Đọc qua Tuyển tập 70 tác giả “Cộng sản và Tôi” - Dân Làm Báo

Đọc qua Tuyển tập 70 tác giả “Cộng sản và Tôi”

Lê Hải Lăng (Danlambao) - Phải công tâm mà nói rằng Ban tổ chức giải thi viết “Cộng sản và Tôi” cùng với Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đã làm một việc rất ý nghĩa bằng cách chọn lọc và cho ra bức tranh xã hội dưới gông cùm cộng sản qua 70 ngòi bút mô tả thực trạng sinh hoạt cuộc đời qua kinh nghiệm sống. Còn gì đáng trân quý là in ra từng chữ, từng câu lời văn, câu thơ biểu trưng từng bộ mặt ác, từng bàn tay nhuốm máu dân lành. 

Tất cả chuyện đó để lại cho con cháu nhận biết ông bà cha mẹ anh chị em họ hàng đau đớn quằn quại, bi thương, khốn kiếp, cùng cực trong nồi lửa sắt máu cộng sản cai trị. 

Bảy mươi khuôn mặt nhỏ nhoi làm chứng nhân thời đại dưới gót giày CS độc tài phi nhân mà ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng mở cái miệng “hến” đầy máu tanh hôi của đồng bào bằng câu nói lộng ngôn nặng bản chất lưu manh: “Thời đại HCM rực rỡ.” Dân bàn tán với nhau là rực rở thật đấy, nhưng là rực rở máu dân đổ ra để đảng uống. 

Mở sách ra, đọc lời tình tự cuả nhà văn nhà báo Uyên Thao: “...Với 70 tác giả thuộc mọi thế hệ, mọi thành phần, mọi xu hướng tản lạc khắp nơi, Cộng sản và Tôi đã cất lên cùng một tiếng nói, diễn tả cùng một cách nhìn, biểu hiện cùng một tâm tư. Đó là tiếng nói, cách nhìn và tâm tư cuả những chứng nhân đồng thời cũng là nạn nhân trong giai đoạn lịch sử Việt Nam đặt dưới quyền lực cộng sản. Điều này không chỉ nêu một hình ảnh phản biện đối với hình ảnh ngụy tạo chưa ngưng được cổ võ mà còn là động tác lột bỏ những chiếc mặt nạ che đậy các chân tướng bất lương…”

Đi vào từng trang sách để thấy Cánh Dù Lộng Gió phác họa mặt Người hay Quỷ “Muốn cướp cuả người khác, chúng dùng những mỹ từ có cánh như đánh địa chủ, đánh tư sản mại bản, thế là chúng ung dung tịch thu hết của cải không chừa một cái gì… Nói chung CSVN không phải là người, chúng làm đủ điều táng tận lương tâm, giết người không gớm tay… có lẻ chúng là bầy quỷ đội lốt người, ăn thịt và uống máu đồng loại…”

Đau đớn biết bao nhiêu khi cùng Nguyệt Anh thấy trước mắt tội ác ghê rợn trong chuyện Bà tôi bị chôn sống kể lại: “Tôi biết Việt cộng ác, nhờ các chàng trai cô gái lần lượt xuống thành phố tỵ nạn ban đêm ở nhà tôi, vì họ không muốn là nạn nhân cuả những cái chết vô cớ, hoặc bị bắt lên núi. Tôi đã thấy chị Hay, đầu bị chặt và treo ngược lên cành cây vì tội làm nhân dân tự vệ ở thôn Vườn Trầu.. ”

Đi về quê để buồn vào hồn không tên cùng Hoàng Hùng trong Chuyện làng tôi, lột tả hình thù và tư cách tên bí thư chi bộ đảng: “Hắn béo lùn, nước da đen bóng và có cái tính rất thô bỉ. Vài ba cô trong lúc làm đồng thường kể nhau nghe: ‘Ông ấy cứ thấy tao sắp đi ngang qua là móc cu ra đái, tay cầm con vu vẩy, miệng thì nói tia lia’ …Hắn chỉ huy hơn chục dân quân du kích có nữ có nam, ngày ngủ đêm tuần tra, ngày thường mục tiêu cuả hắn là những người buôn bán nhỏ với chiến lợi phẩm là mấy cân trà, đường mía có khi là mấy con gà dăm ký gạo…”

Từng nhịp bước cô đơn đi gõ cửa nhà tù cùng với Nguyễn Thị Ngọc trong Hồi ức tôi đi thăm nuôi chồng: “Một chị liều lĩnh châm ngòi pháo đầu tiên ném thẳng vào mặt bọn cán bộ trại giam: ‘Các người bảo học tập 3 tháng! Đã hơn 3 tháng rồi các người vẫn còn nhốt con người ta trong tù mà bảo là học tập à?’… Một chị khác la lên: “Đồ cái thứ chính phủ-chú phỉnh!” 

Hãy nghe cô Ngọc đi thăm chồng nhận diện thân phận bị trả thù cuả bên thắng cuộc: “Ở trại tù, người tù bị gia tăng hành ạ ngày một tàn nhẫn hơn. Người tù bị xếp ngang hàng trâu bò, bị sử dụng thay trâu bò để kéo cày, kéo bừa, kéo xe, vỡ hoang, khai hóa, kê vai chuyên chở những vật nặng thay cho xe bò, xe trâu…”

Theo chân Người Đưa Tin trong Ngày trở lại: “Không phải vì thù ghét cộng sản mà vu vạ, nhưng sự thật là tại các trại cải tạo tù hình sự của chế độ CS, sự đói khát không giáo dục con người tử tế hơn. Trái lại, môi trường tù hình sự huấn luyện con người trở nên thủ đoạn và tàn nhẫn hơn kể cả những côn ao mang danh quản giáo.. ”

Cùng Quang Hình tự mình nhận thức khi nhìn về trong bài Quá khứ, hiện tại và tương lai: “Sau hơn 10 năm ra trường, giảng dạy, sống với tư cách một người lớn trưởng thành, nhìn nhận sự việc, sự đời dưới góc độ khách quan hơn, không còn mang đậm tâm tư tôn sùng CS, tôi đã phần nào hiểu ý nghĩa những lời nói bất mãn cuả cha mình khi xưa. Giờ đây tôi và ông như đã có cùng mốt hướng nhìn về CS…”

Theo chân Nguyên Thạch đi xem lụt ngập quê hương đói cả lòng quạnh hiu trong khi đảng múa may đùa giỡn bạc vàng. Với tiếng kêu Bên lề cuộc sống: 

“Tôi đã thấy những bàn tay gầy yếu
Của em thơ và cuả những cụ già
Ngón run run run vạch mái lá thò ra
Xin trợ gíúp những phần quà mì gói…”

Đi từng bước xiêu vẹo với Hoàng Hạc khi người lớn cùng tuổi thơ bị đảng cướp nhà giao cho cán bộ Bắc vào chiếm ở. Nạn nhân bị lưu đày vào vùng đất khỉ ho cò gáy mang tên khu kinh tế mới qua Chuyện bây giờ mới kể: “Sau gần 3 năm đi kinh tế mới, gia đình cậu tôi gồm có 7 người, mà hầu hết là các con còn nhỏ, Ngọc là con cả năm đó được 20 tuổi. Cuộc sống KTM quá cực khổ và thiếu thốn cuối cùng không còn lối thoát, Ngọc liều lĩnh trốn về lại Sài Gòn với hy vọng tìm được một việc gì đó, để có thể sống qua ngày, và xa hơn giúp gia đình trở về lại nơi chốn cũ. Sau 3 ngày lặn lội hỏi thăm khắp các chợ, tất cả chỉ là những cái lắc đầu hoặc xua đuổi. Số tiền ít ỏi mang theo đã cạn kiệt, mệt mỏi và lả người vì đói, trong lúc băng qua đường ở ngã 3 Thủ Đức, Ngọc bị xe tải cán bể đầu chết tại chỗ…”

Chìa tay tính toán cùng Yên Tánh xem lộ trình lừa lọc cướp cạn trong Bốn mươi năm nhìn lại ngày 30/04/1975: “Cuộc đổi tiền bất ngờ đã giáng một đòn chí mạng vào cuộc sống cuả người dân Sài Gòn và Miền Nam nói chung… Chừng 3 tiếng đồng hồ trước cái giờ G gớm ghiếc đó, trong buổi truyền hình xướng ngôn viên thông báo bà con đừng nên nghe tin đồn thất thiệt cuả các phần tử xấu… Vậy mà chưa đến nửa đêm tối hôm đó còi hụ và vài 3 nhân viên Phường với loa phóng thanh đứng trước các ngõ, thông báo giới nghiêm…Phường đến từng nà kiểm tra hộ khẩu.. lập danh sách đổi tiền…Số tiền được đổi căn cứ vào chi tiêu đổi cho mỗi đầu người, cứ 500 đồng chế độ cũ đổi lấy một đồng tiền Hồ. Thế là số tiền dư quá tiêu chuẩn coi như mất trắng…”

Đi một vòng xích lô tưởng tượng sóng vỗ Bạch Đằng giang để cùng Năm XL xót xa dạ bào vào nỗi đau Đất nước tôi: “Tôi than vãn và tự trách tổ tiên chúng ta anh hùng mà chúng ta hèn yếu vậy sao? Nếu nói vè tỷ lệ thì chúng ta hơn 80 triệu người để cho 3 triệu tên gian ác ngồi trên đầu nhưng vẫn ngoan ngoãn nghe lời chúng như đàn cừu ngơ ngác, an phận thủ thường? Đâu rồi con cháu Bà Triệu Bà Trưng, đâu rồi những trai tráng cuả Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung?...”

Xuống phố Hà Nội 36 phố phường với Nguyễn Thanh Giang để biết thế nào là Tư tưởng và đạo đức HCM: “Nghe người đứng trên cao thuyết giảng tư tưởng HCM/Đàn vịt cạc cạc rủ nhau rúc đầu xuống bùn/Những chú ếch nhảy lên lưng nhau mắt nhắm nghiền ộp oạp/Nghểnh đầu soi tấm gương đạo đức cao cả cuả ngài/Những oan hồn Cải Cách Ruộng Đất/Những oan hồn Nhân Văn Giai Phẩm/Những oan hồn Xét Lại Chống Đảng/Đêm đêm theo bước Nông Thị Xuân/Ùa cả vào lăng/Gào thét. ”

Bước nằng nặng theo Uyên Trần với Sài Gòn 40 tuổi đau và những cuộc đời mất tên: “…Nhiều người ngất xỉu vì bị tịch thu tài sản, mẹ tôi đau lòng, tìm cách thoát khỏi đội trưng thu này…các đội viên cuả đội kiểm kê trưng thu tài sản sau này ai cũng giàu sụ…” Khi mẹ Uyên Trần về quê sinh sống thế rồi: “Tôi định đưa mẹ vào Sài Gòn điều trị sau tai biến não. Mẹ từ chối bởi với bà Sài Gòn đã vĩnh viễn mất đi từ ngày bà nghe người ta khóc, van xin, quì lụy bà và những đội viên trưng thu tài sản tha cho người ta. Bà không muốn thấy một Sài Gòn với nỗi đau sau 40 năm cùng với những kiếp người vật vờ, không tên tuổi, không căn cước…mà trong đó có một phần tội lỗi nào đó dù rất ngẫu nhiên cuả bà. ”

Giơ hai bàn tay 10 ngón lên đếm từng cơn ray rức tâm can Bốn mươi mùa tháng Tư với Huỳnh Thục Vy: “Là một người trẻ sinh sau 1975, tôi không phải nếm trải những kinh nghiệm đau đớn trong cuộc chiến, nhưng hàng năm cứ vào dịp này, trong lòng tôi lại thấp thoáng những hoài niệm về giấc mơ thời tuổi trẻ cuả ba tôi những ngày sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa… Vì ở đó, gia đình ông bà tôi được ấm no, các cô chú bác tôi được sung túc và ba tôi có một giấc mơ và có thể biến nó thành sự thật. Nhưng mọi thứ đã tan tành sau ngày 30 tháng Tư đen tối ấy…. ”

Bây giờ đi vào Lời Bạt đầy chất nhựa tâm tình cuả thi nhân Nguyễn Thị Thanh Bình: “Nếu không có những thúc đẩy động viên của các độc giả đã đọc và sự ủng hộ tích cực cuả Tủ Sách Tiếng Quê Hương thì sợ rằng ý định thực hiện gom góp lại một thành một Tuyển Tập vào sinh hoạt văn chương buổi chợ chiều chắc còn khá lần lữa…”

Bài viết thấy dài rồi nên phải ngưng trích tiếp các tác giả khác. Bạn đọc DLB nếu có sách rồi cũng nên mua tặng cho bạn bè Tuyển Tập để cùng nhau đọc mà thương mà nhớ kiếp đọa đày đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Và cũng là để chia sẻ nỗi đau chung cuả dân tộc dưới cái ách ĐCSVN độc tài, tàn bạo, ác ôn côn đồ, phi nhân, phản văn minh tiến bộ, đưa đất nước vào thảm họa làm nô vong cho bọn bành trướng quỷ đỏ Trung Cộng. 



_____________________________________

* Quý còm sĩ và bạn đọc DLB nên mua và cổ động bạn bè trên FB về Tủ Sách Tiếng Quê Hương. Đặc biệt là Tuyển Tập: 70 Tác giả Cuộc thi DLB “Cộng sản và Tôi”. Tôi gởi E mail tới Uyenthao174@yahoo. com cho điạ chỉ chỗ ở để gởi sách. Nhận sách xong tôi mới gởi thư kèm ngân phiếu trả. Theo mẫu chỉ dẫn đính kèm khi nhận hàng thì sách CS và Tôi $25+$3 bưu phí nội điạ USA, còn nước ngoài cộng $10 bưu phí. 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo