Charlie Hebdo - NADO - Dân Làm Báo

Charlie Hebdo - NADO

K’TEM (Danlambao) - ...Nhưng trớ trêu thay, không chỉ tập đoàn cầm quyền xấu xa muốn bưng bít thông tin dị ứng với quyền biểu lộ và sự truyền tải ý tưởng này, mà những người trong tập thể đối đầu với tập đoàn đó (như tập thể người Việt hải ngoại đối với chính quyền CSVN trong nước) cũng có cùng thái độ như thế đối với quyền, và trước sự biểu lộ truyền tải ý tưởng. Thái độ đối với quyền và sự truyền đạt ý tưởng được biểu lộ qua cách nói như: “chống Cộng bằng bàn phiếm”, “no action, talk only”, “hãy làm đi”... Nhưng, những người nói như thế, họ đang làm gì?...

*

Năm ngoái, ngay sau khi nhân viên toà soạn, ký giả cùng một số nhà báo chuyên vẽ biếm hoạ của tờ Charlie Hebdo tại Paris bị sát hại, một số nhà báo vẽ tranh biếm hoạ trên báo khác trên thế giới liền tung ra một số tác phẩm biếm hoạ biểu lộ phản ứng của mính đối với việc đồng nghiệp bị sát hại, và sự xâm phạm quyền biểu lộ ý tưởng trên báo chí. Trong đó có một bức tranh trên báo Canberra Times. Bức tranh mang hình một xác chết nằm xóng xoài trên vũng máu bên đôi mắt kiếng cùng với tập bản vẽ và cây bút văng ra. Đứng bên xác chết là tên khủng bố trùm kín người ôm cây AK còn bốc khói la lên “He drew first!”. He drew first. Drew ở đây có nghĩa là vẽ và cũng có nghĩa là rút (súng) ra.


Bức tranh vừa chơi hình, vừa chơi chữ. Vẽ trong trường hợp này không đơn thuần là vẽ mà có nghĩa là đọ sức trong một cuộc đối đầu. Tại sao sự biểu lộ ý tưởng bằng nét vẽ lại tác động mạnh đến độ phải phản ứng bằng bạo động? Tờ Charlie Hebdo của Pháp chuyên dùng tranh biếm họa để truyền tải một số vấn đề nóng trên thế giới và xã hội Pháp. Tờ báo chuyên dùng tranh để biểu lộ ý tưởng. Họ không chỉ không làm, không chỉ nói (như kiểu nói mới xuất hiện gần đây của người Việt nhắm vào việc dùng lời nói để truyền tải ý tưởng, thông điệp - NATO “no action, talk only”) mà họ chuyên vẽ (DRAW). Vì vậy theo kiểu nói đó có thể đặt cho tuần báo biếm họa này là NADO - NO ACTION, DRAW ONLY.

Qua biến cố toà soạn Charlie Hebdo bị tấn công và nhân viên cùng ký giả bị sát hại mới thấy sự truyền tải ý tưởng tác động mạnh như thế nào. Những người làm truyền thông theo cách này không dùng súng bắn ai. Họ không rút súng mà họ rút viết. Việc không có action, không làm - có thể bị cho là NATO, theo kiểu ngưòi Viêt dành cho nhau - được thay thế bằng tranh vẽ. Viết, vẽ, hay nói chính là sự biểu hiện ý tưởng về một sự việc, một vấn đề. Quyền biểu lộ ý tưởng này từ lâu được loài người tôn trọng. Nhiều quốc gia xem việc bảo vệ quyền biểu lộ ý tưởng (quyền ngôn luận) là giá trị văn minh của quốc gia mình. Nhưng tại sao vẫn có nhiều quốc gia như Việt Nam lại dị ứng cái quyền biểu lộ ý tưởng này. Câu trả lời rõ ràng là tập đoàn cầm quyền ở các nước này biết được sức mạnh của sự truyền tải thông tin, truyền tải ý tưởng, nên họ tìm cách làm giảm sức mạnh này. Trong cao trào tiếp cận thông tin trên internet, chính CSVN cũng đào tạo đội ngũ dư luận viên dùng bàn phiếm để gây nhiểu thông tin.

Nhưng trớ trêu thay, không chỉ tập đoàn cầm quyền xấu xa muốn bưng bít thông tin dị ứng với quyền biểu lộ và sự truyền tải ý tưởng này, mà những người trong tập thể đối đầu với tập đoàn đó (như tập thể người Việt hải ngoại đối với chính quyền CSVN trong nước) cũng có cùng thái độ như thế đối với quyền, và trước sự biểu lộ truyền tải ý tưởng. Thái độ đối với quyền và sự truyền đạt ý tưởng được biểu lộ qua cách nói như: “chống Cộng bằng bàn phiếm”, “no action, talk only”, “hãy làm đi”... Nhưng, những người nói như thế, họ đang làm gì?

Họ không có ý tưởng hoặc có mà không muốn truyền đạt ý tưởng? Họ không dùng bàn phiếm để chống Cộng mà họ đang làm cái gì khác để chống? Họ không dùng lời nói, bài viết mà họ đang làm cái gì đó cụ thể hơn, khác hơn? Nếu thế thì thay vì đối với nhau bằng những lời trên thì họ cho biết việc làm của họ để người khác cùng theo, cùng từ bỏ phương tiện truyền thông hiện có trong tay để cùng chung tay với họ. Nếu họ đang làm cái gì khác hay hơn mà họ quay lại bêu rếu người khác thì cũng tạm chấp nhận. Ngược lại họ bêu rếu và họ không làm gì hết thì họ không xứng đáng để được tôn trọng.

Trong tập thể người Việt hải ngoại không ít trường hợp có người viết lách vài bài lại lên án người khác viết lách mà không làm. Cũng có không ít người tích cực ra phi trường đón rước và tặng $500 cho nhà chí sĩ bị Cộng sản VN cầm tù vừa được thả ra thì đã vội cho người khác “chống Cộng bằng mồm” mà không hành động dấn thân như mình. Cũng có không ít người đi biểu tình nhìn quanh không thấy ai đó thì vội vàng cho ai đó là “sợ VC thấy mặt”. Cũng không ít người cùng tập thể phê phán người cùng tập thể không có mặt nơi chỗ mình có mặt. Tại sao họ không hướng vào kẻ thù chung mà hướng vào nhau để làm suy yếu tiềm lực chung.

Biến cố 30/04/1975 đã ập lên người bỏ nước ra đi và những người ở lại những đau thương khác nhau. Mọi người cùng mang lòng thù ghét chế độ CSVN nhưng thái độ và cách chống lại chế độ đó khác nhau. Trước hoàn cảnh không có tiềm lực để tập hợp hành động và trước ưu thế bạo lực của tập đoàn cầm quyền CSVN nhiều người chọn phương sách mà họ có trong tay. Đó là hành động truyền tải ý tưởng mà họ có để hun đúc và tác động lên nhau. Chính việc truyền tải ý tưởng cũng là sách lược hiện nay của một tập thể của những người đã từng cầm súng đang theo đuổi. Khoan trách họ chỉ làm có việc “truyền thông” mà không cầm súng. Không thể lên án người khác khi không thấy họ làm (hay có mặt ở nơi) như mình. Những người một thời áo trận có ai âm thầm trở về nơi xưa tìm cách mang lại những trang cụ quân đội phát cho mà mình rũ bỏ nơi chiến hào, nơi lề đương trở về Sài gòn ngày 30/04 mà mang lại trên vai?

Nếu không thấy ai khác làm như mình không có nghĩa là họ không làm gì cả. Người Việt nếu muốn tiến bộ và muốn có đức tính tốt để người khác tôn trọng thì nên tránh kết án cái gì ở người khác mà mình không thấy. Mình chưa thấy có thể là mình chưa đồng điệu, chưa thể chia sẻ. Nên tự hỏi khi cần mình có thể chia sẻ được không. 

Những người đang âm thầm làm điều họ cho là thích hợp với khả năng họ mà không sợ lên án hay thoá mạ. Cũng như nhóm chủ trương tuần báo biếm họa Charlie Hebdo, họ chọn thái độ dùng cây viết và tranh vẽ để đối đầu với thế lực đang đe dọa sự an bình trên thế giới dù họ phải trả giá rất đắt cho việc dùng cây viết bằng tính mạng của họ. Nếu không làm được như họ thì đừng đứng bên thế lực mà họ chống để bắn gãy cây viết của họ như bức hình chiếc máy bay đang nhắm đâm vào cây viết chì như đâm vào toà tháp đôi ở New York năm xưa.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo