Bắt người trái pháp luật và các thủ thuật tinh vi - Dân Làm Báo

Bắt người trái pháp luật và các thủ thuật tinh vi

Mẹ Nấm (Danlambao) - Trong suốt phiên tranh luận hôm nay tại ngày xét xử thứ 5, phiên toà công an đánh chết dân tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), điều mà tôi nhận thấy rõ nhất là đại diện VKS luôn sử dụng các thủ thuật tinh vi để bào chữa cho hành vi của các bị cáo.

Tôi quan tâm đến phiên toà này có hai lý do:

Thứ nhất, tình trạng bắt giữ người tuỳ tiện, như LS Võ An Đôn đã nêu trong bài bào chữa: 

"Cáo trạng của VKSND Tối cao bỏ lọt tội phạm: vì trong vụ án này bị cáo Lê Đức Hoàn là Trưởng ban chuyên án 312T đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới đến nhà bắt bị hại Ngô Thanh Kiều lúc 03 giờ sáng ngày 13/5/2012, nhưng không có lệnh bắt, không có biên bản bắt người. Bị hại Ngô Thanh Kiều là một công dân bình thường, không thuộc trường hợp bắt người khẩn cấp hay bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Do đó, trong trường hợp này bị cáo Lê Đức Hoàn đã phạm vào Tội bắt người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS. Nếu như bị cáo Lê Đức Hoàn không ra lệnh cho cán bộ cấp dưới bắt bị hại Ngô Thanh Kiều trái pháp luật thì không có phiên tòa ngày hôm nay."

Tuy nhiên đại diện VKS, ông Phạm Duy Tân lại cho rằng, bị hại thuộc đối tượng nằm trong chuyên án, nên việc bắt người không có lệnh là sai, dẫn tới tội dùng nhục hình được đem ra truy tố là đúng, và không có cơ sở truy tố theo tội giết người.

Điểm mấu chốt lớn nhất của vấn đề và là vấn nạn theo tôi chính là ở đây.

Thế nào là đối tượng trong chuyên án? 

Và làm thế nào để công dân có thể bất tuân dân sự với hệ thống luật pháp tuỳ tiện này?

Việc “mời” và “bắt giữ” công dân xảy ra thường xuyên, tuỳ tiện đến mức, mặc nhiên ngành công an có thể dẫn giải người bị xem là đối tượng đến trụ sở bất kỳ lúc nào họ muốn chỉ cần có lý do hợp lý là “chuyên án” hoặc lớn lao hơn là “an ninh quốc gia” mà không cần giải thích gì ư?

Trường hợp Ngô Thanh Kiều hôm nay cho thấy, việc bắt giữ người trái pháp luật diễn ra thường xuyên, tuỳ tiện lâu nay, mà không có một cá nhân, tập thể nào bị truy tố, truy cứu trách nhiệm nên dẫn tới tình trạng đại diện pháp luật phải sử dụng các thuật ngữ tinh vi để che giấu tội này?

Vấn đề thứ hai mà tôi quan tâm, chính là tình trạng sử dụng bạo lực với công dân tại các đồn công an, mà nạn nhân điển hình chính là nạn nhân Kiều hôm nay.

Trong trụ sở một cơ quan, tang vật vụ án được cho là dùi cui cao su tự nhiên có thể xuất hiện trên bàn trong phòng xét hỏi, và tự nhiên biến mất?

Việc các điều tra viên nôn nóng phá án, với trình độ nghiệp vụ yếu kém nên phải dùng bạo lực và xem đó như chuyện hiển nhiên khi các bị cáo lần lượt khai trước toà về hành vi đánh vào người bị hại từ 4-5 cái cho thấy điều gì? Nó cho thấy thực trạng thiếu kiểm soát, giám sát từ các cơ quan độc lập trong ngành công an. Không khai đánh cho khai, khai ít đánh thêm cho khai nhiều, càng im càng bị đánh, và thậm chí là đánh đến chết.

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho hệ quả của tình trạng này?

Chắc chắn sẽ không có ai, nếu các cơ quan chức năng định giải quyết vấn nạn bắt giữ tuỳ tiện và sử dụng bạo lực chỉ bằng một vụ án tại Tuy Hoà bằng những thủ thuật tinh vi, nguy biện.

Làm sao để chấm dứt tình trạng này?

Chỉ có một cách – người dân phải lên tiếng – buộc những người có trách nhiệm phải trả lời và sửa đổi.

Một số hình ảnh xung quanh phiên tòa:







Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo