Tòa phúc thẩm - Dân Làm Báo

Tòa phúc thẩm

Vi Đức Hồi (Danlambao) - Ngay sau phiên sơ thẩm, tôi viết đơn kháng cáo gửi tòa án nhân dân tối cao. Đúng ba tháng sau vào ngày 26/4/2011, phiên tòa phúc thẩm được mở tại tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Phiên tòa mang tính làm thủ tục để công bố quyết định của tòa án tối cao. Tham dự phiên tòa, so với tòa sơ thẩm thấy vắng bóng một số thành phần, như đại diện an ninh các huyện, thành phố, đại diện công an thị trấn, khu phố tôi cư ngụ. Số người tham dự ít hơn, không khí có vẻ tẻ nhạt, chỉ có một nhóm an ninh tỉnh và đại diện an ninh của huyện tôi (huyện Hữu Lũng). Phòng xử án với một không gian nhỏ, chật hẹp. Thay vì ba chiếc camera liên tục hoạt động trong phiên sơ thẩm thì hôm nay duy chỉ có một chiếc của Tổng cục an ninh. Công tác bảo vệ cũng không nghiêm ngặt như trước, trong phòng xử, tôi được gặp luật sư và giâ đình tôi chao đổi thoải mái hơn.

Đúng 8 giờ, phiên tòa bắt đầu làm việc. Vẫn các thủ tục thường lệ, chủ tọa phiên tòa hỏi tôi mang tính xác minh tôi là bị cáo đích thực. Viên kiểm sát nhân dân tối cao đọc cáo trạng, nội dung cũng không khác gì so với bản cáo trạng lần trước, cáo trạng vẫn buộc tội tôi là có những hành vi hoạt động chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của đảng, Nhà nước, xâm hại đến sự vững mạnh của chế độ… cuối cùng cáo trạng đề nghị miễn truy cứu toàn bộ số tiền 56 triệu đồng của bị cáo và đề nghị hội đồng xét xử xem xét mức án của bị cáo với tinh thần nhân văn, và sự khoan hồng, độ lượng của chế độ ta.

Chủ tọa phiên tòa phân tích, mục đích để cho bị cáo và những người tham dự phiên tòa nhận thức đầy đủ về vai trò lãnh đạo của đảng công sản Việt Nam; về pháp luật Việt Nam thể hiện rất công minh, và khoan hồng.

- Đảng cộng sản Việt Nam lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân ta giành được chính quyền, cũng là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nên đảng có quyền giữ cho mình vị trí lãnh đạo xã hội, đảng không bao giờ chia sẻ quyền lãnh đạo này cho bất cứ lực lượng nào. Hiến pháp Việt Nam cũng đã thừa nhận điều đó, ai chống đảng là đồng nghĩa chống nhân dân, chống nhà nước của dân, nên phải bị trừng trị đích đáng. Tuy nhiên pháp luật của Nhà nước Việt Nam luôn thể hiện tính độ lượng, khoan hồng nếu người phạm tội biết ăn năn hối cải, còn nếu ai cố tình, ngoan cố, pháp luật sẽ không dung tha. Bị cáo cần nhận thức cho đầy đủ vấn đề này, chúng tôi sẽ xem xét tùy thộc vào thái độ thành khẩn của bị cáo…

Đến phần luật sư, một lần nữa Bác Trần Lâm không tranh luận với tòa mà chỉ đề nghị tòa xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì bị cáo chỉ thể hiện quan điểm của mình trên tinh thần rất ôn hòa, đúng mức.

- Bây giờ đến lượt bị cáo phát biểu, đến lúc này bị cáo có ân hận về những hành vi của mình không? Chủ tọa hỏi.

- Tôi nhận thấy những việc làm của tôi không gây phương hại cho chế độ, tôi bày tỏ quan điểm tư tưởng của tôi một cách chính đáng, tôi không chốn tránh trách nhiệm và cũng không tự hào, hãnh diện gì về những việc tôi làm như hội đồng xét xử nhận xét về tôi. Đơn giản là tôi nhận thấy đó là hành động rất đỗi tự nhiên của con người khi nhận thấy việc làm đó là chính đáng, là lẽ phải, nó phù hợp với sự phát triển tự nhiên nên, tôi không có gì phải hối hận. Tôi trả lời dứt khoát.

Như vậy là chúng tôi đã rõ về bị cáo, vẫn coi đó là việc làm đúng, thậm chí còn cho rằng hợp với lẽ tự nhiên. Chúng tôi có trong tay hàng tập tài liệu về những bài viết, bài trả lời phỏng vấn, bài phát biểu trên các diễn đàn phản động của bị cáo, những chứng cứ đó là phạm tội, là xâm phạm đến lợi ích của đất nước của dân tộc. Bị cáo sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng cho những việc làm của mình. Hai hội thẩm có hỏi gì nữa không? Chủ tọa phiên tòa kết luận.

- Tôi chỉ hỏi câu cuối cùng đối với bị cáo. Câu trả lời bị cáo sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến phần nghị án của chúng tôi, mong bị cáo suy nghĩ cho kỹ rồi trả lời. Thực tâm bị cáo có thấy việc làm của mình là sai trái không? Một lần nữa và là lần cuối cùng cơ hội cho bị cáo. Một hội thẩm nói với tôi.

Không, tôi khẳng định tôi không làm bất cứ điều gì trái với pháp luật. Tôi vi phạm điều lệ của đảng cộng sản Việt Nam, đảng đã xử lý kỷ luật tôi với hình thức cao nhất  khai trừ ra khỏi đảng, cách chức tôi, sa thải công ăn việc làm của tôi, tôi chấp nhận và không có gì phản đối. Nhưng đến nay tòa quy chụp cho tôi vi phạm pháp luật tôi phản đối cách quy kết này, mong tòa xem xét. Tôi bình tĩnh trả lời.

Tòa nghỉ giải lao, hội đồng xét xử tiến hành thủ tục nghị án. Trong lúc giải lao tôi thoải mái được chia sẻ với người nhà và luật sư bào chữa cho mình, không một công an nào đến gần tôi thăm hỏi hay dò xét, ngăn cản việc tôi tiếp xúc. Trong chớp nhoáng nghị án đã xong, giờ quyết định tuyên án đã điểm. Chủ tọa đứng dậy đọc quyết định tuyên án: chỉnh sửa án sơ thẩm với mức án tù giam từ 8 năm xuống còn và 5 năm; thời hạn quản chế từ 5 năm xuống còn 3 năm sau khi mãn hạn tù. Bãi bỏ án sơ thẩm về tịch thu 56 triệu vnđ của bị cáo và miễn truy cứu trách nhiệm về khoản tiền trên. Phiên tòa kết thúc chỉ sau hai tiếng đồng hồ kể cả giờ nghỉ giải lao. Mọi người ra về, những gương mặt của các sỹ quan an ninh trầm tư, lặng lẽ bước ra khỏi phòng xử án với tâm trạng tỏ vẻ thất vọng với phán quyết của phiên tòa.

Đầu giờ chiều, tôi được đưa ra thăm gặp gia đình tôi nhân tiện lên tham dự phiên tòa. Ba sỹ quan an ninh tỉnh túc trực trong phòng thăm gặp. Thấy tôi tỏ thái độ bình thường như mọi khi, không có gì thể hiện vui mừng, phấn khởi về việc giảm án hôm nay viên sỹ quan chỉ huy lên giọng thăm dò:

- Anh thấy thế nào? Án giảm đến một nửa rồi còn gì! Thoải mái quá còn gì! 

- Tôi khẳng định lại với các ông là tôi không có tội, tôi sẽ chống án lên giám đốc thẩm, tôi chiến đấu đến cùng.

- Thôi! anh còn cựa quậy gì nữa! xét ở góc độ nào đó là anh đã chiến thắng, đúng không?

- Tôi không nghĩ tôi thắng hay thua ở đây, đơn giản là tôi phản đối sự quy chụp, vu khống của các ông đối với tôi.

- Tôi cũng nhận thấy bản án sơ thẩm là quá nặng nề, phán quyết của phiên phúc thẩm hôm nay là hợp lý. Viên sỹ quan giải thích.

- Ông thấy hợp lý ở chỗ nào? Tôi vặc lại. 

- Được giảm đến gần một nửa thời gian án phạt tù, miễn truy cứu toàn bộ số tiền mà án sơ thẩm đã tuyên, anh còn đòi hỏi gì nữa!

- Tôi không có tội, cơ quan an ninh điều tra đã vu khống tôi, theo đó các cơ quan Tư pháp quy chụp cho tôi tội tuyên truyền chống nhà nước, tôi phải chống lại để bảo vệ lẽ phải của mình. Phiên tòa sơ thẩm là nỗi nhục cho ngành an ninh địa phương của các ông đấy! tôi biết các ông muốn thể hiện tính hơn người, chơi trội, và có người muốn nhân cơ hội này để nổi đình đám, mưu cầu thăng tiến, rất đáng tiếc con ếch ngồi đáy giếng nhìn bầu trời chỉ bằng cái nia, nên mọi tham mưu, đề xuất thể hiện tầm tư duy chính trị lùn, ngắn, làm cho thiên hạ coi thường, khinh miệt.

- Anh có tội hay không, tội đến đâu do tòa phán quyết, không liên quan gì đến chúng tôi, chúng tôi có chức năng, nhiệm vụ riêng. Viên an ninh khẳng định.

- Khỏi cần giải thích kiểu đó, tôi là người nằm trong lòng chế độ này, tôi hiểu về trình tự, thủ tục của những vụ án điểm, vụ án như tôi. Tôi cho đây là một tai nạn nghề nghiệp của người đứng đầu ngành an ninh địa phương mình, bởi vì tòa phúc thẩm đã cho ra một hình ảnh tương phản, một hình ảnh để nhiều người biêt và bàn luận đến. Đây là thông điệp, là thước đo về năng lực, trình độ, khả năng tư duy chính trị của một người chỉ huy, nó bộc lộ một phong cách làm việc theo lối ngẫu hứng và thiểu năng…




Trích: Đối Mặt phần hai: Chuyện trong lao ngục


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo