Vi Đức Hồi (Danlambao) - Câu nói “theo Mỹ mất đảng, theo Tàu mất nước” khá lâu đã trở thành ngạn ngữ trong đời sống xã hội Việt Nam. Những động thái của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (CSVN) đối với Tàu cộng (TC) đã khiến nhiều người bất bình. Nhiều người khẳng định, theo TC sẽ bảo đảm cho sự tồn tại của đảng, là mảnh đất duy nhất để đảng nương thân và tuy nhiên để đổi lại Việt Nam sẽ phải nhượng bộ trên một số mặt như làm ngơ trước sự lấn chiếm biển đảo, chấp nhận phương hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, danh dự của cả dân tộc Việt Nam bị tổn thương. Và theo đó việc các giới chức CSVN thân Tàu tất yếu sẽ bị quy cho là: “bán nước - cứu đảng”.
Vượt qua hàng rào hình thức bên ngoài để đi vào bên trong nhận diện bản chất của giới cầm quyền CSVN xem họ đang toan tính gì? Trước hết hãy xem xét về TC: là người Việt Nam ít nhiều cũng nhận biết lịch sử của một nước Tàu dù là bao la to lớn, song chưa bao giờ trở thành chỗ dựa tin cậy cho nước Việt cùng các nước láng giềng, vì bản chất của Tàu luôn là xâm lược, bành trướng. Trong quan hệ với các nước nhỏ, lân cận xuyên suốt là mối quan hệ bất bình đẳng, là quan hệ của một thiên triều với nước chư hầu, vì vậy Tàu không phải là nước được các quốc gia kính trọng. Trên phương diện kinh tế, Tàu chưa phải nước phát triển, nền kinh tế luôn ở thế bất an, chưa mang tính ổn định, vào thời điểm này Trung cộng đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, xuất khẩu giảm sút do sự suy thoái kinh tế của các nước phương tây nên hàng hóa Tàu (chủ yếu hàng tiêu dùng) đã giảm sút nghiêm trọng trong việc xâm nhập thị trường châu Âu. Người Tàu, một trong những dân tộc ky bo trong tiêu dùng, trong khi họ sản xuất ra với khối lượng hàng hóa khổng lồ, dân trong nước chỉ tiêu dùng hết khoảng 35-37% tổng số hàng hóa sản xuất trong nước, số còn lại bằng mọi cách phải đẩy ra nước ngoài. Hàng lỗi thời, chất lượng kém, hàng tồn kho được tống tháo sang các nước láng giềng mà Việt Nam là thị trường lý tưởng với các mặt hàng “ đại hạ giá”.
Bài học đối với Việt Nam, suốt quá trình từ khi hai nhà nước cộng sản được thiết lập, Việt Nam luôn chịu ảnh hưởng chi phối của TC: cuộc cách mạng cải cách ruộng đất; cách mạng tư tưởng văn hóa mà điển hình là cuộc cải cách “nhân văn giai phẩm”; chính sách mô hình nông trang tập thể mà Việt Nam được gọi là hợp tác hóa nông nghiệp; chính sách đối nhân xử thế đối với các tôn giáo…ở Việt nam được rập khuôn theo mô hình TC cho thấy đã làm băng hoại nền kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội, mà hậu quả của nó cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Mỗi người dân Việt Nam đều biết điều đó, CSVN lại càng biết điều đó.
Cộng sản Tàu, một thể chế độc tài đã thấm vào máu thịt trong giới cộng sản, họ thường cư xử với nhau một cách tàn khốc. Trong suốt thời kỳ cầm quyền của các lãnh tụ điển hình như Mao Trạch Đông; Đặng Tiểu Bình; Giang Trach Dân và bây giờ nổi lên là Tập Cận Bình, cho thấy không ai dám chắc rằng theo TC rồi một ngày nào đó sẽ không xảy ra việc thế hệ sau sẽ ra tay hành xử những người tiền nhiệm như họ Tập thanh trừng trên bốn ngàn đảng viên cao cấp của đảng với chiêu bài chống tham nhũng.
Cùng lúc đó thì những người CSVN đã sẵn có bàn tay nhuốm máu qua các cuộc thanh trừng theo trào lưu đấu đá nhau ở TC để đẻ ra cái gọi là: “chống xét lại; chống phái hữu; chống đảng...”, song song là tình trạng tham nhũng, vơ vét của dân. Bản chất của cộng sản Bắc Kinh đã làm cho dân Việt Nam căm ghét bởi chính sách nô dịch đối với dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm vẫn còn đó; cuộc chiến xâm lược tháng 2/1979 còn nguyên vẹn lòng căm thù của người dân Việt Nam và ngày nay chính sách lấn đất, xâm chiếm biển đảo đã khơi dậy sự căm phẫn được nhân lên. Nhũng gì đang diễn ra ở TC cho thấy giới CSVN phải cân nhắc, tính toán cách đảm bảo an toàn cho khối tài sản của họ có được từ nguồn gốc phi pháp mà ra, theo TC, chắc chắn toàn bộ tài sản của họ sẽ không những bị truy thu mà còn là hiểm họa cho bản thân cùng con cháu, họ hàng nội tộc. Từ những nhận định trên cho thấy giới chóp bu CSVN sẽ không thể đặt niềm tin, gửi gắm sinh mạng, của cải của mình vào Trung cộng.
Ở Việt Nam, một lớp đảng viên kỳ cựu của đảng, trong đó có nhiều lãnh tụ của đảng đang hiện hữu trong đời sống xã hội, lớp người này được giáo dục, rèn luyện trong hai cuộc chiến chống Pháp và cuộc chiến xâm lược VNCH, sự hận thù và đố kỵ với Mỹ chưa hề nguôi vơi, lòng tin mù quáng vào lý tưởng cộng sản vẫn còn thoi thóp trong lòng. Kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội vẫn là hợp lòng với thế hệ đã chung tay tạo dựng thể chế độc tài, chệch hướng hoặc từ bỏ sẽ tổn thương đến lực lượng cố hữu này. Ngay bây giờ đụng đến lực lượng này là cả một vấn đề lớn, thuận theo họ sẽ vẫn lợi thế ít nhất là trong trước mắt. Vì vậy Hơn lúc nào hết nhà đương cục Hà Nội thực hiện chính sách đu dây, trong quan hệ với Mỹ và Trung cộng, theo hướng nghiêng về phía Tàu cộng, một mặt để khẳng định tính kiên định đường lối xã hội chủ nghĩa để xoa dịu lực lượng cố hữu trong nước, mặt khác hy vọng Bắc Kinh sẽ có những nhượng bộ, giảm được áp lực về vấn đề biển Đông. Mặt khác ở các điểm nóng: Tây nam bộ; Tây bắc của Việt Nam sẽ dịu đi bởi sự ảnh hưởng của Tàu cộng đến vùng miền này là rất nhạy cảm.
Hiển nhiên Việt Nam hợp tác với Mỹ, tạo ra mối liên minh với các nước khu vực cùng có lợi ích trên biển Đông, sẽ ngăn chặn được sự bành trướng của Bắc Kinh. Hòa nhập với các nước dân chủ, đảng CSVN sẽ vẫn giữ được danh dự của mình, nếu có mất thì chỉ mất vai trò lãnh đạo, thể chế độc tôn, độc đảng muôn thủa cầm quyền. Đảng CSVN cùng các đảng chính trị khác sẽ trở thành đảng đối lập khi chuyển đổi thể chế chính trị. Như vậy khẳng định rằng đảng sẽ không mất đi mà chỉ chuyển trạng thái từ một đảng cầm quyền không cần cạnh tranh trở thành đảng phải cạnh tranh để được cầm quyền. Trong môi trường của đất nước dân chủ, các đảng phái phải chịu sự phán xét của người dân nên sự hận thù, đố kỵ( nếu có) sẽ khó tồn tại, chắc chắn độ an toàn về tính mạng, về danh dự, cả về khối tài sản hiện có của những quan chức cộng sản sẽ cao hơn. Những dự định, toan tính của cộng sản không khó gì để nhận ra, hãy xem những động thái của họ: Một mặt họ nguyền rủa Mỹ, nhưng họ lại gửi con cháu của họ sang Mỹ học tập, nghiên cứu, và làm việc; họ mua sắm tài sản ở đất Mỹ và các nước tư bản; họ gửi tiền vào ngân hàng Thụy Sỹ, các ngân hàng ở Mỹ, họ chuẩn bị hậu sự ở các nước phương Tây và Mỹ. Tuyệt nhiên không có quan chức nào trong giới lãnh đạo CSVN đặt niềm tin vào Tàu cộng cho hậu duệ của mình. Có tìm kiếm cũng chẳng bới đâu ra con cháu của các lãnh tụ cộng sản Việt Nam sang Tàu học tập, lại càng không có việc mua sắm tài sản, hoặc gửi tiền vào đất nước Tàu. Chỉ cần có biến cố chính trị, họ đã cao chạy xa bay sang Mỹ, các nước phương tây, để lại đống đổ nát ngổn ngang cho người dân gánh hậu họa.
Trong tình thế bắt buộc phải lựa chọn, thì chắc chắn lãnh đạo CSVN sẽ không chọn Tàu cộng vì lo sợ trở thành nạn nhân như Chu Vĩnh Khang. Việc theo Tàu hiện nay chỉ là những động tác muốn tạo ra môi trường ổn định trước mắt để kéo dài thêm thời gian trị vì, nó là sách lược của một kẻ lưu manh nhằm hòa hoãn, cầm cự, phục vụ cho những mục tiêu trước mắt của một nhóm người có lợi ích chung. Tiếc thay, CSVN vẫn chưa tỉnh ngộ.
23.07.2015