Dân oan tỉnh Bến Tre không đồng ý việc cưỡng chế Chùa Liên Trì - Dân Làm Báo

Dân oan tỉnh Bến Tre không đồng ý việc cưỡng chế Chùa Liên Trì

Lê Thị Kim Thu (Danlambao) - Chùa Liên Trì tọa lạc ở 153 Lương Định Của, Phường An Khánh, Quận 2, thành phố Sài Gòn, đang nằm trong “tầm ngắm” của các quan chức dưới danh nghĩa là “xây dựng phát triển đất nước”. Không biết điều này thật sự có lợi cho người dân và đất nước bao nhiêu, nhưng người dân đã thấy rõ lòng quyết tâm của nhà cầm quyền, là bằng đủ mọi cách phải bứng chùa Liên Trì ra khỏi lòng “thành phố”, cũng như “lòng của các quan”. Chuyện ấy khó mà bàn, nhưng chuyện xảy ra trước mắt cho những người có liên quan, có nợ cơm áo, nợ ân tình, nợ tâm linh với Chùa thì thấy rõ.

Họ là những người nghèo, dân oan, bệnh nhi ung bướu, những Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa đang “bị chính quyền ruồng bỏ, cán bộ khinh”. Họ là những công dân hạng ba mà nhà cầm quyền muốn “cầm” bất cứ cái gì của họ cũng được. Hãy nghe những người dân oan tỉnh Bến Tre bày tỏ lòng quyết tâm bảo vệ Chùa Liên Trì, cũng như những uất ức oan sai của họ mà thương cảm cho cuộc sống người dân trên thiên đường XHCN: “Họ muốn có mảnh đất, cái nhà để an thân mà cũng không được”. 


Bà Trần Thị Tím, 70 tuổi, ấp 1, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, bị lấy hết đất vì không chịu vô tập đoàn, đi khiếu kiện từ năm 1998, được trả đất theo quyết định của địa phương “lấy nhiều trả ít”. Và đất còn lại thì bị chia cho “người lạ”. 

Năm 2001, ông Thủ Tướng Phan Văn Khải bóp hầu bao, ra quyết định 815, ngày 4-7-2001, thuận chi 90 tỷ để giải quyết oan sai cho dân tỉnh Bến Tre. Nghèo lại mắc thêm cái eo, dân Ba Tri vô phước vì bị cai trị bởi quan bí thư tỉnh là ông Trần Văn Truyền, (sau này làm Tổng Thanh tra Chính phủ), vì vậy mà tiền không vượt qua nỗi mấy cái hàng rào gạch sắt dinh thự của các quan. Dân oan khiếu nại, chính phủ “bức xúc”, cho thanh tra Hà Nội vào để giải quyết. Vào thì nhiều lần, nhưng chỉ giải quyết được một lần là đưa ông Trần Văn Truyền về Hà Nội làm Tổng Thanh tra Chính phủ. Kết quả, thanh tra làm việc với tỉnh, thì cả hai đều thắng, vì vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả. 

Thêm nữa, bà Tím còn vụ tranh chấp đất đai với chủ đất trận giọng. Thưa ra tòa. Kỳ này thanh tra và tỉnh không thắng, tưởng rằng bà sẽ thắng, ai dè thằng Tiến thắng, (“tiền thắng”). Rốt cuộc, bà Tím nắm chắc rằng cứ đi thưa thêm 17 năm nữa, đến khi chết thì bà cũng được thắng 3 tấc đất. Nhưng, sau 17 năm thưa kiện, hơi mòn sức mõi, liệu bà Tím có thể đi hết 17 năm nữa không?

Bà Hồ Thị Đậy, 61 tuổi, ấp 6, xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bà được cha mẹ để lại đất. Đến năm 1983, bà bị lấy một phần đất vô tập đoàn, rồi những năm kế tiếp, đất bà bị tác dụng xâm thực, hầu như mỗi năm bị cắt một lần. Thế là bà Đậy thành dân oan. Năm 2005, ông cán bộ Nguyễn Quốc Bảo, cùng Tỉnh và Huyện ra 4 quyết định vu khống để bắt bà. Những quyết định này chẳng trúng con chim nào cả, nhưng lại trúng bà Đậy, để bà bị ở tù 1 năm về tội “Gây rối mơ hồ”. Diễn biến khi bà bị bắt thì giống như phim hình sự xã hội đen, côn an bắt cướp còng tay. Bà bị ở tù 1 năm mà không có chứng cứ, không đúng người, không đúng tội, toàn là những quyết định kết tội trời ơi đất hởi mà bà không hề phạm, ngay cả việc đã cho rằng giáo dục bà nhiều lần 6 tháng tại địa phương cũng không có. Nếu có, thì đúng là bà Đậy đã ở 210 Võ Thị Sáu kêu oan nhiều lần 6 tháng để đưa đơn kiện địa phương, hòng giáo dục các quan tham thì đúng hơn. 

Sau khi ra tù, bà Đậy đi khiếu kiện tiếp. Ông cán bộ Cao Văn Trọng bác đơn, rồi sau đó còn ra quyết định là bà đã nhận được một số đất rồi nên không giải quyết nữa và lệnh cho bà phải chấm dứt khiếu kiện. Suy ra, quyết định này rất hợp tình, hợp lý với chủ trương và chánh sách của nhà nước vì “Đất đai là sở hữu của toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý”, nên muốn lấy của ai thì lấy, chia cho ai thì chia. Thấy bà Đậy đi thưa kiện vất vả, nhà nước thương tình “cho” bà miếng đất, thế thì còn đòi hỏi gì nữa! Nhưng nếu được vậy thì bà cũng an phận làm con cừu, nhưng khốn nỗi, hiện tại, bà chẳng có được một cục đất chọi chim, vậy mà họ cũng có công văn giấy tờ chứng minh rằng bà đã được nhà nước “thương” cho miếng đất. Hơn nữa, bà còn bị trù dập đủ điều, hễ mỗi lần đi thưa kiện là mỗi lần bị côn an mời làm việc. Việc mời đến côn an làm việc là việc làm chỉ có trên thiên đường XHCN, và việc bị mời làm việc là việc làm ai cũng “ớn” bị/được treo cổ tự tử vô tư.

Bà Nguyễn Thị Triển, 60 tuổi, ấp 3, xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đất bị xung vào tập đoàn gần 10 mẫu, sau tập đoàn tan rã như chủ nghĩa CS ở Liên Xô, bà được trả một ít đất theo “thủ tục và tục lệ” của địa phương. Năm 2010, chồng bà, Nguyễn Thành Tâm, đi thưa. Khi lên SG, lỡ dại, bị cò rủ rê qua Thái gặp “mục sư nằm vùng” xin can thiệp đất đai. Trong khi đơn còn đang lơ lửng ở trên trời, ông về nước thì bị bắt ở tù 2 năm, cộng 3 năm quản chế với tội danh “Đảng Việt Tân”. 

Thái Lan đi dễ, khó về
Trai đi tù tội, gái về có con.

Không ngoại lệ, ở nhà bà cũng bị trù dập ở địa phương, nhất là mỗi lần đi khiếu kiện, y như rằng khi về là bị côn an mời làm việc. Cũng giống như trường hợp nhiều dân oan khác, chính quyền, ông cán bộ Cao Văn Trọng, ra quyết định đã giải quyết xong, không giải quyết nữa vì đã cho ít đất sinh sống rồi. Ông Trọng đã làm đúng chủ trương chính sách là “lấy nhiều, trả ít”.

Bà Triển nói: “Tỉnh chỉ đạo cho Huyện, cho Xã cướp hết tài sản của bà, chỉ chừa mấy chục mét vuông”. Bà ao ước được trả đất để xây nhà cửa cho con cháu, trong đó có “cả con cái toàn bộ đi theo việt cộng, có huân chương, có bằng liệt sĩ”, (theo lời chữ nghĩa của bà). Giá như, “đi theo việt cộng có huân chương, có bằng liệt sĩ”, mà giờ đổi được đất thì cũng nên!

Bà Nguyễn Thị Nguyên, 62 tuổi, ấp Thạnh Tây, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cũng bị cái vụ vô tập đoàn, mà không có đất cắm dùi. Trong khi mẹ của bà là Trần Thị Tư đang cày ruộng trên mảnh “đất càng” thì bị trưởng côn an, Năm Thanh, đem lực lượng côn an hùng hậu với xe, còng và súng đến bắt mẹ bà bỏ võng khiêng đi, chụp mũ gán tội “Càng đất đai”, bị ở tù 3 tháng. Khi vô ra tù, chính quyền không cấp được một tờ giấy lộn lưng nào, như là giấy bị bắt, giấy ra tù,... Dịch ra tiếng Việt là côn an có còng, có súng muốn bắt ai thì bắt, và mỗi lần bắt thì bài bản y như là hành quân diệt phản động, không cần đọc lệnh lạc. 

Bà Trần Thị Hồng, 64 tuổi, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Gia đình bà có 8 nhân khẩu, mẹ góa con côi, quá nghèo khổ, con cháu đi làm mướn tứ phương. Bà Hồng chỉ có một mẫu đất vô tập đoàn. Đất vô như nước sông Đà, đất ra nhỏ giọt như là café fin, đất của bà được trả từng mãnh nhỏ giọt gần như hàng năm, đến nay vẫn chưa trả hết. Khi bà đi khiếu kiện, bị cán bộ ỷ quyền, ỷ thế hồi nào cũng hà hiếp, trù dập, trả thù nguyên hộ khẩu, (chẳng chừa con cháu của bà). 

Bà Hồng cho biết bản thân mình không có cục đất chọi chim, trong khi đó đi đâu cũng là đất của ông Trần Văn Thành, Trần Văn Hoàng, Trần Văn Hưởng, và Trần Văn Công. Không biết mấy ông thần này có bà con với ông Trần Văn Truyền không? Bà con nào biết xin mách dùm. Riêng Kim Thu biết chắc rằng các ông thần trên có giây mơ rể má với “Tổ Quốc Ghi Công”, việt cộng trăm phần trăm chính hiệu, vì tên của 4 ông ghép lại là “Thành Hoàng Hưởng Công” na ná với trả công. Họ có công thì được hưởng là vậy, chứ không phải đời đời ghi ơn như người Miền Nam trước kia. Dân không có công, đừng hòng hưởng đất, còn có đất mà bị cướp thì hỏi ông côn an Thái. Ổng bảo với bà rằng: “Đi về đi, chừng nào thằng Mỹ vô trả đất cho bà, chớ không ai trả đất cho bà!”. Bây giờ, Mỹ đã và đang vô, không biết ông Thái có giữ đúng lời hứa không?

Bà Huỳnh Thị Hường, 64 tuổi, ấp 3, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bản thân bà là dân oan đi khiếu kiện 25 năm, bà cũng đại diện thêm cho 2 chị là Huỳnh Thị Hòa, 76 tuổi và bà Huỳnh Thị Nhẫn, 83 tuổi, đang bị bịnh không đi được. Theo bà Hường nói thì nhà cầm quyền lừa dân vô tập đoàn, sau 10 năm làm ăn không hiệu quả, nhưng không chịu trả lại đất cho dân. 

Bà đi khiếu kiện 25 năm thì được trả một ít đất, nhưng có những phần đất bà không nhận vì nhà cầm quyền lấy đất người khác trả cho bà. Trường hợp của bà Hường rất giống như Kim Thu, chính quyền quá gian manh, thảy cục xương cho hai con chó cắn nhau. KT cũng đã từng trả lời côn an Huyện Vĩnh Cữu năm 2003, khi họ mặc cả trả đất: “Tôi đòi mồ hôi công sức của gia đình tôi tạo ra, chớ tôi không lấy đất do mồ hôi công sức của người khác tạo ra”. Hơn nữa, họ còn lấy đất tốt, trả đất xấu; lấy đất gần, trả đất xa. Bà còn nói là nhà cầm quyền cứ oa oa ngoài miệng, chớ không quan tâm người dân, họ chỉ quan tâm cho cán bộ. Và bà thẳng thắng gọi họ là “nhà cầm quyền đảng Cộng Sản VN”, có nghĩa là chính quyền được “cầm” và chỉ “cầm” thôi.

Bà Lê Kiều Hạnh, 55 tuổi, ấp 1, xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đất của bà bị lấy làm nghĩa trang không có bất cứ giấy tờ trưng thu, trưng dụng. Bà cho biết Xã, Huyện và Tỉnh cấu kết, tham nhũng để chiếm đất của bà. Khi đi thưa kiện đòi lại, bà cũng được ông Cao Văn Trọng ưu ái giải quyết. Trường hợp này, ổng cùng ông Chín Hồng phán: “Đất đã bán cho Mỹ rồi, coi như không được tranh chấp nữa”. Thiệt tình, đánh cho Mỹ cút rồi và nhân dân ta làm chủ, thì đất này của ai mà tại sao hai ông này nói chính phủ bán cho Mỹ rồi? Cái này cực kỳ là phản động 100% đó nha!

Anh Phạm Ngọc Thinh, 38 tuổi, ấp 1, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Anh là thế hệ thứ hai đi thưa kiện từ 17 tuổi đến nay. Mẹ anh đã ủy quyền, cho anh thừa kế bằng “anh hùng dân oan”, để anh tiếp tục con đường “Bác đi” (con đường bi đát) là thưa kiện đất của mẹ bị cướp. Tuy không được ở nhà tù nhỏ, nhưng anh cũng bị kềm kẹp và quản lý suốt ở nhà tù lớn vì tội “gây rối” mỗi khi anh đi khiếu kiện. Mỗi lần là 6 tháng tù treo, hết lần này đến lần khác. Còn đất của anh cũng bị lấn lấy hết 64m2, không được trả lại với lý do bị cướp trên 300m2 mới được bồi thường! Những bà dân oan anh hùng bị cướp trên 300m2, chẳng có bà nào được bồi thường thì quy định cướp trên, bao nhiêu mới đúng chỉ tiêu?

Kết luận:

Bến Tre là vùng đất của phong trào Đồng Khởi, của đội quân tóc dài, của ông gìa Ba Tri, chớ đâu phải của dân. Để bảo vệ mãnh đất “thiêng liêng” này không bị đồng khởi lần nữa, chính quyền địa phương phải ra quyết định “lấy nhiều trả ít”, sợ rằng trả hết cho dân, dân tiếp tục đồng khởi thì tiêu chính quyền. Vì vậy, dân Bến Tre đừng hòng đòi được đất, chỉ trừ đồng khởi giống như chính quyền đã làm lúc trước năm 1975. Chính quyền là vậy, còn người dân thì thực tế, lấy đất bi nhiêu phải trả bấy nhiêu, cũng như thực tế khi thấy con đường Công Lý ở Sài Gòn bị đổi tên là “Nam Kỳ Khởi Nghĩa” và đường Tự Do bị đổi tên là “Đồng Khởi”, nên ví von rằng:

“Nam Kỳ Khởi Nghĩa”, tiêu Công Lý
“Đồng Khởi” lên rồi, mất Tự Do

Ai nghĩ méo mó là phản động, kể cả côn an và bộ đội.

12/07/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo