Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Úc tố cáo Nguyễn Tấn Dũng và chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng! - Dân Làm Báo

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Úc tố cáo Nguyễn Tấn Dũng và chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng!

Bài viết của bà Elaine Pearson, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Úc, đăng trên báo The Guardian. 

Elaine Pearson * Ngoc Nhi Nguyen (Danlambao) dịch - Ông Abbott có thói quen khen ngợi các chính quyền độc tài. Liệu có đối xử khác với Việt Nam? 

Khi Thủ tướng Úc ông Tony Abbott gặp gỡ đối tác Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng tại Canberra tuần này, ông sẽ chỉ đơn giản ca ngợi những tiến bộ kinh tế của Việt Nam trong khi vẫn im lặng về tình trạng nhân quyền tồi tệ của nước này chăng? Rất có khả năng là như vậy. Vì từ trước đến nay, chính phủ Úc có thói quen khen ngợi các quốc gia như Campuchia, Sri Lanka và Trung Quốc là "người bạn tốt" của Úc trong khi bỏ qua tình trạng nhân quyền tồi tệ của họ.

Elaine Pearson
"Những người bạn" đó của chúng ta không nên được bỏ qua quá dễ dàng như vậy. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia cộng sản độc đảng còn lại của thế giới. Trong 9 năm, Dũng đã giám sát việc đàn áp các quyền tự do cơ bản, kiểm duyệt phổ biến thông tin đại chúng, và kiểm soát tôn giáo. Hơn 100 tù nhân chính trị hiện vẫn đang ngồi tù tại Việt Nam.

Trong tù là những phụ nữ như cô Hồ Thị Bích Khương, 48 tuổi, một blogger và nhà hoạt động giữ đất, người đã tiếp xúc và thấu hiểu sự đau khổ của nông dân bị cướp mất đất, cho thấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam là trên xương máu của những nạn nhân vô hình này. Các nhà chức trách Việt Nam đã phản ứng với những nỗ lực của cô Khương bằng cách đàn áp và bắt bớ truy tố: cô đã phải nhiều lần vào tù ra khám, và hiện đang thụ án tù 5 năm cho "Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Một phụ nữ khác bị bắt giam là cô Mai Thị Dung, một nhà hoạt động Phật giáo. Chính phủ Việt Nam thường xuyên theo dõi và quấy rối các nhóm tôn giáo hoạt động ngoài định hướng của chính phủ. Nhóm Phật giáo Hòa Hảo độc lập của cô đã phải đối mặt với công an giám sát, xâm nhập và đe dọa. Các bản án của tòa qui kết cho cô tổng cộng tới 11 năm tù giam vì vai trò đấu tranh của cô trong các cuộc biểu tình của Phật giáo Hòa Hảo.

Chính phủ Úc cũng biết rõ các vấn đề khó khăn nguy hiểm mà các nhà hoạt động phải đối mặt như thế này. Úc đã từng đề cập đến các trường hợp tù nhân chính trị trong các diễn đàn như tại cuộc đối thoại nhân quyền Úc-Việt hàng năm. Nhưng những cuộc thảo luận kín giữa các quan chức cấp trung phần lớn chỉ là một sự trình diễn.

Thật vậy, như một sự sỉ nhục rất lớn đối với tinh thần của cuộc đối thoại nhân quyền, năm ngoái chính quyền Việt Nam đã ngăn cản một số nhà hoạt động nhân quyền tham gia một hội thảo về tự do báo chí mà chính chính phủ Úc đã góp phần tổ chức.

Cuộc đối thoại lần này, như cuộc đối thoại nhân quyền khác của Úc với Trung Quốc và Lào, khó tạo sự tin tưởng vì thiếu tính minh bạch về những gì đang thực sự được thảo luận, và là một thất bại về việc cung cấp các tiêu chuẩn công rõ ràng để đo lường thế nào là tiến bộ đáng kể về nhân quyền.

Việc đã có những buổi đối thoại (về nhân quyền) như vậy không có nghĩa là ông Abbott và bà Julie Bishop, cùng các bộ trưởng ngoại giao, nên né tránh những cơ hội đưa ra vấn đề này với Thủ tướng Dũng trong chuyến viếng thăm của ông. Ông Abbott đã nói rất nhiều về tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận ở Úc. Người dân Việt Nam đang rất cần những quyền tự do đó, đã bị chà đạp bởi chính phủ Việt Nam.

Ở bất kỳ phương diện nào thì Việt Nam đã có rất ít hoặc không có sự tiến bộ nào về các vấn đề như tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, với những người chỉ trích chính phủ chắc chắn phải kết thúc trong tù vì sự bất đồng quan điểm của họ. Nếu các nhà lãnh đạo Úc không tiếp theo các cuộc thảo luận riêng (với các lãnh đạo Việt Nam) bằng những tuyên bố công khai về các vấn đề được nhiều người quan tâm, thì đó không chỉ là bỏ lỡ cơ hội, mà còn là một sự thất bại của nước Úc trong việc đấu tranh cho người Việt Nam đang còn bị đàn áp.

Đương nhiên nước Úc nên tìm cách có quan hệ tốt với các nước láng giềng. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là cần nâng cao mối quan tâm về quyền con người - vì nước Úc, là bạn bè của toàn bộ người dân Việt Nam, không chỉ là bạn bè của nhà cầm quyền Việt Nam.

Sự giao hảo dễ dãi với những nhà cai trị độc tài sẽ đem lại hậu quả không tốt cho toàn bộ người dân sống trong các quốc gia đó. Khi chính phủ Úc ca ngợi cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa Sri Lanka trong khi hạ thấp sự tàn bạo của chính phủ này trong cuộc chiến tranh dân sự của nước đó, đã tạo nên 1 cái bia chính trị để họ có thể núp sau đó đàn áp tiếp tục những người chỉ trích chính phủ và là thách thức trước các áp lực quốc tế đối với cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc vào những tội ác chiến tranh.

Với thất bại của Rajapaksa trong cuộc bầu cử cuối cùng, và chính phủ Sri Lanka mới đã lên tiếng chống lại sự im lặng của Úc về những vi phạm nhân quyền, Úc hiện nay đã ở phía sai của lịch sử. "Khi nhân quyền đã bị chà đạp, và dân chủ còn quá xa, các nước này đều im lặng. Đó là một vấn đề đối với Sri Lanka," thủ tướng mới Ranil Wickremesinghe đã cho biết như vậy trong tháng Hai.

Úc, tất nhiên, cũng có những thiếu sót của chính mình khá nghiêm trọng về quyền con người, bao gồm việc đối xử với những người tị nạn và người dân bản địa. Vấn đề nhân quyền của một quốc gia không phải là một cái cớ để bỏ qua hành vi vi phạm quyền con người ở nơi khác.

Những lời nhắn gửi công khai và riêng tư chuyển tải đến ông Dũng trong chuyến thăm này là rất quan trọng - quan trọng cho cả người dân Việt Nam lẫn các nhân viên chính phủ. Nâng cao sự quan tâm về nhân quyền không phải là "giảng dạy", mà ông Abbott chọn lựa không nói tới. Đó là về việc cần tham gia với một vị trí phù hợp và là nguyên tắc cơ bản về nhân quyền mà tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đồng ý duy trì.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo