K’tem (Danlambao) - Hiện nay, một số dư luận trong nước cũng như trong tập thể người Việt hải ngoại đang bàn luận về điều cho là nhà nước CSVN sẽ cho phép người Việt hải ngoại được tham gia bầu cử, ứng cử vào Quốc Hội của nước CHXHCN Việt Nam. Mặc dù đây chỉ là những kiến nghị, đề xuất người Việt hải ngoại nên tìm xem nó có thật sự giúp làm thay đổi nền chính trị VN, và có cần phải tham gia một khi chúng được chính thức thực thi.
Những bàn tán này xoay quanh sự kiện mới đây, theo tiết lộ của một người hoạt động chính trị tại hải ngoại, LS Vũ Đức Khanh: một nhân vật “lãnh đạo cấp cao” của CSVN gợi ý với ông rằng nhà nước CSVN sẽ cho phép người Việt tại hải ngoại được tham gia ứng cử và bầu cử tại VN và một ngày không xa ông ta có thể ra tranh cử tại VN. Người ta cũng nhớ lại trước đó không lâu, trong cuộc hôi thảo bàn về vai trò của người Việt hải ngoại do Ủy ban Mặt trận Tồ quốc VN, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện chính trị quốc gia HCM và báo Nhân Dân của nhà nước VC, một kiến nghị nêu lên cho phép người Việt hải ngoại được tham gia bầu cừ, ứng cử tại VN. Và trước hơn nữa, người ta còn nhớ, một nhận vật chủ nhiệm Ban đối ngoại Quốc Hội VN, Vũ Mão, cũng nêu ý kiến: nên chọn những Việt kiều về nước công tác, có cống hiến lớn cho đất nước được làm đại biểu Quốc Hội. Trước những gợi ý này, có điều gì người Việt hải ngoại nên quan tâm? Và có cần tham gia bầu cử, ứng cử?
Mặc dù đây chỉ là những ý kiến, kiến nghị, tuy nhiên nơi phát xuất ra chúng như Ủy ban MTTQVN, Ban TGTƯ, Học viện CTQG HCM, báo ND cơ quan ngôn luận của đảng CSVN, Ban đối ngoại QHVN cho thấy sự quan tâm đến yếu tố người Việt hải ngoại của một số bộ phận thuộc nhà nước CSVN (không kể “nhân vật lãnh đạo cấp cao theo tiết lộ của ông Vũ Đức Khanh). Sự quan tâm đến yếu tố người Việt hải ngoại (một tập thể mà CSVN luôn cho là có tư tưởng trái nghịch với chủ trương của nhà nước, còn khác chính kiến) trong bối cảnh này có thể có nhiều ẩn ý đàng sau. Bỏ qua một bên tính chất ma mỵ của sự “cho phép” này, người ta có thể thấy được còn rất nhiều vướng mắc có tính kỹ thuật liên quan đến cơ chế chính quyền và sự mặc định của Hiến pháp nhà nước CSVN.
Để có quyền bầu cử, cử tri chắc chắn phải là công dân của nước CHXHCNVN. Người Việt hải ngoại có quốc tịch nước ngoài phải xin hồi tịch hoặc song tịch để có quốc tịch VN, chưa kể đến đều kiện có thể đòi hỏi là phải sống ở VN một thời gian nhất định là bao lâu. Và khi đi bầu, những cử tri này bầu cho ai? Nếu bầu cho một ứng cử viên mà cơ sở đảng CSVN đề cử như hiện nay, thì yếu tố “người Việt nước ngoài” không có ý nghĩa gì cả. Lúc ấy họ sẽ đi bầu như một cử tri VN, nghĩa là họ bầu cho người mà đảng đề cử. Như vậy chỉ là cuộc “thay màu” trên lá phiếu. Còn nếu họ được bầu cho một ứng cử viên người Việt hải ngoại thì đâu phải lúc nào trong vùng cử tri của họ có ứng cử viên người Việt hải ngoại ứng cử. (Chưa kể những ứng cử viên người Việt hải ngoại này ứng cử trong điều kiện nào. Chuyện này sẽ nói ở phần sau).
Để được đi bầu, cử tri bắt buộc phải là công dân như nói ở phần trên, thì một ứng cử viên chắc chắn cũng bị bắt buộc như vậy. Không thể nào có việc một quốc gia cho phép một công dân quốc gia khác làm đại diện cho đơn vị cử tri trên quốc gia mình. Và nếu một ứng cử viên người Việt hải ngoại thỏa được điều kiện công dân này thì họ có được phép ứng cử độc lập hay là họ phải qua quá trình xác định cư trú của Công an, và được MTTQ đề cử. Nếu như thế họ cũng sa vào cái vòng đảng cử dân bầu như hiện nay. Như vậy thì yếu tố “người Việt nước ngoài” lại càng không có ý nghĩa gì cả. Đó chỉ là cuộc “thay màu” trên đại biểu. Việc tham gia ứng cử của người Việt hải ngoại chỉ có giá trị khi nào họ được ứng cử tự do và được ứng cử trên khuynh hướng chính trị của riêng họ (hay của đảng họ) mà khuynh hướng ấy họ được truyền bá để người dân VN chấp nhận và ủy nhiệm họ.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QHVN Vũ Mão có lẽ đánh hơi được những vướng mắc có tính kỹ thuật này mà khi đưa ra đề nghị này ông ta cũng đề xuất “những Việt kiều này sẽ được lựa chọn mà không qua bầu cử” vì “khó ép họ vào đơn vị bầu cử nào”. Trước khi nói đến giá trị của những “đại biểu QH được chọn này, thì phải nói đây là một đề nghị buồn cười nhất (nếu không nói là xuẩn ngốc) biểu lộ tầm hiểu biết của một chủ nhiệm bộ phận Lập pháp của nước CHXHCNVN. Nó cho thấy ông ta không hiểu biết tính cách dân chủ dù là “dân chủ tập trung” của cơ chế nhà nước CSVN. Những tay “đại biểu QH được chọn này” đại diện cho ai? Những đại biểu này chỉ là bộ mặt hải ngoại góp phần cho có. Họ chỉ là những tên đại biểu không đại diện dân, mà đại diện cho chính sách nhà nước đối với người Việt hải ngoại. Đó chỉ là sự “thay màu” trên những cánh tay biểu quyết.
Trên đây chỉ là những điềm sơ lược về vướng mắc có tính kỹ thuật trong hoạt động bầu bán đại diện dân trong Quốc Hội chưa kể đến những vướng mắc khác quan trọng hơn.
Hiến pháp VN khẳng định “đảng CSVN... lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước xã hội”. Với lực lượng lãnh đạo này và với nền tảng tư tưởng này chắc chắn không có một khuynh hướng chính trị nào khác hay một tập hợp chính trị nào khác tồn tại. Bên cạnh sự khẳng định tư thế lãnh đạo tuyệt đối, hầu hết các điều khoản trong bản Hiến pháp được lập ra nhằm củng cố cơ chế chính quyền CS. Với một bản Hiến pháp như thế, những kiến nghị, những đề xuất cho phép người Việt hải ngoại là một trò mại hơi rẻ tiền.
Bên cạnh vị thế lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN mà Hiến pháp mặc định, một số lãnh đạo cấp cao của CSVN còn tuyên bố không chấp nhận đa nguyên, đa đảng và sẵn sàng dùng sức mạnh trong tay để triệt tiêu mọi mầm mống đòi hỏi đa nguyên đa đảng. Với bầu khí quyển chính trị như thế thì sự hiện diện của những gương mặt gốc hải ngoại trong QHVN bất qua cũng ngang bằng với những gương mặt đại biểu gốc dân tộc thiểu số. Nghĩa là sự hiện diện của họ chỉ sự góp mặt cho thêm màu sắc, cho trọn ý nghĩa đa thành phần.
Chưa hết, ngoài cái dù của Hiến pháp và vị thế độc tôn lãnh đạo của đảng CS, những nhân vật người Việt hải ngoại dự phần còn phải bị chi phối bởi hệ thống luật pháp VN. Những điều như 78, 79, 88, 258 đều có thể nhắm vào những con người xuất phát từ một tập thể thường bị xem là thù địch, từ một môi trường thù địch. Đừng nghĩ tư cách miễn truy tố dành cho một đại biểu được áp dụng. Theo Hiến pháp VN, một đại biểu có thể bị truy tố, giam giữ nếu QH chấp thuận. Quốc Hội, tập hợp của những đại biểu đảng CS cử, dân bầu là ai? Ai cũng biết.
Có thể nhiều người cho rằng nhà nước CSVN sẽ tháo gỡ những vướng mắc kỹ thuật từ cơ chế, từ Hiến pháp, từ Luật pháp, từ sự thành tâm của lãnh đạo CSVN để thu hút sự tham dự của khối người Việt hải ngoại vào chính quyền VN.
Vấn dề mở ra một khía cạnh khác là tại sao nhà nước không làm thế để khai phóng nền chính trị trong nước để người dân trong nước có sự lựa chọn thiết thực cho nguyện vọng của chính họ, ở nơi họ sống, mà chỉ để nhắm vào một tập thể người Việt nhỏ nhoi ở nước ngoài, một tập thể cho đến hiện nay vẫn bị thóa mạ là thành phần trốn chạy, thành phần xuất thân từ chế độ miền Nam mà họ đánh bại, thành phần đối nghịch với chính quyền. Thành phần này từ lâu được xem như những con bò ghẽ cho sữa. Trên 10 tỷ ngoại tệ hằng năm là con số mà họ phải o bế. Có phải trong sự o bế ấy, ngày nay họ muốn nâng cấp những con bò ghẽ cho sữa ấy được góp thêm tiếng (rống)? Một nhà nước Cộng Hòa là một nhà nước cho phép mọi thành phần xã hội tham dự vào việc điều hành chính trị của nước đó theo ý chí và ước muốn của họ. Nó không chỉ cho phép một thiểu số không nằm trên lãnh thổ nước đó. Và những cho phép ấy không thông qua ước nguyện của người dân thuộc lãnh thổ đó.
Những thay đổi có tính hình thức để thoả vài điều kiện nhằm thu đạt vài lợi ích kinh tế, lợi ích bang giao cho tập thể cầm quyền bên trên ở một giai đoạn mà không nhắm vào lợi ích của người dân là những trò dối trá.
Người dân VN trong nước không cần bầu cho đại biểu mà không họ không biết là ai, tệ hơn những đại biểu ấy đến từ một tập thể bị bôi xấu mấy chục năm bởi bộ máy tuyên truyền của đảng CS. Và người Việt hải ngoại không cần cầm lá phiếu bầu trong một chính quyền mà trước đây họ, hoặc cha anh họ đã bỏ phiếu bằng chân. Những người Việt hải ngoại nào lựa chọn sống lại trong nước chỉ là thiểu số. Yếu tố “hải ngoại” của lớp người này không còn nữa. Mà chắc chắn nhà nước CSVN không nhắm vào những người đã trở về này.
Từ lâu người Việt hải ngoại hướng về quê hương không phải là để cầu mong tham dự vào guồng máy chính quyền trong nước, mà chính là hướng về những con người đồng chủng với những gắn bó quá khứ và ký ức, những số phận hẩm hiu đang sống dưới chế độ mà chính kẻ cầm quyền năm này qua năm khác, Đại hội này, Đại hội khác phải thú nhận là có nhiều khuyết điểm. Người Việt hải ngoại muốn trợ giúp và đứng bên cạnh đồng bào mình tháo gỡ sự áp bức và độc đoán của một chế độ mà người dân không có quyền tự do chọn lựa.
Mục tiêu của người Việt hải ngoại là làm sao cho người dân trong nước thừa hưởng những giá trị căn bản của con người trong xã hội văn minh và tiến bộ mà họ hưởng. Những giá trị ấy hiện nay không có trong chế độ CSVN. Từ sự thừa hưởng giá trị ấy, người dân trong nước có quyền lập ra những tập hợp chính trị phù hợp với ý chí và nguyện vọng của họ và lựa chọn người của tập hợp ấy đại diện cho mình trong việc điều hành đất nước. Người Việt hải ngoại không mong cầu tham gia vào cái chính quyền mà từ lâu họ không chấp nhận.
Đất nước VN là của người hiện đang sinh sống trên dãi đất VN. Đất nước ấy không thuộc và một tập thể cầm quyền nào. Đơn giản, nếu nhà nước CSVN muốn tạo điều kiện cho người Việt hải ngoại can dự vào việc nước VN thì, trước tiên, họ nên tạo điều kiện cho người dân được thành lập những tập hợp chính tri theo khuynh hướng mà họ muốn và để cho họ tự do lựa chọn người đại diện cho họ.
13.01.2016
_____________________________________
Tài liệu: