Cộng sản diễn trò “diệt chuột đừng để vỡ bình” - Dân Làm Báo

Cộng sản diễn trò “diệt chuột đừng để vỡ bình”

Đại Nghĩa (Danlambao) - Đó là lời dặn dò tâm huyết của “đồng chí” Nguyễn Phú Trọng, TBT đảng CSVN trong lần gặp cử tri Hà Nội trước kỳ họp Quốc hội sáng ngày 6-10-2014 khi ông nhận thấy tham nhũng là quốc nạn, giặc nội xâm... như ngứa ghẻ.

Vì muốn bảo vệ cái Bình nên các vị tiền nhiệm của “đồng chí” Trọng cũng chỉ hô hào suôn thôi chứ cũng chẳng làm được gì.

“Tổng bí thư nói với cử tri sáng nay chống tham nhũng đòi hỏi nhiều khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Phải giữ ổn định đất nước phát triển, rối loạn sẽ rất nguy hiểm”. (Vietnamnet online ngày 6-10-2014)

Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã long trọng hứa “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”. Tuy nhiên, sau hơn một nhiệm kỳ 5 năm, tham nhũng chẳng những không giảm mà còn tăng theo số đơn vị triệu rồi tỷ ấy thế mà ông Dũng không những chỉ bám trụ mà còn muốn trèo cao, nên… té nặng! Với cả bộ máy cầm quyền độc đảng bao nhiêu năm không tìm ra một vụ tham nhũng nào cho đáng tin.

Theo như báo điện tử Vietnamnet đưa tin thì “Chống tham nhũng: không vụ nào do đảng phát hiện”, như:

“Năm 2007, cả nước phát hiện 584 vụ tham nhũng, nhưng không vụ nào do tổ chức đảng phát hiện. Có trường hợp tiêu cực ở Tổng công ty vật tư nông nghiệp bị tố cáo lên tố cáo xuống, nhưng đảng ủy đó vẫn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Cần xem lại vai trò của các cấp đảng ủy trong đấu tranh phòng chống tham nhũng”. (Vietnamnet online ngày 12-1-2008)

Ở Việt Nam việc phát hiện tham nhũng không do đảng hay nhà nước, nhưng đảng lại không muốn cho nhân dân hay báo chí tham gia sợ bị lộ cả đảng, vì thế cho nên khi cựu Đại tá Phạm Quế Dương muốn tham gia thì theo như ông kể:

“Từ năm 2001, nhà nước này coi tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm nên kêu gọi nhân dân tham gia chống tham nhũng. Nhân ngày Quốc Khánh mồng 2 tháng 9, 2001 anh em đến ăn cơm nhà tôi và rất vui, cùng đề nghị làm ra hội chống tham nhũng để ủng hộ nhân dân Việt Nam và nhà nước chống tham nhũng.

Theo yêu cầu của ông Nguyễn Minh Triết, lúc đó là bí thư của Sài Gòn, anh Trần Khuê và tôi viết đơn, hai người ký và gửi đi. Nhưng sau đó cả hai bị bắt ngồi tù 19 tháng, cho nên vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam phức tạp lắm, chứ không phải đơn giản đâu”. (RFA online ngày 24-6-2010)

Nhà cầm quyền CSVN thực ra họ chẳng có thiện chí chống tham nhũng, vì tham nhũng thì chỉ có cán bộ đảng viên có chức có quyền mới tham nhũng được, do đó nên chống tham nhũng “tức là chống đảng”, bôi xấu đảng nên họ bao che và nếu bị phát hiện thì họ chỉ xử lý nội bộ chìm xuồng, cùng lắm ra tòa chỉ lảnh án treo. Cho nên:

“Tham nhũng: To bằng con voi, xử lý bằng con kiến. Có những vụ việc to bằng con voi nhưng lại xử bằng con kiến làm người dân mất lòng tin. Mà đã không tin thì không muốn nói”. (Vietnamnet online ngày 5-12-2009)

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội tỏ ra bức xúc, ông nói:

“Đáng lưu ý, phần lớn các vụ bị phát hiện có hành vi tham nhũng lại chỉ bị xử lý hành chính, Thậm chí, ngay cả việc xử lý hành chính còn biểu hiện nương nhẹ hoặc không công bằng giữa các đối tượng cùng hành vi tham nhũng. ‘Cùng một hành vi vi phạm, anh chức nhỏ hơn thì bị cách chức, còn anh quyền to hơn thì chỉ bị phê bình, cảnh cáo. Chính vì nương nhẹ nên không đủ sức răn đe người tham nhũng”. (NguoiLaoDong online ngày 19-10-2007)

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng cùng nhận định về thành quả công tác phòng chống tham nhũng của đảng cộng sản và nhà nước CHXHCN như sau:

“Những vụ kiểu ‘con mèo ăn miếng mỡ’ thì chúng ta bắt được rất nhiều, còn ‘con cọp bắt con heo’ thì chúng ta không bắt được bao nhiêu”. (DanTri online ngày 27-10-2011)

Vụ đại án tham nhũng Vinashin làm thất thoát ngân quỷ quốc gia rất lớn, khắp nước ai cũng biết là do đồng chí X, ấy thế mà không ai chịu trách nhiệm, chẳng kỷ luật được ai, do đó ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội “bức xúc” đặt vấn đề “Không kỷ luật được ai, làm sao chống tham nhũng”.

“Có đồng chí lãnh đạo bảo: ‘kỷ luật nhiều quá thì lấy người đâu mà làm?’ Điều này để lại dư âm nặng nề trong cử tri. Vụ Vinashin chẳng hạn - không kỷ luật ai cả. Không phải chúng ta muốn kỷ luật nhưng cũng phải có người chịu trách nhiệm với những tồn tại đó chứ!” (Boxitvn online ngày 25-3-2011)

Từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn nhậm chức và đồng thời hứa tận diệt tham nhũng, nếu không diệt được thì ông sẽ từ chức. Thế nhưng qua hết nhiệm kỳ 5 năm, tham nhũng chẳng những không diệt được mà nó còn phát triển mạnh hơn, lớn hơn. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thấy thế không xong nên đã không để cho Thủ tướng Dũng nắm trưởng Ban phòng chống tham nhũng nữa:

“Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5-2012) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương trực thuộc Bộ chính trị; lập lại Ban Nội chính trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương”. (NguoiLaoDong online ngày 26-10-2012)

Lần này công cuộc phòng chống tham nhũng được giao cho ông Nguyễn Bá Thanh, nhân dân cả nước ai cũng biết ông Nguyễn Bá Thanh đã từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND và Bí thư Đà Nẵng suốt 17 năm liền, thành tích ở đây ông Thanh nổi tiếng là một tay trùm tham nhũng. Theo Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ thì Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi bảo kê cho ông Thanh nên những ai tố cáo ông ta tham nhũng đều nhận cùng một kết quả cay đắng: vô tù; ngay cả Thiếu tướng công an Trần Văn Thanh vì tố ông Nguyễn Bá Thanh tham nhũng cũng phải bị ra hầu tòa khi đang nằm trên băng-ca với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ…”

“Tới nay đã có ba người bị bắt trong vụ ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước” mới đây ở Đà Nẵng.

Trong đó có Trung tá công an Dương Ngọc Tiến, trưởng đại diện báo CA TP HCM tại Hà Nội.

Hai người khác là nguyên Thiếu tá cảnh sát giao thông Đinh Công Sắt và một người nữa tên Nguyễn Phi Duy Linh ở Đà Nẵng…

Tin cho hay ba người vừa bị bắt đã tổ chức khiếu kiện với lý do ‘tố cáo tham nhũng’ tại TP Đà Nẵng”. (BBC online ngày 8-3-2008)

Việc phòng chống tham nhũng được ban nội chính đảng phụ trách và người chịu trách nhiệm là “đồng chí” Nguyễn Bá Thanh kính mến. Vua tham nhũng lại đứng đầu công tác diệt trừ tham nhũng, ông đã hùng hổ tuyên bố một cách mạnh mẽ là: “hốt liền, không nói nhiều”. Chính vì lời tuyên bố vung vít nên “thần khẩu hại xác phàm”, Thủ tướng Dũng sợ bị động rừng nên vội vàng cho thanh tra ra Đà Nẵng lấy lá bùa “kết luận thanh tra Đà Nẵng” ếm làm ngài trưởng ban nội chính á khẩu cho đến chết.

Chủ trương của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng thì là “Diệt chuột đừng để vỡ bình”. Ý của ông Trọng dùng chữ “bình” là cái bình đựng chuột, còn Tiến sĩ Hà Sĩ Phu thì dùng chữ “bình” là cái bình phong che chắn cho chuột. Thế là bình nào cũng bình, bình nào cũng bảo vệ cho chuột một cuộc sống bình an để đục khoét cả. Theo tiến sĩ nhận định:

“…thực tiễn nước ta hiện nay không có BÌNH nào là bình ‘quý’ cả, vì BÌNH chẳng những là nơi ẩn nấp của CHUỘT mà còn là nơi sinh ra CHUỘT. Cuối cùng thì chính BÌNH còn tệ hại hơn CHUỘT, BÌNH mới là cái diệt trước rồi mới diệt được CHUỘT…

Cứ đổ cái BÌNH PHONG là cả CHUỘT lẫn BÌNH đều phải chường cái MẶT THẬT trước thanh thiên bạch nhật, cả hai sẽ mất hết nội lực, bài bản cướp ngày sẽ cháy vỡ ngay, hàng ngũ CHUỘT sẽ tan rã trong nháy mắt, sẽ chạy mất dép nếu không muốn đầu hàng trước SỰ THẬT mà trở về với nhân dân, làm ăn lương thiện! Chẳng tin cứ thử mà xem!” (DanChimViet online ngày 17-10-2014)

Chống tham nhũng theo kiểu Diệt chuột mà phải giữ bình thì Đại tá Nguyễn Đăng Quang nghi ngờ hiệu quả và cả thiện chí của người chủ trương. Đại tá Quang đặt câu hỏi: “Đảng CSVN có chống được tham nhũng?” vì theo ông:

“Cái CƠ CHẾ chính trị ở Việt Nam vừa là gốc rễ vừa là căn nguyên sinh ra mọi bệnh tật tham nhũng! Và oái oăm thay - song cũng là lẽ thường tình - tất cả bọn tham nhũng, từ những con sâu đơn lẽ cho đến cả bầy sâu tập thể, cho dù đã bị lộ hay chưa bị lộ, là những kẻ hăng hái và tích cực nhất trong việc bảo vệ và giữ cho bằng được cái BÌNH - tức CƠ CHẾ đã sản sinh ra chúng - không bị ai ném vỡ!” (Boxitvn online ngày 5-2-2016)

Thêm một lần nữa, đảng CSVN dùng người tham nhũng để chống tham nhũng, ông Chánh thanh tra nhà nước Trần Văn Truyền là một tay tham nhũng gộc, bị ông Kim Quốc Hoa báo Người Cao Tuổi chỉ đích danh thì ông Hoa lại bị cách chức và truy tố. Như vậy còn ai dám nghe theo lời kêu gọi chống tham nhũng của đảng CSVN?

Ông Nguyễn Đình Ấm nêu thắc mắc “Chế độ độc tài có chống được tham nhũng?”

“Hiện tượng ông Trần Văn Truyền ‘trùm’ chống tham nhũng, một trong những người ‘chém gió’ mạnh nhất về chống tham nhũng ở Việt Nam nhưng chính ông là một ‘trùm’ tham nhũng, khi bị phanh phui số ‘của nổi’ chỉ bị xử lý như ‘gãi ghẻ’, dư luận bức xúc vụ quan chức đường sắt ăn hối lộ 11 tỷ VNĐ nhưng phiên tòa xử tháng 10-2015 lại là tội ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn…’ với tội nhẹ hơn rất nhiều”. (Boxitvn online ngày 11-1-2016)

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nguyên Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên đã tỏ ra bi quan và đặt vấn đề “Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam ‘phá sản hoàn toàn’, nhất là qua sự việc:

“Dư luận phản ứng rất mạnh mẽ về việc khởi tố ông Kim Quốc Hoa là một trong những Tổng biên tập dũng cảm chiến đấu chống lại tệ nạn tham nhũng, do đích thân ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư phát động. Ông Hoa là người hưởng ứng chuyện này nhưng giờ lại bị cách chức và khởi tố. Đây là một đòn giáng vào chuyện chống tham nhũng mà chính đảng phát động”. (VOA online ngày 14-5-2015)

Ở Việt Nam hiện hành có án tử hình dành cho tội tham nhũng, nhưng trên thực tế thì chưa có ai bị tử hình vì tham nhũng cả, ngay cả bà Lã Thị Kim Oanh, Giám đốc công ty Tiếp Thị sau cũng được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ân giảm. Riêng án tử hình của Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng đang chờ ngày thi hành, tuy nhiên có những cái “Bình” rục rịch giải cứu “Chuột” bằng cách thông qua Quốc hội “đề xuất bỏ án tử hình” để rồi từ từ tìm cách ân giảm, ân xá. Những vụ án bị xử nặng là do tranh ăn, nội bộ đấu đá nhau nên chỉ “ruồi muỗi” chết mà thôi.

“Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ là chưa phù hợp, dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng”. (Vietnamnet online ngày 20-5-2015)

Nhận định về công cuộc chống tham nhũng của đảng CSVN, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học cho biết như sau:

“…chống ‘tham nhũng’ từ đầu nhiệm kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng tới nay tỏ ra khá ‘lúng túng’ và tuyên bố này của đảng chỉ là ‘một màn kịch nhạt nhòa’…

Tôi không đi vào chi tiết, tôi chỉ nhìn chung màn kịch, thì tôi thấy vở diễn nhạt quá. Nó không hấp dẫn gì cả, người ta cũng phải ly kỳ, hồi hộp…đây thấy nó nhạt nhòa quá, cho nên cái ‘miếng võ’ mà ngài TBT đưa ra tôi thấy nó chẳng phải là võ tàu, mà cũng chẳng phải võ tây, mà nó lúng túng ‘ như gà mắc tóc”. (BBC online ngày 30-9-2015)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo