũng ghi rõ. “Ngày... tháng... năm... Tiêu chuẩn cơm có..., rau có.... Đảm bảo định lượng.... đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Phạm nhân Nguyễn Văn Hải từ chối nhận cơm. Có sự làm chứng của: cán bộ quản giáo, phạm nhân phát cơm, phạm nhân- đội trưởng đội ANQG. Chữ ký. Ghi rõ họ tên... Tiếp theo là anh Rơlank nhận phần cơm đó đi đổ.

Ở đâu có con người sinh sống ở đó có chim sẻ. Hàng chục con chim sẻ bay lên, bay xuống quanh đống cơm trắng xóa anh Rơlank Thik vừa đổ xuống. Chúng nhìn sang phía chúng tôi đang ngồi ăn. Chúng nhảy nhót, lúc xông vào đống cơm đầu cống thoát nước, lúc cảnh giác nhảy ra xa, những cái đầu bé xíu đảo qua đảo lại. Chúng liên tục kêu “chíu chíu” vui sướng. Quanh đống cơm đầu tiên bị anh Hải từ chối chỉ có chỉ dăm chú sẻ hàng ngày vẫn quẩn quanh khu giam giữ chúng tôi; ngày hôm sau đã hàng chục con. Loài chim nào sống bám vào nhà tù cũng dạn.

Ngay từ bữa cơm bị anh Hải từ chối đầu tiên, không nhìn ai thăm dò, anh Rơlank Thik đã bình thản mang nó đến đổ ở đầu cống. Tại sao cái anh người Tây Nguyên này lại không đổ luôn xuống cống mà đổ ngay mép cống?. Anh ta muốn những con chim trời được ăn thứ đồ ăn mà một con người từ chối, hay anh muốn hình ảnh những đống cơm trắng xóa lưu lại mãi trong mắt cán bộ và tù nhân đội ANQG như một nhắc nhở, như một thách thức?. Đối với anh em Tây nguyên. Ở tù là sự thử thách của Chúa. Mỗi bữa ăn trong tù là THÁNH LỄ. Chúa Giê-xu lấy bánh Thánh, bẻ ra, phân phát cho các môn đồ mà nói rằng "Này là thân thể ta", rồi lấy rượu nho đưa cho môn đồ mà phán rằng "Này là huyết ta", “Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy.". Thật tiếc! Cũng là đồ ăn mà những đống cơm - rau kia không còn là của Chúa.

*

Buổi sáng ngày hôm sau (27/6), câu đầu tiên mà ông trung tá quản giáo Nguyễn Văn Khánh lệnh cho chúng tôi là: “Không ai được đi gần buồng giam và nói chuyện với phạm nhân Nguyễn Văn Hải, nếu không sẽ bị kỷ luật”.

Ai cũng nghe, nhưng không ai chịu làm theo lời ông ta, trừ hai gã gián điệp cho Trung Quốc.

Cái lợi thế mà chúng tôi được hưởng vào thời gian này là hai ông cán bộ quản lý chúng tôi đều đang chờ quyết định về hưu. Một ông khi chơi cờ, vui lên cứ nhằm cộng sản mà chửi, ông thứ hai, ngày chỉ hiện diện ở đó ba bốn lần, mỗi lần không quá vài chục phút. Ngoài thời gian này, ông ta đi đâu, ở đâu, không ai biết. Có lần một cán bộ vào khu tìm ông, anh tù hình sự tên Phương chạy tìm ông khắp trại không ra. Tác phong nông dân, sốt ruột chờ về hưu, tư tưởng công thần và bất mãn là những lý do khiến ông chểnh mảng công việc và có phần cơi nới tự do cho tù chính trị.

Một lợi thế nữa để chúng tôi bám theo cuộc tuyệt thực của anh Hải và nhận đầy đủ lời nhắn từ anh là ở anh Y-Zôn. Cái bồn đất trước cửa sổ xà lim đang giam riêng anh Hải, anh Y-Zôn tận dụng trồng hai cây ớt và một cây su su. Hàng ngày anh này vẫn dành ít thời gian ra đấy hái ớt và chăm sóc chúng. Khi anh Hải tuyệt thực anh Y-Zôn vẫn ra đấy mà không có vấn đề gì. Vào thời điểm ấy, anh Y- Zôn khoảng 45 tuổi. Cộng sản xét xử anh tội “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” chỉ vì anh theo đạo Tin Lành Degar và tham gia cuộc biểu tình vây chiếm trụ sở UBND tỉnh Đắc Lắc năm 2004. Anh bị án 13 năm, chỉ còn bị tù hơn năm nữa. Y-Zôn là đội trưởng của đội ANQG, là cầu nối giữa cán bộ và tù nhân, được các cán bộ tin tưởng. Ở trại Ba sao – Nam Hà có tù nhân Tây Nguyên cực đoan gọi anh là “con chó của cán bộ, con chó của người Kinh”; có người gọi anh là “Giu-đa- phản- Chúa”. Mới đầu tôi cũng không có cảm tình với anh, ở lâu, tôi biết trong đầu anh nghĩ gì. 

Trong những ngày đầu tiên còn dễ dãi ấy, lúc cùng ông Kim, khi một mình, tôi vẫn đi qua cửa sổ bị cấm đứng lại, cấm nhìn vào. Thường, tôi và Hải chỉ nhìn nhau, gật đầu thay cho lời chào. Nếu không có cán bộ và hai tay tù gián điệp, tôi đến cạnh anh Y-Zôn, cùng anh ta nhìn và giả vờ bàn về hai cây ớt. Ở phía trong, sau bức tường, anh Hải nép vào một bên cửa sổ để người khác nghĩ anh đang ở đâu đó thật xa; và chúng tôi thoải mái nói chuyện. Tôi đã đút được qua chiếc cửa sổ ám ảnh kia một quyển vở, quyển sách, cái bút bi và mấy tờ giấy trắng, là những thứ người tù kỷ luật bị tước quyền mang vào buồng giam, nhưng lại rất cần cho Hải. 

Lần đi dạo qua cửa sổ buồng biệt sáng ngày 26, Hải thông tin cho tôi biết anh đang hoàn chỉnh đơn khiếu nại sẽ gửi lên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An. Nội dung khiếu nại ban giám thị đã quyết định biệt giam anh mà không có lý do chính đáng, không theo đúng trình tự pháp lý. Anh sẽ tuyệt thực cho đến ngày viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An xuống xác minh, hoặc ban giám thị trại 6 xin lỗi công khai bằng văn bản và trả anh về buồng giam chung.

- Chúng nó chắc chắn thua em - Hải khẳng định - Chúng thua bởi chúng bỏ qua các thủ tục pháp lý phải làm trước khi quyết định đưa em vào biệt giam. Em bám vào luật của chúng kiện chúng. Em dùng tuyệt thực kiện chúng... Anh phải bằng mọi cách đưa tin em tuyệt thực ra ngoài....

Câu chuyện giữa chúng tôi kết thúc. Có động. Cánh cửa mở ra. Khi ông quản giáo “chết tươi một thằng VC” xuất hiện, tôi đã kịp bước ra vị trí an toàn. Buổi chiều hôm ấy anh I-Zôn đưa cho tôi bản sao lá đơn khiếu nại của anh HĐC gửi VKS tỉnh Nghệ An và nói thêm: Anh Hải dặn xem xong đốt đi”. Tôi đã làm theo. 

Sau khi ra tù nghe tôi kể lại chuyện HĐC tuyệt thực, có người bảo: cộng sản làm luật mà đâu có thi hành theo luật. Luật của cộng sản là luật rừng. Kiện tụng bõ công... Đúng vậy! Nhưng chúng ta sẽ làm gì trong trường hợp của Hải ĐC khi anh muốn đưa cuộc chiến của anh từ bên ngoài vào nhà tù. Mà trong nhà tù... chỉ có thể chiến đấu với cộng sản về chế độ ăn uống, chế độ giam giữ, hình thức khủng bố tù nhân chứ có chuyện gì nữa lớn hơn?. Lý do anh vin vào để tuyệt thực là chính đáng.

Cho phép tôi sơ lược vài điểm sai sót của ban giám thị trại tù số 6 khi quyết định biệt giam Hải ĐC.

Điều 27. Giam giữ phạm nhân

1. Trại giam tổ chức giam giữ phạm nhân như sau:

a) Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù trên 15 năm, tù chung thân, phạm nhân thuộc loại tái phạm nguy hiểm;

b) Khu giam giữ đối với phạm nhân có mức án tù từ 15 năm trở xuống; phạm nhân có mức án tù trên 15 năm nhưng có kết quả chấp hành án tốt, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn dưới 15 năm.

2. Trong các khu giam giữ quy định tại khoản 1 Điều này, những phạm nhân dưới đây được bố trí giam giữ riêng:

a) Phạm nhân nữ;

b) Phạm nhân là người chưa thành niên;

c) Phạm nhân là người nước ngoài;

d) Phạm nhân là người có bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm;

đ) Phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án

e) Phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế trại giam.

(Chương 1, mục 1)

- Căn cứ vào các điều, mục trên thì việc “giam riêng” (biệt giam) anh Hải là không đúng luật. Anh Hải phản ứng khi bị giam chung với một tù nhân án chung thân (Trần Văn Tiến) là đúng. Không thể vin vào phản ứng này để vu cáo anh không tuân lệnh cán bộ (Mục A, khoản 1, điều 27.)

- Anh Hải chưa bị xử lý kỷ luật lần nào (trước đó) để ban giám thị vin cớ đưa anh Hải vào buồng “giam riêng” (Biệt giam) (Mục e, khoản 1, điều 27).

- Để kỷ luật biệt giam một tù nhân, giám thị trại giam phải xác minh đơn tố cáo phạm nhân vi phạm kỷ luật của người tố cáo là đúng hay vu cáo. Phải cho người bị tố cáo đối chất với người tố cáo, nếu không có cán bộ hoặc người tù thứ ba chứng kiến và làm chứng. Anh Hải đã không được làm như vậy. Hai lá đơn tố cáo anh Hải đều nằm ở nhóm phe gián điệp. Ban giám thị trại 6 không xác minh được sự vô tư của hai lá đơn kia, lại không cho đối chất, không lập biên bản xác nhận đối tượng vi phạm kỷ luật mà quyết định biệt giam đối tượng ngay. Một quyết định không có căn cứ pháp lý...

Đúng là chính quyền cộng sản soạn luật mà có bao giờ làm theo luật. Trong các trại tù càng không!. Đối với tù hình sự: nói năng, thưa gửi, sinh hoạt hoặc giữa hai người có lỡ to tiếng với nhau chút xíu, người tù ít được thiện cảm với cán bộ bao giờ cũng bị cùm oan mà không được phân giải ai đúng, ai sai. Thậm chí có người nhà đến thăm nuôi mà tù “quyên mất” cán bộ dẫn đi thăm gặp cũng bị tìm cớ để cùm. Quen với những quyết định độc tài đối với tù hình sự, ban giám thị trại 6 đã trả giá khi quyết định biệt giam Hải ĐC...(Tất nhiên với một người phẩm chất đặc biệt như HĐC và những người bên ngoài như chị Tân và truyền thông sẵn sàng hỗ trợ.) 

(Còn tiếp)



________________________________________

Bài đã đăng: P.1P.2P.3P.4


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo