Nhà văn Đặng Phùng Quân - Những nước cộng sản hiện hữu là những tàn tích của thử nghiệm một mô hình xã hội, trả một giá xương máu cho nhân loại. Hai đặc điểm cơ bản của những nước mệnh danh xã hội chủ nghĩa này là một guồng máy khủng bố có sách lược và một hệ thống xã hội băng hoại. "Nhà cầm quyền Hà Nội hiện tại" tiêu biểu cho bộ mặt của chế độ quân chủ phong kiến thời đại trong quá trình theo quy luật lịch sử là đang ở giai đoạn suy thoái, tất yếu sụp đổ từ trong nội tạng của nó.
(Nguyễn thị Thanh Bình nhận định & thực hiện với Trần Doãn Nho và Đặng Phùng Quân)
1. Sau hơn 20 năm dòng sông Bến Hải ngăn cách chia đôi, và người Việt chúng ta trải qua cuộc nội chiến bắn giết nhau huynh đệ tương tàn, bây giờ nhìn lại ngày 30/4/1975, anh còn nhớ tâm cảm và hình ảnh đậm đặc nào in sâu trong lòng mình nhất? Khi ở Miền Nam lúc ấy, thành phố bấn động xé nát bởi những tiếng gầm rú của chiến xa, khói súng. Với Bắc Việt vẫn được tiếng là đội quân hiếu chiến, giỏi thói xiềng chân cố thủ, và quân đội rầm rầm hung hãn xe tăng thiết giáp, súng ống đâm sập cổng Dinh Độc Lập, nơi có vị Tổng Thống 48 giờ Dương Văn Minh và nội các đã chờ sẵn để “bàn giao lịch sử”, vì cố tránh cho Sài Gòn những cuộc đổ máu không cần thiết. Trong trường hợp xem ra hàng phục thay vì “trung lập” này, kẻ chiến thắng tha hồ hống hách nhìn kẻ chiến bại như chẳng có gì, còn gì để nói chuyện “bàn giao”, ngoài thái độ hả hê mở khóa 16 tấn vàng quốc gia để rồi mang đi cống nộp cho quốc tế C.S. Liên Xô lúc bấy giờ. Cũng từ phút giây ấy, Cộng quân “triệt hạ”, vứt bỏ trước tiên lá Cờ Vàng VNCH, vinh danh và dựng ngay lá Cờ Đỏ Phúc Kiến trên toàn bộ nóc nhà ủ dột của dân tộc VN. Và như thế, liệu khi dùng bạo lực vũ trang xâm chiếm Miền Nam với mục đích “đi cứu nước”, “giải phóng Nam Miền Nam”, và “thống nhất đất nước”, vào thời điểm ấy liệu lính Bắc Việt có thấy một và chỉ một người lính Mỹ nào còn lai vãng? Và sau 41 năm “Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào” và “Ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc…” như Lê Duẩn thú nhận, anh thấy được bài học lịch sử gì ở đây và bản chất của công cuộc “giải phóng” này ra sao?
2. Mới đây ở ngoài nước, những người Việt tỵ nạn đã có thêm một cụm từ “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” để gọi Ngày 30 tháng 4, mặc dù có thể ba chữ “Ngày Quốc Hận” đã là một cách dùng, cách gọi quen thuộc. Theo nhà văn Trần Vũ thì đây là “Ngày Chiến Thắng của Cái Ác”, và như thế cũng không khác gì với tên gọi của Luật Sư đang bị cầm tù Nguyễn Văn Đài là “Ngày của Cái Ác đã Chiến Thắng”. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến cụm từ vẫn không còn xa lạ gì với dân gian: “Ác với dân”, và 3 chữ “hèn với giặc” đi đầu, kể từ Ngày được gọi là Đại Thắng Mùa Xuân, Giải Phóng Miền Nam, Thống Nhất Đất Nước Về Một Mối, Nam Bắc Sum Họp Một Nhà… Do đó, tên gọi có khi không quan trọng vì ai cũng đã thấy rõ sự giả dối, giả tạo, đánh tráo khái niệm của từng tên gọi, và không ai trong chúng ta là không tự hỏi cuộc chiến đã thực sự tàn chưa, hay những người con dân Việt vẫn phải đối đầu từng ngày cho những cuộc chiến khác?
Và thay vì phải loay hoay tranh cãi cho một tên gọi không thực tế, anh định sẽ làm gì trong ngày 30/4, như khui sâm banh cụng ly ăn mừng, khi lòng mở hội vì VN ta còn đánh thắng cả siêu cường Mỹ (thì nhằm nhò gì anh hàng xóm xấu bụng to lớn, sao lại dở trò lấn lướt được?) hoặc nên làm gì như mặc áo đen hay áo trắng đổ xô ra đường, và đi lặng lẽ như một ngày để tang chung cho những anh linh tử sĩ, chiến sĩ, đồng bào vô tội đã đền nợ nước của cả hai bên?
3. Lẽ nào anh chỉ thừ người ra, vọng tưởng đôi chút và không làm gì cả như một ngày nghỉ lễ, hoặc may lắm là viết vội những cảm xúc… thơ tháng 4? Hay với những người con lưu lạc tỵ nạn xứ người, có gắn kết với biến cố, sự kiện lịch sử này, liệu 41 năm sau có còn thấy mình muốn sờ lại hoặc xoa dịu vết thương cũ, để biết rằng chỉ có mình là nên tự trách mình: “Tôi Làm Tôi Mất Nước” như một tựa sách của Lê văn Phúc chăng.
Và bây giờ với mốc điểm vẫn còn lắm tang thương của 30/4, anh nghĩ sao khi Đảng CSVN vẫn tiếp tục ăn mừng kỷ niệm chiến thắng, với những tổ chức rình rang như diễu binh, diễn hành, trưng bày triển lãm di sản chiến tranh, cờ quạt văn nghệ đàn đúm mời gọi đông đảo, cốt giương oai thành quả cách mạng, trong khi biết bao nỗi đau ngút ngàn khác vẫn chưa có cơ may hàn gắn được? Liệu có cách chi để lòng người bớt ly tán, khi nhà cầm quyền này hoàn toàn không thực tâm muốn hòa giải với trước hết là những người trong nước với nhau và giữa những mặc cảm của người Miền Nam cũ thua trận đang có những phân biệt đối xử?
4. Nhiều người cho rằng nhà nước của XHCN này là nhà nước của riêng 4 triệu đảng viên với “còn đảng còn mình” và cho gia đình họ, nên không thể và không phải là nhà nước của 90 triệu dân được quyền chọn lựa. Anh có nghĩ đây là lý do chính đáng khiến đa số những người VN nếu có cơ hội sẽ nhấc bổng đôi chân mình lên để tự bỏ-phiếu-chân cho những thăm dò không thể sống chung được với CS. Bấy lâu nay người ta vẫn thấy “nếu cột đèn biết đi cũng sẽ đi”, nhưng tại sao với cả những du học sinh tràn đầy chất xám cho nước nhà cũng “một đi không trở lại” hoặc chỉ 1, 2 người trong số 13, 14 người buộc trở về nước mà thôi? Nhất là cho đến thời điểm này, những người VN vẫn còn muốn tìm đường bỏ nước ra đi. Đó là chưa kể tình trạng rẻ rúng của những phụ nữ Việt Nam phải bán mình nô lệ tình dục khắp bốn phương, và thanh niên tìm cách đi lao động xứ người để kiếm sống, cùng dành dụm nuôi gia đình. Vậy thử hỏi với 2/3 dân số Việt Nam bây giờ là tuổi trẻ, là những người không hề có quá khứ, ký ức chiến tranh hận thù, nhưng sao họ vẫn không thể gầy dựng nổi một tinh thần yêu nước như người Nhật để mang đất nước đi lên, hoặc phải biết noi gương cha ông mình. Hay lý do không còn ai buồn dạy dỗ, giáo dục, hâm nóng trong họ những bài học công dân lịch sử đáng nhớ, để còn thấy hãnh diện mình là người Việt Nam bất khuất chăng.
Nói với họ điều gì đây trong dịp 30/4 này, khi ngoài kia Biển Đông đang dậy sóng từng ngày và nơi đây nước Việt đang có cuộc “xâm thực” cá chết và biển chết ở Miền Trung, mà thực sự không ai dám đứng lên hỏi cho ra lẽ một nhà nước chỉ biết hãnh tiến với ngoại quốc rằng: “VN chúng tôi tự hào đã đánh thắng tới ba đế quốc sừng sỏ”, khi chính Thủ Tướng Thái Lan đã phải buộc miệng với cố Thủ Tướng VN là Võ Văn Kiệt lúc ấy: “Chúng tôi tự hào đã không phải đánh nhau với đế quốc nào cả”. Lúc ấy là năm 1991, còn lúc này là năm 2016, thử hỏi tuổi trẻ và trí thức VN phải làm gì, để hòng đẩy lùi “Ngày 30/4 Oan Khiên” không còn trở về tra vấn những con người cùng một dòng máu Việt Nam?
Trả lời tổng quát của nhà văn Trần Doãn Nho:
Trước hết, xin được cám ơn phỏng vấn viên, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình. Bản thân những câu hỏi của cô không chỉ là những tra vấn mà là một nỗi dằn xé, ray rứt. Đọc những câu hỏi mà như đọc nỗi trăn trở của chính mình. Hơn thế nữa, mỗi câu hỏi vừa là nỗi trăn trở lại vừa chứa đựng câu trả lời.
Mà cũng không chỉ đến ngày 30 tháng 4 mới trăn trở. Với tôi, đó là một trăn trở hàng ngày. Chúng ta sống trong thân phận của những người thua cuộc 30 tháng Tư, đâu có khi nào nguôi ngoai. Ra đi, chúng ta sống một lần hai thế giới: một người Mỹ/Úc/Pháp/Canada… trong tâm thức một người Việt. Một hình thức nhị trùng nhân cách! Vừa hưởng thụ lại vừa đau đớn vì những gì đang có. Một đổi chát nghiệt ngã! Những tranh cãi về tên gọi ngày 30 tháng Tư, thực tế, chỉ là phản ảnh những trăn trở không nguôi của người lưu vong. Nó trở thành một nỗi đau hàng ngày. Tranh cãi chữ nghĩa làm chúng ta đau thêm, nhưng biết làm sao được. Chấp nhận tự do có nghĩa là chấp nhận cả những gì tích cực lẫn những gì tiêu cực. Cứ xem những tranh cãi của các ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện nay, ta sẽ thấy đâu chỉ có cộng đồng người Việt là “nhiều chuyện”. Một nước Mỹ hùng cường là thế, văn minh là thế, tiến bộ là thế, dân chủ là thế mà cũng đầy dẫy những vấn nạn, nói gì đến Việt Nam, nhất là Việt Nam của những người mang vết thương 30 tháng Tư!
Dẫu vậy, với tôi, hải ngoại lại chứa đựng mầm mống của tương lai. Hải ngoại là một Việt Nam khác. Một VNCH nối dài, nói như Tạ Chí Đại Trường. Hải ngoại có một nền văn học. Hải ngoại có những tổ chức cộng đồng. Hải ngoại có báo chí, có truyền thông. Hải ngoại bảo tồn truyền thống. Hải ngoại chuyển sức sống của mình vào trong nước. Tuy phân tán và tranh cãi lẫn nhau, nhưng hải ngoại là một thực thể, một thế lực và là là một đối trọng đối với nhà cầm quyền Cộng Sản. Hơn thế nữa, một chỗ dựa vững chắc cho phong trào dân chủ trong nước. Tiếng nói của hải ngoại vẫn có một ảnh hưởng đáng kể vào trong nước. Nhiều người trong nước, khi bị đàn áp, vẫn tìm thấy một chỗ dựa ở hải ngoại. Có thể nói, hải ngoại là một hậu phương lớn, chứa đựng một không gian tích cực để gieo mầm mống của tương lai. Tôi cảm thấy tự hào với cái hải ngoại của mình. Và trong khả năng nhỏ bé của mình, tôi đã và đang đóng góp một chút công sức của mình vào đó. Bằng văn học.
Vả lại, đâu phải chỉ chúng ta mới đau nỗi đau 30 tháng Tư. Nỗi đau này hiện đang giằng xé cả những người đã từng nằm trong phe chiến thắng. Hãy vào trang Bâu Xít hay những blog của những bloggers hiện đang sống trong nước mà xem. Xu thế đòi dân chủ càng ngày càng lan rộng, từ những người tuổi đảng (CS) đầy mình cho đến giới trẻ lớn lên sau ngày 30 tháng Tư. Những giá trị VNCH âm thầm trở lại trong nhiều sinh hoạt xã hội. Và đôi khi, thâm nhập ngay trong guồng máy nhà nước.
41 năm dằng dặc! Đời thì quá ngắn. Lịch sử lại quá dài và vô tình. Nhưng tôi tin rằng lịch sử luôn luôn chuyển động, hướng về cái văn minh, cái tiến bộ. Hãy góp phần mình trong chuyển động đó của lịch sử. Với những gì mình đang có.
Và đây là những vần thơ tháng 4:
Chiều 29 tháng 4 trên đường Công Lý
thành phố thất thần
bóng tối đến sớm
mây thấp và cửa đóng, đường run
năm giờ chiều, chiếc đồng hồ bứt rứt
tôi đi trong bóng của mình
dinh Ðộc Lập úa
như phế tích âm thầm
góc đường Hồng Thập Tự - Công Lý
toán lính nhảy dù ngồi ăn cơm
lá rơi trên tấm poncho
lá rơi trên ga-men
lá rơi thảng thốt
chiếc áo trận nhòe
ngậm ngùi lịch sử
lá rơi, rơi
mải miết như đùa
như trò chơi
như mơ như thực
cuộc phế hưng bủn rủn phận người.
lính nhảy dù, người ngồi kẻ đứng
súng nghiêng
nhắm vào thành phố vô hồn
những góc đường bối rối
dấu chân chìm
đêm xuống nhanh
cho một ngày mai khác
ngày mai mặt trời vẫn sẽ lên
thành phố khép chặt
lạnh
và quên.
Trả lời của GS nhà văn Đặng Phùng Quân:
1/ Với tư cách là một nhà nghiên cứu chiến đấu (tôi dùng từ ngữ của người Pháp: militant), trong Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít (khởi sự viết đã lâu trong dự án luận về cơ sở tư tưởng thời quá độ, song khi khai triển vấn đề, đã vượt khuôn khổ để trở thành một quyển sách) ở chương 9, khi phê phán thực tiễn chủ nghĩa Mác, trước sự sụp đổ của khối Liên xô và Đông Âu và ý thức hệ cộng sản, hiện tại chỉ còn một số nước như Trung Cộng, Việt nam, Miên, Lào, Cuba vẫn duy trì độc đảng CS, tôi gọi là những nước trầm tích hậu cộng sản.
Đặc điểm của những nước trầm tích này là khoác bộ mặt chủ nghĩa xã hội nhà nước, song thực tế là một chủ nghĩa nhà nước chuyên chính với một giai cấp bóc lột mới từ một đảng gồm những người có đặc lợi, đặc quyền nắm giữ độc quyền cai trị.
2/ Vào thời điểm tôi nhận được Bản luân lưu lên tiếng kháng cáo Trung Cộng âm mưu chiếm đoạt hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kêu gọi "chính quyền Việt Nam" phải có "động thái", tôi không ký vì một lý do đơn giản, tôi không nhìn nhận "nhà cầm quyền Hà Nội".
Chế độ Cộng sản (hình thức mới của chế độ quân chủ phong kiến) khởi sự một "triều đại" với những con người đảm lược, "nằm gai nếm mật", "tôi luyện trong lò đào tạo quốc tế" để tiến tới thành công, thắng lợi trong việc nắm được quyền bính, xây dựng thành một khối thống nhất, là đỉnh cao nhất của quyền lực, (song như những Milovan Djilas, Svetozar Stojanovic lớn lên và kinh qua trải nghiệm thực tế trong thế giới cộng sản đó, đã nhận xét) khối quyền lực đó đã sản sinh ra một hệ thống giai cấp bóc lột mới, bắt nguồn từ một độc đảng gồm những người có đặc lợi, đặc quyền vì nắm giữ độc quyền cai trị xã hội, người ta không thừa kế điều gì ngoài việc len lỏi leo lên địa vị cao trên bậc thang quyền lực, đòi hỏi trung thành với đảng, tức là với giai cấp mới này.
Những đặc điểm của giai cấp mới này là độc quyền cai trị, củng cố bằng những tín điều thư lại; về mặt lý luận thì chế độ đó mở ra với mọi người, song thực chất nó tập trung quyền trong tay thiểu số lãnh đạo, nó lại gia tăng đặc quyền đặc lợi cho những kẻ gia nhập tổ chức này.
Những nước cộng sản hiện hữu là những tàn tích của thử nghiệm một mô hình xã hội, trả một giá xương máu cho nhân loại. Hai đặc điểm cơ bản của những nước mệnh danh xã hội chủ nghĩa này là một guồng máy khủng bố có sách lược và một hệ thống xã hội băng hoại.
"Nhà cầm quyền Hà Nội hiện tại" tiêu biểu cho bộ mặt của chế độ quân chủ phong kiến thời đại trong quá trình theo quy luật lịch sử là đang ở giai đoạn suy thoái, tất yếu sụp đổ từ trong nội tạng của nó.
3/ Điều kiện ắt có và đủ để chế độ cộng sản tại Việt nam sụp đổ là: toàn dân chán ghét đến độ bất chấp bạo quyền với guồng máy công an cảnh bị đàn áp, trường kỳ nổi dậy chống áp bức; thế hệ 70s, 80s, và 90s thoát bỏ ý thức hệ cộng sản, đi tìm lý tưởng cho mai hậu và đối kháng đám Khuyển Ưng của Hán bang quỉ quyệt; những tranh giành quyền lực trong Đảng gay gắt dẫn tới phân hoá TW tan rã.
Lý ưng, một đất nước xã hội băng hoại như thế không thể tồn tại: một là cao trào dân chủ tất thắng, hai là nó sẽ chuyển hoá thành một nước "chủ nghĩa quân phiệt" hầu như phổ biến trên chính trường vùng Trung Đông và Đông Nam Á, bởi vì cơ bản của nền chính trị này là chế độ cực quyền, độc tài và tham nhũng; danh xưng "đảng CS tiên tiến vô sản", "chủ nghĩa xã hội" chỉ là hư từ chính trị, ba là đất nước sẽ là một phiên bang của khối Trung hoa Đại đạo trước ngưỡng cửa Thế chiến Ba bùng nổ ?
4/ Thử minh họa một cách cụ thể đất nước Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua như sau:
4.1 bọn thống trị là ai ? bộ Chính trị & TW đảng CS: vật tạo sinh quái đản của tập đoàn mệnh danh là đảng cộng sản, phản lại quan niệm của Karl Marx, Chúa Trời của đảng CS/tôn giáo mới thời đại này, bởi quan niệm của Marx rõ rệt là:
- Không tách rời vai trò của người cộng sản như một nhóm cách mạng chuyên nghiệp nhân danh giai cấp công nhân để tranh đấu;
- Không quan niệm Đảng là một bộ phận ở bên trên lãnh đạo quần chúng
Vậy bọn chúng là gì? phản giáo, cơ hội chủ nghĩa, phá hủy thánh tượng Karl-Marx, lãnh chúa phong kiến mới tọa ngự trong những lâu đài hiện đại, biệt lập với quần chúng dân đen (cứ nhìn cánh tượng môi sinh Hà Nội [khu biệt thự sang trọng đối diện với khu dân cư nhà lá] ngày nay phản ảnh sự thực đó)
4.2 Nhân dân là ai? Quần chúng dân đen chịu mọi cảnh ngộ: chính quyền cướp đất của dân, nhà nước dâng đất, biển đảo cho Tàu Cộng, chia rẽ cư dân Nam Bắc, phụ nữ bán mình, làm nô lệ, đồ chơi cho ngoại nhân khắp phương, trai tráng làm công, nô lệ lao động ở xứ người, v.v...
Ngày trước, nhà cách mạng lão thành Phan Bội Châu từng cảnh tỉnh toàn dân:
Năm mươi triệu há ngồi chịu chết?
Cũng có phen kịch liệt một lần
Huống chi 90 triệu dân đen ngày nay, há ngồi chịu chết trước bạo quyền khuyển ưng/đày tớ cho hết Liên xô tới Tàu cộng?
Nhà văn Hồ Đình Nghiêm trả lời:
Những câu bạn hỏi, tự thân đã là một cuốn “Bên Thua Cuộc” thu nhỏ. Mình đang ở vào ngày 29 tháng 4 năm 2016, bị mấy câu hỏi ấy “tấn công”, thiệt là nước đến chân mới nhảy, e khó việc di tản. Bốn mươi mốt năm rồi hở bạn? Sao lòng bạn vẫn còn chật những niềm đau cũ? Tháo bông băng ra, vết sẹo chưa lành miệng trên da.
Ngần ấy thời gian “bên thắng cuộc” vẫn đi “loanh quanh cho đời mỏi mệt” để phải chịu đón đầu những phản ứng từ lòng dân. Những cuộc biểu tình vẫn xuống đường và vẫn bị cường quyền dẹp tan chẳng từ nan nhìn ngó cảnh máu đổ thịt rơi. Vũ Như Cẩn. Mọi ngả đường đều mang tên thằng lạc hậu kia. Chốn ấy có những thứ đáng phàn nàn: Chuyện lớn thì cố sức, bằng mọi giá phải thu bé lại, nhỏ xíu như cái móng tay trong lúc cái bánh chưng, tô hủ tiếu hoặc một tượng đài vô bổ thì đổ công sức nhân lực vào làm sao ngó cho thật hoành tráng. Họ không phủ nhận mình thiếu thốn tiền của nhưng họ sẵn lòng phí phạm chuyện bắn pháo bông thay vì mang tiền phân phát cho bọn cùng khổ.
Chỗ mình định cư, các nghị sĩ đã thông qua, đã đồng thuận tên gọi là Ngày Hành Trình Tìm Tự Do, vì hãy nhớ cho rằng tháng Tư là tháng đánh dấu niềm đau của cộng đồng di dân người Việt. Đất nước Canada này cũng nuôi dưỡng 4 chàng ca nhạc sĩ. Họ lập ra ban nhạc Pop Rock mang tên VIET CONG và không lâu sau đã phải phân trần: Chúng tôi chỉ là một nhóm nghệ sĩ chả hề bận tâm tới chính trị, nhưng sai lầm của chúng tôi mang, ấy là vô tình khơi lại nỗi đau của người Việt và vì thế chúng tôi xin được ngỏ lời xin lỗi. Chúng tôi sẽ đổi tên ban nhạc sau “sự cố” này.
Tương tự, ở bên Úc, một quán ăn mang tên Uncle Ho cũng bị phản đối và họ đã thay da đổi thịt những 3 lần. Chuyện ấy làm sao xẩy ra được ở Việt Nam, ở cái nơi mà Công Lý, Tự Do cũng như vạn con đường khác đều bị thay tên? Làm mới trong u mê ám chướng.
Những câu hỏi bạn đặt ra tự thân đã là một bản cáo trạng, một thứ vén áo cho người khác xem lưng. Săm soi tấm lưng trần kia rồi thì biết nói sao cho vừa đủ cái vấn nạn phô bày xấu hổ kia. 41 năm, mình nghĩ trong chằng đường dài ấy, những người viết văn làm thơ hải ngoại hẳn đã từng trả lời phần nào, đã moi ruột moi gan ra cho chúng ta thấy nỗi đau “khủng” khiếp kia trong những sáng tác của họ. Hơn cả “chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
Hằng năm cứ vào tháng Tư cá ngoài biển chết nhiều và trên không có những đám mây quờ quạng. Thuỷ triều đỏ đã tràn bờ sạt lở đất đai. Thần linh đã vắng mặt. A di đà hoặc lạy Chúa chỉ là cơn gió nhẹ chẳng đủ làm mát da hằn bao vết sẹo.