Bộ Trưởng Quốc Phòng và Hiệu Trưởng Đại Học Hoa Sen - Dân Làm Báo

Bộ Trưởng Quốc Phòng và Hiệu Trưởng Đại Học Hoa Sen

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc...” (BT/QP Phùng Quang Thanh ) 

“Nay Trung Quốc đang củng cố vị trí trên những rạn san hô tại Biển Đông mà họ có được bằng việc đánh chiếm của Việt Nam. Trung Quốc thậm chí bây giờ đã mang thiết bị quân sự đặt ở các cấu trúc xây dựng trên các rạn san hô. Chúng cũng rõ ràng đưa Việt Nam vào tình trạng nguy hiểm”. (Tiến Sĩ Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen)…

Logo trường Đại Học Hoa Sen và Hiệu Trưởng: Tiến Sĩ Bùi Trân Phượng 

Khi mà toàn bộ hệ thống giáo dục XHCN đều định hướng kinh tế thị trường để xác quyết: “tri thức là hàng hóa” có giá thành của nó thì với lý tưởng một trường Đại Học tư thục cổ phần nhưng: “Không Vì Lợi Nhuận” đã biến thành một võ đài mà vị nữ hiệu trưởng vì lý tưởng (ưu tiên không phải lợi nhuận) ấy đã phải so găng chịu trận với một loạt đấu thủ là các nhà đầu tư cổ đông trực tiếp hiệp đồng ra đòn bầm dập để lật đổ đến nỗi thừa chết thiếu sống, nhưng cuối cùng vị nữ Hiệu Trưởng trường này đã tạm thủ hòa được, mà chưa chịu thua, trận đấu còn hứa hẹn hiệp 2 (với mới đây Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận vừa có công văn gửi Thanh tra thành phố về xử lý đơn tố cáo của cổ đông Trường ĐH Hoa Sen, chỉ đạo lập Đoàn thanh tra toàn diện hoạt động của Trường ĐH Hoa Sen từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014) (1) - Đó là Nữ Tiến Sĩ Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - Sài Gòn. 

Không là trọng tài chuyên môn, người dân chỉ là khán giả vì vậy không lạm bàn khía cạnh “kỹ thuật” phía sau trận đấu đình đám tốn nhiều giấy mực hồi năm ngoái (2014) này (đến nay vẫn còn tiếp tục) mà trong một góc quan sát khác rất lý thú để không thể không nói về tư cách của “võ sĩ bất đắc dĩ” Hiệu trưởng Tiến Sĩ /Bùi Trân Phượng trong một trận đấu vì nhân bản nhưng dường như không cân sức này.

Tiến Sĩ Bùi Trân Phượng sinh năm 1950 trong một gia đình có nhiều thế hệ theo nghề giáo. Sau khi hoàn thành chương trình trung học Pháp tại trường Marie Curie bà đậu Tú Tài hạng Ưu và đi du học Pháp năm 1968. Tốt nghiệp Cử Nhân giáo khoa Lịch sử Đại Học Paris I (1972); tốt nghiệp Thạc Sĩ tại Đại Học Paris VII năm (1994), Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh Doanh UBI (2003) và bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ tại Đại Học Lyon 2 Pháp (2008). Từ năm 1972 đến 1975, bà dạy học tại trường Marie Curie và thỉnh giảng tại Đại Học Cần Thơ - Từ 1975 đến 1991, bà công tác tại Đại Học Sư Phạm TP/HCM trải qua các chức vụ: Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa Sử. Về Trường Đại Học Hoa Sen năm 1991, bà lần lượt đảm nhận các cương vị: Trưởng Bộ môn tiếng Pháp, Trưởng ngành Quản trị Văn phòng, Phó Hiệu trưởng phụ trách hợp tác quốc tế, rồi trở thành Hiệu trưởng từ năm 1996 đến nay.

Ngày 18-12- 2014, tại tòa Tổng lãnh sự Pháp, TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, đã đón nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh “Hiệp sĩ” là huân chương cao quý nhất của Cộng hòa Pháp do Tổng Thống Pháp phong tặng cho một cá nhân nước ngoài (NLĐ online).

Hiệu trưởng- Bùi Trân Phượng chúc mừng và gửi gắm 
khát vọng cho các Sinh Viên Tân cử Nhân năm 2015. (2)

Trong một xã hội mà quyền lực và địa vị luôn là cứu cánh của vinh hoa phú quí thì sự tranh chấp nói trên sẽ không có gì đáng phải bàn nếu không có 2 bài diễn văn rất “đặc biệt” như là thông điệp của vị nữ Hiệu Trưởng trường đại học này trước cộng đồng xã hội và gửi cho 535 sinh viên tân khoa, học trò mình làm hành trang vào đời. 

Nói diễn văn “đặc biệt” là vì Tiến Sĩ Bùi Trân Phượng Hiệu trưởng đồng thời là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa Sử Trường Đại Học Hoa Sen, tuy nhiên rất lạ lùng trong diễn văn ngày 20/6/2015 gửi cho các tân khoa suốt hơn 1200 từ của nội dung người ta không hề tìm thấy bất cứ từ ngữ nào là: Xã Hội Chủ Nghĩa, Hồ Chí Minh, đảng CS hay Nhà nước. 

Độc đáo hơn, trong khi Bộ Trưởng QP Phùng Quang Thanh tại nghị trường Quốc Hội kêu gọi toàn dân nên “yêu thương và nói tốt” cho Trung Quốc: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc...” (BT/QP Phùng Quang Thanh ) 

Thì ngược lại rất khẳng khái vị nữ Hiệu Trưởng này trong diễn văn trực tiếp phát biểu đã vạch ra âm mưu thâm độc của Trung Quốc và nhắn gửi với học trò mình phải cảnh giác nhiều nhất, trong mọi công việc hãy nghĩ đến trách nhiệm với đồng bào dân tộc và vận mệnh đất nước mình…(nguyên văn) Mời độc giả thưởng lãm…

Các bạn Tân khoa của Đại học Hoa Sen thân mến,

Các anh chị sắp bước ra khỏi hội trường này để khởi nghiệp trong thời điểm đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê năm nay của trường, cứ 100 tân khoa đang ngồi đây, trong hội trường này, có 80 bạn đã tìm được việc làm và sẽ quay lại làm việc vào thứ hai.

Trong thông điệp gởi đến các tân khoa ngày hôm nay, tôi muốn nói đôi lời về hai vấn đề dường như không mấy liên quan. Tuy không liên quan với nhau, nhưng cả hai vấn đề này đều nóng bỏng, thiết thân đối với sứ mạng giáo dục và những giá trị cốt lõi mà trường Hoa Sen theo đuổi từ 1991 tới nay, đã gần một phần tư thế kỷ. Đó là tư duy không vì lợi nhuận và mối đe dọa từ Trung Quốc.

Đầu tiên, tôi xin giải thích ý nghĩa của ‘không vì lợi nhuận’. Ở góc độ pháp lý, một tổ chức phi lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận (cũng có thể dịch bằng ‘bất vụ lợi’ hay ‘vô vị lợi’) sử dụng lợi nhuận hoặc còn gọi là chênh lệch thu chi của mình để đạt được mục tiêu đề ra thay vì phân phối lại cho nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu dưới dạng cổ tức hay lợi nhuận kinh doanh. Quyết định hoạt động không vì lợi nhuận không có nghĩa là tổ chức đó không quan tâm tìm lợi nhuận từ những hoạt động hay dịch vụ của mình. Mỗi quốc gia có luật giới hạn mức độ mà một tổ chức không vì lợi nhuận được sử dụng phần chênh lệch thu chi để chi trả cho người góp vốn. Tại Việt Nam, luật giáo dục đại học 2012 và nghị định liên quan có quy định trường đại học không vì lợi nhuận phải tuân thủ mức trần cổ tức để dành phần lớn lợi nhuận tái đầu tư vào giáo dục. Đó cũng là điều mà Đại học Hoa Sen đã thực hiện từ ngày đầu thành lập trường, đang thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện ngày càng tốt hơn trong tương lai.

Tư duy không vì lợi nhuận là khái niệm khác. Trong quá trình học tập, các anh chị từng nghe đến tinh thần khởi nghiệp, hay sự năng nổ cần thiết để đi vào cuộc sống thực tế. Các anh chị đã học các kĩ năng để tăng cường lợi thế cá nhân trong cạnh tranh việc làm tốt và vị thế xã hội. Tư duy không vì lợi nhuận là tư duy nhìn nhận thế giới xung quanh ta không phải chỉ bao gồm khách hàng, đối thủ cạnh tranh, đồng minh, nhà cung ứng, giám đốc và nhân viên, cấp trên và cấp dưới hay lobby chính trị. Mà xã hội còn bao gồm những người có năng lực khác nhau và cùng nhau kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Nói cách khác, tư duy không vì lợi nhuận là ý thức cộng đồng hay ý thức trách nhiệm công dân, là động cơ khiến ta góp tiền cho một tổ chức từ thiện, giúp người già băng qua đường, khi lái xe biết nhường đường cho người đi bộ, hay làm việc cho một tổ chức không vì lợi nhuận như Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD chẳng hạn. Các anh chị có thể hỏi có phải phục vụ cộng đồng tám tiếng một ngày và năm ngày một tuần là điều tốt nhất cho các anh chị không. Câu trả lời của tôi là không nhất thiết. Đã từng và sẽ tiếp tục có một số cựu sinh viên Hoa Sen chọn lựa như vậy. Nhiều anh chị khác vẫn làm việc cho một doanh nghiệp bình thường; đồng thời không quên đóng góp kiến thức, thời gian và tiền bạc để giúp đỡ kể cả những người không phải thân thuộc. Quan trọng nhất là anh chị vừa phải có tư duy, năng lực cần thiết để thành công trên thương trường, đồng thời phải có tư duy, năng lực, thói quen, thậm chí là nhu cầu, khát vọng từ sâu thẳm trái tim mình đóng góp xây dựng xã hội.

Liên quan đến các bạn tân khoa và Đại học Hoa Sen, tôi mong muốn các bạn sẽ luôn dõi theo sự phát triển của nhà trường và góp phần đảm bảo rằng Hoa Sen sẽ tiếp tục tái đầu tư hầu hết, tiến đến là toàn bộ chênh lệch thu chi vào hoạt động giáo dục và phục vụ cộng đồng. Tôi mong các anh chị sẽ làm tiếp những gì mà các anh chị đã làm, đó là tham gia đặt ra những câu hỏi, kể cả chất vấn Ban Giám hiệu về hiệu quả sử dụng học phí và sự giữ gìn, phát triển các giá trị cốt lõi đã làm nên uy tín, hình ảnh nhà trường. Và tôi cũng mong, giống như nhiều cựu giảng viên – nhân viên và cựu sinh viên các lớp trước, các tân khoa ngồi đây sẽ tiếp tục giữ quan hệ tích cực và đóng góp, ảnh hưởng đến tương lai nhà trường.

Các tân khoa Đại học Hoa Sen thân mến!

Một năm trước, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển thuộc địa phận Việt Nam và đe dọa sẽ quay trở lại. Nay Trung Quốc đang củng cố vị trí trên những rạn san hô tại Biển Đông mà họ có được bằng việc đánh chiếm của Việt Nam. Trung Quốc thậm chí bây giờ đã mang thiết bị quân sự đặt ở các cấu trúc xây dựng trên các rạn san hô. Những hoạt động này của Trung Quốc làm xáo trộn giao thông hàng hải bình thường và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân. Đồng thời chúng cũng rõ ràng đưa Việt Nam vào tình trạng nguy hiểm. Tôi không lặp lại những điều mà mọi người đã đọc trên các phương tiện truyền thông... Tôi thiết tha mong các anh chị với tư cách công dân Việt Nam phải suy tư, phải có quan điểm cá nhân về tình hình này, theo dõi những diễn biến tiếp theo và có hành động phù hợp. Cho dù sau này các anh chị có chọn cho mình một công việc hay sự nghiệp tương lai gì đi nữa, các anh chị sẽ luôn nghĩ đến đồng bào ruột thịt và vận mệnh của đất nước. Các anh chị sẽ luôn thành tâm làm điều gì đó cho quê hương.

Cuối cùng, các anh chị nhớ chạy xe cẩn thận, đề phòng phụ gia độc hại của Trung Quốc trong thực phẩm Việt Nam. Hãy luôn thể hiện mình là một người Việt Nam có học, sống tử tế, làm việc đàng hoàng và cư xử nhân ái.

Thay mặt đội ngũ sư phạm nhà trường, tôi xin vinh danh sự thành công của các anh chị và chúc các anh chị mọi điều tốt đẹp nhất trên đường đời.

20/6/2015-Hiệu trưởng- Bùi Trân Phượng.

Không chỉ với sinh viên học trò mình, trước đó ngày 16.03.2015 trong một hội nghị mở rộng “Gặp gỡ Hoa Sen 2015” với khách mời đa dạng nhiều thành phần xã hội, trong diễn văn hàng ngàn từ ngữ của Hiệu Trưởng Bùi Trân Phượng người ta củng không hề tìm thấy: Xã Hội Chủ Nghĩa, Hồ Chí Minh, đảng CS hay Nhà nước? Nếu có nhắc đến chỉ là “tri ân xã hội cộng đồng” !. (3)

Kính thưa quý vị thân hữu, quý vị quan khách, và quý đồng nghiệp,

Hằng năm, trường Đại học Hoa Sen chúng tôi lại có hân hạnh đón chào một số quý vị quan khách và thân hữu của Đại học Hoa Sen cùng chúng tôi tham gia thảo luận về những gì nhà trường làm trong năm qua, và những gì chúng tôi cần làm cho hiện tại và tương lai. Gặp gỡ Hoa Sen 2014, chúng tôi đã nêu trách nhiệm xã hội của tổ chức áp dụng thế nào trong hoàn cảnh trường đại học. Trong lần Gặp gỡ Hoa Sen 2015 này, chúng tôi muốn ghi nhận và tri ân cộng đồng.

Nhà giáo dục không thôi thì chưa đủ sức để đào tạo thế hệ trẻ để họ xây dựng tương lai cho chính mình và đóng góp vào sự hình thành một xã hội bền vững và nhân bản. Để làm được điều đó, những người làm giáo dục phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng rộng lớn hơn, đó là toàn xã hội. Vì Đại học Hoa Sen là một tập hợp những nhà giáo dục chia sẻ sứ mạng nói trên, hơn ai hết, chúng tôi ý thức được chúng tôi cần sự giúp đỡ từ xã hội.

Chúng tôi cần tìm đến, xây dựng và gìn giữ những nguồn lực trí tuệ, kinh nghiệm, tri thức lớn hiện diện ở bên ngoài: đó là các nhà giáo dục, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã, đang và sẽ là thân hữu, cộng tác viên của Đại học Hoa Sen. Họ giúp chúng tôi về mặt chiến lược quản trị, chiến lược nghiên cứu và giảng dạy, tầm nhìn dài hạn, kế hoạch vĩ mô, triết lý hoạt động. Họ cũng sẵn sàng đến với chúng tôi, hoặc chúng tôi mạnh dạn tìm đến họ để cùng nhau giải quyết những vấn đề đột xuất, những “bài toán khó” xuất hiện trong thường ngày và trong hoạt động ngắn hạn.

Chúng tôi có các kênh truyền thống để đón nhận sự đóng góp đó: chúng nằm sâu và lan tỏa đến các khoa, phòng, trung tâm của trường. Cũng quan trọng không kém là các kênh tự hình thành giữa những cá nhân trong trường và những trí tuệ, tài năng bên ngoài trường. Giữa hai loại hình đó là sự kiện Gặp gỡ Hoa Sen hàng năm, một kênh chính thức mở ra như một nhắc nhớ Đại học Hoa Sen phải tự lay chuyển mình, không được ngủ quên trong thành công tạm thời, hoặc mệt mỏi trong khó khăn của một bước đường trắc trở. Gặp gỡ Hoa Sen cũng là nơi cánh cửa bất ngờ mở ra những không gian mới cho suy tư, cho hành động. Từ một ý tưởng, một gợi ý, thậm chí một va chạm. Gặp gỡ Hoa Sen là nơi gặp gỡ giữa những người bạn lớn và những con người năng động, khiêm tốn, ham học hỏi của Đại học Hoa Sen.

Chúng tôi nhận ra rằng không thể đánh giá sự thành công của một trường đại học dựa trên số lượng sinh viên mà nó nhận vào. Năm 2014 là một minh chứng cho sự thật này khi nhà trường trải qua biến cố chưa có tiền lệ và con số sinh viên nhập học có phần thấp hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, trong suốt năm qua, các hợp tác mang tính chất học thuật hoặc liên quan đến cộng đồng giữa Đại học Hoa Sen và đối tác không hề sút giảm hay nguội đi. Thậm chí chúng tôi còn tổ chức hiệu quả những sự kiện quốc tế – như Sáng tạo Thụy Điển – nhiều hoạt động tình nguyện và thiện nguyện cả ở Thành phố và địa bàn vùng sâu cho sinh viên và đội ngũ nhà trường, và có trường hợp là đẩy mạnh tầm hoạt động đến cả các đối tác ngoài Việt Nam như Đại học Bách Khoa Hồng Kông. Và đó là cơ sở để tôi tin rằng nhà trường đã tiếp tục rất thành công trong năm vừa qua.

Thành công mà chúng tôi gặt hái được là nhờ sự đồng cảm và hỗ trợ của cộng đồng, bao gồm những thành viên có trách nhiệm liên quan đến nhà trường, các cơ quan chính quyền trung ương và thành phố, các thân hữu, và nhất là cộng đồng rộng lớn – toàn xã hội. Chính nhờ những hỗ trợ này mà chúng tôi đã có thể thêm nhiều hoạt động và dự án có ý nghĩa, đóng góp cho xã hội. Có thể kể tiêu biểu là Chương trình chiếu phim phục vụ công chúng miễn phí, sự thành lập Trung tâm Học tập thông qua phục vụ cộng đồng (Service Learning Center), các buổi thuyết trình dành cho công chúng của Sàn Art và những nỗ lực trong phát triển hòa nhập.

Tôi phải nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ vô giá mà chúng tôi có được trong năm qua thật ra vẫn thường xuyên được xã hội ưu ái ban cho chúng tôi ngay từ ngày thành lập. Do đó đã đến lúc chúng tôi cần thể hiện một cách có hệ thống hơn sự tri ân đối với cộng đồng và phải nâng tầm mục tiêu đóng góp cho cộng đồng trong chiến lược nhà trường. Mục tiêu này vượt khỏi những suy tư trăn trở về trách nhiệm xã hội của tổ chức. Đó là vì chúng tôi tin vào sứ mạng đào tạo những người trẻ, nguồn tài nguyên dồi dào quý giá của Việt Nam để họ không chỉ thành đạt mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng một xã hội bền vững và nhân bản.

Cám ơn quý vị. 

TS. Bùi Trân Phượng

Quả thật rất thú vị. Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa Sử Trường Đại Học Hoa Sen, Hiệu trưởng Tiến Sĩ Bùi Trân Phượng qua hai bài diễn văn không gò bó, tô vẽ, giáo điều của mình chị đã như một sử gia chứng minh rằng bất cứ quốc gia nào thì: “Lịch sử của thế giới chính là tiến trình của ý thức tự do”. – “The history of the world is none other than the progress of the consciousness of freedom”. (Friedrich Hegel – Triết gia Đức )

8/07/2015


______________________________________

Chú Thích:





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo