Quản lý kiểu gì đây? - Dân Làm Báo

Quản lý kiểu gì đây?

Đại Nghĩa (Danlambao) - Đảng CSVN thường rêu rao tuyên truyền cơ chế “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, tuy nhiên không biết nhà nước quản lý thế nào mà hiện nay trong nước có những công trình xây cất vĩ đại phạm pháp mọc lên nhan nhản từ Bắc chí Nam. Những công trình này được mọc lên giữa thanh thiên bạch nhật suốt nhiều năm, nhưng rồi đến một ngày xấu trời nào đó nó bị nhà nước chiếu cố và phải phá dỡ, cắt bỏ, phí phạm tài sản hàng trăm tỷ của xã hội. Nhưng ngược lại những việc người dân xây cất một ngôi nhà bé nhỏ thì bị nhà nước chiếu cố ngay từ đầu, không thể xây dựng lên được. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã “bức xúc” nói lên một việc khi ông vừa thôi chức, nhưng còn biết bao việc ông chưa biết đến.

“Chúng ta có cả một hệ thống chính trị từ trên xuống nhưng nhiều nơi không lo được cho dân. Dân xây một ngôi nhà có hơn 40 m2, đã làm đủ thủ tục mà vẫn kiểm tra tới 21 lần, chủ yếu là kiếm ăn”. (Vietnamnet online ngày 18-10-2006)

Đầu năm 2014, ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép cho công ty CP may Lê Trực xây trung tâm thương mại tại số 8B đường Lê Trực quận Ba Đình có chiều cao 53 m nhưng xây cao 69 m. Chủ dự án này lúc đầu dựa theo thế lực đương thời nên ngang nhiên xây dựng sai giấy phép, đến khi thất thời thì lại bị bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị bảo “vượt đến đâu, cắt đến đó” và vừa mới rồi đảng cộng sản đã hy sanh mấy con tép riêu sai phạm đem ra ngắt đầu lột vỏ. Ông Nguyễn Quốc Tuấn nói:

“Quy trình lập dự án, chấp thuận quy hoạch và phương án kiến trúc, cấp giấy phép xây dựng tuân thủ đúng quy định. Tuy vậy, chủ đầu tư đã tự ý xây dựng tòa nhà sai so với gấy phép xây dựng đã được Sở Xây dựng cấp.

Cụ thể công trình đã vi phạm về khoảng lùi ở phía đường Trần Phú. Về chiều cao, công trình chỉ được cấp phép cao đến 53 m nhưng chủ đầu tư cho xây cao 69 m. Tổng chiều cao của công trình vượt 16 m, tương đương với 5 tầng. Ngoài ra, công trình còn “xây thêm” hơn 6.100 m2 sàn so với giấy phép”. (Vietnamnet online ngày 2-10-2015)

Công trình đồ sộ xây ngay trước mắt thiên hạ mà vẫn ngang nhiên mọc lên cao vút đến khi hoàn tất. Ông tướng Nguyễn Quốc Thước, là một cư dân sống tại quận Ba Đình lúc bấy giờ ở đâu mà bây giờ mới lên tiếng như một kẻ bàng quang:

“Việc xây dựng công trình cao hàng chục mét nhìn thẳng ra lăng bác, nhà Quốc hội, phủ Chủ tịch, xa hơn là Bộ Quốc phòng…thì việc kiểm soát về mặt an ninh quốc phòng là rất khó, bất cứ ai cũng có thể ra vào tòa nhà này. Ai sẽ kiểm soát đây?” (Soha.vn online ngày 29-9-2015)

Gần đây khu Resort Ba Vì nhiều công trình xây cất bề thế không có phép xây dựng mọc lên như nấm trong vườn quốc gia Ba Vì với hàng chục tòa khách sạn, biệt thự, bể bơi… chính quyền huyện thanh tra cả năm mà không ra được kết luận với lý do “một số thành viên trong đoàn thanh tra bị ốm và có một số người chuyễn công tác”, có lẽ ốm vì “rét” và chuyễn công tác vì “run” cho nên mãi tới báo chí phanh phui thì:

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phát đi thông báo hỏa tốc dẫn lời chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc làm rõ các công trình xây dựng trái phép tại vườn quốc gia Ba Vì (Tân Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) và yêu cầu đình chỉ thi công từ ngày 1-3”. (DanTri online ngày 29-2-2016)

Tầm quan trọng của địa điểm xây dựng khu Resort trái phép nầy trong vườn quốc gia được Luật sư Trần Minh Hùng cho biết:

“Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Trần Minh Hùng-Công ty Luật Gia đình cho rằng, đây là công trình và dự án lớn, vậy mà không hiểu vì lý do gì mà chủ đầu tư lại có thể xây dựng khi không có giấy phép giữa vườn quốc gia Ba Vì ở thủ đô Hà Nội được?

Ông còn cho biết resort này lại xây dựng trên vị trí thuộc lĩnh vực quốc phòng. Do vậy, việc xây dựng phải tuân thủ tục, trình tự luật định chứ không thể ngang nhiên xây, vì ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng được pháp luật quy định chặt chẽ…

Do vậy việc công ty này ngang nhiên xây resort không phép giữa Vườn Quốc gia Ba Vì (TP Hà Nội) là vi phạm pháp luật”. (Motthegioi online ngày 2-3-2016)

Xuôi vào miền Trung, không biết người dân Hà Tĩnh, nhà nước địa phương và nhà nước trung ương nghĩ gì khi Formosa biến thành khu tự trị theo kiểu Trung cộng gậm nhấm quần đảo Trường Sa với chiến thuật “gạo nấu thành cơm”. Không biết chừng nào nhà nước ra lệnh tháo dỡ như các công trình sai phạm khác? Có lẽ không bao giờ dám đụng đến vì có nơi công an và nhà nước địa phương cũng không được vào.

“Cứ hễ xây dựng sai phép, trái phép, Formosa lại cố tình thực hiện theo kiểu ‘gạo nấu thành cơm’. Có lẽ, Formosa Hà Tĩnh đang muốn biến khuôn viên của mình thành một khu ‘tự trị’ với trường học riêng, bệnh viện riêng và khu thờ tự riêng.

Chưa dừng lại đó, Formosa lại đưa ra nhiều chương trình học riêng biệt nằm ngoài khuôn khổ và luật pháp quy định tại Việt Nam.

Trong Formosa, người ta còn đề ra những thứ luật riêng về ‘giao thông đường bộ’ mà chỉ ở trong khu này mới áp dụng… Formosa còn tuyển dụng lao động nước ngoài đến làm việc không thông qua chính quyền địa phương”. (PetroTimes online ngày 7-3-2016)

Núi Hải Vân, 2 ngôi biệt phủ nguy nga, bề thế được xây dựng không có phép đã hoàn thành, thế mà nhà nước bó tay để mãi đến ngày nay mới ra lệnh phá dỡ làm “xã hội” phải vất đi hàng trăm tỷ đồng. Một đại biểu HĐND TP Đà Nẵng phát biểu mà xin được dấu tên có lẻ vì sợ thế lực của chủ công trình là một ông tướng công an và một đại gia vàng có nhiều thế lực “không thể đụng đến”.

“Việc tháo dỡ công trình trái phép này là hoàn toàn đúng. Pháp luật phải được thực thi. Tuy nhiên, xây dựng biệt phủ nhiều năm dài khác với xây một căn nhà tạm trái phép lén lút trong vài đêm. Thực tế thì chính quyền địa phương cũng như các sở ngành liên quan cũng nhận trách nhiệm có phần lỗi dẫn đến chuyện này…

Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lúc đó, thừa nhận ‘Ngành Kiểm lâm xử lý không rốt ráo, dung túng sai phạm và có phần cả nể và sợ. Từ 2010-2014 xử lý 4 công trình nhà trái phép trên rừng Hải Vân, riêng biệt thự ông Thạch (thiếu tướng Phan Như Thạch-nguyên giám đốc công an tỉnh Quảng Nam) và biệt thự của ông Quang không thể đụng đến (?)” (TienPhong online ngày 8-12-2015)

Biệt phủ của thiếu tướng Thạch thì đã thi hành lệnh phá dỡ, 

“Thiếu tướng Phan Như Thạch, trình bày: Tôi và gia đình đã nhận thức được việc tiến hành xây dựng ngôi nhà trên khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và đất đai. Khi có quyết định đình chỉ thi công, gia đình đến nay đã thực hiện nghiêm túc”. (Vietnamnet online ngày 4-2-2015)

Riêng khu biệt phủ của ông Quang thì còn cù cưa, tìm kiếm ô dù; chưa thi hành hẳn sau nhiều lần nhà nước địa phương gia hạn.

“Sáng 31-1, khu biệt thự của đại gia vàng Ngô Văn Quang (giám đốc một công ty vàng ở Quảng Nam) xây dựng trái phép ở đồi Chim Chim (rừng đặc dụng Nam Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vẫn chưa hoàn thành việc tháo dỡ theo quyết định phải tháo dỡ trong 50 ngày của chính quyền quận Liên Chiểu”. (VNExpress online ngày 31-1-2016)

Tiến về Sài Gòn, chua chát hơn ai hết, nghệ sĩ hài Hoài Linh xây dựng nhà thờ Tổ nghiệp không biết làm thế nào trước khi xây dựng công trình hàng trăm tỷ đồng mà anh giởn mặt nhà nước, coi như chuyện “hài” hàng ngày. Chính quyền quản lý thế nào mà việc dân xây gần hoàn tất một công trình vĩ đại như thế mới đưa chủ công trình lên bàn “mổ”. Hoài Linh sẽ phải đóng “thuế” hơi nặng, “có 3 trăm lạng nhà thờ mới xong”?

“Toàn bộ phần công trình nhà thờ Tổ trăm tỷ của NSƯT Hoài Linh đã được xây dựng đều vi phạm hoạt động xây dựng do không có giấy phép. Và công trình này hiện nay bị đình chỉ thi công…

Theo ông Bửu, vào ngày 28-1-2016, phòng QLĐT Q.9 phối hợp UBND phường Long Phước đã lập biên bản vi phạm hành chính và ngưng thi công xây dựng công trình vi phạm hoạt động xây dựng đối với công trình nhà thờ Tổ của nghệ sĩ Hoài Linh. Lý do là đã có hành vi phạm tổ chức thi công 3 công trình không có giấy phép xây dựng”. (PetroTimes online ngày 2-3-2016)

Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có những vụ nhỏ con kiến chui qua không lọt, ấy thế mà con voi chui lọt mới là độc đáo. Theo Thủ tướng Phan Văn Khải nói thì cái nhà nhỏ 40 m2 mà phải bị kiểm tra đến 21 lần, còn những biệt phủ, những cao ốc cao hơn lăng Hồ Chí Minh, làm nhiều năm giữa thanh thiên bạch nhật mà những cơ quan quản lý không phát hiện. Các quan thanh tra bị tiền tài ám nhản hay bị quyền lực khống chế nên không thấy gì để cho đến khi hoàn tất, báo chí phanh phui nhà nước mới “xử lý” một cách độc đoán là cắt ngọn, đập phá, dỡ bỏ hàng trăm tỷ đồng tài sản của xã hội, đình chỉ nửa chừng khiến những “khổ chủ” phải nửa khóc nửa mếu.

11/3/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo