Nếu áp dụng Luật ai sẽ bị tử hình ở Việt Nam? - Dân Làm Báo

Nếu áp dụng Luật ai sẽ bị tử hình ở Việt Nam?

Lê Minh Nguyên (Danlambao) - Nếu luật được áp dụng cho giai cấp cộng sản thì gần như tất cả giàn lãnh đạo cộng sản, từ trung ương đến địa phương, ai cũng đều bị án tử hình...

*

Bộ Luật Hình Sự Việt Nam nơi Chương XXI có quy định Các Tội Phạm Về Tham Nhũng. Theo đó, các điều sau đây nếu vi phạm sẽ bị án tử hình.

Điều 278 (4) Tội Tham Ô Tài Sản:
(a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ $500,000,000 đồng trở lên ($23,441 đôla)

Điều 279 (4) Tội Nhận Hối Lộ:
(a) Của hối lộ có giá trị từ $300,000,000 đồng trở lên ($14,065 đôla)

Điều 289 (4) Tội Đưa Hối Lộ:
(a) Của hối lộ có giá trị từ $300,000,000 đồng trở lên ($14,065 đôla)

Luật này chỉ được áp dụng cho những ai không phải là đảng viên của Đảng CSVN, hoặc những ai đã bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Nếu luật được áp dụng cho giai cấp cộng sản thì gần như tất cả giàn lãnh đạo cộng sản, từ trung ương đến địa phương, ai cũng đều bị án tử hình.

Cho nên Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng mới nói "đánh con chuột đừng để vỡ bình", tức đánh chuột có chọn lọc, người đánh chuột (Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương) nên chọn chuột của đối thủ mà đánh và chọn con chuột nào què quặt để đối thủ không quậy cho bể đảng.

Vì tất cả đều có thể bị án tử hình, cho nên ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, giàn lãnh đạo ai cũng lo sợ, không biết đồng chí cán bộ chừng nào cho mình bị lộ, cũng không biết cách đánh có chọn lọc này dựa vào tiêu chuẩn nào, cho nên sự bảo vệ duy nhất là phải làm sao cho kẻ đánh chuột sợ chuột nên không dám đánh, ai dám đánh thì mình phải đánh cho gục trước.

Đó là lý do mà GS Carl Thayer hôm đám tang ông Thanh 13/2/2015 đã nhận xét "ông Nguyễn Bá Thanh được đưa vào ngã ba đường" và "bất kỳ ai ngồi vào vị trí đó (Trưởng ban Nội chính Trung ương) sẽ bị 'bẻ nanh' hay kể như bị vô hiệu hóa". Qua câu nói này, ta thấy trong thâm tâm của ông Thayer không tin là ông Thanh chết do bệnh tự nhiên.

Trong khi ở Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn, có vai trò chống tham nhũng y như ông Thanh, nhưng ông ta có rất nhiều lợi thế hơn so với ông Thanh. Lợi thế lớn nhất của ông VKSơn là được ông Tập Cận Bình bảo vệ bằng mọi giá, nói chém "cả hổ lẫn ruồi" chứ không "đánh con chuột đừng để vỡ bình" như ông NPTrọng, câu nói làm yếu ông Thanh và làm mạnh chuột. Lợi thế thứ hai là ông VKSơn là một trong 7 người của Thường Trực Bộ Chính Trị, có quyền lực trên đỉnh cao, điều mà ông Thanh không có. Lợi thế thứ ba là ông VKSơn không có gia đình để chuột có thể cắn trả thù, muốn cắn phải cắn chính ông, cho nên ông gần như có một cơ thể bất diệt.

Vì chế độ cộng sản xây dựng ra giai cấp thống trị đứng trên luật mà nếu áp dụng luật thì hầu như ai cũng bị án tử hình, cho nên việc ông VKSơn chém "hổ lẫn ruồi" cũng là có chọn lọc, ưu tiên cho đối thủ và ưu tiên cho chuột yếu chuột què. Nhưng vì không có tiêu chuẩn cho việc chọn lọc nên ai cũng lo mất ngủ, hậu quả là trong đường dài có thể chính ông VKSơn cũng sẽ bị cả bầy chuột vật.

Ông Thanh có cá tính mạnh, quyết đoán và không muốn nghe theo lời khuyên của người chống lưng mình "đánh con chuột đừng để vỡ bình", trong khi chính người chống lưng cũng yếu không có nhiều quyền lực như ông Tập Cận Bình.

Khi ông Phạm Quý Ngọ đã bị chết theo quy trình để bảo vệ cho bình (Đảng) không vỡ và Viện Kiểm Sát Trung Ương đã tuyên bố đóng hồ sơ thì đáng lẽ ra ông Thanh nên dừng, nhưng sau đó ông Thanh đã tuyên bố là muốn tiếp tục và mở rộng cuộc điều tra qua lời khai của ông Dương Chí Dũng.

Với hành động này và các tuyên bố "hốt liền", "hốt hết", "không nói nhiều" trước đây khi nhận nhiệm vụ thì ông Thanh đã làm cho cả giai cấp thống trị phải âu lo và muốn áp dụng luật chơi của game độc tài là "giết hay bị giết".

Trong Hội Nghị Trung Ương 10 hôm 5-12/1/2015 Bộ Chính Trị đề nghị kỷ luật một cán bộ cao cấp và Ban Chấp Hành TƯ đồng ý, nhưng không cho biết là ai và phạm lỗi gì, làm cho những người theo dõi chính trị VN nghi ngờ là nó có liên quan đến vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng.

Các phe phái trong Đảng đang tranh chấp quyền lực dữ dội trước thềm Đại Hội 12, nhưng khi đi đến mức có thể bể đảng thì họ ngưng lại để thỏa hiệp, và khi đã thỏa hiệp rồi thì họ cùng nhau làm thành giàn đại hòa tấu để định hướng dư luận, cho dù có trơ trẽn đến đâu.

Giàn nhạc này biểu diễn khá hề trong cái chết của ông Thanh, nào là "tao khỏe mà, có chi mô", "ăn hết tô cháo", "ký giấy tờ công văn Nội Chính", "đi lại được trong phòng", trước khi chết ông Thanh nói với bác sĩ đại diện đảng là "để cho gia đình chịu mọi chi phí trị bệnh của ông". Có ai khi lâm chung nói lời cuối cùng như vậy không? hay đó là cách Đảng muốn định hướng dư luận rằng ông Thanh tuy chống tham nhũng nhưng chẳng trong sạch gì, mà cũng là đại tham nhũng.

Các lãnh tụ đến thăm như các ông Tô Huy Rứa, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Thị Kim Tiến... nhưng tuyệt đối không có một âm thanh hay hình ảnh gì của ông Thanh cả, trong khi ông Võ Nguyên Giáp đã ngất ngư còn được mặc quân phục để chụp hình.

Tại sao?

- Tại vì ông Thanh không chết do bệnh tự nhiên, và khác với ông Phạm Quý Ngọ bị dính bên phía tham nhũng, ông Thanh là người đang cầm thượng phương bảo kiếm để chống tham nhũng. Nếu sự thật được phơi bày thì rõ ràng là tham nhũng đã thắng, và lòng dân sẽ muốn nổi loạn.

Vì muốn bảo vệ Đảng, bảo vệ bình, nên tất cả các phe tạm thời đình chiến để hòa nhạc tế thần hy sinh ông Thanh. Có thể nói người có lỗi lớn nhất trong cái chết của ông Thanh là ông TBT Nguyễn Phú Trọng.

Và những người có lỗi trong việc bao che cái sai quấy này để bảo vệ chế độ là những người không chịu nhân cơ hội này để phơi bày ra sự thật hầu thay đổi chế độ để đi về hướng trong sáng cho Việt Nam hơn.

21/2/2015




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo