Người Quan Sát (Danlambao) - Rừng Phú Quốc (thuộc Kiên Giang) được ví như trái tim của hòn đảo này, mất rừng không chỉ mất nguồn nước, mà là mất đi môi trường sinh thái độc đáo của đảo.
Từ năm 2004 khi xây dựng đề án quy hoạch phát triển biển vững Phú Quốc thành thiên đường du lịch, trải qua nhiều lần điều chỉnh đều chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trên dự án khá nghiêm túc.
Tuy nhiên thực tế không phải vậy.
Theo các chuyên gia quy hoạch và các kiến trúc sư thì mật độ phát triển của các khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc bằng việc bê tông hóa mọi thứ và chặt phá rừng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tại huyện đảo này.
Quyết định số 868/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 18/06/2015 là QĐ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 có mục quy hoạch khu vực Bãi Dài trở thành khu du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp, có sân golf, CASINO gắn liền với các resort thể thao biển, tham quan làng nghề… Bãi Dài nằm ở khu vực phía Tây Bắc Phú Quốc được xem như vùng đất trù phú bậc nhất với dãy rừng nguyên sinh và hệ động thực vật phong phú cùng các bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp.
Và trên website chính thức của tập đoàn Vingroup cũng đã khoe rằng: “khoảng cách khá xa trung tâm hành chính Dương Đông đã khiến toàn bộ phần Tây Bắc đảo hầu như chưa được khai thác đúng mức. Nhưng tình hình đã thay đổi cách đây hơn một năm, khi Vingroup xuất hiện…. Sau bước khởi động của Vingroup, các nhà đầu tư khác cũng đã nhanh chóng hội tụ tại Tây Bắc đảo như BIM Group với dự án Crowne Plaza, LDG với dự án Grand Word… Hệ quả là giá đất ven biển tại khu vực Tây Bắc tăng nhiệt nhanh chóng.”
Sau khi khai trương dự án khách sạn 5 sao Vinpearl Phú Quốc, tập đoàn Vingroup nhanh chóng triển khai trung tâm vui chơi Vinpearland và Vinpearl Safari Phú Quốc.
Với diện tích 500ha rừng được giao cho khu vực vườn thú, Vingroup đã công bố công khai như sau:
Đất công trình công cộng có tổng diện tích 207.477 m2 bao gồm khu đón tiếp 42.027 m2 và khu trung tâm giải trí 165.450m2.
Diện tích lớn đất đầu tư dịch vụ, kĩ thuật và phụ trợ có tổng diện tích vào khoảng 163.315 m2.
Đất khu chuồng trại tạm có tổng diện tích 129.108 m2
Đất cây xanh có tổng diện tích 98.132m2
Đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật có tổng diện tích 295.040 m2
Nhìn trên bản đồ dù đã được vẽ lại có thể thấy việc bố trí công viên vườn thú Safari sát kề với vườn Quốc gia Phú Quốc trong khi không có báo cáo về cụ thể về các chủng thú đã nhập, khiến người ta không thể không nghĩ đến nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, thực vật nguyên trạng.
Trong 500ha rừng được giao, tổng diện tích đất có cây xanh chỉ còn 98,132m2. Số còn lại biến thành trung tâm giải trí, chuồng trại, hạ tầng cơ sở…
Gành Dầu (Phú Quốc) nóng lên từng ngày, không chỉ bởi quá trình biến đổi khí hậu. Sức tàn phá thiên nhiên của tập đoàn VinGroup, sự thống khổ của những người dân bị cưỡng chế giải tỏa, sự mất cân bằng giữa đời sống thiên nhiên và nhân tạo... Tất cả tạo nên một bức tranh tổng thể hơn về sự phát triển tại đảo Ngọc (Phú Quốc).
Ai tàn phá thiên nhiên? Ai xóa rừng phòng hộ?
Thủ phạm chính là các tập đoàn kinh tế như VinGroup, SunGroup, FLC, Mường Thanh... với sự tiếp tay của báo giới và các quan chức từ trung ương đến địa phương.
Rừng xanh ngàn mẫu chia lìa
Phá cho tàn hoại không gian chung này
Bứng dân ra khỏi quê nhà
Xây khu nghỉ dưỡng cho đầy túi tham.