Tội ác cộng sản muôn đời không quên - Dân Làm Báo

Tội ác cộng sản muôn đời không quên

James Bartholomew * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Năm ngoái tôi đến Budapest và làm những điều du khách thường làm. Tôi đi thuyền. Tôi đi đến nhà tắm Thổ - cẩn thận nhích từng bước vào nước rất nóng và rồi lấy hết can đảm nghiêng xô nước lạnh lên người.

Cuối cùng, tôi đến nơi bi thảm ở cuối con đường du lịch: cái gọi là Nhà Khủng Bố. Bên ngoài, nhà này trông giống như bao nhà Hungary khác trên cùng đại lộ. Bên trong, nhà này là viện bảo tàng được thành lập ở ngay chính nơi mà đầu tiên Quốc xã, rồi đến cộng sản đã giam cầm, khủng bố và giết người. Xem viện bào tàng là thấy niềm thương xót dâng trào trong lòng. Ta thấy những xà lim thật sự ở dưới tầng hầm nơi người tù bị tra tấn hay bị treo cổ. Có “xà lim đứng” không có chổ để ngồi xuống, nơi người tù bị đánh đập nếu họ chỉ đứng dựa vào tường. Bạn gái tôi xúc động đến độ cô ấy đã phải được giúp đỡ. Tôi tiếc là chính tôi không giúp cô ấy. Tôi đã đi trước và mải mê nhìn nên không nhận thấy cô ấy đang gặp khó khăn.

Tôi biết ra nhiều điều mà trước đây tôi không biết. 600.000 người từ Hungary bị đưa sang các trại lao động ở Liên Xô và nửa số ấy đã không trở về, chết vì bị ngược đãi và đói. Có nhiều video về những nạn nhân sống sót kể lại họ bị đối xử một cách khủng khiếp. Dĩ nhiên, tôi đã nghe về hàng triệu người chết dưới tay Stalin ở Liên Xô. Từ lúc tôi trở về lại, tôi đã khám phá có nhiều vụ chết tập thể trên khắp khối Đông Âu.

Chuyến thăm viện bảo tàng đã ám ảnh tôi và gợi tôi nhớ đến hàng triệu người bị sát hại ở Viễn Đông, đặc biệt ở Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông. Nó cũng gợi nhớ đến những vụ giết người tập thể ở Cambodia dưới chế độ cộng sản thường được gọi là Khmer Đỏ, và ở Việt Nam cộng sản. Và, tất nhiên, khủng bố ở Bắc Hàn vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Tổng hợp tất cả những điều này lại và ta trở nên nhận thức rằng tai họa nhân tạo lớn nhất trên toàn thế giới chính là khủng bố và chết chóc do các chế độ cộng sản gây ra.

Nhưng phải chăng ai cũng biết điều này? Không. Phải chăng điều này được dạy ở trường học chúng ta? Không. Phải chăng có những viện bảo tàng để nhắc nhở chúng ta về điều này? Không. Viện bảo tàng tôi đến xem ở Budapest ấy là trường hợp cá biệt mà được thành lập bất chấp sự phản đối mạnh mẽ.

Nếu tôi nói với con cái tôi và những người đương thời với chúng thì họ không biết gì về số người chết kinh hoàng này. Sử gia Robert Conquest ước tính rằng tổng số những sinh mạng bị mất trong những cuộc khủng bố ở Liên Xô “hầu như không thể nào thấp hơn ở mức từ 13 đến 15 triệu người”. Nhưng con số này có thể cao hơn nhiều. Số người chết dưới chế độ cộng sản ở Trung Quốc dường như diễn ra theo ba giai đoạn: đàn áp những người phản cách mạng (ít nhất một triệu người); “Bước Đại Nhảy Vọt” (ít nhất 45 triệu người), và Cách mạng Văn hóa (750.000 đến 1,5 triệu người chỉ riêng ở nông thôn Trung Quốc). Ở Cambodia người ta ước tính giữa từ 1,4 và 2,2 triệu người bị giết từ dân số khoảng 7 triệu người. Cộng hết tất cả số người chết này lại và nhiều sử gia ước tính có đến 100 triệu người đã chết vì chính chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng ý thức về điều này đang phai nhạt. Thế hệ lớn lên kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ dường như không hiểu mối liên hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và khủng bố. Ngày nay họ có thể tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản là hình thức tối cao của chủ nghĩa bình đẳng, một ý thức hệ rất đáng yêu.

Tương lai của bất kỳ nền văn minh nào cũng đều được hình thành từ sự hiểu biết của nó về quá khứ. Vì thế chúng ta coi trọng đến việc tạo ra những viện bảo tàng về tội ác thảm sát hàng triệu người Do Thái trong Đệ nhị Thế chiến để nhắc chúng ta về tội ác của chủ nghĩa bài Do Thái. Ta thấy những viện bảo tàng như thế ở Đức, Ba Lan, Cộng hòa Czech và những nơi khác.

Có lẽ chúng ta cũng nên tạo ra sự gợi nhớ thường xuyên về những gì chủ nghĩa cộng sản đã gây ra cho nhân loại và biết đâu có thể có khả năng gây ra lần nữa. Tôi cũng muốn tạo ra Viện Bảo tàng Khủng bố ở Luân Đôn. Nếu được các nghị sĩ ủng hộ, được truyền thông đăng tải và được các đoàn học sinh đến xem thì viện bảo tàng ấy có thể chắc chắn góp phần làm cho kiến thức về tiểu sử của các đồng chí Stalin, Mao và Pol Pot lan rộng như ý thức về Hitler và Churchhill.

Nhưng nếu chúng ta sẽ tạo ra viện bảo tàng như thế, chúng ta cần bắt đầu mau chóng. Theo tôi lời chứng của những người còn sống sót trong video là hiện vật trưng bày có tác động mạnh mẽ nhất ở Budapest. Những lời chứng như thế cần phải được thu thập trên toàn thế giới trong khi những nạn nhân vẫn còn sống. Để tập hợp những hiện vật trưng bày như thế chúng ta sẽ cần những nhà tài trợ chính. Và nhu cầu cho điều này là cấp bách. Nếu chúng ta không tạo ra viện bảo tàng ấy, tất cả những điều này cuối cùng sẽ bị lãng quên.

Nguồn: Trích dịch từ tạp chí Spectator, Anh ngày 5/3/2016. Tựa đề của người dịch





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo