Kế hoạch dự bị của Hoa Kỳ trong trường hợp chiến tranh với TC - Dân Làm Báo

Kế hoạch dự bị của Hoa Kỳ trong trường hợp chiến tranh với TC

Robert Beckhusen * Phạm Ðức Duy (Danlambao) dịch - Hoa Kỳ không còn có thể dựa vào các căn cứ không quân của mình tại Thái Bình Dương để tránh khỏi các cuộc tấn công tên lửa trong một cuộc chiến tranh với TC. Trái lại, một bài báo đăng vào năm ngoái 2015 của cơ quan RAND đã lưu ý rằng trong trường hợp xấu nhất, “nếu phòng thủ thiếu kín đáo, các cuộc tấn công lớn hơn, chính xác và kéo dài có thể sẽ đưa đến những tàn phá, thiệt hại lớn về máy bay và đóng cửa các phi trường trong một thời gian dài”.

Căn cứ không quân Hoa Kỳ Kadena ở Okinawa tại Nhật, tương đối gần đại lục, sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Vào tháng 9 năm 2015, TC cũng đã công khai tiết lộ loại tên lửa đạn đạo mới DF-26, từ đại lục có thể tấn công căn cứ không quân Hoa Kỳ Andersen ở Guam, cách xa 3.000 dặm. Andersen và Kadena là hai căn cứ lớn nhất và quan trọng nhất của quân đội Hoa Kỳ ở nước ngoài.

Tinian, hòn đảo nhỏ gần đảo Guam đang từ từ trở thành một trong những căn cứ dự bị của Không quân Mỹ. Ngày 10 tháng 2 vừa qua, Tinian đã được chọn như một sân bay chuyển hướng “trong trường hợp căn cứ không quân Andersen ở Guam, hoặc các căn cứ khác ở vùng tây Thái Bình Dương bị hạn chế hoặc phong tỏa.”

Trong ngân sách dành cho năm 2017, Ngũ Giác Ðài đã yêu cầu 9 triệu đô la để mua 17,5 mẫu đất “trong việc hỗ trợ các hoạt động chuyển hướng và các đề nghị ​​tập luyện quân sự”, báo Saipan Tribune đưa tin. Trong thời bình, Không quân Mỹ ước lượng sân bay Tinian sau khi được mở rộng sẽ chứa “lên đến 12 máy bay tiếp nhiên liệu và một đội ngũ nhân viên hỗ trợ cho các hoạt động chuyển hướng”.

Tinian hiện giờ là một nơi buồn tẻ.

Trong Thế chiến II, Sư đoàn 2 và 4 Marine của Mỹ đã chiếm hòn đảo, và sau này các phi cơ B-29 Superfortress Enola Gay và Bockscar đã cất cánh từ sân bay North Field tại Tinian và thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasakị Từng là một kho vũ khí trong thời chiến, hiện nay hầu hết các đường băng tại North Field bị bỏ hoang, không được sử dụng. West Field, một căn cứ không quân khác trên đảo lúc trước, hiện chỉ là một sân bay quốc tế nhỏ, ít được biết đến.

Lúc đầu Hoa Kỳ muốn dùng Saipan làm phi trường quân đội. Cách Tinian không xa, Saipan có dân số 15 lần hơn Tinian, một phi trường lớn hơn và một bến cảng. Nhưng đề xuất này đã gặp phải sự phản đối của các nhà hoạt động địa phương do các hiệu ứng về “san hô, nước sạch, giao thông vận tải địa phương và các yếu tố kinh tế xã hội đối với cộng đồng xung quanh,” báo Stars and Stripes đã đề cập.

Phe chống đối lập thậm chí bao gồm cả giới ủng hộ việc kinh doanh trong đó có cả Phòng Thương mại của Saipan. Họ lo ngại rằng phi trường rỉ sét Tinian sẽ bị bỏ rơi trong lần chi tiêu lớn của Ngũ Gia’c Ðài kỳ này. Phi trường Saipan hiện cũng đang quá tải, và dân địa phương không hài lòng về triển vọng của hàng trăm phi công bay đến cho các khóa diễn tập quân sự kéo dài tới tám tuần mỗi năm.

Có thể nói đây là một sự lập lại quá khứ. Lúc trước Hoa Kỳ đã phân tán các căn cứ không quân ở những mức độ khác nhau và ở nhiều nơi trên thế giới trong thời chiến tranh lạnh. Nhưng từ khi mối đe dọa của một cuộc tấn công tên lửa từ phía Liên Xô không còn nữa và lúc ngân sách quốc phòng sau Persian Gulf War bị cắt giảm nhiều trong thập niên ‘90, Hoa Kỳ đã chuyển sang xu hướng dùng những căn cứ rất lớn (mega-base) hoạt động theo quy mô kinh tế.

Tuy nhiên trong thời chiến mô thức phân tán các căn cứ quân sự có xác suất tồn tại nhiều hơn, Alan Vick của RAND đã nghiên cứu và kết luận trong năm 2015:

“Phân chia những phi cơ trên nhiều căn cứ khác nhau tạo ra khả năng phòng hờ, dư bị trong lãnh vực điều hành trên mặt đất và các cơ sở. Điều này giúp tăng cường sự an toàn cơ bản của các chuyến bay bằng cách cung cấp nhiều chỗ đáp hơn cho những trường hợp cần chuyển hướng khẩn cấp hoặc lúc thời tiết xấu. Nó còn làm tăng số lượng các sân bay mà địch phải theo dõi và có thể gây khó khăn hơn cho kẻ thù lúc nhắm mục tiêu (một phần vì số lượng di chuyển giữa các căn cứ của các lực lượng bạn gia tăng).”

“Ít nhất, so với mô thức tập trung, phân tán (vì làm tăng tỷ lệ đường băng và máy bay) buộc phía địch phải sử dụng nhiều năng lực đáng kể hơn để tấn công những đường băng. Mô thức phân tán cũng làm tăng chi phí xây dựng và điều hành các phi cơ trên nhiều căn cứ chính. Để giảm thiểu những chi phí này, mô thức phân tán có xu hướng dùng những căn cứ nhỏ, khiêm tốn hơn, đôi khi, có thể chỉ là những đường băng.”

27/2/2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo