Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm lược: "Lời Tình Viết Vội" và "Thư Ngoài Biên Trấn" là hai phiên bản của cùng một bài hát do nhạc sĩ Giao Tiên viết về một anh lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trấn đóng nơi biên cương viết thư cho người yêu. Hai phiên bản có cùng giai điệu và tiết tấu nhưng lời ca khác nhau khoảng 46%. Tuy sự khác biệt trong lời ca không làm thay đổi ý chính của bài hát, nó cho thấy hai cá tính khác biệt của anh lính và hai cách biểu lộ tình cảm của phái nam trong vấn đề tình cảm trai gái. Bài hát nói lên nỗi niềm yêu thương người yêu nơi hậu phương của người lính VNCH nơi chiến tuyến. Cộng với giai điệu nhẹ nhàng với những đoạn lên xuống ngắn gọn, bài hát dễ dàng tạo cảm xúc cho khán giả và giúp khán giả hiểu được tâm tư về tình yêu của những người lính VNCH trong thời chiến.
*
Nhạc sĩ Giao Tiên viết ca khúc "Lời Tình Viết Vội" (nhan đề ban đầu là "Thư Ngoài Biên Trấn") vào khoảng đầu thập niên 1970 trước 1975. Bài hát thường bị lẫn lộn là do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết. Thực ra, Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường, chỉ hát bài này. Có thể có lý thuyết cho rằng Trần Thiện Thanh viết lại lời của bài "Thư Ngoài Biên Trấn" và đổi nhan đề là "Lời Tình Viết Vội," nhưng tài liệu về tác phẩm của Trần Thiện Thanh không ghi "Lời Tình Viết Vội," trong khi tài liệu về tác phẩm của Giao Tiên ghi rõ "Lời Tình Viết Vội." Trang mạng của chính nhạc sĩ Giao Tiên xác nhận sự kiện đó và nhấn mạnh là "Lời Tình Viết Vội" có tên ban đầu là "Thư Ngoài Biên Trấn" (Giao Tiên 2011).
Sau đây là tiểu sử vắn tắt của tác giả (Giao Tiên 2011; Wikipedia 2015).
Giao Tiên là một trong những nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 với khoảng 750 ca khúc trữ tình, quê hương. Ông sinh năm 1941 tại tỉnh Bình Định. Hiện nay, Giao Tiên đang sinh sống cùng gia đình tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà, Việt Nam. Tên thật nhạc sĩ Giao Tiên là Dương Trung. Ngoài Giao Tiên, các bút danh khác của ông gổm có: Dương Trung, Hoàng Hoa, Thảo Trang, Diễm Đào, Rạng Đông, Ngân Trang, Kim Khánh, Xuân Hoà, Xuân Hậu, Hương Xuân (tất cả đều từ 1970) và Dương Tiếng Thu (từ 1994).
Ông vào Sài Gòn học tại trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Trường Trung học Trường Sơn (1960 – 1962). Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ông bị bắt vì tình nghi thân cộng (1962-1964) (trang mạng của ông ghi là "Bị Cảnh sát Chế độ cũ bắt đi tù vì nghi là thân cộng"). Sau đó, ông phục vụ trong Quân Lực VNCH (trang mạng của ông ghi là "Bị bắt đi quân dịch") trong khoảng 1965-1975 (Giao Tiên 2011).
Ông có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, tự trau dồi kiến thức sáng tác. Ông học nhạc từ các thầy trong tù (1962), học hàm thụ và dự thính khoa sáng tác tại Đại Học Vạn Hạnh (1972). Ông bắt đầu viết nhạc năm 1965. Ca khúc thành công đầu tiên là Phận Gái Thuyền Quyên (1970). Cả trăm ca khúc ra đời từ 1970 – 1975 và đã được phổ biến rộng rãi bằng in ấn nhạc tờ rời, băng đĩa bán ra thị trường, phát thanh và truyền hình. Trong đó nhiều ca khúc nổi tiếng: Con Gái Của Mẹ, Cô Thắm Về Làng, Mất Nhau Rồi, ̣Phận Gái Thuyền Quyên. Những ca khúc của Giao Tiên có giai điệu ngọt ngào thi vị, ý tứ bình dị, hồn nhiên, lời ca mộc mạc. Tất cả đều mang âm hưởng dân ca, rất gần gũi với mọi tầng lớp. Giao Tiên được người hâm mộ khen tặng là "Nhạc sĩ của Đồng Quê" (Giao Tiên 2011).
A. Hai phiên bản "Lời Tình Viết Vội" và "Thư Ngoài Biên Trấn" có cùng giai điệu và tiết tấu, nhưng lời khác nhau 46% và do đó có ý nghĩa hơi khác.
Ca khúc "Lời Tình Viết Vội" không chỉ là đổi tên từ "Thư Ngoài Biên Trấn" mà còn đổi lời khá nhiều tuy giai điệu và tiết tấu vẫn giữ y nguyên. Bài hát có cả thẩy là 220 chữ (từ, words) nhưng hai phiên bản khác nhau 102 chữ, tức là khoảng 46%, một mức độ đáng kể. Sự khác biệt về lời giữa hai phiên bản không thay đổi ý chính của bài là tâm tình anh lính ngoài biên ải gói ghém trong lá thư viết vội vàng cho người yêu. Tuy nhiên, lời bài hát phản ảnh cá tính của anh lính. Như sẽ được phân tích sau, anh lính trong "Thư Ngoài Biên Trấn" có vẻ thật thà và không bóng gió. Ngược lại, anh lính trong "Lời Tình Viết Vội" dường như có chút khéo léo trong vấn đề biểu lộ tình cảm và biết cách dùng lời lẽ bóng bẩy để làm vui lòng người yêu.
Vì tôi không có bản gốc tờ nhạc chính, nên tôi không xác định chính xác lời của hai phiên bản. Trong bài này, tôi dùng lời được hát bởi Nhật Trường cho phiên bản "Lời Tình Viết Vội" (YouTube 2011) và lời được hát bởi Trang Mỹ Dung cho phiên bản "Thư Ngoài Biên Trấn" (YouTube 2014). Ta cũng nên ghi nhận là ca sĩ Minh Huy trình bày phiên bản "Thư Ngoài Biên Trấn" và đoạn sau của phiên bản "Lời Tình Viết Vội" trong cùng bài như thể cả hai phiên bản do từ một bài (Xem, thí dụ như, NCT).
Nguyên văn lời bài hát "Lời Tình Viết Vội" như sau. Những chữ khác với phiên bản "Thư Ngoài Biên Trấn" được ghi đậm cho dễ so sánh.
Bao năm xuôi ngược khắp miền hành quân ngày đêm.
Gian lao nhưng lòng vẫn nặng tình yêu núi sông.
Cho nên nhiều khi biết người yêu nhớ,
Trang thư vài câu làm tin thế thôi.
Nàng hay trách hờn người tình biên ải,
Bảo rằng vì ai nỡ đành lạt phai.
Em ơi cho dù súng thù giờ đây lẻ loi.
Nhưng anh vẫn còn trách nhiệm vì dân dấn thân.
Nên thư của anh vẫn là thư lính,
Trong đêm rừng sâu đèn sao sáng soi.
Vài câu viết vội lời tình chân thành.
Mong người em yêu thấu hiểu lòng anh.
Khi non nước còn giặc thù,
Em chấp nhận lời nguyện đời trai dâng núi sông.
Bao yêu ái chuyện của lòng,
Em nén đợi trùng phùng trên vùng quê hương.
Cho nếu yêu thương còn dang dở,
Và còn những ngày cách ngăn,
Em là Tô Thị nghìn đêm trông chồng xa ngoài chân mây,
Cầu mong cho người sử quý lưu danh.
Em anh yên lòng an phận người thương chờ mong.
Mai kia thanh bình trở lại đời vui thắm lên.
Anh xin vì em đáp đền nhung nhớ,
Nâng niu hồn em bằng trăng đắm say.
Cỏ hoa chất đầy thuyền về bến mộng,
Trên vùng yêu thương kết nụ tầm xuân.
Nguyên văn lời bài hát "Thư Ngoài Biên Trấn" như sau. Những chữ khác với phiên bản "Lời Tình Viết Vội" được ghi đậm cho dễ so sánh.
Bao năm xuôi ngược khắp miền rừng sâu đồi cao.
Gian lao nhưng lòng vẫn nặng tình yêu núi sông.
Cho nên nhiều khi nhớ về em lắm,
Trang thư vài câu làm tin thế thôi.
Nàng hay trách hờn người tình biên ải,
Bảo rằng vì ai nỡ đành nhạt phai.
Em ơi cho dù muôn dặm hành quân ngày đêm.
Biên cương xa vời anh vẫn là anh của em.
Thư anh từ nơi tuyến đầu lửa khói,
Trong đêm hỏa châu bừng lên sáng soi.
Vài câu viết vội lời tình chân thành.
Mong người em yêu thấu hiểu lòng anh.
Khi non nước còn giặc thù,
Anh chấp nhận lời thề đời trai dâng núi sông.
Bao ưu ái chuyện của lòng,
Ai chẳng phải một lần ấp ủ trong tim
Nhưng nếu yêu thương còn dang dở,
Và còn những ngày cách ngăn,
Xưa nàng Tô Thị ngày đêm trông chồng không màu thư xanh,
Tình xưa nay còn giữ quý lưu danh.
Em anh yên lòng an phận người thương chờ mong.
Anh em bao giờ vẫn là người yêu thủy chung
Thư anh gửi em viết từ biên trấn.
Thư anh dù không màu xanh ái ân,
Biển thương chất đầy tình ngoài chiến trường,
Gởi về hậu phương với trọn niềm tin.
Ngoài vài từ ngữ khác biệt nhỏ nhặt (thí dụ, lạt/ nhạt, yêu ái/ ưu ái, nghìn/ ngày, nhưng/ cho), hai phiên bản có những câu khác nhau khá quan trọng, nhất là phiên khúc chót hầu như khác nhau hoàn toàn. Ngoài ra, như đa số các ca khúc khác, lời ca trong trong một bài hát thường bị sửa đổi, nhất là bởi ca sĩ, vô tình hay cố ý, và làm mất ý nghĩa vài cảnh. Trong bài này, phiên bản "Lời Tình Viết Vội" được xuất hiện nhiều hơn nên có vài khác biệt trong lời. Thí dụ, "lời tình chân thành" và "vài dòng chân thành"; "Tô Thị nghìn đêm," "Tô Thị ngày đêm," và "Tô Thị nhìn bến"; "bằng trăng đắm say" và "bằng trăm đắm say"; "đáp đền nhung nhớ" và "đáp lời sông núi"; "đời vui thắm lên" và "đời vui ấm êm." Đa số khác biệt không quan trọng lắm, nhưng có vài chỗ sai lầm làm câu ca vô nghĩa. Thí dụ, "đáp lời sông núi" hoàn toàn sai theo nội dung phiên khúc đó.
Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của "Lời Tình Viết Vội" và "Thư Ngoài Biên Trấn" với chú trọng vào phiên bản "Lời Tình Viết Vội" và đề cập đến phiên bản "Thư Ngoài Biên Trấn" khi có sự khác biệt đáng kể. Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.
B. Hai phiên bản là lời thư anh lính gửi cho người yêu, nhưng bộc lộ hai cá tính khác nhau.
Ca khúc "Lời Tình Viết Vội"/ "Thư Ngoài Biên Trấn" có nội dung khá đơn giản. Bài hát là lời một anh lính trấn đóng vùng biên ải nói với cô bạn gái lý do tại sao anh chỉ viết thư vắn tắt cho cô. Phiên bản "Lời Tình Viết Vội" hứa hẹn ngày mai khi thanh bình anh ta sẽ đền bù cho việc viết thư vội vàng đó. Phiên bản "Thư Ngoài Biên Trấn" không có lời hứa hẹn mà anh lính chỉ nhấn mạnh thêm là thư của anh tuy không có gì nóng bỏng nhưng chất chứa tình yêu lai láng với người yêu.
Cho dễ đọc, tôi sẽ "đặt tên" cho hai anh lính như sau: anh lính trong "Lời Tình Viết Vội" sẽ có tên là LTVV (thí dụ, Lê Trần Võ Việt), và anh lính trong "Thư Ngoài Biên Trấn" sẽ có tên là TNBT (thí dụ, Trần Nguyễn Bảo Tuấn). Cho dễ nhớ, tôi sẽ gọi anh LTVV là anh Việt và anh TNBT là anh Tuấn. Ngoài ra, khi viết "anh Việt" hoặc "anh Tuấn," tôi làm sống động nhân vật nhưng thực ra độc giả phải hiểu là hai nhân vật này chỉ là sản phẩm giả tưởng của nhạc sĩ. Do đó anh Việt phản ảnh ý của nhạc sĩ viết LTVV và anh Tuấn ph̉ản ảnh ý của nhạc sĩ viết TNBT, trên lý thuyết là cùng nhạc sĩ Giao Tiên.
1. Hai phiên bản của bài hát trình bày một khía cạnh thông thường trong vấn đề biểu lộ tình cảm giữa phái nam và phái nữ.
Tuy ca khúc "Lời Tình Viết Vội"/ "Thư Ngoài Biên Trấn" chỉ đơn giản nói về lá thư của anh lính trấn đóng ngoài biên cương, lời lẽ khác nhau của hai phiên bản làm nổi bật một khía cạnh thông thường trong vấn đề hiểu nhau và diễn tả tình cảm của phái nam và phái nữ.
Trước hết, khoa học đã chứng minh là phái nam và phái nữ khác nhau trong vấn đề dùng trí óc và do đó có cách diễn tả khác nhau. Ngoài ra, văn hóa và xã hội cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và cách cư xử, biểu lộ cảm nghĩ của hai phái. Theo khoa học, phái nam có khuynh hướng dùng phần trái của bộ não, nơi khả năng suy luận được phát triển; trong khi phái nữ thường dùng phần bên phải của bộ não, nơi được qui gán cho cảm xúc (Fern 2013). Ngoài ra, phái nam thường được dạy từ lúc còn nhỏ là họ phải mạnh mẽ, tự tin, và biết kềm chế hoặc chịu đựng đau đớn. Do đó, phái nam có khuynh hướng coi cảm xúc hoặc tình cảm là dấu hiệu của yếu đuối (Fern 2013). Đương nhiên, những kết luận này không có giá trị tuyệt đối, nhưng phản ảnh một phần sự khác biệt giữa phái nam và phái nữ trong vấn đề biểu lộ tình cảm.
Viết thư là một hình thức biểu lộ tình cảm hoặc diễn tả ý tưởng. Theo ý kiến một số nhà tâm lý học, phái nam yêu qua hành động, chứ không phải qua lời lẽ (Charles). Do đó, khi xa nhau, phái nam rất kém cỏi trong việc viết thư. Nếu viết, họ cũng không biết viết gì. Anh lính trong bài hát có lẽ tượng trưng cho phái nam trong khía cạnh này, không biết viết thư dài dòng, hoặc không viết thư thường. Đó là không kể anh lính còn phải đối phó với quân thù ngoài trận mạc, đương đầu với việc sống chết hàng ngày, thì làm sao có đầu óc cho chuyện yêu đương.
Trong bài hát, cô bạn gái viết thư trách móc là anh hờ hững phai nhạt tình cảm, và nghi ngờ là anh có người khác. Thực ra, ta phải hiểu đó là anh lính đọc thư cô bạn gái và hiểu theo ý nguyên văn của cô, chứ không phải là ý thực hoặc ý tưởng kín đáo khác của cô. Với anh lính, cô gái đang trình bày một vấn đề, đó là vấn đề anh không viết thư thường hoặc viết thư vắn tắt. Do đó, anh lính tìm một giải pháp cho vấn đề đó. Đây là trường hợp điển hình cho sự khác biệt giữa cách biểu lộ tình cảm của phái nam và phái nữ.
Trong quyển sách nổi tiếng, "Men Are from Mars, Women Are from Venus: The Classic Guide to Understanding the Opposite Sex" ("Các anh đến từ Hỏa Tinh, các cô đến từ Kim Tinh: Sách hướng dẫn kỳ cựu cho việc hiểu người khác phái"), tác giả John Gray viết, "Cũng như phái nam được thỏa mãn bằng cách tìm ra những chi tiết tỉ mỉ trong việc giải quyết một vấn đề, phái nữ được thỏa mãn bằng cách nói về những chi tiết vấn đề của cô" ("Just as a man is fulfilled through working out the intricate details of solving a problem, a woman is fulfilled through talking about the details of her problems") (Gray 2012, 36). Nghĩa là phái nữ không thiết đến gỉải pháp cho vấn đề của họ, mà chỉ cần nói đến vấn đề của họ là họ đủ sung sướng rồi. (Tôi tin là sẽ có nhiều cô, bà không đồng ý với nhận xét này, nhưng đó là chuyện khác.) Trong "Lời Tình Viết Vội/ Thư Ngoài Biên Trấn," ta sẽ thấy hai cách hai anh lính trong hai phiên bản đối phó với vấn đề như thế nào.
2. Anh Việt có vẻ là người khéo ăn nói nhưng dường như không chân thật và thực sự thương yêu người yêu bằng anh Tuấn:
Trong ca khúc "Lời Tình Viết Vội"/ "Thư Ngoài Biên Trấn," lời lẽ của anh lính trong hai phiên bản cho thấy hai anh lính có cá tính khác nhau và hai người có cách biểu lộ tình cảm khác nhau, và cách trả lời khác nhau cho vấn đề đặt ra bởi cô bạn gái.
Cả hai anh lính đã trải qua biết bao năm đi khắp nơi hành quân đánh giặc. Cuộc sống lính tráng của anh Việt rất kham khổ, nhưng anh không than vãn vì anh nặng lòng yêu thương quê hương ("Bao năm xuôi ngược khắp miền hành quân ngày đêm/ Gian lao nhưng lòng vẫn nặng tình yêu núi sông"). Anh Tuấn dùng câu "rừng sâu đồi cao" thay vì "hành quân ngày đêm" không làm thay đổi ý chính nhiều.
Anh Việt biết người yêu anh có lúc nhớ nhung anh, nhưng vì bận rộn, anh chỉ có thể viết thư vài câu vắn tắt cho biết tin tức là anh vẫn bình yên ("Cho nên nhiều khi biết người yêu nhớ/ Trang thư vài câu làm tin thế thôi"). Ngược lại, anh Tuấn thú nhận là anh nhớ người yêu nên mới viết thư ("Cho nên nhiều khi nhớ về em lắm"). Sự khác biệt này khá quan trọng, vì nó cho thấy cách suy nghĩ của anh lính về người yêu. Với "nhớ về em lắm," anh Tuấn cho thấy tâm tình anh quả thực thương nhớ cô bạn gái, và anh có tính thật thà khi thổ lộ chi tiết đó. Ngược lại, câu "biết người yêu nhớ" cho thấy anh Việt hiểu là cô bạn nhớ nhung mình, nhưng anh không thổ lộ là anh có nhớ cô ta không. Sự khác nhau tuy nhỏ nhặt, nhưng khá quan trọng trong liên hệ tình cảm trai gái. Ngoài ra, cùng với các khác biệt khác sẽ được trình bày sau, ta thấ̉y anh Việt có bản chất khác hơn anh Tuấn.
Người yêu anh thường hờn dỗi anh, người lính trấn đóng nơi biên cương, và ghen tuông nghi ngờ anh có người yêu khác nên phai nhạt tình cảm với cô ("Nàng hay trách hờn người tình biên ải/ Bảo rằng vì ai nỡ đành lạt phai"). Câu này là nhận xét của anh lính về cô bạn gái. Anh lính trong bài hát, đối đầu với lời hờn trách của cô bạn gái, có phản ứng và đó là lời anh trong bài hát. Tuy nhiên anh Việt phản ứng khác hẳn với anh Tuấn như sẽ được phân tách sau.
Anh Việt không biết việc cô bạn gái có vẻ ghen tuông chỉ là cách cô ta nói về vấn đề của cô ta, đó là cô ta nhung nhớ anh. Thay vì nói về vấn đề đó, anh Việt cố tìm một giải pháp cho vấn đề. Giải pháp đó, theo anh, là giải thích lý do tại sao anh viết thư vắn tắt, vì anh nghĩ cô bạn gái đang thắc mắc tại sao anh viết thư vắn tắt. Anh Việt có mặc cảm tội lỗi về chuyện ít viết thư hoặc viết thư ngắn cho người yêu. Anh phân trần với nàng là cho dù bây giờ quân thù không tấn công mãnh liệt, anh vẫn phải bận rộn vì anh có trách nhiệm bảo vệ dân và phải dấn thân hành quân đều đặn ("Em ơi cho dù súng thù giờ đây lẻ loi/ Nhưng anh vẫn còn trách nhiệm vì dân dấn thân").
Ngược lại, anh Tuấn có câu trả lời khác. Anh viết cho dù anh đi hành quân lâu ở nơi xa xôi, anh vẫn không thay đổi và vẫn là người yêu của cô như ngày xưa ("Em ơi cho dù muôn dặm hành quân ngày đêm/ Biên cương xa vời anh vẫn là anh của em"). Ta thấy cá tính của hai anh lính khác nhau trong hai câu này.
Cả hai đều cố tìm giải pháp cho vấn đề, nhưng giải pháp của hai anh khác nhau. Anh Việt phân trần, và giải thích lý do tại sao anh không viết thư thường hoặc chỉ viết vắn tắt. Với anh Việt, anh ta có vẻ nói là mọi khi anh vẫn có thể viế́t thư dài, nhưng bây giờ anh ta phải lo chuyện hành quân vì trách nhiệm nên anh không viết dài được. Điều đó cho thấy anh công nhận việc anh viết thư ngắn hoặc ít viết thư là sai, và anh cố bào chữa cho việc đó. Ngược lại, anh Tuấn nói là anh ta không thay đổi tình cảm của anh với cô bạn gái cho dù hoàn cảnh sống của anh thay đổi. Với anh Tuấn, dù anh ở đâu anh cũng viết thư ngắn, và anh không thay đổi. Ta thấy hai người có hai giải pháp khác nhau. Anh Việt giải thích lý do nhưng trong lúc giải thích đó, anh ngầm tự nhận lỗi. Anh Tuấn phủ nhận là có vấn đề, vì anh lúc nào cũng vậy.
Bằng cách phủ nhận có vấn đề trong việc viết thư và tái xác nhận anh không thay lòng đổi dạ, anh Tuấn có vẻ trung thực hơn anh Việt trong tình cảm của anh với cô bạn gái. Chỉ qua câu trả lời này của hai anh, ta thấy hai người có hai cá tính khác nhau. Anh Tuấn có vẻ "thực" hơn anh Việt. Như sẽ được trình bày sau, ta thấy anh Tuấn duy trì cá tính "thực" này trong suốt bài hát, trong khi anh Việt có vẻ bề ngoài và bóng bẩy hơn.
Trở lại với bài hát, ta tiếp tục thấy sự khác biệt giữa anh Việt và anh Tuấn.
Với anh Việt, vì anh phải có trách nhiệm với núi sông, thư của anh vẫn phải vắn tất như thư của người lính đánh trận, trấn đóng nơi rừng sâu núi thẳm, dùng ánh trăng sao sáng soi làm đèn viết thư ("Nên thư của anh vẫn là thư lính/ Trong đêm rừng sâu đèn sao sáng soi"). Anh Tuấn chỉ nói thêm về thư của anh là viết từ nơi biên ải khói lửa, dưới ánh sáng hỏa châu làm ánh đèn soi sáng ("Thư anh từ nơi tuyến đầu lửa khói/ Trong đêm hỏa châu bừng lên sáng soi"). Ta thấy thêm một khía cạnh "thực" của anh Tuấn khi anh đề cập đến việc anh viết thư dưới ánh sáng hỏa châu trong ban đêm. Điều đó có nghĩa là lúc ấy, anh không tham gia hành quân hoặc tác chiến, và hỏa châu được bắn lên cho mục đích nào đó. Ta biết ánh hỏa châu rất sáng. Động từ "bừng lên" (dùng rất hiệu quả) cho thấy thời gian soi sáng ngắn, thường khoảng một phút. Cho dù không kéo dài lâu, nhiều hỏa châu có thể bắn lên được đủ lâu để anh Tuấn viết xong một lá thư ngắn gọn vài hàng. Anh Việt không đề cập đến hỏa châu, mà lại nói đến ánh sao sáng soi đèn cho anh viết thư. Nghe có vẻ lãng mạn, nhưng có vẻ thiếu thành thật. Thứ nhất, cho dù có trăng sáng (chứ đừng có nói là ánh sao), ánh sáng trăng cũng không đủ sáng để viết thư bằng hỏa châu. Thứ nhì, và quan trọng hơn, nếu đêm đó sáng trăng sao cả đêm, thì anh Việt phải có nhiểu thì giờ để viết thư dài chứ? Trăng sao sáng phải kéo dài ít nhất một hai tiếng, dư sức cho anh viết một lá thư dài. Hình như anh Việt giấu đầu lòi đuôi cho sự làm biếng viết thư của anh.
Cả hai anh đều chỉ có thể viết vội vài hàng cho người yêu và anh mong nàng thông cảm và hiểu lòng anh ("Vài câu viết vội lời tình chân thành/ Mong người em yêu thấu hiểu lòng anh"). Sau đó, anh lính tiếp tục nói thêm về chuyện tình cảm của hai người và hoàn cảnh xa nhau trong thời chinh chiến.
Với anh Việt, vì đất nước vẫn còn chiến tranh, anh đã phải ra đi tòng quân đánh giặc và người yêu anh đã chấp nhận việc anh nguyện dâng hiến đời anh cho non sông ("Khi non nước còn giặc thù/ Em chấp nhận lời nguyện đời trai dâng núi sông"). Với câu này, anh Việt dường như có ý nói, "Khi em chịu làm người yêu của anh, em đã chấp nhận cuộc đời hy sinh của anh cho quê hương. Sao bây giờ em còn cà khịa gì với anh, ghen tuông vớ vẩn gì nữa?" Sau đó, anh khuyên nàng nên ráng đè nén những nỗi niềm thương nhớ và chờ đợi ngày hai người hội ngộ ("Bao yêu ái chuyện của lòng/ Em nén đợi trùng phùng trên vùng quê hương"). Cho dù chuyện tình hai người còn dang dở và vẫn phải xa nhau, nàng nên trông chờ anh như nàng Tô Thị chờ chồng ngày đêm, và cầu nguyện cho chồng để lại danh thơm trong sử sách ("Cho nếu yêu thương còn dang dở/ Và còn những ngày cách ngăn/ Em là Tô Thị nghìn đêm trông chồng xa ngoài chân mây/ Cầu mong cho người sử quý lưu danh").
Ta thấy anh Việt hơi có thái độ trịch thượng với người yêu mình. Anh ta như muốn đổ lỗi cho cô bạn gái và còn dậy khôn cô ta là nên biết kềm chế tình cảm, và kiên nhẫn chờ đợi anh. Anh còn ví von là chuyện cô ta chờ đợi anh như là chuyện Tô Thị trong tích Hòn Vọng Phu hóa đá chờ chồng, và cầu mong chồng được lưu danh trong sử.
Với anh Tuấn, ta thấy một thái độ khác hẳn. Anh Tuấn cho biết là chính anh đã chấp nhận cuộc đời lính tráng, do đó anh cũng không than vãn gì ("Khi non nước còn giặc thù/ Anh chấp nhận lời thề đời trai dâng núi sông"). Anh nghĩ là trong chuyện tình yêu, ai cũng có những tâm sự thẩm kín, hoặc những ước mơ ấp ủ trong lòng ("Bao ưu ái chuyện của lòng/ Ai chẳng phải một lần ấp ủ trong tim"). Nhưng nếu có xa cách nhau trong cuộc tình, thì hãy noi gương Tô Thị chờ chồng, chẳng có thư từ tin tức gì cả, để cho câu chuyện đó được lưu truyền mãi mãi ("Nhưng nếu yêu thương còn dang dở/ Và còn những ngày cách ngăn/ Xưa nàng Tô Thị ngày đêm trông chồng không màu thư xanh/ Tình xưa nay còn giữ quý lưu danh").
Anh Tuấn nhắc đến tích Tô Thị để cho thấy là thời xưa, người ta không có thư từ gì mà còn trông chờ được. Như thế, tích đó mới được truyền bá cho hậu thế lâu dài. Anh không có ý định muốn cô bạn gái phải đóng vai trò như Tô Thị, mà chỉ muốn dùng Tô Thị là một gương thí dụ. Anh Tuấn nói vì Tô Thị kiên nhẫn chờ chổng, nên mối tình xưa đó đã lưu danh muôn thuở. Ngược lại, anh Việt hình như không biết rõ về sự tích Hòn Vọng Phu vì anh ta nói nàng Tô Thị chờ chồng đi đánh trận và nguyện cầu cho chồng lập chiến công hiển hách ghi trong lịch sử. Hoặc có thể anh ta biết rõ sự tích Hòn Vọng Phu nhưng thêm thắt chi tiết Tô Thị cầu nguyện cho chồng lập chiến công để ngụ ý là cô bạn gái cũng nên làm như vậy và cầu nguyện cho anh lập chiến công hiển hách ghi lại sử sách. Dầu gì, ta thấy anh Tuấn, khác hẳn với anh Việt, không đòi hỏi nhiều ở cô bạn gái và không vẽ vời chuyện anh lập chiến công hiển hách lưu danh sách sử.
Trong phiên khúc chót, sự khác biệt của hai anh Việt và Tuấn trở nên rõ rệt. Anh Việt, vẫn tiếp tục với mặc cảm tội lỗi của mình nên anh dùng hoa từ bóng bẩy để hứa hẹn ngày mai hạnh phúc với người yêu. Ngược lại, anh Tuấn chỉ xác nhận lại anh không thay đổi và lá thư của anh gói ghém tình yêu anh cho người yêu.
Cả hai anh đều trấn an người yêu hãy yên lòng, đừng lo lắng gì đến anh, và cứ giữ vai trò là người yêu trông chờ anh ("Em anh yên lòng an phận người thương chờ mong"). Đây là nét đặc biệt trong bài hát. Nó cho thấy tinh thần hy sinh của người lính VNCH. Cả hai anh Việt và Tuấn đều không đòi hỏi gì từ người tình. Cả hai đều lo cho người yêu và không muốn cô phải bận tâm đến anh hoặc chuyện tình cảm của hai người, và cứ giữ vai trò là người yêu trông chờ anh ở hậu phương.
Anh Việt hẹn ngày mai khi đất nước thanh bình, cuộc đời hai người sẽ vui thắm hơn ("Mai kia thanh bình trở lại đời vui thắm lên"). Anh hứa sẽ đền bù những tháng ngày nàng nhớ nhung anh, và sẽ như ánh trăng say đắm nâng niu trân quý tình yêu nàng ("Anh xin vì em đáp đền nhung nhớ / Nâng niu hồn em bằng trăng đắm say"). Anh vẽ ra hình ảnh lãng mạn của hai ngưởi tình xum họp và yêu thương lẫn nhau với gợi ý tinh tế cho cuộc hôn nhân ("Cỏ hoa chất đầy thuyền về bến mộng/ Trên vùng yêu thương kết nụ tầm xuân"). Trong câu này, có vài phiên bản dùng "trăm" thay vì "trăng" trong "trăng đắm say." Tôi nghĩ "trăng" chính xác hơn vì những ẩn dụ liên hệ trong thi ca về "trăng" và "hồn" và những móc nối về các biểu hiện cụ thể trong hai câu ("hồn," "trăng," "cỏ hoa," "thuyền," "bến," và "nụ tầm xuân").
Ta thấy anh Việt dùng lời lẽ hoa mỹ trong hứa hẹn anh. Anh nhắc đến "hồn" và "trăng" khiến ta không khỏi không nhớ đến Hàn Mặc Tử với những câu thơ trứ danh về "hồn" và "trăng" (Xem, thí dụ như, Thụy 2009).
Trăng nằm sõng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
(Bẽn Lẽn - Hàn Mặc Tử)
Kéo mền ủ kín toàn thân lại
Để thả hồn bay gửi mộng về.
(Hãy đón hồn anh - Hàn Mặc Tử)
Anh Việt còn vẽ ra hình ảnh xinh đẹp của cuộc hội ngộ trùng phùng và hai người sẽ yêu nhau và sẽ sống bên nhau mãi mãi. Câu "thuyền về bến mộng" hàm ý chuyện tình sẽ thành duyên. Câu "kết nụ tầm xuân" ngụ ý hai người nên duyên chồng vợ. Ta biết trong ca dao có nhiều câu ca liên kết nụ tầm xuân với hôn nhân (Xem, thí dụ như, Phan Bảo Thư).
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay.
Trong bài hát "Khúc Hát Ân Tình" của nhạc sĩ Xuân Tiên có câu, "Tìm về mảnh vườn hoa thắm hái bông tầm xuân trao nàng." Ta không hiểu tại sao nụ tầm xuân lại dính dáng đến hôn nhân. Có thể do bởi câu ca dao trên, tuy câu ca dao dùng câu "Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc" có thể với ngụ ý khác (thí dụ, cho thấy một nghịch lý).
Dầu sao thì anh Việt dùng ví von này để hứa hẹn cuộc hôn nhân với cô bạn gái. Với cách dùng hoa từ hứa hẹn đền bù và hôn nhân, anh Việt làm giảm bớt sức mạnh của lòng thành thật trong các câu trước ("Vài câu viết vội lời tình chân thành/ Mong người em yêu thấu hiểu lòng anh") vì anh có vẻ nói loanh quanh và biện bạch cho chuyện làm biếng viết thư của mình. Lời hứa hẹn hôn nhân có thể làm cô bạn gái vui, nhưng không có hiệu quả trong việc biểu lộ tình cảm với cô ta.
Khác hẳn với anh Việt, anh Tuấn không hứa hẹn vẽ vời gì. Anh chỉ xác định lại lòng chung thủy của anh với cô bạn gái ("Anh em bao giờ vẫn là người yêu thủy chung"). Đó là câu trả lời trực tiếp cho lời hờn trách của cô bạn gái nghi ngờ anh có người khác. Anh cho biết thư của anh viết từ nơi biên ải xa xôi, trong cảnh chiến tranh, dưới ánh hỏa châu, nên không có những hoa hòe đẹp đẽ hoặc lời lẽ lãng mạn tình tứ (hình thức lẫn nội dung) ("Thư anh gửi em viết từ biên trấn/ Thư anh dù không màu xanh ái ân"). Anh không nói nhiều, nhưng chỉ vắn tắt cho biết lá thư anh, tuy ngắn, gói ghém tình yêu bao la như biển cả từ chiến trường gởi về cho em gái hậu phương. Một cách tế nhị, anh biểu lộ niềm tin của anh vào tình yêu của cô bạn gái và có lẽ lòng trung thành của cô ("Biển thương chất đầy tình ngoài chiến trường/ Gởi về hậu phương với trọn niềm tin").
Trở về với vấn đề biểu lộ tình cảm và cách diễn tả ý tưởng giữa phái nam và phái nữ, ta thấy hai anh lính có hai cách đối phó khác nhau với vấn đề cô bạn gái đưa ra. Anh Việt tiêu biểu cho phái nam thông thường. Anh diễn gỉải lời cô gái theo nghĩa đen (literally). Nghĩa là anh Việt tin rằng cô gái thực sự nghi ngờ anh có bồ khác vì anh phai nhạt tình cảm với cô như biểu lộ qua thư anh viết. Do đó anh có phản ứng thông thường của phái nam: tìm cách bào chữa và cố làm cô bạn vui qua hứa hẹn tương lai. Ngược lại, anh Tuấn, hình như đã đọc sách "Men Are from Mars, Women Are from Venus" của John Gray, biết là cô bạn gái chỉ nói vậy thôi, và cô ta không thực sự tìm giải pháp cho vấn đề cô ta. Ngoài ra, với bản chất chân thật và mộc mạc, anh Tuấn không tìm cách bào chữa mà xác định lại là lúc nào anh cũng chung thủy với cô. Anh cũng chẳng thấy cần thiết cho việc làm người yêu vui qua hứa hẹn hoa mỹ. Anh kiên trì xác nhận anh không thay đổi và lúc nào cũng yêu cô ta. Một cách tế nhị và khéo léo, anh còn biểu lộ niềm tin của anh với cô ta.
Tôi không rõ cô bạn gái thích lá thư của ai, anh Việt hay anh Tuấn. Chuyện đó cũng tùy cá tính của cô bạn gái. Nhưng ít nhất anh Tuấn cho thấy bản chất hiền lành trung thực, tính tình thật thà, và thực sự yêu thương cô bạn gái. Anh Việt cũng có thể yêu thương cô bạn gái, nhưng bản chất màu mè, có vẻ chú trọng đến hình thức hơn nội dung, thích thêm mắm thêm muối lúc kể chuyện tuy những thêm thắt này có thể vô hại.
Nói tóm lại, ca khúc "Lời Tình Viết Vội"/ "Thư Ngoài Biên Trấn" là lời tâm tình của anh lính VNCH trấn đóng nơi biên cương với cô bạn gái. Bài hát cho thấy cuộc sống tình cảm của người lính VNCH trong thời chiến chinh: tuy bận rộn việc bảo vệ quê hương, họ vẫn gìn giữ lòng trung thành và yêu thương dành cho người yêu nơi hậu phương.
Một cách sâu sắc, qua lời nhạc khác biệt của hai phiên bản, ta nhận ra cá tính khác biệt của anh lính trong bài hát. Vì nhân vật trong bài hát là sản phẩm của nhạc sĩ, ta có thể có những suy đoán sau. Thứ nhất, nhạc sĩ Giao Tiên vô tình hay cố ý vẽ ra một người lính có cá tính khác trong phiên bản "Lời Tình Viết Vội" vì lý do nào đó (thí dụ ông ở một trạng thái tinh thần khác lúc viết lại lời, tạo ra hình ảnh hoa mỹ và hứa hẹn tốt đẹp cho phù hợp phong trào ca nhạc bấy giờ, v.v.). Thứ nhì, phiên bản "Lời Tình Viết Vội" với các câu bị thay đổi được viết bởi một nhạc sĩ khác Giao Tiên có thể vì lý do nào đó (thí dụ nhạc sĩ Giao Tiên đã bán đứt bản quyền).
C. "Thư Ngoài Biên Trấn" có lối diễn tả bình dị nhưng "Lời Tình Viết Vội" có cách dùng chữ không đồng đều:
Hai phiên bản "Lời Tình Viết Vội" và "Thư Ngoài Biên Trấn" có cùng giai điệu và tiết tấu. Bài hát có thể được hòa âm với nhạc điệu Boléro hoặc Rumba, thích hợp cho âm điệu tình tứ của một lá thư tình. Bài hát không có giai điệu réo rắt hoặc trầm bổng du dương, nhưng rất có hiệu quả trong việc tạo ra cảm xúc qua giai điệu nhẹ nhàng với âm vực vừa đủ và những khúc lên xuống ngắn, tránh sự đều đều nhàm chán. Chính những khúc lên xuống ngắn nhưng uyển chuyển này (thí dụ, giai điệu của câu "nàng hay trách hờn," "vài câu viết vội," và "sử/giữ quý lưu danh") giúp khán giả có cảm xúc thay đổi nhất là khi lời ca nói đến tâm tư anh lính xa người yêu.
Trong phiên bản "Thư Ngoài Biên Trấn," nhạc sĩ Giao Tiên dùng chữ đơn giản bình dị, không bóng bẩy, không màu mè, phản ảnh trung thực lời lẽ của một anh lính hiền hòa trong quân lực VNCH (QLVNCH) với tình yêu tổ quốc và người bạn gái nơi hậu phương. Những câu, nhóm chữ, hoặc từ ngữ như "nhớ về em lắm," "làm tin thế thôi," "anh vẫn là anh của em," "vài câu viết vội," "thấu hiểu," "ấp ủ trong tim," "em anh yên lòng," rất bình dị, đơn giản, nhưng có tác dụng mạnh vì chúng phản ảnh tâm tình mộc mạc, chân thật của anh lính.
Vì đây là lá thư và không phải là một câu chuyện hay một cảnh tượng, Giao Tiên không dùng những kỹ thuật mô tả mà chỉ là những lời kể lể bình thường. Tuy nhiên, ông dùng vài từ ngữ mô tả linh động như "xuôi ngược," "bừng lên" giúp phần sống động cho lời thư. Ngoài ra, tích Tô Thị trong Hòn Vọng Phụ làm tăng thêm giá trị nghệ thuật. Giao Tiên có vài nhóm chữ độc đáo và có thể tạo ấn tượng trên khán giả, nhưng những nhóm chữ này không liên hệ đến ý chính của bài nên có thể không có tác dụng mạnh. Thí dụ như "giữ quý lưu danh," "biển thương chất đầy," "màu xanh ái ân."
Một cách tổng quát, cái hay trong bài hát "Thư Ngoài Biên Trấn" là cách diễn tả bình dị với từ ngữ dễ hiểu, trong sáng, phù hợp với cá tính chân thật và hiền lành của anh Tuấn. Lá thư có lời lẽ dễ thương, nói lên nỗi niềm yêu thương của anh lính dành cho cô bạn gái khi anh trấn đóng nơi biên cương xa xôi. Cộng với giai điệu nhẹ nhàng với những đoạn lên xuống ngắn gọn, bài hát dễ dàng tạo cảm xúc cho khán giả cảm thông hoàn cảnh của anh lính.
Phiên bản "Lời Tình Viết Vội" giữ một phần cách diễn tả đơn giản bình dị của "Thư Ngoài Biên Trấn," nhưng có những ngôn từ hoa mỹ bóng bẩy. Phiên bản này có vài nhóm chữ độc đáo nhưng có mức hiệu quả không đồng đều. Nhóm chữ "súng thù giờ đây lẻ loi," tuy độc đáo nhưng không hiệu quả vì "lẻ loi" thường hàm ý cô đơn hơn là ít oi. Nhóm chữ "nén đợi trùng phùng" hơi chút khó hiểu vì động từ "nén" không có túc từ. Các nhóm chữ "đáp đền nhung nhớ," "nâng niu hồn em," "trăng đắm say" là những nhóm chữ độc đáo có hiệu quả vì chúng mô tả tình cảm, hành động một cách mạnh mẽ và khác lạ.
Phiên bản "Lời Tình Viết Vội" dùng nhiều mỹ từ và ẩn dụ, làm tăng thêm giá trị thi ca, nhưng cùng lúc làm giảm bớt ý nghĩa chân thật của lá thư của một người lính. Các ẩn dụ như "cỏ hoa," "thuyền về bến mộng," và "kết nụ tầm xuân" rất hiệu quả trong việc gợi ý nhẹ nhàng cho việc nên duyên và hôn nhân.
Một khuyết điểm là sự hiểu lầm ý nghĩa của "sử quý lưu danh" là dành cho câu chuyện Tô Thị, chứ không phải là cầu mong cho người chồng đi lính xa lập chiến công hiển hách để được lưu danh muôn thuở. (Để ý là phiên bản "Thư Ngoài Biên Trấn" dùng "giữ" trong khi phiên bản "Lời Tình Viết Vội dùng "sử.") Cũng may là khuyết điểm này không nặng nề lắm. Tuy nhiên khuyết điểm này khiến ta không thể không tự hỏi phiên bản "Lời Tình Viết Vội" như được trình bày bởi các ca sĩ Nhật Trường, Tuấn Vũ, Trường Vũ, Quang Lê, Thanh Tuyền, v.v. có quả thực là được viết bởi Giao Tiên khi mà ông có lối dùng rất rõ cho câu "giữ quý lưu danh" trong phiên bản "Thư Ngoài Biên Trấn."
Tóm lại, trong khi phiên bản "Thư Ngoài Biên Trấn" thể hiện chính xác và hữu hiệu tâm tình anh lính VNCH trấn đóng nơi quan ải bảo vệ quê hương với tình yêu thương dào dạt cho người yêu nơi hậu phương, phiên bản "Lời Tình Viết Vội" làm giảm giá trị nghệ thuật vì có các lối diễn tả không đồng đều. Tuy nhiên, nếu không biết phiên bản "Thư Ngoài Biên Trấn," khán giả vẫn có thể ưa thích phiên bản "Lời Tình Viết Vội" vì giai điệu nhẹ nhàng và vài khúc lên xuống uyển chuyển như các nét chấm phá trong một bức họa hiền hòa. Ngoài ra, những khuyết điểm của phiên bản "Lời Tình Viết Vội" thường không được nhận ra khi khán gỉả chỉ nghe một cách bình thường khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Hơn nữa, những hoa từ, ẩn dụ trong phiên bản "Lời Tình Viết Vội" khiến khán giả dễ dàng tha thứ cho những khía cạnh tiêu cực khác.
D. Kết Luận:
"Lời Tình Viết Vội" và "Thư Ngoài Biên Trấn" lả hai phiên bản của một bài hát nói về lá thư của một người lính VNCH đóng quân nơi vùng biên cương viết cho người yêu nơi hậu phương. Hai phiên bản có cùng giai điệu và tiết tấu nhưng lời ca khác nhau khoảng 46%. Sự khác biệt giữa hai phiên bản không làm thay đổi ý chính của bài hát về lá thư viết vội của anh lính, nhưng diễn tả khác nhau về cá tính của anh. Hai cá tính đó phản ảnh các khía cạnh khác biệt về biểu lộ tình cảm và diễn tả ý tưởng giữa phái nam và phái nữ trong liên hệ tình cảm trai gái.
Ngoài việc khác nhau về cá tính anh lính, cả hai phiên bản đều nói lên tâm trạng tiêu biểu của người lính VNCH ngoài chiến tuyến về tình yêu trong thời chiến. Tâm trạng đó cho thấy người lính VNCH nặng lòng với quê hương nhưng vẫn duy trì tình yêu cá biệt với người yêu. Người lính VNCH không những không đòi hỏi gì mà còn lo lắng cho người yêu nơi hậu phương buồn vỉ nhung nhớ. Vì sự đòi hỏi chiến tranh, những người lính VNCH thường phải tạm gác tình cảm với người yêu, người vợ để đặt ưu tiên vào việc đất nước. Cộng với sự hy sinh tương ứng của người yêu, người vợ nơi hậu phương, người miền Nam Việt Nam thể hiện sức chịu đựng bền bỉ và chấp nhận những thiệt thòi lớn lao trong cuộc chiến.
CẢM TẠ
Tôi xin có lời cảm tạ các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn AR. 15 (chính chủ). Nhờ tìm hiểu trong lúc viết bài này, tôi mới biết "Lời Tình Viết Vội" đến từ "Thư Ngoài Biên Trấn" do nhạc sĩ Giao Tiên viết.
Tài Liệu Tham Khảo:
1. Charles, Eric. Không rõ ngày. Ask a Guy: How Do Men Show Their Love? Không rõ ngày. http://www.anewmode.com/dating-relationships/how-do-men-show-their-love/ (truy cập 17-4-2015).
2. Fern, Ashley. 2013. Men Have Feelings Too, They Just Express Them Differently. 13-6-2013. http://elitedaily.com/dating/sex/why-men-hide-their-emotions/ (truy cập 18-4-2015).
3. Giao Tiên. 2011. Trang Web của nhạc sĩ Giao Tiên. http://www.giaotien.com/ (truy cập 18-4-2015).
4. Gray, John. 2012. Men Are from Mars, Women Are from Venus: The Classic Guide to Understanding the Opposite Sex. HarperCollins. New York, NY, U.S.A.
5. NCT. Không rõ ngày. Thư Ngoài Biên Trấn - Minh Huy. Không rõ ngày. http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/thu-ngoai-bien-tran-minh-huy.4AweSvZRM2wz.html (truy cập 18-4-2015).
6. Phan Bảo Thư. Không rõ ngày. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Không rõ ngày. http://www.svqy.org/nutamxuan.html (truy cập 18-4-2015).
7. Thụy Khuê. 2009. Thơ Hàn Mặc Tử : Mật đắng, Máu cuồng và Hồn điên. Đăng 14-2-2009. http://www1.rfi.fr/actuvi/articles/110/article_2520.asp (truy cập 19-4-2015).
8. YouTube. 2011. Nhat Truong "loi tinh viet voi" nhac truoc 1975. 1-11-2011.
https://www.youtube.com/watch?v=iOTklXi6Om8 (truy cập 18-4-2015).
9. _______. 2014. Thư Ngoài Biên Trấn (Giao Tiên) - Trang Mỹ Dung (Pre 75). 15-10-2014. https://www.youtube.com/watch?v=IyoVX3oUP1A (truy cập 18-4-2015).
10. Wikipedia. 2015. Giao Tiên. Thay đổi chót: 23-3-2015.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Giao_Ti%C3%AAn (truy cập 18-4-2015).