Tranh đấu thế nào để giành thắng lợi cho dân chủ? - Dân Làm Báo

Tranh đấu thế nào để giành thắng lợi cho dân chủ?

Trần Quang Thành (Danlambao) - Lời giới thiệu: Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa công bố dự thảo Báo cáo chính trị cho đại hội đảng lần thứ XII sắp tới khẳng định giữ nguyên đường lối cũ. Những cụm từ "chống diễn biến hòa bình", "chống tự diễn biến, tự chuyển hóa", "kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh" được nhắc lại nhiều lần.

Cách đây bốn tháng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đã công bố một dự án chính trị có tên là Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai trong đó ngoài sự phân tích những bối cảnh quốc gia và quốc tế, những thử thách và hy vọng của đất nước và những tư tưởng nền tảng cũng như những định hướng lớn để xây dựng một nước Việt Nam mới còn có chiến lược đấu tranh để chấm dứt chế độ độc tài và xây dựng dân chủ. 

Từ Paris – thủ đô Pháp Quốc – ngày 22-9 vừa qua ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành về chủ đề “Tranh đấu thế nào để giành thắng lợi cho dân chủ?” 

Nội dung như sau – Mời quí vị cùng nghe

(Youtube PV ông Nguyễn Gia Kiểng)



Trần Quang Thành (TQT): Xin kính chào ông Nguyễn Gia Kiểng

Nguyễn Gia Kiểng (NGK): Xin kính chào ông Trần Quang Thành

TQT: Hiện nay khi bàn vấn đề biến nước Việt Nam thành một nước dân chủ, hầu như mọi người đều nhất trí cho là lực cản để Việt Nam trở thành một nước dân chủ là chế độ độc tài toàn trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Muốn có một nước Việt Nam thật sự như mọi người ước mong phải gạt bỏ chế độ độc tài toàn trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam đi.

Nhưng khi bàn bước đi cụ thể, hay là hành động cụ thể, thì lại có nhiều ý kiến khác nhau. Tập trung vào hai vấn đề: 

Một số người cho là chỉ cần cải cách toàn diện và triệt để, chứ không nhất thiết tiến hành một cuộc cách mạng.

Nhưng đa số, trong đó có Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nói rằng phải có một cuộc cách mạng.

Vừa rồi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra một dự án chính trị 2015 Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đang được nhiều người quan tâm. Vậy tại sao Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên lại đưa ra Dự án chính trị đó và khẳng định mình sẽ đi theo một cuộc cách mạng để làm thay đổi đất nước, để có một nền dân chủ chứ không theo làm một cuộc cải cách triệt để và toàn diên thưa ông?

NGK: Tôi thấy trước hết chúng ta cần nhắc lại định nghĩa của các từ ngữ vì thú thực với ông tôi thấy cuộc thảo luân này hơi lung tung. Theo ý nghĩa thông thường của chính trị cải tổ tức là giữ nguyên chế độ chính trị, rồi cố gắng làm tốt hơn trong lòng chế độ. Nghĩa là thay đổi một vài cơ quan, thay đổi một số chính sách và nếu cần thì thay đổi một số người có trách nhiệm, nhưng không thay đổi chế độ.

Trái lại cách mạng là thay đổi cả chế độ lẫn chính quyền, thay đổi cách đặt và giải quyết các vấn đề, thay đổi văn hóa chính trị. Chúng ta gọi đó là một cuộc cách mạng.

Cách mạng có thể ôn hòa, có thể bạo động, nhưng không nhất thiết phải là bạo động. Chúng ta có thể nhận xét là trên thế giới số các cuộc cách mạng ôn hòa nhiều hơn số các cuộc cách mạng bạo động. Bây giờ lại có cụm từ ông vừa đưa ra: “cải tổ toàn diện và triệt để”. Tức là cải tổ mọi mặt, thay đổi hoàn toàn tới cùng. Đó là một cuộc cách mạng. Cuộc thảo luận này hơi lung tung về ngôn ngữ nhưng nó cũng cho chúng ta một cơ hội nhìn lại vấn đề. 

Theo tôi một cuộc cách mạng là cần thiết bởi vì chế độ này là một chế độ không thể cải tổ được. Chúng ta có thể đưa ra nhiều lý do: 

Lý do thứ nhất vì đây là một chế độ cộng sản, mà các chế độ cộng sản đều dựa trên chủ nghĩa Mác – Lê-nin, một chủ nghĩa hoàn toàn mâu thuẫn với dân chủ. Các chế độ cộng sản chuyển hóa về dân chủ chỉ theo một phương thức thôi. Đó là xóa bỏ chế độ cộng sản và thay thế nó bằng một chế độ dân chủ. Liên Xô và các nước Đông Âu cũng đã làm như thế. Tại Liên Xô cũ hai ông Boris Eltsin và Gorbachev dù chống nhau nhưng cả hai đều nói chế độ cộng sản không thể cải tổ được, chỉ có thể đánh đổ nó mà thôi. Về bản chất của chủ nghĩa cộng sản, cải tổ nó để làm gì thì tôi không biết nhưng nếu muốn dân chủ hóa thì chỉ có một cách là xóa bỏ nó và thay thế nó bằng một chế độ dân chủ. Chế độ cộng sản hoàn toàn mâu thuẫn với dân chủ. Như vậy nếu mục đích của chúng ta là dân chủ hóa đất nước thì phải xóa bỏ chế độ cộng sản, không có cách nào khác. Tức là phải làm một cuộc cách mạng. Tôi nhắc lại làm cuộc cách mạng nghĩa là phải thay đổi chính quyền, phải thay đổi thể chế chính trị, phải thay đổi luôn cả văn hóa chính trị. Bài toán dân chủ hóa một đất nước dưới chế độ cộng sản đặt ra như thế.

Lý do thứ hai chúng ta đừng quên đây là một chế độ cực kỳ tham nhũng. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy hai điểm: 

Điểm thứ nhất là một dân tộc chưa phát triển muốn vươn lên chắc chắn phải đẩy lùi tham nhũng, bởi vì không thể nào vươn lên được nếu vẫn còn tham nhũng ở một mức độ cao. Đó là điều không chỉ lý luận đã chứng minh mà cả thực tế cũng đã chứng minh. Đồng thời kinh nghiệm của các quốc gia trong suốt thời gian qua cũng đã chứng tỏ rằng người ta không thể cải tổ được một chính quyền tham nhũng để nó hết tham nhũng hay bớt tham những. Giải pháp duy nhất là thay thế nó bằng một chính quyền khác.

Như vậy chúng ta có tới hai lý do để bắt buộc, dù muốn hay không, phải có một cuộc cách mạng dân chủ. Nhưng chúng ta cũng có một lý do thứ ba nữa, và lý do này nó khổng lồ lắm. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam từ chối cải tổ. Từ trước tới nay trong các cương lĩnh chính trị họ đều nói là họ kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, họ cương quyết duy trì chế độ một đảng. Những ai còn hy vọng cải tổ nên nhìn lại số phận mà Đảng Cộng Sản đã dành cho các kiến nghị và yêu cầu của bao nhiêu trí thức rất có tên tuổi, không chỉ trong quá khứ mà cả trong hiện tại. Cách đây một tuần lễ Đảng Cộng sản mới đưa ra dự thảo báo cáo chính trị cho Đại Hội XII sắp tới của họ. Họ đã nhắc lại hơn mười lần là họ sẽ kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Hơn thế nữa cũng tới hơn mười lần họ nhắc lại sẽ chống lại những biểu hiện tự chuyển hóa, tự diễn biến. Chúng ta thấy rõ là họ chống lại cải tổ. Cải tổ thường thường là một hiện tượng xuất phát từ bên trong chế độ do những người cầm đầu chế độ hay những người có ảnh hưởng rất lớn trong chế độ chủ trương. Nhưng bây giờ Đảng Cộng Sản Việt Nam không ngừng nhắc lại họ chống cải tổ. Như vậy cuộc thảo luận xem nên chọn cải tổ hay cách mạng không còn lý do để tiếp tục nữa.

Tôi cũng muốn nói thêm một điều này nữa, đó là câu hỏi nên chọn cải tổ hay nên chọn cách mạng tự nó đã vô nghĩa rồi bởi vì nếu chúng ta có chọn lựa giữa cải tổ hoặc cách mạng thì chúng ta bắt buộc phải chọn cải tổ vì cải tổ dễ dàng hơn nhiều và không gây ra đổ vỡ, trong khi cách mạng khó khăn hơn nhiều, phải rất nhiều sáng suốt, phải rất nhiều thận trọng để tránh bạo loạn và đổ vỡ. Nếu có chọn lựa chắc chắn chúng ta phải chọn cải tổ rồi. Nhưng vấn đề là ở Việt Nam không có chọn lựa. Dù muốn dù không chúng ta cũng phải làm cuộc cách mạng dân chủ. Dù khó khăn và nhiều thử thách nhưng thực tế là như vậy. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế.

Cuộc thảo luận nên cải tổ hay nên làm cách mạng đã kéo dài rồi và nó không những vô nghĩa mà nó còn có hại nữa. Bởi vì nó làm cho một phần dân chúng và nhiều người cộng sản có thiện chí - tôi tin là có nhiều người cộng sản có thiện chí - vẫn còn tiếp tục nuôi hy vọng là có thể cải tổ được chế độ và do đó không tham gia cuộc cách mạng dân chủ. Đó là một điều tai hại. Tôi nghĩ là đã đến lúc chúng ta nên kết luận cuộc thảo luận nên cải tổ hay nên cách mạng.

TQT: Trước khi bàn vấn đề phương pháp đấu tranh cách mạng hay cải tổ, chúng ta hãy nhìn lại một chút về các lực lượng tham gia vào đấu tranh loại bỏ chế độc tài toàn trị của Đảng Cộng Sản khỏi đất nước chúng ta. Nếu nhìn lại các lực lượng như vừa qua ông thấy có điều gì băn khoăn. Có lực lượng nào là nổi trội và lực lượng nào đang tự đánh mất mình?

NGK: Câu hỏi của ông nếu trả lời có lẽ phải cần cả một cuốn sách. Nếu chúng ta cố gắng nhìn ra vấn đề thì tuy chúng ta có tự hào về bốn ngàn năm lịch sử, nhưng về văn hóa chính trị chúng ta rất kém. Chúng ta chưa bao giờ có dân chủ. Chúng ta chưa bao giờ là một dân tộc tự do. Cuộc vận động dân chủ này là một cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử nước ta. Bởi vì nó làm thay đổi tất cả, nó đưa chúng ta từ độc tài sang dân chủ, từ nô lệ sang tự do, từ bóng tối ra ánh sáng. Trong một cuộc cách mạng lớn như vậy tư tưởng phải có trước và đi trước hành động. Nhưng các tổ chức, kể cả các đảng phái lâu đời đã cống hiến nhiều hy sinh cho đất nước và đáng được quí trọng, đều không có tư tưởng chính trị. Và vì thế không phát triển được.

Một mặt khác chúng ta thấy những cuộc cách mạng đổi đời lớn luôn luôn phải do giới trí thức chính trị chủ động. Nhưng do di sản văn hóa Khổng Giáo, chúng ta không có giới trí thức chính trị đó. Chúng ta có thể có những người khoa bảng, có bằng cấp và kiến thức chuyên môn cao, nhưng về kiến thức chính trị và nhận thức chính trị thì còn sơ sài, còn thiếu sót lắm. Rốt cuộc chúng ta không nhận thức được rằng cuộc đấu tranh này rất quan trọng và rất khó khăn, phải hội đủ những điều kiện nào, phải trải qua những giai đoạn nào. Đó là lý do khiến cuộc vận động dân chủ không tiến được như chúng ta mong muốn. Kinh nghiệm đáng buồn của 70 năm qua buộc chúng ta phải rút ra những bài học. Chúng ta phải đầu tư nhiều cố gắng, nhiều suy nghĩ hơn nữa vào chính trị và vào đấu tranh chính trị. Có như thế chúng ta mới ra khỏi tình trạng trì trệ, tình trạng dẫm chân tại chỗ. Tôi cho đó là lý do chính.

TQT: Trong bản dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra những điều rất cụ thể như là năm giai đoạn, bốn điều kiện để thực hiện được một cuộc cách mạng thành công. Ông có thể giới thiệu cụ thể những bước đi mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa ra trong dự án chinh trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai được không?

NGK: Trước hết tôi phải nói rằng một phương thức đấu tranh và một dự án chính trị cho phong trào dân chủ Việt Nam là điều tối cần thiết.

Bây giờ chúng ta hãy tạm giới hạn vào phương thức đấu tranh giành thắng lợi cho dân chủ. Theo tôi nghĩ vì không có lý thuyết đấu tranh như vậy nên chúng ta cứ dẫm chân tại chỗ. Đúng ra là chúng ta không nhìn thấy sự cần thiết của một phương thức đấu tranh vì chúng tôi đã đưa ra từ hơn 20 năm nay, nhưng dường như chưa lôi kéo được sự chú ý. Trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai chúng tôi đã đưa ra bốn điều kiện cần và đủ để cho một cuộc cách mạng có thể thành công và năm giai đoạn phải đi qua để đưa cuộc đấu tranh tới thành công.

Nhiều người nói đó là một lý thuyết riêng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nói như vậy cũng đúng, nhưng đây không phải là một lý thuyết được tưởng tượng ra bên một ly cà phê đâu, hay là trong một lúc cao hứng. Đây là một sự tổng hợp công phu và thận trọng những gì đã quan sát được trong các cuộc cách mạng đã xảy ra trên thế giới, những cuộc cách mạng thành công cũng như là những cuộc cách mạng không thành công. Đây là một đúc kết nghiên cứu rất cần thiết, thưa ông.

TQT: Ông có thể nói cụ thể về 4 điều kiện mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thấy cần thiết phải đưa ra là những điều kiện tối ưu để cuộc cách mạng thành công được không?

NGK: Bốn điều kiện đó là:

Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.

Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.

Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Những điều kiện cần và đủ này không phải là một phân tích lý thuyết mà là một phân tích cụ thể, cần thiết và thực dụng. Bởi vì nó cho chúng ta thấy phải đấu tranh như thế nào, phải hội đủ những điều kiện nào và theo thứ tự nào.

Tôi lấy thí dụ như điều kiện thứ nhất. Nó có vẻ là một lý thuyết. Điều kiện thứ nhất là đại bộ phận dân chúng trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại phải thay đổi để đất nước có tương lai. Điều kiện này không phải chỉ là một câu văn mà nó có nghĩa là cuộc cách mạng dân chủ phải đáp ứng nguyện vọng của dân chúng chứ không phải là để thỏa mãn tham vọng quyền lực hay sự phẫn nộ của một số người.

Điều kiện thứ hai là đảng cầm quyền vì tham nhũng, vì mất lý tưởng chung, vì không còn một tư tưởng chính trị đúng đắn đã bị phân hóa và mất khả năng tự vệ của một tổ chức. Điều kiện này cũng không phải thuần túy lý thuyết. Nó có nghĩa là chúng ta phải cố gắng tranh thủ, động viên những người trong Đảng Cộng Sản. Trong hơn ba triệu đảng viên ít nhất cũng có tới hơn hai triệu rưỡi người thấy phải thay đổi chế độ mà chúng ta có thể và phải tranh thủ.

Điều kiện thứ ba lại càng rõ ràng, đó là người dân trong nước đồng ý về một dự án cho tương lai. Dự án tương lai tức là một dự án chính trị. Điều kiện thứ ba cho thấy một cuộc đấu tranh cách mạng bắt buộc phải có một dự án chính trị. Điều này nhắc nhở chúng ta một điều cần thiết, và tối cần thiết, mà đến nay đáng buồn là trong chúng ta vẫn có người chưa biết, chưa nhận thấy.

Điều kiện thứ tư là chúng ta bắt buộc phải có một tổ chức dân chủ mạnh nếu muốn giành thắng lợi trong cuộc cách mạng dân chủ. Nhưng mà đồng thời điều kiện thứ tư, điều kiện cuối cùng này cũng có ý nghĩa của nó. Nó nói lên rằng mặc dầu xây dựng tổ chức mạnh là một bắt buộc của cuộc cách mạng dân chủ nhưng xây dựng tổ chức là điều chỉ làm được sau khi đã có chuẩn bị tinh thần, nghĩa là đã chuẩn bị ba điều kiện trước một cách khả quan. Nó nhắc nhở chúng ta là việc xây dựng tổ chức rất khó khăn chứ không phải dễ dàng.

Nói chung bốn điều kiện này cũng nhắc nhở tư tưởng phải đi trước hành động. Nhưng có một công dụng rất cụ thể khác của bốn điều kiện này là cho chúng ta biết những hành động nào là có lợi cho cuộc vận động dân chủ và những hành động nào không có lợi. Những hành động có lợi là những hành động đóng góp xây dựng một trong bốn điều kiện cần và đủ.

TQT: Xin nói thêm một chút trong 4 điều kiện này, Ông thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam từ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ông thì gọi là bảo thủ ông thì là cải cách nhưng họ đều nhất trí với nhau là phải triệt tiêu ngay những tổ chức đối lập nào mới nảy mầm ra. Vậy thì chúng ta làm gì có tổ chức để góp phần vào cuộc cách mạng này?

NGK: Chúng ta đang làm một cuộc cách mạng, thưa ông Trần Quang Thành. Chúng ta không đợi những người mà chúng ta muốn thay thế cho phép chúng ta làm. Trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta có thể tranh luận vấn đề này dài dài. Nhưng đối với chúng tôi ngay trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta đã có được một mức độ tự do đủ để cho phép chúng ta có thể thành lập tổ chức nếu chúng ta muốn. Lý do chính khiến chúng ta không xây dựng được một tổ chức là do chúng ta chưa nhìn thấy sự cần thiết, sự bắt buộc của một lực lượng dân chủ mạnh. Hay chúng ta nhìn thấy sự cần thiết nhưng lại thấy nó khó quá. Chúng ta cứ loanh quanh tìm cách để tự dối mình, để tự thuyết phục mình là có thể giành thắng lợi cho dân chủ mà không cần xây dựng tổ chức. Những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản, đặc biệt là ông Nguyễn Tấn Dũng, biết rất rõ là nếu chế độ này bị thay thế thì đó là do một tổ chức. Họ biết rằng các cá nhân không làm gì được họ. Họ chỉ sợ những người dân chủ kết hợp được với nhau thành lập ra được một tổ chức. Chính ông Dũng đã nhiều lần nói không để nhen nhóm thành lập các tổ chức đối lập. Người cộng sản họ biết sức mạnh của tổ chức. Tôi nghĩ những người dân chủ trong thâm tâm cũng biết, nhưng thấy vấn đề khó quá nên cứ loay hoay lượn quanh vấn đề xem có cách nào không cần tổ chức mà vẫn thành công hay không, bởi vì xây dựng tổ chức vừa khó vừa nguy hiểm.

Nhân câu hỏi của ông, tôi xin nói hai điều:

Thứ nhất là với mức độ tự do mà xã hội Việt Nam đã có hiện nay chúng ta có thể xây dựng được tổ chức nếu dám chấp nhận đương đầu với khó khăn.

Thứ hai là chúng ta không thể nào tiết kiệm một tổ chức dân chủ được. Đó là điều bắt buộc phải có.

TQT: Đề cập đến vấn đề năm giai đoạn mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nêu lên trong dự án chính trị của mình liệu có khả năng nào rút ngắn hay cứ phải hội đủ năm giai đoạn này không thưa ông?

NGK: Năm giai đoạn này cũng không phải tự chúng tôi đề ra. Đấy là một kết luận đã được nghiên cứu mấy năm trời. Chúng tôi đã dành hai năm để nghiên cứu các cuộc cách mạng đã thành công và đã thất bại trên thế giới để rút ra kinh nghiệm.

Tiến trình năm giai đoạn này là tiến trình bắt buộc phải đi qua. Nếu chúng ta không đi theo tiến trình năm giai đoạn này chắc chắn là thất bại. Tuy nhiên đi theo tiến trình năm giai đoạn này chưa chắc chúng ta đã thành công. Ngoài ra cần phải có sự khéo léo, phải có may mắn, phải có quyết tâm, phải tùy khả năng của những người chủ xướng. Nhưng tiến trình năm giai đoạn này là tiến trình bắt buộc.

TQT: Như vậy có nghĩa là năm giai đoạn này không thể thế là ba, hoặc bốn, giai đoạn thưa ông?

NGK: Tôi nghĩ đây là một phương pháp, một tiến trình cần thiết. Cũng như khi chúng ta giải quyết một vấn đề, chúng ta phải có kỹ thuật, phải có qui trình. Tuy rằng nếu theo qui trình đó chưa chắc đã thành công. Nhưng mà không đi theo đúng qui trình đó thì thất bại.

Đi theo năm giai đoạn này cũng là một tiến trình tự nhiên thôi.

Tôi xin nhắc lại năm giai đoạn này :

Giai đoạn đầu tiên là chúng ta phải có một cơ sở tư tưởng, gồm một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị.

Giai đoạn thứ hai là chúng ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ nòng cốt.

Giai đoạn thứ ba là phải xây dựng và kiểm điểm phương tiện. Điều này rất cần thiết, bởi vì trong chính trị một là chúng ta có phương tiện để thực hiện chính sách của chúng ta. Hai là chúng ta phải thực hiện chính sách của người cung cấp phương tiện cho chúng ta.

Giai đoạn thứ tư là xây dựng cơ sở quần chúng, xây dựng đội ngũ những người không ở trong tổ chức nhưng có cảm tình với tổ chức, và những người tuy ở trong tổ chức nhưng không có vai trò thường trực, hàng ngày vẫn phải lo công ăn việc làm, vẫn phải lo đời sống gia đình và cá nhân.

Giai đoạn thứ năm mới là giai đoạn vận động quần chúng đứng dậy.

Tiến trình năm giai đoạn này nó dài lắm, nhưng kinh nghiệm cho thấy hai giai đoạn đầu, nghĩa là xây dựng tư tưởng chính trị, dự án chính trị và xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt, chiếm gần hết thời giờ và cố gắng của cuộc cách mạng. Có khi phải vài thập niên mới có nổi một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị đúng đắn được đa số nhân dân hưởng ứng và xây dựng được một đội ngũ cán bộ nòng cốt vài trăm người, trong đó chỉ có vài chục người thực sự là nòng cốt, nghĩa là những người nắm vững dự án chính trị, nắm vững lý luận chính trị, có bản lĩnh, có quyết tâm và có kỷ luật đấu tranh. Tuy vậy một khi đã có hai điều kiện này rồi thì tổ chức có thể dựa vào một vận hội lịch sử để phát triển rất nhanh và nắm được thế chủ động trong một vài năm, thậm chí một vài tháng.

Trong tiến trình năm giai đoạn này, giai đoạn vận động quần chúng là giai đoạn thứ năm và chỉ có thể phát động sau khi các giai đoạn kia hoàn tất thôi. 

Chúng ta đã có những bài học. Trong những năm gần đây đã có những cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lấn đôi khi ít nhiều có sự đồng tình của chính quyền. Những cuộc vận động quần chúng này chỉ qui tụ được rất ít người, một hai ngàn là nhiều, nghĩa là rất dưới mức độ phải có. Hậu quả là gây ra chán nản, khiến người ta thất vọng và bây giờ động viên con số đó là rất khó trừ khi có một biến cố thật sự mới hay một lý do thực sự mới để đồng bào tin cuộc biểu tình là có lợi.

Tiến trình năm giai đoạn này cho chúng ta thấy rằng vừa mới hoạt động, chưa chuẩn bị mà đã vận động quần chúng là điều chắc chắn không thể thành công được. Từ đó chúng ta phải rút ra những bài học

TQT: Vừa rồi nhiều người có tham khảo, có tranh luận về dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Họ cũng rất quan tâm đến bốn điều kiện và năm giai đoạn mà Tập Hợp đưa ra. Họ nghĩ rằng bốn giai đoạn đầu để đưa đến cái đích là giai đoạn thứ năm, giai đoạn thứ năm mới là giai đoạn quyết định. Giai đoạn thứ năm có nói là đấu tranh để giành chính quyền. Vậy thưa ông đấu tranh giành chính quyền hiện nay nó cũng đang có sự tranh luận. Có người bảo không thể nào bất bạo động được. Phải bạo động nhưng hạn chế càng bớt đổ máu càng tốt. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này?

NGK: Nhiều người nghĩ như vậy là vì họ cho rằng bản chất hung bạo của Đảng Cộng Sản không thay đổi. Họ cũng có lý. Không ai phủ nhận bản chất khủng bố của các chế độ cộng sản. Vụ thảm sát ở Thiên An Môn tháng 6/1989 là một thí dụ; Cách Mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là một thí dụ khác. Khẩu hiệu lúc đó là “giết nhầm còn hơn tha nhầm”. Cuộc khủng bố làm hàng trăm ngàn người thuộc các đảng phái quốc gia và những người vô tội bị thiệt mạng; rồi cuộc Cải Cách Ruộng Đất 1955. Nhờ khảo cứu của cố giáo sư Đặng Phong chúng ta có con số chính xác những người bị thảm sát: 172.008 người. Bản chất hung bạo của các chính quyền cộng sản, kể cả chính quyền cộng sản Việt Nam, là điều hiển nhiên, không ai ngây thơ cả. Nhưng cũng đừng quên là các đảng cộng sản có một bản chất khác là họ rất thực dụng. Họ không có sự cuồng tín tử vì đạo như những người Hồi giáo quá khích hiện nay. Họ hung bạo khi nào thấy hung bạo có thể thành công. Nhưng khi họ cảm thấy tuyệt vọng thì họ sẽ đầu hàng như trường hợp các nước Đông Âu. Các chế độ cộng sản tại đây đã đầu hàng trước các cuộc biểu tình ôn hòa, bất bạo động. Trong nhiều trường hợp họ còn đầu hàng trước khi có các cuộc biểu tình lớn, những cuộc biểu tình diễn ra sau đó chỉ là để biểu lộ sự vui mừng vì thắng lợi của dân chủ. Tại Đông Âu chỉ có một ngoại lệ là trường hợp chế độ cộng sản của Ceaucescu ở Romania. Ceaucescu đã tỏ ra cứng cỏi, quyết liệt lắm. Gia đình Ceaucescu và các thủ hạ thân cận đã bị hành quyết trong một cuộc đảo chính. Kịch bản này có lẽ không phải là kịch bản mà những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam mong muốn. Tôi chắc chắn họ sẽ nhượng bộ nếu trước mặt họ có một lực lượng dân chủ mạnh.

Vấn đề cốt lõi của chúng ta vẫn là xây dựng một lực lượng dân chủ mạnh. Muốn như thế cần tôn trọng tiến trình năm giai đoạn mà chúng tôi đưa ra. Xin nhắc lại đây không phải là một phương thức đấu tranh do chúng tôi phát minh ra đâu. Nó là một kết luận của nhiều cuộc cách mạng đã thành công trên thế giới.

TQT: Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã khẳng định rằng đường lối đấu tranh của mình là bất bạo động. Tiến công giành chính quyền bằng bất bạo động. Vậy chúng ta có cứng nhắc quá không hay là có một sự uyển chuyển gì trong từ ngữ chúng ta dùng là giành chính quyền bằng phương pháp bất bạo động, thưa ông?

NGK: Dù là một cách rất thân thiện, rất hòa nhã chúng ta vẫn phải khẳng định rằng cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh để xóa bỏ chế độ cộng sản và thay thế nó bằng một chính quyền dân chủ. Chúng ta không có chọn lựa nào khác. Một cách ôn hòa và thẳng thắn chúng ta cũng phải nói với anh em cộng sản rằng cuộc đấu tranh này là một cuộc đấu tranh để thay đổi chế độ bởi vì chế độ này đã thất bại trên tất cả các phương diện và trong tất cả mọi địa hạt rồi.

Tinh thần của chúng ta như thế nào? Tôi vừa nói đa số các cuộc cách mạng lớn gần đây đều không phải là những cuộc cách mạng bạo động. Trong khi thành lập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cách đây 33 năm chúng tôi đã đề cao tinh thần bao dung, tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Lúc đó chúng tôi bị nhiều người phê phán. Nhưng chúng tôi nghĩ đó là một ngôn ngữ cần thiết. Đó là ngôn ngữ đúng và thành thực nhất. Chúng tôi cũng nhắc lại một lần nữa cuộc vận động cách mạng dân chủ này là một cuộc đấu tranh không nhằm hạ nhục hay là tiêu diệt bất cứ ai. Nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, để tôn vinh quyền làm người, tôn vinh quyền được hưởng hạnh phúc và được kính trọng như một dân tộc lớn mà dân tộc Việt Nam phải có.

Cho nên chúng tôi nghĩ không ai phải lo sợ trước những bước tiến của cuộc đấu tranh dân chủ này cả. Trái lại mọi người đều có thể hân hoan. Trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai chúng tôi đã nói là chúng tôi kiên quyết đấu tranh để thay đổi chế độ này. Nó sẽ xảy ra trong tinh thần anh em, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Sẽ không có các vụ án chính trị, sẽ không có ai bị truy tố vì những chức vụ mà họ đã giữ trước đó. Chúng ta hiểu rằng mặc dù chúng ta hết sức ôn hòa, chúng ta chủ trương đấu tranh bất bạo động một cách rất thành thực nhưng trước mặt chúng ta là một chính quyền mà sự hung bạo là một hằng số. Tuy vậy chúng ta vẫn có hy vọng. Niềm hy vọng của chúng ta là Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như mọi đảng cộng sản trên thế giới không phải là những tổ chức tôn giáo cực đoan, họ là những tổ chức rất thực dụng và khi họ thấy trước mặt họ có một lực lượng mạnh hơn họ và sẽ thắng thì họ sẽ tìm cách để nhượng bộ, nhất là khi họ nhìn thấy rằng cuộc cách mạng này sẽ diễn ra trong tinh thần đồng bào, trong tinh thần dân tộc, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

TQT: Trong một cuộc cách mạng hay là trong một cuộc cải cách triệt để, toàn diện phải có một lực lượng để làm việc này. Theo đánh giá của ông quần chúng lao động, công nhân, nông dân và những người trí thức đóng vai trò như thế nào để cuộc cách mạng bất bạo động của chúng ta để thay đổi chế độ độc tài toàn trị thành công?

NGK: Đây là một cuộc cách mạng lớn. Chúng ta tự hào là có bốn ngàn năm lịch sử nhưng chưa bao giờ chúng ta có dân chủ, chúng ta chưa bao giờ là một dân tộc tự do cả. Vì thế đây là một cuộc cách mạng rất lớn, rất mới, và tất cả các cuộc cách mạng lớn đều phải do trí thức khởi xướng. Vai trò đầu tầu, vai trò động viên, vai trò lãnh đạo phải do trí thức. 

Tôi đã có dịp đi qua nhiều nước, tôi nghĩ rằng quần chúng ở nước nào cũng giống nhau. Họ là những người lo cho cuộc sống hàng ngày, lo cho gia đình và bản thân. Nếu chúng ta thuyết phục được họ sống lương thiện và đóng góp vào sinh hoạt quốc gia cũng là may mắn lắm rồi. Họ sẵn sàng hưởng ứng nếu có sự động viên và lãnh đạo của trí thức. Rất tiếc theo tôi trí thức Việt Nam chưa làm nhiệm vụ của mình. Trách nhiệm này rất nặng. Hy vọng của chúng ta hiện nay là lớp trí thức cũ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Khổng Mạnh đang qua đi và một lớp trí thức mới đã xuất hiện. Lớp trí thức mới này, mà chúng ta có thể gọi là một lớp trí thức chính trị, là những người có nghiên cứu chính trị, có theo dõi những biến chuyển trên đất nước và trên thế giới, những người có bản lĩnh chính trị và có quyết tâm tranh đấu, đồng thời dám can đảm đương đầu với thử thách, chấp nhận những khó khăn để làm những điều mình cho là đúng cho đất nước. Đang có một sự thay đổi đáng mừng.

TQT: Để có được một lực lượng trí thức mạnh để làm vai trò nòng cốt lãnh đạo cuộc cách mạng dân chủ cho Việt Nam, để có được một lực lượng quần chúng hùng hậu thực hiện những điều mà trí thức đang mong muốn chúng ta phải làm gì để khắc phục những hạn chế mà các lực lượng này đang mắc phải, thưa ông?

NGK: Theo tôi nghĩ chúng ta đang đứng trước một vận hội rất lớn. Một làn sóng dân chủ đang trào dâng trên cả thế giới. Trong lúc chúng ta đang nói chuyện thì Giáo hoàng Francis vừa kết thúc cuộc thăm viếng tại Cuba để sau đó sang Hoa Kỳ nối nhịp cầu hàn gắn giữa Hoa Kỳ với Cuba. Trong một tương lai gần nước cộng sản duy nhất ở châu Mỹ sẽ được dân chủ hóa. Chủ nghĩa cộng sản đối với những người quan sát và suy nghĩ khách quan đã hoàn toàn cáo chung. Nó chỉ còn lại sức ì của ba chế độ cộng sản châu Á là Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên mà thôi. Chúng ta đang có một vận hội rất thuận lợi. Hy vọng thời cơ này sẽ đem lại niềm tin vào thắng lợi của dân chủ cho trí thức. Từ chỗ họ tin rằng có thể thắng lợi họ sẽ suy nghĩ xem phải đấu tranh cách nào để giành thắng lợi, họ sẽ nghĩ tới hình ảnh một nước Việt Nam sau này, họ sẽ nghĩ tới một dự án chính trị. Một cách chủ quan tôi nghĩ họ sẽ ủng hộ dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của chúng tôi. Sau đó tình hình có thể thay đổi rất nhanh chóng, bởi vì cho tới nay quần chúng nhìn sự thiếu vắng một dự án chính trị như bằng chứng rằng đối lập dân chủ Việt Nam vừa thiếu khả năng vừa thiếu tự tin. Nếu tin vào thắng lợi thì người ta phải có một kịch bản cho thắng lợi và sau đó phải đưa ra hình ảnh của nước Việt Nam mà chúng ta muốn xây dựng. Sự thiếu vắng này khiến quần chúng cho rằng chính đối lập dân chủ Việt Nam cũng không tin vào thắng lợi của chính mình. Nhưng tôi nghĩ bây giờ bối cảnh thế giới đang rất thuận lợi, bối cảnh quốc gia cũng thuận lợi, Đảng Cộng Sản đang ở trong một tình thế tuyệt vọng. Điều mà chúng ta có thể thấy sau khi đọc dự thảo báo cáo chinh trị cho đại hội XII là một sự tuyệt vọng. Họ viết một dự án chính trị mà không có gì để viết vì họ không còn đồng ý với nhau trên một điểm nào. Nội bộ Đảng Cộng Sản cũng đang mâu thuẫn như mọi người đã thấy. Tình hình kinh tế - xã hội cũng rất bi đát. Không phải tôi nói mà chính ông Trương Tấn Sang nói hiện nay tình hình không thoải mái chút nào. Số thu ngân sách không đủ để trả lương và trả nợ.

Tôi nghĩ bối cảnh thuận lợi này sẽ đem lại lòng tự tin cho trí thức Việt Nam và từ đó họ sẽ nghĩ tới một dự án chính trị và nhờ dự án chính trị đó họ sẽ thuyết phục được quần chúng nhất là, như tôi vừa nói, lớp trí thức cũ đang qua đi hoặc đã qua đi và chúng ta đang chứng kiến sự nhập cuộc của một lớp trí thức mới, một lớp trí thức chính trị, có kiến thức chính trị, có bản lĩnh chính trị và có quyết tâm. Tôi tin sẽ có thể xây dựng được một lực lượng dân chủ mạnh.

TQT: Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rất coi trọng vai trò lãnh đạo thống nhất tức là muốn có một mặt trận dân chủ rộng rãi để đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ cho đất nước, xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị. Ông nghĩ sao về tương lai của một mặt trận thống nhất như vậy?

NGK: Đó là điều chúng tôi đã đề nghị trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Chúng tôi nghĩ không có một tổ chức nào đủ mạnh để khiến các tổ chức khác tự động phải đoàn kết sau lưng mình cả. Chúng ta phải gặp gỡ, thảo luận để đi đến một mặt trận chung. Mặt trận chung này không phải là lần đầu tiên có người nghĩ đến. Thực ra là một cách tự nhiên người ta đã nghĩ đến từ lâu, nhưng nghĩ không đúng phương pháp cho nên đến nay đã không có kết quả. Kinh nghiêm 70 năm qua – kinh nghiệm đáng buồn 70 năm qua, nhất là 40 năm cả nước dưới chế độ cộng sản- đã phải đủ để cho chúng ta suy nghĩ. Tôi thấy có một cái gì đó đã chín muồi để việc thành lập một mặt trận dân chủ có thể làm được.

TQT: Việc thành lập mặt trận dân chủ đó là trước mắt hay còn là tương lai xa vời thưa ông?

NGK: Từ trước đến nay những liên minh đều đã thất bại bởi vì có hai lý do hiển nhiên mà chúng tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta không nghĩ tới : 

Lý do thứ nhất là thiếu chuẩn bị. Các tổ chức kết hợp với nhau mà không có một dự án chính trị chung nên không biết đồng ý với nhau trên những điểm nào. Họ cũng chưa thực sự biết nhau, chưa thực sự tín nhiệm nhau, trong đó có những tổ chức chưa đủ tầm vóc để gia nhập một liên minh bởi vì gia nhập một liên minh đòi hỏi một tầm vóc nào đó, nếu không thì nó cũng giống như một cuộc tảo hôn; một tổ chức chưa đủ tầm vóc để gia nhập liên minh cũng như người ở tuổi vị thành niên, chưa đủ tuổi để kết hôn. Cũng có những tổ chức chỉ có tên mà không có thực lực. Trong tình trạng đó liên minh chỉ là môi trường để tranh giành ảnh hưởng thôi.

Lý do thứ hai là mặt trận hoặc liên minh đó không cần thiết. Phải hiểu rằng một mặt trận hay một liên minh chính trị là một kết hợp nhất thời, đáp ứng một nhu cầu nhất định. Nó ra đời vì có một mục đích nào để làm và thành công. Sau đó sứ mạng của liên minh hoặc mặt trận đó đã hoàn tất. Thế nhưng từ trước đến nay các liên minh hoặc mặt trận ra đời chỉ vì các tổ chức thấy mình yếu quá nên muốn kết hợp nhiều tổ chức cho mạnh hơn dù liên minh đó nó không đáp ứng cho một nhu cầu cấp bách.

Lấy ví dụ như sắp tới chúng ta cảm thấy có một vận hội lớn, cơ hội có thể giành được dân chủ trong khoảng thời gian sáu tháng hay một năm thì lúc đó chúng ta thành lập một mặt trận. Nếu không mặt trận sẽ không có đối tượng.

Nói chung chúng ta phải có hai điểm: Thứ nhất là chuẩn bị để biết nhau để giải quyết vấn đề lãnh đạo; thứ hai là mặt trận phải đáp ứng một nhu cầu giai đoạn nào đó. Cho nên mặc dù chủ trương như vậy Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không rủ rê các tổ chức khác thành lập một mặt trận ngay từ bây giờ. Chúng tôi cho rằng chưa phải lúc. Thật ra lúc này là lúc tìm hiểu nhau, tạo quan hệ tốt với nhau để khi cần thiết chúng ta đã hiểu biết thực lực và lập trường của nhau vì đàng nào mặt trận cũng chỉ có hiệu lực nếu có lãnh đạo thống nhất, nghĩa là nếu có một tổ chức đầu tầu để, nếu cần, lấy những quyết định nhanh chóng. Thành lập mặt trận này vừa đòi hỏi chuẩn bị vừa phải đúng lúc, nghĩa là đáp ứng một nhu cầu giai đoạn. Chúng ta chưa nên thành lập mặt trận trong lúc này vì chưa phải lúc và chúng ta cũng chưa đủ chuẩn bị. Nhưng trong tương lại việc thành lập một mặt trận dân chủ là điều có thể thực hiện được.

TQT: Bốn mươi năm đã qua, nhiều liên minh dân chủ, nhiều tổ chức đấu tranh của người Việt ở hải ngoại đã hình thành. Ông nghĩ gì về kết quả của họ và giúp ích gì cho thời gian sắp tới?

NGK: Ít nhất là chúng ta đã có kinh nghiệm, nhưng hiện nay chúng ta đang có một vấn đề mới. Đó là tâm lý rã hàng của người Việt Nam. Hiện nay phải nhìn nhận Đảng Cộng Sản đã thành công trong việc làm cho quần chúng Việt Nam chán nản, thất vọng, mất lòng tin vào đất nước. Tâm lý ngự trị ngày hiện nay là tâm lý rã hàng. Chủ nghĩa ngự trị hiện nay là chủ nghĩa luồn lách. Mỗi người luồn lách để lo giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân chứ không cố gắng bắt tay nhau để tìm một giải pháp chung cho cả dân tộc. Tôi nghĩ nhiệm vụ đầu tiên của những người dân chủ là phải đẩy lùi tâm lý rã hàng đó. Phải đánh bại tâm lý rã hàng và đẩy lùi chủ nghĩa luồn lách.

Điều thứ hai là phải có dự án chính trị. Chúng tôi đã đưa ra dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Đó là dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, các tổ chức khác không bắt buộc phải chia sẻ 100% những gì mà chúng tôi chủ trương nhưng dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có thể là một tài liệu để thảo luận để từ đó chúng ta đi đến một dự án chính trị chung. Dự án chính trị chung đó là một điều kiện cần thiết để tập hợp lực lượng. Sau đó chúng ta cũng phải vận động anh em trong Đảng Cộng Sản. Tôi biết rằng vào giờ này và nhất là sau Đại hội XII nhiều người cộng sản sẽ nghĩ rằng Đảng Cộng Sản không thể cải tổ được nữa và họ sẽ đến với chúng ta. 

Tất cả những cố gắng đó đòi hỏi một sự khiêm tốn, đòi hỏi hy sinh tư kiến và lòng tự ái, đòi hỏi một cái nhìn đúng về bổn phận của mỗi người Việt Nam trong lúc này. Một điều chúng ta cần ý thức là thắng lợi của dân chủ trong lúc này quan trọng vô cùng, quan trọng đến nỗi bên cạnh nó vai trò và chỗ đứng của mỗi người đều không đáng kể. Nếu chúng ta có tinh thần đó chúng ta sẽ xây dựng được lực lượng và sẽ thành công.

TQT: Để thành lập một mặt trận dân chủ hiện nay có một số điều đang cần phải suy nghĩ nhất là vấn đề mặt trận đó nên ở trong nước hay ở hải ngoại. Ở đâu thuận lợi cho phong trào đấu tranh, thưa ông?

NGK: Tôi nghĩ bình thường một mặt trận đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam thì cơ quan lãnh đạo phải đặt ở trong nước. Nhưng trong đấu tranh chính trị ưu tiên đầu tiên là phải đặt cơ quan lãnh đạo ở nơi nào an toàn nhất, thuận lợi nhất để làm công việc chỉ đạo đó.

Hiện nay với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông việc ban lãnh đạo, cơ quan đầu não đặt ở đâu không quan trọng nữa. Điều quan trọng là chúng ta có thể làm việc được một cách hữu hiệu nhất. Trong các thảo luận thường hay có một lập luận nói rằng phải đặt cơ quan đầu não ở trong nước mới có chính danh. Phải nói lập luận đó là lập luận của những người không thực sư muốn tham gia cuộc vận động dân chủ. Những người thực sự tham gia cuộc vận động dân chủ không nói như thế. Đối với họ cơ quan lãnh đạo đặt ở trong nước hay ngoài nước không quan trọng. Điều quan trọng là hiệu lực. Không ai ngây thơ đến mức nghĩ rằng bắt buộc dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt cơ quan lãnh đạo ở trong nước. Không ai ngây thơ tới mức đòi đặt cơ quan lãnh đạo ở một nơi mà chính quyền cộng sản muốn triệt tiêu lúc nào cũng được. Khoảng cách đã biến mất trong thời đại đại truyền thông này; vấn đề đặt địa điểm của cơ quan đầu não không còn quan trọng nữa, yếu tố duy nhất là an toàn và hiệu lực. Nhưng, một cách tự nhiên, khi điều kiện an ninh đã được bảo đảm tương đối – chỉ cần tương đối thôi – thì cơ quan lãnh đạo nên đặt ở trong nước.

TQT: Chúng ta đã bàn rất nhiều vấn đề nào là bốn điều kiện, năm giai đoạn; về phương thức đấu tranh; về tổ chức đấu tranh.

Nhưng bây giờ đi vào cụ thể, những người đối lập chính trị, đối lập dân chủ phải làm gì trong cuộc đấu tranh hiện nay, thưa ông Nguyễn Gia Kiểng?

NGK: Mình phải thành thực với chính mình. Chúng ta đã nói chúng ta chọn phương thức đấu tranh bất bạo động thì chúng ta cũng phải rút ra những hệ luận của sự chọn lựa đó. Chúng ta phải trung thành với sự chọn lựa đó, nghĩa là sẽ không có vấn đề tổ chức những cơ quan, những mạng lưới bí mật, những lực lượng vũ trang, những chiến dịch phá hoại.

Nếu quan sát chúng ta sẽ thấy đấu tranh bất bạo động chủ yếu là trước hết xây dựng tổ chức để có thể có lực lượng vận động quần chúng. 

Điều thứ hai là phải cố gắng thuyết phục quần chúng rằng phải tham gia vào việc tìm kiếm một giải pháp chung cho dân tộc chứ đừng có luồn lách tìm cách giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những biện pháp cá nhân.

Điều thứ ba là phải giành thắng lợi dứt khoát trên mặt trận tư tưởng nghĩa là phải bẻ gẫy những lập luận ngụy biện của Đảng Cộng Sản. Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai chúng tôi đã liệt kê những lập luận chính của Đảng Cộng Sản để bảo vệ chế độ của họ và chúng tôi cũng đã đưa ra những lập luận để bẻ gẫy những ngụy biện này.

Theo chúng tôi đó là ba công việc chính của anh em dân chủ và mọi tổ chức dân chủ trong lúc này.

TQT: Thưa ông Nguyễn Gia Kiểng, trong nước hiện nay nhiều tổ chức xã hội dân sự đã ra đời. Quan niệm thế nào là xã hội dân sự vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Điều đáng mừng là nhiều tổ chức xã hội dân sự ra đời đã góp phần vào cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Là người theo dõi những hoạt động ở trong nước ông đánh giá sao về những hoạt động xã hội dân sự hiện nay?

NGK: Tôi cũng đánh giá như ông. Sự xuất hiện và hoạt động tích cực của các tổ chức xã hội dân sự hiện nay là một điều đáng mừng. Đó là một hiện tượng mới và đáng mừng.

Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai chúng tôi đã nhấn mạnh rằng đất nước Việt Nam phải được đặt trên nền tảng xã hội dân sự, vai trò của nhà nước là phục vụ xã hội dân sự để xã hội dân sự mưu tìm hạnh phúc và phồn vinh cho đất nước. Nhà nước không có vai trò và cũng không được quyền khống chế xã hội dân sự.

Nếu chúng ta nhìn vào các nước đã phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản chúng ta thấy đất nước của họ đều đặt nền tảng trên xã hội dân sự. Tại Việt Nam sự thiếu vắng của xã hội dân sự đã là lý do khiến chúng ta tụt hậu một cách bi đát như ngày nay.

Vai trò của xã hội dân sự là gì? Đó là vai trò của những địa điểm phát sinh ra ý kiến và sáng kiến. Các tổ chức xã hội dân sự là những nơi để các vấn đề đặt ra cho quốc gia được phát hiện kịp thời và các giải pháp được thảo luận. Trong đấu tranh giành dân chủ vai trò của xã hội dân sự cũng quan trọng lắm. Các tổ chức xã hội dân sự có đặc tính là tập trung cố gắng và quan tâm vào một vấn đề và do đó hiểu rất rõ và có tiếng nói uy tín trên vấn đề đó. Đó là sức mạnh của các tổ chức xã hội dân sự. Với sức mạnh đó nếu mỗi tổ chức gây áp lực lên chính quyền về một vấn đề đặc biệt thì tập trung những hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự sẽ tạo nên một áp lực rất lớn về mọi mặt lên chế độ cộng sản.

Mặt khác chúng ta cũng phải hiểu rõ bản chất của các tổ chức xã hội dân sự. Mỗi tổ chức xã hội dân sự thường tập trung vào một vấn đề thôi, không thể quan tâm đến nhiều vấn đề cùng một lúc và cũng không được quyền có những lập trường và những tham vọng chính trị. Cho nên các tổ chức xã hội dân sự có thể đóng góp, và đóng góp một cách quan trọng, vào tiến trình dân chủ hóa, nhưng họ không thay thế các tổ chức chính trị. Dứt điểm chế độ độc tài và thiết lập dân chủ là công việc của các tổ chức chính trị. Một lần nữa chúng ta cần phải nhắc lại một sự thực quan trọng dù không hiện diện một cách thường trực trong đầu óc mọi người, đó là chúng ta không thể giành được thắng lợi cho dân chủ nếu chúng ta không có một tổ chức dân chủ mạnh.

TQT: Như vậy có nghĩa là các tổ chức xã hội dân sự không thể đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi chế độ độc tài toàn trị?

NGK: Không. Như tôi đã nói mỗi tổ chức xã hội dân sự đều phải tập trung quan tâm và cố gắng trên một vấn đề. Có tổ chức lo vấn đề dân oan, có tổ chức bảo vệ phụ nữ bị ngược đãi, có tổ chức bảo vệ những người đồng tính luyến ái, có tổ chức xã hội dân sự chống lại việc lơ là hệ thống thoát nước – như hiện nay Sài Gòn vừa bị ngập lụt trong mấy ngày liền-, có tổ chức xã hội dân sự bảo vệ cây xanh thành phố, có tổ chức xã hội dân sự đấu tranh nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận v.v... Mỗi tổ chức xã hội dân sự chỉ gây áp lực lên một vấn đề thôi. Các tổ chức xã hội dân sự không có vai trò thay thế cho các tổ chức chính trị. Cần nhắc lại là việc giành thắng lợi cho dân chủ chủ yếu là công việc của các tổ chức chính trị. Xây dựng các tổ chức chính trị mạnh là điều chúng ta không thể tiết kiệm được.

TQT: Vậy làm sao để xây dựng được các tổ chức chính trị như ông đã nói?

NGK: Muốn xây dựng các tổ chức chính trị chúng ta phải đi qua tiến trình năm giai đoạn. Phải có tư tưởng chính trị và dự án chính trị. Chúng ta phải cố gắng tạo dựng một đội ngũ nòng cốt. Chúng ta phải xây dựng và kiểm điểm xem chúng ta sẽ hành động với những phương tiện nào. Chúng ta phải tranh thủ sự hưởng ứng của quần chúng, thiết lập quan hệ tốt với các tổ chức xã hội dân sự. Phải xây dựng một kế hoạch hợp lý nhất để vận động quần chúng đứng dậy đấu tranh ôn hòa đòi dân chủ.

TQT: Có một câu hỏi rất cũ, rất cũ nhưng mà luôn luôn mới. Đó là nỗi băn khoăn day dứt vì chúng ta đã đấu tranh lâu lắm rổi, ít nhất là 40 năm, nhưng con đường dân chủ vẫn cứ dài đằng đẵng. Bao giờ nó mới đi đến giai đoạn kết thúc. Bao giờ con đường hầm mới có ánh sáng ở bên kia thưa ông?

NGK: Còn bốn tháng nữa thì đến Đại hội XII của Đảng Cộng Sản. Thế nhưng mà họ mới chỉ đưa ra được dự thảo báo cáo chình trị cách đây một tuần lễ. Tài liệu này hoàn toàn trống rỗng, nó không nói lên được một điều nào cả. Những ai đã bỏ thì giờ ra đọc đều phải ngạc nhiên về sự trống rỗng này. Tất cả tài liệu dài hơn 70 trang gồm gần 40 ngàn chữ này có thể tóm lược một cách rất đầy đủ trong một câu: “chúng tôi đã thất bại trong mọi mục tiêu và làm cho đất nước suy thoái. Chúng tôi bất tài và tham nhũng. Nhưng chúng tôi cương quyết giữ nguyên chế độ độc tài này vô hạn định”! Có thể họ cũng phải thấy sự vô lý của thái độ này. Nhưng muốn viết một dự án chính trị thì phải đồng ý với nhau trên một số điểm trong khi họ không đồng ý với nhau trên một ý kiến nào cả. Phải nói tình trạng của họ thật bi đát. Không một chính đảng nào có thể tồn tại được vói sự thiếu vắng đồng thuận hoàn toàn và tuyệt đối như Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Thực ra Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ còn là một cái xác không hồn thôi. Nó không còn sức sống nữa. Với hiến pháp 2013 chế độ cộng sản Việt Nam đang chọn lựa tự chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Đó là sự chuyển hóa tự nhiên và bắt buộc khi đảng không còn sức sống nữa. Nhưng ngay sự chuyển hóa để chuẩn bị cho sự tiêu vong này cũng không làm được và sẽ đưa tới thất bại bi đát hơn. Bởi vì muốn có một chế độ độc tài cá nhân thì cũng phải có một người hùng và phải có một người đóng được vai trò người hùng. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam không có ai đóng được vai người hùng này cả. Trong lúc này, khi chúng ta đang nói chuyện, người có nhiều triển vọng nhất là ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng là ai? Ông ấy là người đã từng bị chính bộ chính trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đề nghị kỷ luật vì bất tài và tham nhũng! Một người như vậy làm sao làm được người hùng! Vì vậy sự chuyển hóa này cũng sẽ không thành. Nó chỉ làm cho Đảng Cộng Sản bối rối hơn, nguy khốn hơn nữa. Đó là tình hình nội bộ.

Tình hình kinh tế - xã hội cũng bi đát lắm. Tôi vừa nói là chính ông Trương Tấn Sang đã nói tình hình hôm nay không thoải mái chút nào. Số thu ngân sách không đủ trả lương và trả nợ. Một nhận định quan trọng khác là Đảng Cộng sản Việt Nam không có văn hóa chính quyền. Họ chỉ có văn hóa chi bộ và chư hầu. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển họ luôn luôn hành xử như một chi bộ của phong trào cộng sản thế giới. Ông Lê Duẩn đã có một câu nói để đời: “Chúng ta đánh là đánh cho cả Liên Xô và Trung Quốc”! Trong suốt quá trình tồn tại Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn luôn phải dựa vào một quan thầy nào đó để mà sống. Có lúc dựa vào Liên Xô, có lúc dựa vào Trung Quốc, có lúc dựa vào cả Liên Xô và Trung Quốc. Từ 30 năm nay họ hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc dù sự lệ thuộc hổ nhục đó đã khiến nước ta mất chủ quyền, mất đất, mất biển, mất đảo. Nhưng hiện nay Trung Quốc cũng đang chao đảo, có thể tan vỡ, và không còn là chỗ dựa nữa.

Chúng ta đang đứng trước một vận hội rất lớn để dân chủ hóa đất nước. Vấn đề của chúng ta vẫn là xây dựng lực lượng dân chủ. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được lực lượng dân chủ như chúng ta mong muốn bởi vì lớp trí thức cũ thiếu quyết tâm. Thế nhưng có một yếu tố mới đang xuất hiện. Đó là một lớp trí thức trẻ có ý thức chính trị, có quyết tâm, có bản lĩnh chính trị đang nhập cuộc. Chúng ta có thể hy vọng. Tôi nghĩ đã có ánh sáng ở cuối đường hầm.

TQT: Ông Nguyễn Gia Kiểng vừa nói chúng ta đã có ánh sáng ở cuối đường hầm. Ông cũng rất lạc quan về vai trò của thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn mới của cách mạng. Vậy ông có điều gì nhắn nhủ với các bạn trẻ trong tình hình đất nước hiện nay?

NGK: Xin cảm ơn ông. Tôi xin có vài lời với các bạn trẻ.

Chúng ta không có giải pháp nào khác hơn là một cuộc cách mạng dân chủ. Dù muốn hay không chúng ta vẫn phải có một cuộc cách mạng dân chủ. Chúng ta không thể cải tổ chế độ này.

Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai chúng tôi đã nói cản trở lớn nhất của cuộc cách mạng dân chủ là tâm lý rã hàng. Hiện nay chủ nghĩa áp đảo là chủ nghĩa luồn lách; mỗi người lo luồn lách để giải quyết những vấn đề cá nhân bằng những biện pháp cá nhân mà không ý thức rằng chúng ta ràng buộc với nhau trong một số phận chung và phải tìm một giải pháp chung cho cả dân tộc. Đảng Cộng Sản đã thành công. Họ đã thành công làm cho nhân dân chán nản, mất lòng tin vào đất nước và chủ nghĩa áp đảo hiện nay là chủ nghĩa luồn lạch. Chúng ta chỉ có thể thành công trong cuộc cách mạng dân chủ nếu chúng ta đẩy lùi được chủ nghĩa luồn lách. Trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa luồn lách này các nhân sĩ dù thông thái và danh giá tới đâu cũng không giúp gì được chúng ta nếu họ chỉ là những nhân sĩ. Bởi riêng một sự kiện họ đứng một mình thay vì gia nhập một tổ chức cũng ít nhiều chứng tỏ họ theo chủ nghĩa luồn lách, họ chọn giải pháp cá nhân. Họ không còn tư cách để kêu gọi quần chúng Việt Nam đứng dậy nắm tay nhau cùng tìm một giải pháp chung cho cả dân tộc. Chỉ có những trí thức đã dấn thân vào trong các tổ chức dân chủ mới có tư cách để làm công tác động viên đó.

Đối với các bạn trẻ tôi nghĩ các bạn nên tham gia vào tổ chức dân chủ. Các ban phải tham gia vào một tổ chức dân chủ. Gia nhập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hay gia nhập một tổ chức khác là sự chọn lựa của các bạn, nhưng phải gia nhập một tổ chức dân chủ. Đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn là đấu tranh có tổ chức. Các bạn đừng lặp lại sai lầm bi đát của những người thuộc thế hệ của chúng tôi. Chúc các bạn thành công. Trong thế hệ chúng tôi sẽ có những người đồng hành với các bạn. Tôi sẽ hân hoan được là một trong những người đó.

TQT: Xin cảm ơn ông Nguyễn Gia Kiểng



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo