CSVN có quyết tâm chống tham nhũng? - Dân Làm Báo

CSVN có quyết tâm chống tham nhũng?

Đại Nghĩa (Danlambao) - Công cuộc phòng chống tham nhũng từ trước tới giờ được phát hiện do báo chí và nhân dân tham gia là chủ yếu, thế mà nay nhà cầm quyền định bịt miệng bằng cách đòi báo chí cho công an và cơ quan liên hệ biết nguồn tin và cả người đưa tin, thế thì ai dám đưa tin trong khi họ không được bảo vệ lúc họ bị trả thù.

Công việc phòng chống tham nhũng chuyền từ tay thủ tướng sang tay tổng bí thư cho đến nay xem ra không có tiến bộ nào mà nó còn thoái bộ nữa là đằng khác vì chính TBT Nguyễn Phú Trọng đập chuột còn sợ vỡ bình.

“Quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng từ trước tới nay có đóng góp rất lớn của báo chí. Rất nhiều vụ do báo chí, do dư luận phanh phui ra, chứ không phải do cơ quan chức năng...

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu qui định không đúng sẽ hạn chế cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thậm chí triệt tiêu sự tham gia của người dân và báo chí, dẫn tới hạn chế hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của nước ta”. (TienPhong online ngày 6-5-2013)

Với tư cách một người dân bình thường, cựu Đại tá QĐND Phạm Quế Dương và Giáo sư Hán nôm Trần Khuê lập hội tham gia phòng chống tham nhũng, nhưng... Đại tá Dương nói:

“Từ năm 2001, nhà nước này coi tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm nên kêu gọi nhân dân tham gia chống tham nhũng. Nhân ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9, 2001 anh em đến ăn cơm nhà tôi rất vui, cùng đề nghị làm ra Hội Chống tham nhũng để ủng hộ nhân dân Việt Nam và nhà nước chống tham nhũng.

Theo yêu cầu của ông Nguyễn Minh Triết, lúc đó là Bí thư của Sài Gòn, anh Trần Khuê và tôi viết đơn, hai người ký và gởi đi. Nhưng cả hai sau đó bị bắt ngồi tù 19 tháng, cho nên vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam phức tạp lắm, chứ không đơn giản đâu”. (RFA online ngày 24-6-210)

Cụ Nguyễn Văn Bé, một lão thành cộng sản gửi thư nhắc lại chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố mạnh mẽ trong ngày nhậm chức:

“Tháng 10-2006, ông Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức thủ tướng thay ông Phan Văn Khải về hưu, tuyên bố: ‘Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay’.

Gần 5 năm nay, nạn tham nhũng chẵng những không chống được mà ngày càng phát triển, từ các cơ quan Trung ương xuống tận xã, phường, thôn ấp...

Những bằng chứng như thế rõ ràng khẳng định ông Nguyễn Tấn Dũng đã không hoàn thành nhiệm vụ trong suốt 5 năm qua. Ông Dũng và toàn bộ 14 Ủy viên BCT khác đã hoàn toàn không chống được tham nhũng. Vậy tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng không tự nguyện làm đơn xin từ chức ngay như lời ông đã đoan quyết trước dân?” (ĐoiThoai online ngày 15-7-2010)

Sau hơn 5 năm trời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chống tham nhũng chẳng làm nên cơm cháu gì mà tình trạng ngày càng tệ hại hơn, vẫn thấy ổng chưa xin thôi việc nên ông Hoàng Mai nghi ngờ quyết tâm phòng chống tham nhũng khi chuyễn từ chính phủ sang đảng nên ông viết bài “Liệu đảng có thật lòng chống tham nhũng?”

“Trong diễn văn của TBT Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ 5 BCH TƯ Khóa XI, ngày 15-5-2012, trong phần ‘3 về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí’, có đoạn viết: ‘Ban chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị...

Muốn biết đảng có thật lòng chống tham nhũng hay không, nhân dân ta hãy đợi xem, vị Tổng tư lệnh PCTN, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ xử lý như thế nào với ‘bộ phận không nhỏ’ các quan ăn đất tại Hải Phòng”. (Boxitvn online ngày 20-5-2012)

Ai cũng biết việc phòng chống tham nhũng do thủ tướng làm không xong, tổng bí thư giành lấy giao cho ông Nguyễn Bá Thanh nhưng ông ấy đã “nữa đường gãy gánh” nên công cuộc phòng chống tham nhũng có vẻ như bị chựng lại và từ đó đến nay Ban phòng chống Tham nhũng Trung ương mất khí thế nên TBT Nguyễn Phú Trọng không dám theo gương Tập Cận Bình mạnh tay “Đả hổ diệt ruồi” mà ông chỉ kêu gọi “Diệt chuột đừng để vỡ bình” mà thôi.

“Tổng bí thư nói với cử tri sáng nay, chống tham nhũng đòi hỏi khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Phải giữ ổn định để đất nước phát triển, rối loạn sẽ rất nguy hiểm”. (VietnamNet online ngày 6-10-2014)

Phản bác lại lời TBT Trọng nói trên, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu giải thích rất rõ là:

“Thực tiễn nước ta hiện nay không có Bình nào là bình ‘quý’ cả, vì Bình là nơi ẩn nấp của Chuột mà còn là nơi sinh ra chuột. Cuối cùng thì chính Bình còn tệ hại hơn Chuột, Bình mới là cái đáng diệt trước rồi mới diệt được Chuột…

Cứ đổ cái Bình Phong là cả Chuột lẫn Bình đều phải chường cái Mặt Thật trước thanh thiên bạch nhật, cả hai sẽ mất hết nội lực, bài bản cướp ngày sẽ cháy vở ngay, hàng ngũ Chuột sẽ tan rã trong nháy mắt, sẽ chạy mất dép...” (ĐanChimViet online ngày 17-10-2014)

Vụ án tham nhũng PMU 18 của Bùi Tiến Dũng được cả nước biết đến qua vụ cá độ bóng tròn hàng triệu USD và được bao che đến nỗi hai phóng viên của hai tờ báo lớn là Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn văn Hải đưa tin này đã phải bị đi tù. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng phải lên tiếng:

“Cách đây 5 năm, vụ PMU 18 đã phát hiện, nhưng đã được bao che; đảng trở thành bình phong cho kẻ tham nhũng hoạt động. Công tác tổ chức cán bộ như thế nào mà những người như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến vẫn được đề bạt, giao nhiệm vụ quan trọng nếu không được phát hiện thì còn lên cao nữa”. (LaoĐong online ngày 17-4-2006)

Nhà báo Trần Quang Thành là người năng nổ và hăng hái trong việc phòng chống tham nhũng đã trả lời phỏng vấn của Việt Hùng:

“Tôi đi đấu tranh để mà chống tham nhũng để mà vạch mặt bọn buôn gian bán lậu, vạch mặt bọn tiêu cực trong xã hội, tệ nạn xã hội… mà công an thì được thưởng, công an được thưởng hồi đó mấy chục triệu, nhưng tôi có được thưởng xu nào đâu…rồi cuối cùng là mang trên mặt thế là 15 lần mổ, mù một mắt, mồm cũng chả còn, mũi cũng chả còn...” (RFA online ngày 2-6-2006)

Nhà báo Trần Quang Thành tâm sự:

“Đảng kêu gọi chống tham nhũng thì em chống, thế nhưng em không ngờ. Em buồn là vì tin đảng, tin chính phủ mà thực hiện đúng theo đường lối của đảng thì cuối cùng đảng không bảo vệ mình mà hóa ra những kẻ gian manh lại được bảo vệ. Ân hận thì không ân hận, nhưng buồn vì mình tin vào một chế độ, một nơi mà mình gởi gắm vào đây tất cả những nhiệt huyết và thân phận của mình. Thất vọng”. (VOA online ngày 24-6-2012)

Ký giả Trương Minh Đức tố cáo tham nhũng bị nhà cầm quyền cáo buộc vi phạm Điều 258 BLHS nên bị tòa án tỉnh Kiên Giang kêu án 5 năm tù giam, bất bình trước bản án bất công, ông Trương Minh Đức hô to trước tòa:

“Đả đảo cộng sản. Không công nhận phiên tòa hôm nay, bản án là vô lý, là phi nhân đạo. Đả đảo những người cộng sản tham nhũng”. (RFA online ngày 23-7-2008)

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời Biên tập viên Mặc Lâm với ý không tin sự thật lòng chống tham nhũng như sau:

“Ở Việt Nam có câu ‘để lâu cứt trâu hóa bùn’. Rất nhiều vụ án trước đây như vụ Lã Kim Oanh có liên quan đến con của một ông đứng đầu đất nước này, mua một tài sản rất lớn nhưng vụ án đó cuối cùng rồi cũng chìm xuồng. Thứ hai, gần đây nhất là vụ Vinashin. Vụ này chưa kết luận thanh tra, chưa xử thì mấy ông lớn nhất đất nước này tuyên bố không ai bị kỷ luật”. (RFA online ngày 29-5-2012)

Tiến sĩ Lê Tiến Thành, con trai cố TBT Lê Duẫn trò chuyện trên báo mạng SaiGon Tiep Thi (đã bị cho dẹp tiệm cũng vì đưa tin “nhạy cảm”)

“Vì chúng ta quá quen với những vụ án tham nhũng được xử một cách đầu voi đuôi chuột từ trước cho đến nay. Vì chúng ta chứng kiến quá nhiều dự án cần phải xử nhưng cuối cùng lại không xử, hay cần phải xử nặng thì lại xử nhẹ. Sự nương nhẹ rất khó hiểu mà chúng ta làm với cuộc chiến chống tham nhũng đã làm tối đi đường lối lãnh đạo của chúng ta”. (SaiGonTiepThi online ngày 4-2-2014)

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội nói về nhiệm kỳ của ông đang phục vụ như sau:

“Khen thưởng, danh hiệu quá nhiều so với các nhiệm kỳ trước trong khi kỷ luật thì lại không có gì. Có đồng chí lãnh đạo bảo: ‘kỷ luật nhiều quá thì người đâu mà làm?’ Điều này để lại dư âm nặng nề trong cử tri. Vụ Vinashin chẳng hạn-không kỷ luật ai cả”. (Boxitvn online ngày 25-3-2011)

Bài báo trên VietnamNet đưa nhận định của nhiều Đại biểu tham dự Hội thảo Phòng chống tham nhũng tổ chức tại Sài Gòn ngày 4-12-2009.

“Có những vụ việc to bằng con voi nhưng lại xử bằng con kiến làm người dân mất lòng tin. Mà đã không tin thì không muốn nói”

“Tham nhũng trở thành hệ thống và nguyên nhân do khe hở ‘sở hữu toàn dân’, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hiệu quả, xử lý chưa nghiêm... (VietnamNet online ngày 5-12-2009)

Cái mà người ta ngại nhất là người chống tham nhũng lại là người tham nhũng. Sự việc quan thanh tra Trần Văn Truyền vừa qua cho thấy ông ta đã lợi dụng chức vụ nên dể dàng tham nhũng, thu gom. Ông Kim Quốc Hoa, TBT báo Người Cao Tuổi đã trường kỳ đưa ông Truyền lên mặt báo cho đến khi ô dù không còn che chắn cho ông Truyền được nữa đành phải cho ông “kiểm điểm” và xử lý nội bộ. Riêng ông Kim Quốc Hoa thì lại “mất chức” và bị truy tố ra tòa theo Điều 258. Qua việc này, Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh xem như “Cuộc chiến chống tham nhũng ở VN ‘phá sản hoàn toàn”. Ông Chênh nói:

“Dư luận phản ứng rất mạnh về việc khởi tố ông vì ông Kim Quốc Hoa là một trong những tổng biên tập đã dũng cảm chiến đấu chống lại tệ nạn tham nhũng, do đích thân ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư phát động. Ông Hoa là người hưởng ứng chuyện này nhưng giờ lại bị cách chức và khởi tố. Đây là một đòn giáng vào chuyện chống tham nhũng mà chính đảng phát động”. (VOA online ngày 14-5-2015)

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh với kinh nghiệm của người và của mình đã nói rõ:

“Tất cả những lời kêu gọi hoặc hứa hẹn chống tham nhũng của các vị lãnh đạo cao cấp của đảng đưa ra đều có tính mị dân vì không thể nào đứng trong hệ thống này mà chống được tham nhũng”. (DanLuan online ngày15-7-2012) 

Qua vụ xử lý ông Tổng thanh tra Trần Văn Truyền dư luận còn hoài nghi chủ trương của chính phủ về việc chống tham nhũng vì kết luận thì ông Truyền chỉ bị hoàn trả những tài sản chiếm dụng sai còn bản thân ông thỉ chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm; ngược lại ông Kim Quốc Hoa, người tố cáo vụ tham nhũng của ông Truyền thì bị cách chức, cho nghĩ việc và còn phải bị truy tố ra tòa, ngay cả trang báo ông phục vụ cũng bị dẹp tiệm. Một Thế Giới bình luận vụ ông Truyền như sau:

“Khi một người đầu ngành chống tham nhũng lại vơ vét của cải thì lòng tin của dân về công cuộc phòng chống tham nhũng chắc chắn sẽ bị lung lai và sẽ phát sinh câu hỏi: ‘Có bao nhiêu ông Truyền khác khoác vỏ bọc liêm khiết? (Motthegioi online ngày 23-11-2014)

Nhà báo Trần Quang Thành chống tham nhũng bị tham nhũng tạt acid mặt mày te tua, nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Hoàng Khương phải ngồi tù “rút kinh nghiệm”. Nguyễn Bá Thanh 17 năm tham nhũng ở Đà Nẵng không sao, về Hà Nội chống tham nhũng mới hốt được Dương Chí Dũng Vinalines bị án tử mà chưa chết, còn ngược lại Nguyễn Bá Thanh chết mà không án tử(?)

Ông Kim Quốc Hoa chống Trần Văn Truyền thì ông Truyền chỉ bị “kiểm điểm ở nhà”, còn ông Kim Quốc Hoa thì bị lôi ra tòa 258, có cơ “kiểm điểm trong... tù”.

Vì thế cho nên, ở Việt Nam tham nhũng dể hơn chống tham nhũng nhiều lắm!

Ông Nguyễn Minh Triết khi làm Bí thư Thành ủy Sai Gon đã dành cho Nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên lời khuyên “chân thành” như sau:

“Với tư cách là Ủy viên BCT, tôi hoan nghênh việc anh đăng bài báo này vì rất có lợi cho quá trình kiểm điểm những đồng chí lãnh đạo cấp cao. Nhưng với tư cách là bạn, tôi khuyên anh chưa nên đăng vì sẽ rất nguy hiểm cho anh. Cho tới lúc này không phải cán bộ cấp cao nào cũng hiểu đúng sự việc này”. (ThanhNien online ngày 22-11-2014)

13.06.2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo