Chào cờ - Dân Làm Báo

Chào cờ

Vi Đức Hồi (Danlambao) - Trong trại, thường lệ vào ngày mồng một hoặc mồng hai hàng tháng, ban giám thị tổ chức làm lễ chào cờ và tiến hành giao ban trong toàn phân trại. Ở các đội hình sự, tất cả mọi phạm nhân đều phải tập trung đi tham dự, riêng đội an ninh, những người mà công an gọi là 'cố tình không nhận tội' thì khác, ai mà báo cáo vịn ra một lý do nào đó để khỏi phải đi, cán bộ không những đồng ý ngay mà còn tỏ thái độ phấn khởi. Tìm hiểu nguyên nhân thì ra là công an lo ngại những người như chúng tôi đến nơi tập trung đông người, vì những vấn đề được gọi là “nhạy cảm” rất có cơ hội phát sinh. Chẳng hạn như có dịp tiếp xúc với nhiều người; có cơ hội nhắn tin ra bên ngoài hoặc nhận tin tức từ bên ngoài gửi vào. Những đối tượng này thường hay dò la tin tức, tò mò, nhận xét rồi lên tiếng phê phán những việc làm sơ suất, sai quy định của trại giam. Những đối tượng như chúng tôi, ban giám thị có những quy định “bất thành văn” càng ít tiếp xúc với mọi người càng tốt. Chính vì thế nên tất cả các đội hình sự đều được bố trí nhà xưởng để tập trung lao động, riêng đối với đội an ninh như chúng tôi thì trại bố trí lao động ngay tại buồng giam, với mục đích là ngăn ngừa việc tiếp xúc với bên ngoài.

- Anh mới xuống trại, anh có thể đi cũng được mà không đi cũng được. Cán bộ quản giáo nói riêng với tôi. Hiểu được ý của cán bộ, tôi quả quyết: 

- Tôi đi, đi để biết giao ban trong tù chứ.

Cả đội xếp thành một hàng dọc, dẫn đầu là đội trưởng, và người đi sau cùng là cán bộ quản giáo lần lượt tiến vào nơi tập kết. Địa điểm giao ban là một khoảng sân rộng rãi, Phía trên khán đài được trang trí không khí của ngày tết cổ truyền mà đã đi qua gần nửa năm nhưng vẫn để y nguyên như mới ngày nào đón chào năm mới. Khẩu hiệu “Mừng đảng, mừng xuân” được tô đậm trên bức tường rào phía bên trên khán đài. Dòng chữ “Chúc mừng năm mới” cũng được trang điểm đậm nét với cả tiếng ta lẫn tiếng tây. Cả cờ búa liềm với cờ đỏ sao vàng được cắm ở vị trí trang trọng nhất trong khuôn viên được gọi là “quảng trường” của phân trại. Hai bức tường ở cánh gà của khán đài được gắn những khẩu hiệu do trại sáng tác với tinh thần: quyết tâm, phấn đấu, thi đua… và trích đủ các loại thông tư, quy định, hướng dẫn của bộ công an đối với trại giam, phía trên tường rào được cắm la liệt các loại cờ đuôi nheo, tất cả được tạo một màu sắc đỏ rực cả một khu vực. Nắng sớm của mùa hè bắt đầu dọi xuống chói trang, những cán bộ của trại đi đi, lại lại vừa như tỏ vẻ phô trương, ra oai, vừa giám sát các phạm nhân để duy trì trật tự. Tiếng còi của người trực ban rít lên để ổn định trật tự.

- Toàn phân trại chú ý! Chỉnh đốn trang phục, chỉnh!

- Nghiêm, chào cờ chào! 

Trong giây phút được gọi là “thiêng liêng” này, các cán bộ chăm chú hướng lên cờ đỏ sao vàng, phía dưới bắt đầu náo loạn như một đàn ong vỡ tổ. Người này chạy sang hàng người kia và ngược lại, thấy lạ tôi hỏi những người xung quanh:

- Chúng nó làm cái gì mà loạn lên thế!

- Vẫn thế mà. Một người đáp cộc lốc rồi gải thích vài lời ngắn gọn để tôi hiểu. Hóa ra là lợi dụng lúc cán bộ đứng nghiêm chào cờ bọn này tranh thủ hoạt “động”. Đây là dịp để các phạm nhân ở các buồng đội khác nhau gặp gỡ, chao đổi thông tin, hỏi thăm sức khỏe, nắm bắt tình hình bên ngoài, tình hình gia đình… và cũng là dịp để chao đổi hàng hóa, thanh toán các khoản nợ nần với nhau. Sự hỗn loạn chỉ diễn ra trong chớp nhoáng rồi trở lại bình thường. Ai đến gặp ai, ở vị trí nào đã được định sẵn, chờ cơ hội là nhảy ào đến rồi hoặc là nhanh chóng quay lại vị trí của mình hoặc là ngồi lì ở đó thoải mái tâm sự cho đến khi cuộc giao ban kết thúc, lúc ra về thì lại tìm cách mau lẹ đột nhập trở lại đơn vị của mình.

Viên sỹ quan đeo quân hàm thượng tá, phó giám thị phụ trách phân trại một (phân trại tôi cư ngụ) đứng trên bục nhận xét, đánh giá tình hình hoạt động của trại trong tháng qua, nhiệm vụ của phân trại trong tháng tới. Phía trên người nói cứ nói, phía dưới người nghe cứ nghe, người nào làm gì mặc kệ, việc ai người nấy làm. Các cán bộ luôn phải quát tháo, nhắc nhở để ổn định trật tự nhưng rồi đâu lại vào đó. Đặc biệt là “tiết mục” hát quốc ca, cả thảy có trên dưới một ngàn người nhưng chỉ có độ hơn chục người đứng ở phía trên sát với khán đài giành cho những người điều hành phiên giao ban ngồi cất tiếng hát. Tổng hợp đủ các loại giọng, cao có; thấp có; nhất là giọng khàn khàn mà người ta thường gọi là giọng han dỉ chiếm tuyệt đại đa số, tất cả tạo thành bản hợp xướng ca hỗn tạp mà không nơi nào có được. Cuối buổi giao ban, viên sỹ quan chỉ huy cuộc giao ban nhận xét: 

- Có một việc mà lần giao ban nào tôi cũng phải nhắc đó là việc hát quốc ca, cả một phân trại có đến trên một ngàn người tham dự nhưng chỉ có vài chục người hát, mà hát cũng chẳng ra hát, tôi yêu cầu các buồng, đội từ hôm nay tổ chức học hát quốc ca, ai cũng phải thuộc và ai cũng phải hát, đó là trách nhiệm của mỗi công dân đối với biểu tượng của Tổ quốc. Cán bộ giáo dục của phân trại có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc vấn đề này. Tôi hy vọng từ cuộc giao ban sau chúng ta sẽ có ý thức trong việc hát quốc ca.

Cuộc giao ban kết thúc trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ, mọi người ra về theo sự hướng dẫn của các cán bộ quản giáo. Vừa về đến buồng giam, cán bộ quản giáo của đội yêu cầu toàn đội tập hợp để quán triệt:

- Bắt đầu từ hôm nay, vào cuối giờ chiều toàn đội sẽ nghỉ lao động trước ba mươi phút để học hát quốc ca. 

- Chúng tôi đã thuộc, chúng tôi học làm gì? Ai chưa thuộc thì học. Có ý kiến phát biểu.

- Thuộc nhưng sao không hát? Cán bộ quản giáo truy hỏi

- Chúng tôi ngại hát, chúng tôi không thích hát.

- Vấn đề không phải thích hay không thích mà là trách nhiệm của chúng ta là phải hát, ai cũng phải hát. Quản giáo quán triệt. Một người luống tuổi đưa ra sáng kiến:

- Tôi đề nghị thế này, đội chúng ta cử lấy mười thanh niên trai tráng học thật thuộc quốc ca rồi cứ đến buổi giao ban xếp hàng ở phía trên và có trách nhiệm hát thay cho toàn đội. Như thế sẽ tốt hơn vì ở đây nhiều người đã luống tuổi, nhiều người ngại không muốn hát mà cứ bắt hát theo kiểu bầy đàn nghe chẳng ra làm sao cả. Cả đội đồng ý tán thưởng, cán bộ quản giáo chấp nhận đề nghị này và danh sách mười thanh niên trong đội được lập nên. 

- Tôi không biết hát quốc ca, tôi không thuộc, đề nghị cán bộ cử người khác. Tôi cũng vậy, tôi không biết hát. Mấy người phản đối.

- Thanh niên mà không thuộc quốc ca! nói thế mà nghe được! đội trưởng mỉa mai mấy cậu thanh niên từ chối.

- Tôi Đ thuộc đấy, tôi Đ biết hát đấy làm Đ gì tôi! Một thanh niên sửng cồ văng tục.

- Thôi được rồi, không thuộc thì tập cho bằng thuộc, không sao. Cán bộ quản giáo ngắt lời. Cuối cùng thì danh sách cũng được chốt lại và thông qua, và từ đó vào cuối giờ chiều mỗi ngày khúc nhạc “tiến quân ca” được rộ lên trong toàn phân trại. Cuộc hội ý toàn đội kết thúc, một ngày cải tạo mới lại bắt đầu. Từng tốp tụm năm, tụm bảy nhanh chóng bắt tay vào công việc “thủ công mây tre đan” của mình, và như thường lệ mọi chuyện lại bắt đầu được lôi ra “đàm đạo”.

- Này mọi người có biêt không? Tôi nghe nói cái bài quốc ca của mình là của Tàu khựa, nó xuất sứ từ Trung Quốc mà ra, có đúng không? Một câu hỏi làm choáng váng mọi người.

- Bố láo! Ai bảo thế! ông nghe ở đâu ra thế! mọi người phản đối

- Tôi đã nghe, thật đấy, mà nghe lâu rồi, nhân sự kiện hôm nay tôi mới nhớ ra.

- Bố láo bố xiên, Bài hát “tiến quân ca”của nhạc sỹ nổi tiếng Văn Cao của người ta đấy. Tàu đâu mà tàu.

- Hay là bố nhầm lá cờ! cái lá cờ đỏ sao vàng người ta nói là của Trung Quốc đấy. Một người khác lên tiếng

- Đúng rồi, là lá cờ đỏ sao vàng, tôi nhầm. Tù lâu năm không nhầm, không lú mới là lạ. Nhưng có đúng như vậy không?

Mọi người im lặng, mãi sau một người rụt dè lên tiếng: bố ai mà biết được, bọn mình thuộc thế hệ sau, ai mà biết sự thể thế nào! Nhưng thực tế thì có rất nhiều thông tin khẳng định là lá cờ đỏ sao vàng của chúng ta là lá cờ của tỉnh Phúc kiến Trung Quốc.

- Tôi cũng đã đọc rồi, trên các trang mạng internet đăng tải đầy dẫy, thế rồi người ta cũng thông tin cho nhau, đến bây giờ ai mà chả biết.

- Sao lại thế được nhỉ! Biểu tượng của một quốc gia mà đi lấy cắp nguyên mẫu biểu tượng của một tỉnh lỵ Trung quốc, nếu đúng vậy thì có nghĩa rằng toàn dân Việt Nam hàng ngày phải đi chào một lá cờ mà xuất xứ của nó không phải cờ nước ta, quá là nhục nhã, đúng không?

- Đúng thế, đó là nỗi nhục của một quốc thể. Nếu đúng như vậy! 




Trích: Chuyện trong lao ngục


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo