Lý do viết bài: phản biện “báo Thanh Niên”
Cả thế giới đang cùng chia buồn, ghi nhận cống hiến lớn lao và ca ngợi sự nghiệp của ông Lý Quang Diệu không chỉ cho đất nước Singapore mà cả khu vực Đông Nam Á, ngay sau khi ông từ trần ngày 23/3 vừa qua, thọ 91 tuổi.
Cá nhân tôi cũng ngưỡng mộ ông Lý Quang Diệu, và tin ông hoàn toàn xứng đáng với sự ca ngợi đó, mà tôi đặc biệt thích và nhất trí với đánh giá cao và ngắn gọn của Tổng thống Obama: “Lý Quang Diệu là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, tận tâm và xuất sắc.” - một nhà lãnh đạo quốc gia có tầm, có tâm và có kết quả xuất sắc ở phạm vi quốc gia - còn có thể nói gì và mong gì hơn thế?
Thế nhưng, báo Thanh Niên của CSVN lại có bài “Ông Lý Quang Diệu, Singapore và Việt Nam” có vẻ như cũng “ca ngợi” ông, nhưng thực ra thì họ đã làm ba việc rất lưu manh: chỉ nói một nửa hay một phần nhỏ sự thật, qua đó hạ thấp và bêu xấu ông Lý Quang Diệu, và tranh công gây dựng quan hệ Việt- Sing hoàn toàn cho ông Võ Văn Kiệt và CSVN.
Tôi thấy đó là cách làm báo rất lưu manh của báo Thanh Niên, mà nhà báo trẻ Đoan Trang gọi là bất lương khi nói về cách làm báo như thế của TTXVN, và tôi thấy cách làm đó được Thanh Niên áp dụng nhân chính đám tang của đối tượng là ông Lý Quang Diệu, thì nó càng lưu manh, bẩn thỉu và hèn hạ kiểu cộng sản hơn - không thể chấp nhận được với tư cách con người bình thường chứ chưa nói người nhà báo (hèn chi tác giả phải giấu tên). Đó là lý do tôi viết bài này, để làm rõ các luận điểm gian trá của tác giả “vô danh” Thanh Niên, dù thực sự ông Lý Quang Diệu không phải thần tượng chính trị gia của tôi.
(Cơ sở quan điểm của tôi: Đã có nhiều năm làm việc liên tục hay đi lại thường xuyên ở Singapore từ 1986 đến 2007 và rất quan tâm đến lịch sử, thời sự chính trị kinh tế và xã hội của đảo quốc, tôi có nhiều bạn bè (một số là bạn thân) người Hoa, người Ấn và người Malay là công dân Singapore, và tôi bắt đầu biết đến và quan tâm đến ông Lý Quang Diệu và Singapore từ khoảng 1976 khi còn đang học đại học ở Châu Âu... cho đến hiện nay).
Những phần thiếu của sự thật và đằng sau quan hệ Việt-Sing là gì?
Tác giả “báo Thanh Niên” của bài viết trên đã nêu ra ba ý chính là: Singapore đã trục lợi lớn từ chiến tranh Việt Nam 1964-1975 và nhờ đó vươn lên; Singapore và Việt Nam nghi ngờ và xa lánh nhau từ 1975 đến 1990 là do Lý Quang Diệu; và: Singapore cùng Việt Nam phá băng và làm bạn từ 1990 là nhờ ông Võ Văn Kiệt đến gặp Lý Quang Diệu tháng 2/1990 ở Davos, Thụy Sĩ...
Có đúng vậy không? Tôi cho là hoàn toàn không phải thế. Và tôi xin nói rõ từng điểm ở đây.
Singapore lợi dụng và trục lợi từ chiến tranh Việt Nam 1965-1975 để vươn lên? Sic!
Đó là quan điểm công khai của CSVN nhồi nhét cho đám sinh viên du học chúng tôi từ 1976 khi nói về nước Singapore nhỏ bé mới thành lập từ 1959, một hòn đảo nhỏ tách ra từ Malaysia. rồi. Nhưng vì ở Châu Âu, ngay lập tức tôi thấy có hai điều mâu thuẫn: 1) Tại sao thế giới để ý và khen ngợi Singapore và thủ tướng Lý Quang Diệu ngày càng nhiều thế? 2) Tại sao dù chửi bới Singapore thế mà các sứ quán VN ở Đống Âu thời đó lại có nhiều mạng lưới gom tiền của người Việt gửi sang Singapore mua hàng hóa và xe máy Nhật (cũ và mới) để gửi về VN thế..., mà không gom rúp mua đồ của LX gửi về như trước? Hóa ra, mua đồ ở Sing không chỉ tốt và rẻ (đồ Nhật) mà môi trường thương mại ở Sing vô cùng lý tưởng: thân thiện và nhân bản với mọi người mua có tiền (đôla) – không như ở Đông Âu và LX mà việc có tiền (đôla) gần ngang như có tội phạm pháp, sẽ vừa bị cướp ngay, và vừa bị bỏ tù...
Một thằng bạn tôi, học quân sự, nay là tướng rồi, rủ tôi góp tiền mua đôla tham gia đường dây buôn lậu đó của Sứ quán (chỉ vì nó quí tôi) nhưng tôi không có tiền và cũng chả có ý định buôn bán gì… Nhưng tôi quan tâm đến Singapore và Lý Quang Diệu từ đó, tôi bắt đầu các câu hỏi cái gì và tại sao về đảo quốc này và con người ở đấy.
Về nước đầu những năm 80s, vài tháng sau tôi được phân công ngay sang Sing công tác dài hạn vì chuyên môn của mình, và tôi có dịp tìm hiểu về Lý Quang Diệu và Singapore gần hơn, từ bên trong.
Tôi thấy các nước được lợi kinh tế ít nhiều từ việc Mỹ tham chiến ở VN phải là Thái Lan và Philippines, thì hình như họ bị nhiễm bệnh mặt trái của đồng tiền đó là lệ thuộc và mất chủ động. Còn Singapore lựa chọn dựa vào Mỹ để được lợi về chính trị và quân sự lâu dài để có thể đứng trong Asean lúc đó là chính - vì Singapore phải cảnh giác với ba đối thủ: cánh tả người Hoa trong nước, Malaysia, Indonesia (hai nước luôn muốn nuốt chửng Sing khi có cơ hội). Về kinh tế, Sing vươn lên hoàn toàn không nhờ (hậu cần cho) quân đội Mỹ, mà nhờ khai thác ba điều: vị trí của Sing có cảng biển yết hầu, thương mại du lịch cùng đầu tư nước ngoài, và sức sáng tạo kinh doanh của dân Singapore được chính phủ hỗ trợ, khuyến khích. Công nghiệp khác duy nhất Sing phát triển được là đóng tàu thì chỉ nhờ có Nhật.
Điều quan trọng là từ 1965 ông Lý Quang Diệu và đảng PAP đã chọn liên minh chiến lược với Mỹ là nền tảng cơ bản của mọi chính sánh của đảo quốc cho đến hiện nay vẫn thế. Có thể nói, xương sống của sự thình vượng Sing 50 năm qua (ngoài yếu tố Lý Quang Diệu) là dựa trên quan hệ liên minh chiến lược của PAP/Sing với Mỹ đó. Với nước Anh thì Singapore vẫn ở trong khối Thịnh vượng từ đầu như Úc, New Zealand... và dường như thế là đủ.
Chỉ có những kẻ ngu đốt, thiển cận và bẩn tính như lãnh đạo CSVN mới nghĩ đến những món lợi cỏn con do Sing cung cấp xăng đầu cho quan đội Mỹ ở quân cảng Sembawang và Jurong (nay chỉ còn Sembawang có quân đội Mỹ).
Tôi đã luôn tự hỏi, họ là một nước nhỏ, rất nhỏ, mà sao họ có sự tự tin của một người khổng lồ vậy? Và tôi tìm thấy câu trả lời khi đứng trước ba “thứ”: Tòa nhà Quốc hội Sing bên vịnh Marina do người Anh để lại mà ở đó họ áp dụng bộ luật của nước Anh cho đảo quốc, Doanh trại quân đội Mỹ rất kín đáo trên đường Admiralty, và Chương trình TV truyền trực tiếp các cuộc thảo luận của Quốc hội Sing mà ở đó nghị sĩ từ ba sắc tộc Hoa, Malay, Ân tranh luận căng thẳng mọi vấn đề nhỏ nhất của xã hội bàng tiếng tiếng Anh còn rất “singlish”.
Không phải bán xăng dầu cho quân đội Mỹ giúp Sing thịnh vượng lên lúc ban đầu, mà sự liên minh bền chặt và trung thành tin tưởng tuyệt đối với nước Mỹ, việc tổ chức xã hội văn minh nghiêm túc theo Luật của UK, và việc dùng tiếng Anh là quốc ngữ và ngôn ngũ chính trong giáo dục… của ông Lý Quang Diệu và Singapore đã giúp họ thịnh vượng bền vững như ngày nay. Đó là điều tôi thây, tôi hiểu ra. Hai kẻ kiếm bộn tiền từ Mỹ những năm 1964-1975 là Thái và Phi thì không thịnh vượng vì không có đủ cả ba điều cơ bản như thế…
Singapore và Lý Quang Diệu nghi ngờ và xa lánh Việt Nam sau 1975? Sic!!
Sau 1975 cả thế giới đã ngỡ ngàng rồi ghẽ lạnh và xa lánh Việt Nam như tổ hủi, bởi CSVN hành xử tàn bạo với người “thua cuộc” cùng dân tộc Việt mình là người dân miền Nam. Họ đã phải hạ súng đầu hàng trước sự tàn bạo của cuộc chiến cướp chiếm VNCH của CSVN - mà vẫn bị tàn sát hàng mấy chục năm sau trong các trại tù cải tạo, khiến hàng triệu người Việt phải bỏ nước vượt biển ra đi. CSVN đã thành tên tiểu bá ngang tàng sau 1975 đánh chiếm và ở lại Campuchia hàng chục năm.
Singapore vì thế không phải nước duy nhất không thân thiện với Việt Nam được sau 1975. Nhất là Singapore với Lý Quang Diệu là người đã cùng những kẻ thiên tả lập nên đảng PAP và đã phải gian nan với cộng sản thế nào những năm đầu lập nước.
Tôi đã ở Sing những năm đó và vô tình gặp hai người Việt (trẻ, một nam một nữ) vượt biên, trên phố vì tôi nghe họ nói tiếng Việt với nhau, và đã đến làm quen. Họ rất sợ tôi và sợ cả chính quyền Sing nếu biết họ đã gặp tôi. Tôi có năn nỉ được theo họ về đến nới họ sống trong trại tị nạn, nhưng không được vào thăm. Tôi hẹn họ lần sau nhưng cũng không bao giờ gặp họ nữa. Tôi có thể hiểu họ sự tôi vì sao, nhưng tại sao họ sợ cả người Sing đến thế? Chính quyền Sing đối xử với họ thế nào? Tôi mang việc này hỏi mấy người bạn Sing thì họ nói: Nước Sing bé (không như Malay hay Indo, Phil), nên chính phủ Sing sợ cộng sản VN nhân dịp thuyền nhân sẽ cài người theo làm loạn hay làm đỏ Singapore vì cộng sản Việt nam đang rất hăng máu “tiểu bá”. Tôi nghĩ thầm: “Rất đúng!” Và hỏi lại: “Có phải ông Lý Quang Diệu biết rõ vụ năm 1954 cộng sản đã cài người di tản vào Nam và rất nhiều trong số cộng sản nằm vùng đó đã leo cao trong VNCH giúp cho cộng sản bắc Việt thắng năm 1975?” Bạn tôi nói bí hiểm: “Lý Quang Diệu biết rất nhiều về cộng sản VN, nên ông dễ dàng thuyết phục Quốc hội Sing không tiếp nhận thuyền nhân Việt...” Khi tôi tỏ ý tiếc rẻ vì đã không xem được buổi tranh luận về thuyền nhân Việt đó của Nghị viện Sing trên TV, thì bạn tôi nói là buổi tranh luận và biểu quyết đó không được công khai trên TV.
Có thể nói, Lý Quang Diệu và Singapore những năm 1975-1985 biết rõ VN là thứ cộng sản gì, nên họ sợ mà không dám tiếp nhận thuyền nhân Việt, những họ vẫn chìa tay ra để làm ăn với Việt cộng (vì rất rất có lợi!), nhưng với cả thế giới họ đều làm thế cơ mà.
Một trong người hăng hái đến làm ăn ở Sing nhất chính là sư phụ “cha” của CSVN, đó là cộng sản Nga sô, trước khi sụp đổ. Chính Nga sô đã kéo CSVN đến Sing mua bán làm ăn để “vượt qua” sự cấm vận kinh tế của Mỹ lên Việt Nam. Những năm 80s chính ngân hàng Quốc gia Nga - Narodnyi đã có văn phòng lớn và làm ăn nhộn nhịp ở Sing và kéo VN sang vì Narodnyi là ngân hàng ngoại duy nhất những năm đó VN có thể cho VN vay tiền (rúp) và cùng giao thương. Việt Nam vay rúp của Nga để có đô la để mua những thiết bị dầu khí đầu tiên của tư bản Âu Mỹ ở Sing, nhưng vẫn phải để tên chủ sở hữu là Nga sô để tránh cấm vận của Mỹ. Và người Singapore đã giúp CSVN và CS Nga làm việc đó… Tôi nghĩ là người Mỹ biết rõ việc đó (qua người Singapore) nhưng họ lờ đi thôi. Thực sự thì người Nga và người Việt đã làm ăn lớn với tư bản ở Singapore trước 1990 rất nhiều (hàng chục năm, vì dụ: vụ mua hai tầu dịch vụ của Na Uy năm 1984, vụ mua và đóng giàn khoan tự nâng “cho Nga” tên là Ekhabi ở xưởng Keppel-Fels năm 1986, sau đổi tên thành giàn Tam Đảo của VN trị giá trên 110 triệu đôla Sing.)
Tóm lại, cả thế giới ghẻ lạnh Việt Nam thời gian này nhưng Lý Quang Diệu và Singapore là quốc gia rất thực dụng nên vẫn thân thiện làm ăn với VN đó chứ! Chỉ có CSVN tự trói mình mà thôi.
Võ văn Kiệt “phá băng” quan hệ Việt-Sing từ 1990? Không hề...
Phải nói, kẻ “phá băng” là bà Cầm, tiến sĩ Hóa lý bách khoa Hà Nội, vợ trẻ của ông Kiệt, kia. Bà Cầm sang Singapore “làm ăn” từ năm 1988 (mà tôi và Phòng Thương mại VN ở số 10 Ledon Park đã phải “hân hạnh tiếp đón”). Rất tiếc là tôi không được dự tất cả các meetings của bà Cầm mà khi đó mang hơi hướng đi buôn lậu nhiều hơn nên tôi không quan tâm lắm. Tôi nghĩ có lẽ anh Lương văn Tự, (người sau này là Thứ trưởng Bộ TM, phó đoàn đàm phán WTO của VN, và hy vọng đang có mặt trong đoàn đàm phán TPP) biết rõ mục đích và kết quả chuyến đi của bà Cầm.
Quan hệ kinh tế Việt-Sing đã phát triển và có nền tảng từ đầu những năm 80s và theo tôi đó là do công của bốn bên: Nước Nga đang biết mình sắp chết về kinh tế và tìm đường thoát ở các khu vực kinh tế mới như Singapore; các đơn vị kinh tế VN lúc đó phải tự phá rào tìm mọi cách để khỏi chất đói nên theo Nga sang Sing rất đông; người Sing với chính sách của Lý Quang Diệu là trở thành trung tâm kinh tế, kỹ thuật, tài chính hội tụ cả thế giới về Sing cho các nước Asean đến, hay họ (người Sing) sẽ mang kinh tế, kỹ thuật, tài chính của cả thế giới đến cho từng nước trong Asean; và bên thứ tư đứng sau lặng lẽ là Mỹ và Eu... quan sát, ủng hộ và kiểm soát.
Vai trò duy nhất và xuyên suốt của CSVN trong quá trình trên là cản trở và phá hoại nó, cho đến khi không thể làm thế được nữa, mà thôi.
Tháng 2/1990 Võ Văn Kiệt gặp Lý Quang Diệu nhờ cố vấn chỉ là động tác vuốt đuôi của một thực tế đã xảy ra từ lâu, nay được hợp thức hóa và chính thức hóa gọi là hợp tác kinh tế Việt-Sing mà thôi. Võ Văn Kiệt, cũng như toàn bộ các thế hệ lãnh đạo của CSVN, không bào giờ khai thông được một điều gì, nhất là về các chính sách kinh tế, họ chỉ chạy sau và kéo lùi thực tế và lịch sử cho đến khi bị lịch sử kéo tuột đi mà thôi. Khi đó họ sẽ hét toáng lên là họ “làm ra lịch sử!”. Võ Văn Kiệt với đổi mới 1990 là vậy, và Trường Chinh với Khoán 10 trước đó cũng thế, và nay thì họ trói buộc chân tay thị trường tự do để gắn đuôi “định nhướng XHCN” cũng là vậy …
Ông Lý Quang Diệu và Singapore như tôi biết
Cả thế giới đã ca ngợi ông Lý rất đầy đủ (và hơi quá nhiều) rồi, tôi không thể bổ sung gì hơn và khác. Tôi chỉ muốn nhân dịp này nói một vài ý của cá nhân về ông.
Chính ông Lý Quang Diệu và những công dân Singapore người gốc Hoa mà tôi được làm việc cùng từ những năm 80 đó đã làm tôi nhận ra vài điều rất quan trọng.
Đó là, một quốc gía dù nhỏ bé như Singapore nhưng biết chọn bạn mà chơi và biết chơi (trung thực! - không đu dây!) với bạn thì cũng thành cường quốc được; Lý Quang Diệu và Singapore đã biết trèo lên vai những người khổng lồ với tư cách một nguyên thủ, một quốc gia.
Đó là, một xã hội có người lãnh đạo do dân chọn và thực sự vì dân vì nước, có luật pháp và văn hóa tiến bộ của phương tây, thì cũng đã đủ để vươn lên Thịnh vượng. Lý Quang Diệu và Singapore đã biết tạo nên một phiên bản xã hội dân chủ có lẽ là phù hợp nhất cho một quốc gia nhỏ phải sống giữa những đại cường hung hăng, giống như Israel giữa thế giới Arập Hồi giáo vậy - và khai thác được điều bất lợi đó cho mình.
Và đó là, người Trung hoa với văn hóa phương Tây, khi chia nhỏ (hay ở xa) có thể tạo nên một xã hội hài hòa năng động và sáng tạo với khả năng kinh doanh Do thái, dù ở khía cạnh thực tế của nó. Singapore trở thành một lời giải đáp cho vấn đề Trung Hoa bá chủ. Nếu Trung hoa được dân chủ hóa và chia nhỏ thành nhiều quốc gia không nhỏ, thì trung hoa sẽ không (hoặc bớt) là mối hiểm họa cho thế giới!
Đó là ba bông hoa nhỏ của tôi xin viếng tặng và ghi nhận công hiến lớn lao của Ông.