Hoàn cảnh chính trị
Vào thế kỷ 19, Pháp xâm lăng Việt Nam qua nhiều giai đoạn: Năm 1862, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Năm 1874 Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Từ đây, sáu tỉnh Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp. Trung và Bắc Kỳ, phần đất Việt Nam còn lại, bị Pháp bảo hộ bằng hòa ước 1883, rồi sửa đổi lại bằng hòa ước 1884. Chú ý: Dưới thời Pháp thuộc, Nam Kỳ theo hành chánh thuộc địa do Pháp trực tiếp cai trị. Trung và Bắc Kỳ vẫn do nhà Nguyễn tiếp tục làm vua, theo nền hành chánh bảo hộ của người Pháp.
Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương ngày 9-3. Nhân cơ hội nầy, vua Bảo Đại (trị vì 1926-1945) quyết định thu hồi chủ quyền dân tộc, công bố bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 11-3. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập ngày 17-4. Nhật trả Nam Kỳ (tức Nam Bộ) lại cho chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng chưa kịp bàn giao thì Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 14-8-1945. Chính phủ Trần Trọng Kim sụp đổ.
Lợi dụng hoàn cảnh nầy, đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) cùng Mặt trận Việt Minh (VM), cướp chính quyền, thành lập chính phủ ngày 2-9-1945 do Hồ Chí Minh (HCM) lãnh đạo. (Nhóm chữ “cướp chính quyền” xuất phát từ các bộ sách lịch sử của cộng sản, ví dụ: Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Lịch sử Việt Nam tập II, Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 1985, tr. 339, dòng số 5.) Khi Pháp trở lại tái chiếm Nam Kỳ, rồi ra Bắc Kỳ, HCM thỏa hiệp với Pháp, ký hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 chịu nhận Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp và Liên Bang Đông Dương, đồng thời để cho quân đội Pháp trở lui Bắc Kỳ. Sau đó, HCM qua Paris ký Tạm ước (Modus Vivendi) ngày 14-9-1946 để cho Pháp tái tục các hoạt động kinh tế, tài chính, giao thông, văn hóa trên toàn quốc Việt Nam.
Quân Pháp đến Bắc Kỳ càng ngày càng đông. Sau những cuộc đụng độ giữa lực lượng hai bên, Pháp yêu câu VM đặt Hà Nội dưới quyền kiểm soát của người Pháp. Lo ngại bị bắt, HCM cùng VM và đảng CSĐD quyết định tấn công Pháp tối 19-12-1946, nhằm tạo lý do chính đáng để lãnh đạo CS trốn khỏi Hà Nội. Thế là chiến tranh bùng nổ. Đây là chiến tranh giữa đảng CSĐD với Pháp chứ không phải giữa dân tộc Việt Nam với Pháp.
Những biến chuyển chính trị
Trong khi đánh nhau với Pháp, đảng CSĐD tiếp tục chủ trương “giết tiềm lực”, nghĩa là tiêu diệt tất cả những thành phần không theo VMCS. Vì vậy, những người theo chủ nghĩa dân tộc quy tụ chung quanh cựu hoàng Bảo Đại, tạm thời liên kết với Pháp để chống lại VMCS.
Sau nhiều cuộc vận động chính trị, đại diện các giới cầm quyền Việt Nam tại ba miền Bắc, Trung và Nam Bộ trong vùng không do VM kiểm soát, đại diện các đảng phái, các đoàn thể chính trị, tham dự hội nghị từ ngày 20-5-1948 tại Sài Gòn, cùng bầu thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng chính phủ trung ương lâm thời. Hội đồng tổng trưởng Trung ương Lâm thời do Nguyễn Văn Xuân điều khiển, chính thức thành lập ngày 1-6-1948, với sự đồng ý của cựu hoàng Bảo Đại.
Theo đề nghị của cao ủy Pháp tại Đông Dương là Émile Bollaert, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân cùng đại diện ba miền là Nghiêm Xuân Thiện, Đặng Hữu Chí (Bắc Việt), Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn, Đinh Xuân Quảng, (Trung Việt), và Trần Văn Hữu, Lê Văn Hoạch (Nam Việt) đến vịnh Hạ Long hội họp dưới sự chứng kiến của cựu hoàng Bảo Đại, và đi đến thỏa ước ngày 5-6-1948, theo đó: Pháp công nhận Việt Nam độc lập, tự do thực hiện nền thống nhất của mình; ngược lại Việt Nam cam kết tôn trọng mọi quyền hạn và quyền lợi của Pháp, các căn bản dân chủ... Chính phủ, Pháp và chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thương thuyết các vấn đề ngoại giao, kinh tế, tài chánh, chuyên môn...
Trong khi chính giới ở Paris cũng như Sài Gòn đang tìm kiếm một lối thoát chính trị, thì một yếu tố mới xuất hiện. Tình hình Trung Hoa biến chuyển một cách bất lợi cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Mao Trạch Đông càng ngày càng thắng thế. Lâm Bưu mở cuộc tổng phản công và chiếm Bắc Kinh ngày 1-2-1949. Trước đó, Tưởng Giới Thạch từ chức tổng thống Trung Hoa Dân Quốc ngày 21-1-1949, rồi di tản qua hải đảo Đài Loan ngày hôm sau. Lý Tôn Nhơn lên tạm quyền chức vụ nầy.
Tại Hoa Kỳ, Harry Truman tái đắc cử tổng thống ngày 2-11-1948, nhiệm kỳ 1949-1953. Trước sự thành công của cộng sản Trung Hoa, Hoa Kỳ tỏ ra quan ngại đến tình hình Đông Dương. Do đó, tuy trước kia không ủng hộ Bảo Đại, nhưng ngày 17-1-1949 bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gởi công điện cho đại sứ Pháp tại Washington DC, khuyến cáo Pháp nên đi đến một thỏa thuận với Bảo Đại hay bất cứ một nhóm “quốc gia chân chính” nào khác.
Báo Le Monde (Paris) số ngày 3-2-1949 tiết lộ rằng bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu thủ tướng Pháp “giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách thiết lập một chính phủ quốc gia; và Bảo Đại có vẻ đủ khả năng chận đứng sự xâm nhập của chủ thuyết cộng sản vào Đông Dương”. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975, tập B: 1947-1954, Houston: Nxb Văn Hóa, 1997, tr. 116.)
Hiệp định ÉLYSÉE (8-3-1949)
Do những thay đổi ở Trung Hoa và nhất là do sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, cuộc thảo luận giữa chính phủ Pháp và Bảo Đại được khai thông nhanh chóng. Ngày 12-2-1949, một Hội đồng hỗn hợp Pháp Việt được thành lập và làm việc đến ngày 28-2-1949 thì kết thúc.
Sau khi lãnh đạo hai phía xem xét lại kết quả, ngày 8-3-1949, cựu hoàng Bảo Đại đến điện Élysée, nơi đặt văn phòng tổng thống Pháp ở thủ đô Paris, ký kết hiệp định với tổng thống Pháp là Vincent Auriol. Vì vậy hiệp định nầy thường được gọi là hiệp định Élysée, gồm có ba văn kiện: 1) Văn thư của tổng thống Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Liên Hiệp Pháp, gởi hoàng đế Bảo Đại, nói về các vấn đề thống nhất, ngoại giao, nội chính, tư pháp, văn hóa, quân sự, kinh tế, tài chánh của nước Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp. 2) Văn thư của hoàng đế Bảo Đại gởi tổng thống Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Liên Hiệp Pháp, xác nhận đã tiếp nhận và đồng ý về nội dung của văn thư trên. 3) Văn thư của tổng thống Cộng hòa Pháp gởi hoàng đế Bảo Đại bổ túc thêm, theo lời yêu cầu của Bảo Đại, các điểm liên hệ đến vấn đề thống nhất của Việt Nam và vấn đề ngoại giao, nhất là việc trao đổi đại sứ.
Trong cả ba văn kiện trên, người Pháp gọi quốc hiệu Việt Nam như dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim. Người Pháp cần một giải pháp chính trị để giải quyết tình hình Việt Nam. Pháp buộc lòng phải ký hiệp định Élysée, nhưng không lẽ tổng thống Pháp kiêm chủ tịch Liên Hiệp Pháp, lại ký kết văn bản với một người không có chức vụ tương xứng? Do đó, Pháp mới trở lại danh xưng “hoàng đế”, để giữ thế cân đối chính trị giữa hai bên trước mặt quốc tế. Vì vậy, người Pháp gọi cựu hoàng Bảo Đại là hoàng đế, thật sự chỉ có tính cách tượng trưng.
Với hiệp định Élysée, chính phủ Pháp chính thức giải kết hiệp ước bảo hộ 1884. Hiệp ước bảo hộ năm 1884 hết sức bất bình đẳng, đã được ký kết ngày 6-6-1884, dưới triều vua Kiến Phúc (trị vì 1883-1884). Tuy nhiên, hiệp ước 1884 chỉ đề cập đến vùng lãnh thổ từ tỉnh Bình Thuận trở ra Bắc, tức là Trung và Bắc Kỳ mà thôi. Còn Nam Kỳ là đất đã được nhượng đứt cho Pháp từ năm 1874, dưới triều vua Tự Đức (trị vì 1848-1883), nên vẫn còn được xem là lãnh thổ của Pháp. Cuộc thương thuyết về Nam Kỳ tiếp tục thêm một thời gian, để đưa đến việc tái thống nhất hoàn toàn đất nước Việt Nam
Phản đối của cộng sản và thực dân
Phản đối mạnh mẽ trước việc ký kết hiệp định Élysée giữa Vincent Auriol và Bảo Đại là HCM. Trả lời phỏng vấn ngày 3-4-1949 của Dân Quốc Nhật Báo [một báo của Trung Hoa lúc đó], HCM nói: “...Đó chỉ là một tờ giấy lộn. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai... Vĩnh Thụy cam tâm bán nước, đó là sự thực...” (Hồ Chí Minh toàn tập [tập] 5, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tr. 1050.)
Hồ Chí Minh kết án Bảo Đại bán nước khi ký hiệp định Élysée. Nhớ lại điều 1 thỏa ước Sơ bộ ngày 6-3-1946 giữa HCM và Sainteny, nói rằng Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre) trong Liên Bang Đông Dương và trong LHP. Hiệp định Élysée cũng thừa nhận Việt Nam độc lập trong LHP. Theo điều 2 của thỏa ước Sơ bộ, Việt Nam (VM) sẵn sàng tiếp đón quân Pháp đến thay thế quân Trung Hoa để giải giáp quân Nhật, nghĩa là HCM chính thức đồng ý việc Pháp trở lại Việt Nam. Hồ Chí Minh còn ký Tạm ước (14-9-1946) để nhượng bộ Pháp. Trong khi đó, qua hiệp định Élysée, Bảo Đại tranh đấu để đem lại độc lập và thống nhất cho đất nước. Vậy việc ký kết các hiệp ước với Pháp giữa hai người, HCM và Bảo Đại, ai là kẻ thực sự bán nước?
Hiệp định Élysée bị các dân biểu cộng sản Pháp và các dân biểu thuộc đảng De Gaulle phản đối. Các dân biểu cộng sản Pháp, nằm trong hệ thống ĐTQTCS, dưới quyền của Liên Xô, lập đi lập lại một điệp khúc duy nhất là chỉ muốn chính phủ Pháp thương lượng với HCM. Các dân biểu thuộc đảng De Gaulle theo chủ trương thực dân cực đoan, muốn giữ thuộc địa Nam Việt lại cho nước Pháp và không bằng lòng về sự thống nhất Việt Nam. Các dân biểu nầy viện dẫn một điều luật trong hiến pháp ngày 27-10-1946 của nền Đệ tứ Cộng hòa Pháp, theo đó “không một ai có thể phạm vào sự sứt mẻ của lãnh thổ được.” (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nxb. Xuân Thu, 1990, tr. 334.)
Ngược lại, cựu hoàng Bảo Đại cương quyết đòi hỏi Pháp phải trả Nam Việt lại cho Việt Nam. Dầu hiệp định Élysée đã được ký kết, nhưng Pháp chưa trả Nam Việt về lại cho Việt Nam, thì cựu hoàng cũng chưa chịu lên đường về nước.
Một bà già nhìn xa
Điều đặc biệt là ý kiến trên đây của cựu hoàng Bảo Đại do một bà già đưa ra, đức Từ Cung, thân mẫu của cựu hoàng. Nguyên sau khi đạt được những thỏa thuận căn bản với Pháp, cựu hoàng Bảo Đại cử Phạm Văn Bính về Việt Nam thăm dò dư luận. Thủ tướng lâm thời Nguyễn Văn Xuân cùng các tổng trấn hội họp và quyết định mời cựu hoàng về nước. Tổng trấn Bắc Việt Nghiêm Xuân Thiện cho rằng cựu hoàng chưa nên về nước mà nên ở lại Paris thương thuyết dứt khoát về quy chế Việt Nam trong LHP rồi mới về, nhưng ông Thiện bị thiểu số.
Được hỏi ý kiến, mẹ của cựu hoàng là đức Từ Cung ở Huế cũng chủ trương là cựu hoàng Bảo Đại phải ở lại Pháp để thương lượng dứt khoát trước khi về Việt Nam. Bà cho mời Nghiêm Xuân Thiện đến Huế để tham khảo ý kiến. Đức Từ Cung cử cháu của bà là Nguyễn Xuân Quang, cầm thư riêng của bà sang Pháp dặn dò Bảo Đại. Sợ ở Huế, tổng trấn Phan Văn Giáo cản trở, nên bà nhờ Nghiêm Xuân Thiện giúp lo cho ông Quang đi qua Pháp. Được thư mẹ dặn dò, Bảo Đại càng cương quyết giải quyết cho xong chuyện Nam Kỳ mới về nước. (Bùi Nhung, Thối nát, Sài Gòn 1965, Xuân Thu tái bản, Houston: không đề năm, tt. 109-111.)
Thủ tục pháp lý đưa đến thống nhất Việt Nam
Nguyên dưới đời vua Tự Đức, toàn thể sáu tỉnh Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp sau hòa ước 15-3-1874. Vì vậy, sau hòa ước năm 1874, về phương diện hành chánh, biên giới phía nam nước Việt Nam chỉ đến tỉnh Bình Thuận, không có Nam Kỳ. Sau đó, Pháp bảo hộ Việt Nam bằng hòa ước ngày 6-6-1884. Hòa ước năm 1884 chỉ đề cập lãnh thổ Việt Nam từ Bình Thuận trở ra bắc mà thôi, vì Nam Kỳ đã là thuộc địa Pháp.
Năm 1945, sau khi đảo chánh lật đổ Pháp ở Đông Dương, Nhật Bản đồng ý trả miền Nam lại cho chính phủ Trần Trọng Kim. Chính phủ Trần Trọng Kim gọi Nam Kỳ là Nam Bộ (trong khi Pháp vẫn gọi là Nam Kỳ), nhưng việc trao trả chưa kịp thi hành, thì Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng ngày 14-8-1945. Việt Minh nổi lên chiếm quyền ngày 2-9-1945, nhưng VM không đủ sức bảo vệ Nam Bộ, khiến Nam Bộ lọt vào tay Pháp trở lại.
Tuy hiệp định Élysée ngày 8-3-1949 đã giải kết hiệp ước năm 1884, nhưng hiệp ước 1884 không bao gồm đất Nam Kỳ, vì Nam Kỳ đã là thuộc địa của Pháp từ năm 1874, nên vấn đề miền Nam vẫn chưa được giải quyết trong hiệp định Élysée. Cựu hoàng Bảo Đại cương quyết tiếp tục đòi hỏi tái thống nhất đất nước, nghĩa là Pháp phải trả Nam Kỳ lại cho Việt Nam. Lúc đó, vì nhu cầu cấp bách của tình hình, chính phủ Henri Queuille phải tiến hành thủ tục hiến định, để giao hoàn miền Nam cho Việt Nam.
Như trên đã dẫn, hiến pháp Đệ tứ Cộng Hòa Pháp ngày 27-10-1946 có điều quy định rằng “không một ai có thể phạm vào sự sứt mẻ của lãnh thổ được”, nhưng điều thứ 75 cũng của hiến pháp nầy lại ghi rằng “một phần lãnh thổ của Cộng Hòa Pháp hoặc Liên Hiệp Pháp có thể biến đổi do luật của quốc hội sau khi đã tham khảo ý kiến với Hội nghị địa phương và Hội đồng Liên Hiệp Pháp.” (Chính Đạo, sđd. tr. 123.) (Về các điều khoản nầy xin xem chương VIII, từ điều 60 đến điều 82, hiến pháp Đệ tứ CH Pháp.)
Do đó, để thực hiện hiệp định Élysée, trao trả miền Nam lại cho Việt Nam, ngày 11-3-1949 quốc hội Pháp biểu quyết chấp thuận thành lập “Hội đồng lãnh thổ Nam Kỳ”, và được chính phủ Pháp ban hành thành luật ngày 14-3-1949, để Hội đồng nầy quyết định về tương lai Nam Kỳ. Hội đồng nầy được bầu ra ngày 10-4-1949 tại Nam Kỳ, gồm 50 thành viên.
Khi “Hội đồng lãnh thổ Nam Kỳ” bỏ phiếu lần thứ nhứt, kết quả bỏ phiếu về việc sáp nhập Nam Kỳ vào Việt Nam là 25-25, nghĩa là kết quả cân bằng giữa hai khuynh hướng. Hội đồng nầy phải bỏ phiếu lần thứ hai ngày 23-4-1949. Kết quả là 45 phiếu thuận và 5 phiếu chống. (Bảo Đại, sđd. tr. 345.) Như thế có nghĩa là Hội đồng Lãnh thổ Nam Kỳ đồng ý sáp nhập miền Nam về với Việt Nam. Kết quả nầy được chuyển về Quốc hội Pháp. Ngày 3-6-1949, quốc hội Pháp, chiếu theo kết quả cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Lãnh thổ Nam Kỳ ngày 23-4-1949, chấp thuận việc sáp nhập Nam Kỳ vào Việt Nam.
Ngày 4-6-1949, tổng thống Pháp Vincent Auriol ban hành luật công nhận Việt Nam thống nhất, gồm cà Bắc, Trung và Nam Việt, trong khi bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gởi điện chúc mừng Pháp về hiệp định Élysée. Đây là lần đầu tiên Pháp thừa nhận trả Nam Kỳ lại cho Việt Nam và Việt Nam chính thức tái thống nhất.
Cần chú ý là khi Hồ Chí Minh ký thỏa ước Sơ bộ ngày 6-3-1946 tại Hà Nội với Jean Sainteny, thì Jean Cédile, đại diện Pháp tại nam Đông Dương, tuyên bố rằng thỏa ước nầy chỉ có giá trị ở miền bắc, và không có giá trị ở miền nam vĩ tuyến 16. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975, tập A: 1939-1946, Houston: Nxb Văn Hóa, 1996, tr. 319.) Điều đó có nghĩa là lúc đó, Pháp chưa chịu để miền Nam tái sáp nhập vào Việt Nam, hay nói cách khác là Hồ Chí Minh chưa thống nhất được đất nước. Ngược lại, cựu hoàng Bảo Đại đã theo đúng thủ tục pháp lý đỏi hỏi độc lập cho Việt Nam và đem miền Nam Việt Nam trở về với tổ quốc thiêng liêng. Quốc hội Pháp phải thừa nhận việc nầy.
Trong thế kỷ 19, Pháp theo tiến trình hai bậc, từ địa phương đến trung ương: 1) Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa theo hai hiệp ước ngày 5-6-1862 và ngày 15-3-1974. 2) Sau đó, Pháp bảo hộ Việt Nam (lúc đó chỉ tử Bắc Kỳ vào Bình Thuận) bằng hiệp ước ngày 6-6-1884.
Vào thế kỷ 20, cựu hoàng Bảo Đại cũng đi theo tiến trình hai bậc, nhưng ngược lại từ trung ương xuống địa phương: 1) Cựu hoàng Bảo Đại ký với tổng thống Pháp Vincent Auriol hiệp định Élýsée ngày 8-3-1949 giải kết hiệp ước ngày 6-6-1884 (trung ương). Từ đây Việt Nam không còn bị Pháp bảo hộ mà trở thành một nước độc lập trong LHP. 2) Sau đó, cựu hoàng Bảo Đại tiếp tục đòi hỏi thủ tục pháp lý ở tại Nam Kỳ và trước quốc hội Pháp, giải kết các hiệp ước 1862 và 1874, đưa Nam Kỳ trở về với lãnh thổ Việt Nam (địa phương).
Ngày 3-6-1949, quốc hội Pháp chấp thuận kết quả ngày 23-4-1949 của Hội đồng lãnh thổ Nam Kỳ, và hôm sau ngày 4-6-1949 tổng thống Pháp Vincent Auriol ban hành luật công nhận Việt Nam thống nhất. Cuộc trao đổi văn kiện về hiệp định Élysée diễn ra tại tòa đô sảnh Sài Gòn ngày 14-6-1949 giữa cựu hoàng Bảo Đại và cao ủy Pháp tại Đông Dương Léon Pignon. Ngày nầy được xem là ngày thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam.
Trong lời hiệu triệu gởi quốc dân Việt Nam đọc trong buổi lễ nầy, cựu hoàng tuyên bố từ nay Việt Nam hoàn toàn độc lập, và cựu hoàng tạm cầm quyền cho đến khi tổ chức tổng tuyển cử. (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua: Việc từng ngày (1945-1964), Xuân Thu, California, tái bản không đề năm, tr. 55.) Quốc kỳ Việt Nam (cờ vàng ba sọc đỏ) được treo trước Tòa đô sảnh. Riêng hiệp định Élysée, cho đến ngày 2-2-1950, tức gần một năm sau ngày ký, quốc hội Pháp mới biểu quyết phê chuẩn.
Kết luận
Người Pháp đã cướp Nam Kỳ và áp lực triều đình Huế do vua Tự Đức đứng đầu, phải ký hiệp ước nhượng đứt Nam Kỳ cho Pháp năm 1874. Ba phần tư thế kỷ sau, tức 75 năm sau, cựu hoàng Bảo Đại, hậu duệ của vua Tự Đức, đã tận dụng hoàn cảnh, vận động Pháp trả Nam Kỳ trở về Việt Nam năm 1949, bằng những thủ tục hiến định rất cụ thể mà không ai có thể tranh cãi được.
Tuy nhiên, nói rằng Pháp trao trả độc lập và thống nhứt cho Việt Nam, nhưng thật sự rất chậm chạp. Các cơ quan hành chánh, tài chánh, quân sự vẫn còn thuộc quyền của Pháp trong thời gian chuyển tiếp. Thực quyền của cựu hoàng Bảo Đại lúc nầy có thể rộng hơn khi ông làm vua trước năm 1945, nhưng cũng còn giới hạn. Bảo Đại không có một đảng phái riêng, hoặc một đội ngũ nhân sự để làm tham mưu cho ông. Những người cộng tác chung quanh cựu hoàng đều là những người do Pháp tuyển chọn trước đây. Vì vậy, tất cả những hành động của cựu hoàng đều bị Pháp theo dõi.
Chính thể QGVN là một lối thoát cho những nhà hoạt động chính trị dân tộc và cho những người dân không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Từ đây (1949), dân chúng bỏ vùng VM, hồi cư về thành phố để sinh sống dưới chế độ Quốc Gia càng ngày càng đông. (Trích: Bảo Đại (1913-1997), Toronto, 2014.)
(Toronto, Canada)