70 năm vẫn lơ tơ mơ - Dân Làm Báo

70 năm vẫn lơ tơ mơ

Phạm Trần (Danlambao) - Lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam đã bị ông Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang lột mặt nạ trong diễn văn kỷ niệm 70 năm Độc lập diễn ra ở Hà Nội ngày 02/09/2015.

Ông nói: “Ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập” , khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Nếu hiểu theo nghĩa “dân làm chủ một nhà nước có đầy đủ các quyền tự do và dân chủ” thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nhà nước lý tưởng theo định nghĩa của Bách khoa Toàn thư (mở) đó là: “Hình thức mà nhà nước có quyền lực tập trung vào quốc hội hay nghị viện và hoạt động theo nguyên tắc tập quyền thông qua bầu cử toàn dân.”

Tuy nhiên ông Hồ Chí Minh và lực lượng Việt Minh sau khi cướp được chính quyền từ Chính phủ non yếu Trần Trọng Kim đã không bảo vệ và xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành một nhà nước của dân, do dân và vì dân như đã hứa.

Thứ nhà nước dân chủ nhân dân theo cách nói của ông Trương Tấn Sang cũng không có. Ngược lại ông Hồ và những người đi theo Chủ nghĩa Cộng sản độc tài Nga Sô và Chủ nghĩa Cộng sản bạo quyền Mao Trạch Đông đã lái Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang con đường lầm lạc độc quyền lãnh đạo, tước bỏ mọi quyền của dân và phản bội lại xương máu của các thế hệ đã đấu tranh cho nền độc lập quốc gia rồi đẩy đất nước vào 30 năm chiến tranh phiêu lưu đẫm máu.

Vì vậy mà một hình thức giai cấp giả hiệu đã được khoác cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á”, thay mặt cho hai giới công nhân lao động và nông dân.

Thực tế chưa bao giờ có một nhà nước của tuyệt đại đa số nhân dân như thế ở Việt Nam dưới thời Cộng sản. Các chính quyền lập ra từ sau ngày gọi là “Cách mạng tháng Tám 1945” đều là nhà nước tự biên tự diễn của đảng, do đảng và vì đảng và chưa hề biết quán triệt ý nghĩa câu nói lịch sử của ông Hồ rằng: “Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”.

Nay ngày độc lập 2/9 đã lùi vào dĩ vãng để nhường bước cho năm thứ 71 từ hôm 03/09/2015 mà nhân dân Việt Nam vẫn chưa có tự do và hạnh phúc, hay không phải ai trong số trên 90 triệu dâncũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như “ham muốn tột bậc” của ông Hồ đưa ra từ năm 1946!

Mọi quyền của dân quy định trong 5 Hiến pháp, từ Hiến pháp dân chủ đầu tiên 1946 đến Hiến pháp độc tài sửa đổi 2013 đã coi dân như của nợ cần phải rút hết xương tủy để phục vụ thiểu số cầm quyền. Chiếc bánh vẽ “công nông” đã được đảng tô đi vẽ lại trong 70 năm chỉ cốt làm cho phình to ra để che đậy chiêu bài ái quốc “chống Pháp giành độc lập” và giả danh “chống Mỹ cứu nước” để xâm lăng Việt Nam Cộng hòa.

Các Nhà sử học Cộng sản biết rõ như thế mà vẫn cam tâm đổi trắng thay đen, vẽ hươu vẽ vượn ca tụng cuộc Cách mạng mang danh “thời đại Hồ Chí Minh” để đầu độc học sinh từ tiểu học lên đại học.

Ban Tuyên giáo còn giả dối mị dân khi viết rằng: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít”

Nhưng tại sao ông Trương Tấn Sang đã muốn sửa sai lịch sử để gọi nhà nước đầu tiên do ông Hồ đứng đầu là “nhà nước dân chủ nhân dân” thay vì “nhà nước công nông”?

Nguyên do vì ông Sang là người của Nam Bộ, sinh ra ở xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nên biết rất rõ hai giới công nông đã chỉ được đảng cho mang danh hão để hưởng quyền ảo. Họ là thành phần đã hy sinh xương máu và tài sản nhiều nhất cho đảng theo đuổi 30 năm nội chiến mạo danh chống xâm lược, nhưng lại chịu thiệt thòi và bị những kẻ có chức có quyền phản bội nhiều nhất.

Vì vậy khi nghe ông Sang hô hoán các mục tiêu cao cả của Cách mạng Tháng Tám là “độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân” và để lập nên nhà nước dân chủ nhân dân thì cũng như vịt nghe sấm, chả ai hiểu ông muốn nói gì, vì chúng toàn là những sáo ngữ viển vông.

Khi nói “dân chủ nhân dân” thì nhà nước phải do dân bầu lên, thay vì “đảng cử dân bầu” như bấy lâu nay. Nếu chủ trương “dân chủ nhân dân” mà vẫn phải do đảng lãnh đạo như bây giờ thì đó là thứ dân chủ trá hình, bánh vẽ, mị dân.

Cũng như ông Sang, bộ máy tuyên truyền của đảng không dừng ở đây. Ngôn ngữ mộng du thêu dệt của Ban Tuyên giáo còn bịa chuyện nói Cách mạng Tháng Tám là: "Thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội."

(Trích “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam”/Ban Tuyên Giáo,12/06/2015)

Chuyện của 4 nguy cơ

Với những cái đầu đất sét cho đến 70 năm sau ngày Độc lập 2/9, vẫn còn mơ hồ giáo điều tuyệt đối tin rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin đã có công với “cách mạng tháng Tám” thì chuyện đảng còn phải đối phó với “bốn nguy cơ” de dọa sự sống còn của đảng là điều không ai ngạc nhiên.

Ông Sang nói trước mặt Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và đông đảo lãnh đạo cũ, mới ngày 02/09/(2015): “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt biểu hiện ngày càng nghiêm trọng hơn, diễn biến phức tạp hơn, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc trong xã hội, bất bình trong nhân dân, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.”

Những nguy cơ này đã được nói đến lần đầu tiên tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (20-25/1/1994), thời Tổng Bí thư Đỗ Mười. 21 năm sau chúng chẳng những vẫn tồn tại mà còn khỏe mạnh hơn nên ông Sang phải kêu gọi toàn đảng: “Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Có như vậy, mới củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.”

Như vậy là đảng CSVN, trước thềm Đại hội toàn quốc khóa XII dự trù tháng 01/2016, đang tơ mối trăm vò trước câu hỏi “thành công hay thất bại sau 30 đổi mới”?

Những tệ nạn của cán bộ, đảng viên nêu ra trong diễn văn của ông Sang không mới mà chúng là những việc đã diễn ra từ các khóa đảng trước năm 2011 khi khóa đảng XI và Tổng Bi thư Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền.

Như vậy là đảng đã thất bại. Nếu bảo thành công thì tại sao từ “4 nguy cơ” lại đẻ thêm ra 2 nguy cơ cực kỳ nguy hiểm được gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Quân đội và Công an?

Vì vậy giấc mơ xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” từ khi có Đổi mới thời đảng trưởng Nguyễn Văn Linh năm 1986 cũng đã tan ra mây khói.

Do đó khi nghe Chủ tịch Trương Tấn Sang nhắc lại điệp khúc sẽ “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; mọi cơ quan nhà nước, mọi cán bộ công chức phải chịu sự giám sát của nhân dân. Đổi mới quản lý nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ, đồng thời đề cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ” thì cũng chỉ là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”

Bởi lẽ đảng đã nói những điều này nhiều lần lắm rồi mà chưa hề thấy nhà nước nào là “của dân, do dân, vì dân” vì “tất cả quyền lực nhà nước” vẫn tiếp tục nằm gọn trong tay đảng để cho cán bộ, nhất là những kẻ có chức có quyền, lạm dụng để vợ vét tiền bạc qua các cửa tham nhũng, lãng phí, dành bổng lộc cho cá nhân, gia đình và phe phái, hay còn được gọi là “lợi ích nhóm”.

Không chỉ có cấp lãnh đạo mới thấy như thế mà toàn dân đã nhìn rõ những việc đảng làm so với những lời đảng nói từ 40 năm qua khi đất nước đã do đảng nắm trọn để độc quyền.

Bây giờ ông Trương Tấn Sang lại thay mặt đảng và nhà nước để hứa về một nhà nước pháp quyền chưa hề có từ sau 1975 trên cả nước, hay 60 năm ở miền Bắc để dành lại quyền làm chủ cho dân thì có phải là chuyện “nói cho qua cầu” vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày 2/9? -/-

(09/015)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo