Ngày đã gần mà đích còn xa - Dân Làm Báo

Ngày đã gần mà đích còn xa

Phạm Trần (Danlambao) - Chỉ còn 5 tháng nữa đến ngày Đại hội toàn quốc XII của đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng mục tiêu của 5 năm tới ghi trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương XI trình Đại hội XII vẫn còn mơ hồ, mù mịt và viển vông như Nghị quyết khóa XI.

Năm năm trước, Nghị quyết Đại hội đảng XI (họp từ ngày 12-1-2011 đến ngày 19-1-2011), viết: “Mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”

Bây giờ 5 năm sau, Dự thảo báo cáo chính trị của BCH Trung ương khóa XI sẽ trình Đại hội XII cũng lập lại ý tưởng tương tự với mục tiêu trong 5 năm tới là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại..." (Trích phát biểu của Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại Đại hội Đảng bộ Thanh tra Chính phủ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020, 10/07/2015).

Dự thảo này đã được Trung ương gửi cho địa phương và các Ban đảng thảo luận để góp ý, nhưng chưa được phổ biến cho dân hay đăng báo như đã hứa.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một đoạn quan trọng của văn kiện đã được tiết lộ bởi một cấp lãnh đạo. Câu chữ có khác nhau chút ít, nhưng tinh thần thì vẫn vậy. Khác biệt quan trọng là đảng đã từ bỏ cái đích “đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và thay vào đó bằng lời hứa “để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại...”

Từ khẳng định đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản là nước Công nghiệp tiên tiến như nhiều quốc gia khác, nay đảng chỉ dám hy vọng “sớm”, nhưng “sớm” là mấy năm nữa, hay đến hết nhiệm kỳ 5 năm của Khóa đảng XII vào năm 2021 Việt Nam vẫn còn đứng xa cái đích cả ngàn cây số?

Có thể còn bị lùi xa đến tận chân trời không biết ở đâu, giống như Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã nói vào ngày 23/10/2013 tại phiên họp tổ của đoàn Đại biểu Hà Nội: "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.?"

Lý do bây giờ đảng không dám nhắc đến năm 2020 vì chỉ còn 5 năm nữa thôi mà Việt Nam vẫn chưa làm nổi con ốc vít và cơ bản chỉ là lắp ráp thuê, hay làm thuê (gia công) cho nước ngoài.

Ai để Việt Nam lệ thuộc vào Tàu cộng? 

Nhưng tại sao chỉ biết làm thuê? Vì chính sách kinh tế đầu voi đuôi chuột theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” tự khoe là “chưa có tiền lệ”, nhưng thực chất không xây dựng từ gốc bằng trí tuệ của con người Việt Nam, bằng giáo dục thực dụng, hay biết thức thời đưa dân tộc vươn lên theo gót chân hai dân tộc Nhật Bản và Nam Hàn sau chiến tranh.

Ngược lại, lãnh đạo CSVN từ sau chiến tranh năm 1975 chỉ biết tự mãn hão huyền, bảo thủ, giáo điều, chia rẽ, ăn xổi ở thì và mất tự chủ nên đã để đất nước lọt dưới cánh dù của Tàu cộng, anh hàng xóm, tuy miệng nói “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, nhưng lòng dạ thì nham hiểm vô cùng.

Những lãnh đạo này, từ thời Tổng Bí thư “đổi mới” Nguyễn Văn Linh (1986-1991), qua Đỗ Mười (1991-1997) đến Lê Khả Phiêu (1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001-2011) rồi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ 2011) đã biến Việt Nam là nơi dừng chân cho các Doanh nghiệp và công nhân thất nghiệp của Tàu cộng.

Sau 30 năm mệnh danh “đổi mới”, dân tộc Việt Nam vẫn còn bị đứng thứ 53 trong tổng số 151 nước nghèo nhất trên thế giới, căn cứ theo nghiên cứu năm 2013 của Vatentina Pasquali và Denise Bedell thuộc Global Finance. Dân Việt Nam cũng bị biến thành kẻ tiêu thụ cho hàng hóa, kể cả hàng độc hại, của Tàu cộng.

Bằng chứng Việt Nam lệ thuộc Tàu cộng đã được phơi ra tại cuộc Hội thảo về “tăng cường hợp tác kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, có sự tham dự của Tòa Tổng Lãnh sự Tàu, tại Sài Gòn ngày 26/06/2015.

Theo báo cáo của Chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại thành Hồ (VCCI -HCM) thì: "Trong 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 6,1 tỷ USD (giảm 1,2% so với cùng kỳ 2014) và nhập khẩu 15,9 tỷ USD (tăng 19,1%). Như vậy, 5 tháng đầu năm 2015 Việt Nam nhập siêu từ Trung quốc đạt 9,8 tỷ USD.”

Báo cáo cũng cho biết: "Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2014 đạt 58,7 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 14,9 tỷ USD và nhập khẩu 43,8 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 28,9 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gồm: dầu thô, than đá, máy tính, điện thoại, linh kiện, cao su, gạo, rau quả, thủy hải sản, v.v…, và nhập khẩu từ thị trường này các mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại, linh kiện, may mặc, sắt thép, phân bón, v.v…" (Zing.VN,26/06/2015)

Đó là những con số được tổng kết theo báo cáo giao dịch thương mại theo ngạch chính thức Việt-Trung. Mức chênh lệch thương mại thật sự giữa Việt Nam và Tàu cộng còn phải tính tới hàng hóa trao đồi qua biên giới, hay còn được gọi là “biên mậu” và hàng nhập lậu từ Tàu cộng vào Việt Nam.

“Một lượng hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam theo đường biên mậu, buôn lậu. Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm WTO cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xuất nhập khẩu qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn có sự chênh lệch.

Số liệu phía Trung Quốc thường cao hơn, nguyên nhân xuất phát từ hàng nhập tiểu ngạch đường biên mậu, hàng lậu, trốn thuế. Chẳng hạn, năm 2012, Việt Nam công bố con số nhập khẩu từ Trung Quốc là 28,8 tỉ USD nhưng theo cơ quan chức năng Trung Quốc thì đến 34 tỉ USD.” (báo Người Lao Động, 14/02/2015)

Trong khi ấy, lên tiếng tại hội thảo về “Cơ cấu kinh tế VN - những rủi ro phát triển” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 08/01/2015, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã tố cáo rằng: “Chính sách biên mậu là chính sách cực kỳ nguy hiểm, kéo cấu trúc kinh tế VN xuống rất thấp”. Theo ông Thiên, số tiền thanh toán qua biên giới của Việt Nam với Trung Quốc vào năm 2014 khoảng 15 tỉ USD. Nếu cộng với gần 30 tỉ USD nhập siêu chính thức từ nước này, VN nhập siêu tổng cộng 45 tỉ USD chỉ riêng thị trường này.” (theo báo Thanh Niên online ngày 09/01/2015)

Hướng theo Tàu cộng? 

Nhưng tại sao đảng CSVN từng được người sáng lập Hồ Chí Minh khoe “đảng ta là đạo đức, là văn minh” hay “đảng ta thật vĩ đại” (tuyên bố Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, 3-2-1930 - 3-2-1960) mà lại để cho Kinh tế Tàu cộng nắm đầu Việt Nam lôi đi như thế ?

Báo Người Lao Động giải thích ngày 14/02/2015: “Chuyên gia kinh tế - Tiến Sĩ Bùi Trinh cho rằng cái gốc vấn đề là do năng lực sản xuất của Việt Nam quá kém, nếu không nhập từ Trung Quốc cũng phải nhập từ các thị trường khác. Các doanh nghiệp (DN) của ta chủ yếu làm gia công, nhất là xuất khẩu, lại không có ngành công nghiệp phụ trợ nên muốn sản xuất phải nhập nguyên phụ liệu đầu vào. Nếu giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc thì bằng cách nào? Nếu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị từ các nước khác thì hàng hóa sản xuất ra có tính cạnh tranh không, bán cho ai?”

Vì vậy, bài báo viết tiếp: "Theo TS Bùi Trinh, muốn “thoát Trung” về kinh tế, cần phải làm cho nền kinh tế Việt Nam mạnh lên, cộng đồng DN phải tăng sức cạnh tranh. Còn nhập siêu từ Trung Quốc thời điểm này không hẳn là xấu. Nhờ máy móc, thiết bị, hàng hóa nhập từ thị trường này giá rẻ mới góp phần giúp lạm phát Việt Nam giữ ở mức như những năm qua. Với tỉ trọng 60% nguyên phụ liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc, nếu từ bỏ thì DN Việt Nam sẽ xoay trở không kịp.”

Ngoài ra, theo báo điện tử Đất Việt ngày 20/04/2015 thì: "Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam luôn ở thế yếu. Chính sách, thủ đoạn ngoại thương của Trung Quốc cao tay hơn Việt Nam nhiều. Trung Quốc cố biến Việt Nam thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa chất lượng trung bình, thậm chí chất lượng kém của họ. 

Ở chiều ngược lại, "bản thân doanh nghiệp Việt Nam ăn xổi ở thì, chỉ biết lợi ích trước mắt, không có chiến lược phát triển lâu dài, cho nên cứ thấy mua hàng Trung Quốc vừa rẻ vừa lợi, lại có nhiều khuyến mại, được ưu ái nên cứ rước về.

Đằng sau đó, các nhà quản lý Việt Nam gần như vô trách nhiệm, bất lực, các bộ, ngành dù biết nhưng không hề có chủ trương, chính sách gì cụ thể để ngăn chặn, thậm chí còn tiếp tay".

Đất Việt viết tiếp: "Còn báo Tuổi trẻ tháng 12 năm ngoái dẫn lời ThS. Phạm Bích Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam tại buổi tọa đàm về nhập siêu từ Trung Quốc do Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách, Đại học Kinh tế Hà Nội tổ chức cho rằng, nhập siêu Trung Quốc cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam. Có ba nguyên nhân Việt Nam nhập siêu Trung Quốc là do mô hình tăng trưởng, thể chế pháp lý, và phương pháp quản lý.

Theo bà Ngọc, việc nhập hàng không phải khu vực có trình độ công nghệ nguồn nên không thể làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại. Vì thế có ý kiến "Việt Nam đang bán hàng Trung Quốc sang Mỹ" vì Việt Nam chủ yếu nhập nguyên vật liệu Trung Quốc, chỉ gia công rồi xuất khẩu sang EU, Mỹ.

Ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nói thẳng với Đất Việt, trong xu thế toàn cầu hóa, các nền kinh tế có quan hệ với nhau là tất yếu, đặc biệt sức mạnh của kinh tế Trung Quốc, với ưu thế giá cả và khối lượng lớn, hấp dẫn tất cả chứ không riêng nước nào. 

"Việc quan hệ và quan hệ sâu với Trung Quốc là bất khả kháng nhưng để phụ thuộc lại rất rủi ro, nguy hiểm. Bởi thế, Việt Nam chỉ có thể cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc, còn vẫn phải quan hệ sâu rộng chứ không có cách nào khác". (báo Đất Việt online, 20/04/2015)

Đích ở đâu bây giờ? 

Giáo sư, Nhà toán học nổi tiếng Hoàng Tụy cũng đã từng cảnh báo: "Khi mô tả sự phát triển kém cỏi của đất nước, chúng ta hay dùng từ lạc hậu hay tụt hậu, nhưng theo tôi để phản ánh đúng hơn thực chất phải nói ta đang trì trệ trong tụt hậu. Nếu tụt hậu mà đang đi lên thì cũng không quá lo lắng nhưng trì trệ trong tụt hậu thì đáng lo thật, mà biểu hiện rõ nhất sự trì trệ này là ngay về chỉ số đổi mới sáng tạo, theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam còn thua cả Lào và Campuchia. Nếu chỉ kể về mức độ lạc hậu, Lào và Campuchia hiện xếp sau Việt Nam nhưng nếu họ cứ tiếp tục đứng trên ta về chỉ số đổi mới sáng tạo thì với đà này, chẳng mấy chốc thứ tự đó sẽ đảo ngược, chắc chắn họ sẽ bỏ lại ta ở phía sau.” (Trích Tạp chí Tia Sáng, ngày 10/02/2015)

Báo động của Giáo sư Hoàng Tụy đã chứng minh chủ trương làm kinh tế “nửa người, nửa ngợm” được gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.”, theo Điều 51 Hiến pháp 2013, đã phá sản.

Vì vậy, vào ngày 28/02/2015, tại Thủ đô Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung Ương-nơi quy tụ những “nhà tư tưởng” cực kỳ giáo điều và bảo thủ của đảng CSVN đã quây quần bên nhau để tọa đàm về “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Nhóm Trí thức này là tác giả của các Báo cáo chính trị tại mỗi kỳ Đại hội đảng, vì vậy kỳ này họ cũng đã sáng tác ra cách định nghĩa mới cho đường lối kinh tế để trình ra Đại hội Đảng XII, dự trù diễn ra đầu năm 2016. 

Họ viết: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.”

Toàn là sáo ngữ nghe bùi tai nhưng tựu trung cũng vẫn “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” , “Nhà nước quản lý” “do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”, nhưng đặc biệt kỳ này Hội đồng Lý luận Trung ương lại làm ra vẻ khác hơn lối định nghĩa tréo cẳng ngỗng vẫn thường nghe bằng cách thêm tên nước Việt Nam vào vế sau: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ra cái vẻ đây là cách làm kinh tế riêng của Việt Nam, không bắt chước ai vì chưa có tiền lệ.

Nhưng nếu bình tĩnh mà suy cho kỹ thì thấy nó giống hệt định nghĩa của đảng Cộng sản Tàu đã chấp thuận tại Đại hội đảng XV tháng 09 năm 1997. Ý thức hệ mới của Tàu cộng được gọi là “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc”.

Từ quan điểm này, tài liệu của Bách khoa Toàn thư mở viết: “Ý thức hệ này hỗ trợ việc tạo ra một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa chi phối bởi các khu vực công vì Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Chính phủ Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không từ bỏ chủ nghĩa Mác nhưng đã phát triển nhiều thuật ngữ và khái niệm của lý thuyết Mác-xít để hàm chứa hệ thống kinh tế mới. Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng chủ nghĩa xã hội là tương thích với các chính sách kinh tế. Trong tư tưởng của Cộng sản Trung Quốc hiện nay, Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội-một quan điểm giải thích các chính sách kinh tế linh hoạt của chính phủ Trung Quốc để phát triển thành một quốc gia công nghiệp hóa.”

Trong khi đó, vẫn theo Bách khoa toàn thư mở thì: "Cho đến nay, chính Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thừa nhận rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chỉ có giải thích nguyên lý chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Chính sách kinh tế mập mờ, phiêu lưu hay “không biết đâu mà mò” này của Việt Nam là nguyên nhân khiến Mỹ chưa nhìn nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lập lại yêu cầu của Việt Nam với Tổng thống Barrack Obama trong cuộc hội kiến ngày 07/07/2015 tại phòng Bầu dục, Tòa Nhà trắng. Nhưng sau đó, Hoa Kỳ chỉ “ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường”, như viết trong Tuyên bố Tầm nhìn chung công bố sau cuộc gặp dài 95 phút.

Nhưng liệu Mỹ có chịu “linh hoạt”, theo yêu cầu của ông Trọng để Việt Nam được gia nhập Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP), dự trù vào cuối năm nay (2015)?

Theo các viên chức Mỹ thì Việt Nam rất muốn được gia nhập khối kinh tế TPP để hy vọng dãn ra từ lệ thuộc Tàu cộng, nhưng liệu lãnh đạo Việt Nam có bản lĩnh và tư duy chính trị để chuyển hướng đem phúc lợi cho dân, hay cứ u mê, ù lì để tiếp tục làm con tốt chạy cờ cho Tàu cộng?

Bởi vì, những gì đảng khóa XI hứa thực hiện trong Nghị quyết năm 2011 vẫn chưa làm được, trong đó có: "Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân".

Đổi mới thì còn phải quyết tâm đổi mới hơn 30 năm qua; tham nhũng, lợi ích nhóm đang đe dọa sự sống còn của đảng và chế độ; nhân dân vẫn chưa có dân chủ và tự do; đoàn kết toàn dân vẫn còn là chuyện xa vời; kinh tế thì trì trệ trong ao tù chậm tiến cho nên đời sống của đại đa số người dân vẫn còn hẩm hiu. Trong khi đó thì giặc phương Bắc đã ở Biển Đông và đang chờ cơ hội để xâm lăng ở dọc biên giới phía bắc, đồng thời khích động đồng minh con ruột Campuchia khuấy động biến giới Tây nam với Việt Nam.

Như vậy thì thì ước mơ “hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” của đảng Cộng sản Việt Nam đến bao giờ mới thực hiện được?

25/07/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo