Xét rằng:
1- Từ hơn 60 năm nay, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam có toàn quyền trong việc sử dụng các nguồn lực quốc gia và đưa ra những quyết sách phát triển mà hầu như không gặp một rào cản nào. Nhưng hiệu quả phát triển chẳng những đã không đạt được mà đất nước ngày càng thụt lùi về mọi phương diện. Đó chính là vì đảng và nhà cầm quyền Cộng sản có quá nhiều quyền lực, lại không bị kiểm soát, không bị chế ước. Quyền vô hạn ấy đã dẫn đến những yếu kém, sai lầm trong các quyết sách. Quyết sách làm ra không chịu áp lực giải trình, không có động lực phải đưa ra những tính toán hợp lý khoa học. Rồi những sai lầm đó không bao giờ bị xử lý cả. Vì vậy tình trạng ngày càng thê thảm và tồi tệ hơn.
2- Xuất phát từ ý muốn giải gỡ tình trạng bế tắc, vô lý, tồi tệ đó của nền chính trị đất nước và sự phát triển quốc gia, nhân cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp tới, nhiều công dân tâm huyết, có tinh thần dân chủ, đã ra ứng cử trong tư cách độc lập, với ước mong đóng góp tiếng nói phản biện và bày tỏ khát vọng đích thực của quần chúng tại cơ quan (được coi là) quyền lực cao nhất của nhân dân này.
3- Thế nhưng đảng và nhà cầm quyền Cộng sản đã bày đặt một cơ chế hết sức vi hiến là hội nghị cử tri và hội nghị hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc là cơ quan ngoại vi của đảng tổ chức, trong sự phối hợp với nhà cầm quyền lẫn công an địa phương để loại bỏ họ, bằng nhiều phương cách vô luật pháp, nếu không muốn nói là gian manh, thô bạo và đê hèn.
4- Tại vòng hội nghị lấy phiếu tín nhiệm của cử tri (kết thúc ngày 12/04/2016), công luận thấy có những đặc điểm như sau:
a - Thành phần tham dự do ban tổ chức mời từ trước, ứng viên không được biết danh sách, dẫu có khi yêu cầu (như ứng viên [ƯV] Nguyễn Thúy Hạnh). Cá biệt có trường hợp chính ƯV cũng chẳng được mời dự (như các ƯV Ngô Anh Tuấn, Phan Vân Bách...). Thành phần tham dự này đa phần là đảng viên, thành viên các đoàn thể MTTQ hay những kẻ sẵn sàng làm công cụ. Hầu hết đều đã được “tập luyện phát biểu lên án” và “quán triệt bỏ phiếu bất tín nhiệm”. Ngoài ra, nhiều quan chức cấp trên còn được mời trái quy định nhằm uy hiếp cử tri.
b- Cử tri ở tổ dân phố khác được gọi đến, trong khi nhiều cử tri ở chính tổ dân phố của ứng viên không được tham dự (như ƯV Lê Khánh Luận). Đôi trường hợp lại tổ chức hội nghị ở một địa phương xa nơi ứng viên ở (như ƯV Nguyễn Kim Môn). Việc huy động cử tri từ chỗ khác cũng xảy ra nơi ứng viên công tác làm việc, và với con số áp đảo (như ƯV Đỗ Anh Tuấn). Đó là chưa kể việc hăm dọa, ngăn chặn hay giới hạn số cử tri được dự đoán sẽ ủng hộ ƯV (ƯV Nguyễn Quang A).
c- Biến hội nghị tiếp xúc thành nơi chỉ trích, lên án, đấu tố ƯV một cách thô bạo với những lý do vu vơ hay vặt vãnh: như không sinh hoạt tổ dân phố đều đặn, không thường xuyên thăm hàng xóm, chẳng tham gia đóng góp tiền trong các đợt vận động, nói xấu đảng và nhà nước trên mạng, đòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, hay đi biểu tình chống Trung Quốc, còn trẻ tuổi (ƯV Lê Văn Luân), bằng cấp thấp, chưa cống hiến gì, tự ứng cử không xin phép đoàn thể… Có khi còn bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn về ứng viên.
d- Ứng viên không được tạo điều kiện để trao đổi lại với cử tri mà phải “chịu trận” dài giờ cuộc đấu tố của họ. Nếu có phản biện thì cũng được cho vài ba phút hay bị ngắt lời cách thô bạo (ƯV Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Tường Thụy). Ngoài ra, nhận xét xấu, đa phần bịa đặt, về ứng cử viên thì được khuyến khích, còn nhận xét tốt thì bị chẹn họng không cho nói, bảo là lạc đề. Điều đó khiến nhiều ứng viên buộc phải tẩy chay hội nghị và bỏ ra về (các ƯV Nguyễn Tường Thụy, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Thúy Hạnh).
e- Ứng viên bị ngăn cản phát tài liệu công bố tiểu sử và chương trình hành động của mình cho cử tri, không được ghi hình chụp ảnh (các ƯV Đỗ Việt Khoa, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tường Thụy), không được trả lời các đơn thư tố cáo hay kiến nghị về những bước trước đó. Thậm chí có ứng viên còn bị đưa đơn tố cáo đọc trong hội nghị với nội dung hết sức hồ đồ như gây rối trật tự công cộng (biểu tình chống Trung quốc), đòi tự do cho các tù nhân lương tâm, biểu thị lòng căm ghét độc tài (các ƯV Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Xuân Diện)
f- Việc kiểm phiếu không được tiến hành công khai, minh bạch và chẳng có sự giám sát của những cá nhân/tổ chức độc lập. Ban điều hành hội nghị tự kiểm phiếu với nhau trong phòng kín, ở miếu hoang hay công bố kết quả mà không đưa bằng chứng cụ thể (các ƯV Nguyễn Trang Nhung, Võ An Đôn, Ngô Xuân Phúc).
g- Kết quả bỏ phiếu đều có số phiếu tín nhiệm thấp một cách đáng ngờ đối với các ứng viên độc lập. Xin nêu vài ví dụ: Ông Hoàng Dũng (Sài Gòn): 7%. Ca sĩ Lâm Ngân Mai (Sài Gòn): 3/82. Luật sư Võ An Đôn (Phú Yên): 29/86. Ông Đỗ Anh Tuấn (Vĩnh Phúc): 1/71. Thạc sĩ Nguyễn Trang Nhung (Sài Gòn): 1/63. Ông Ngô Xuân Phúc (Nghệ An): 10/106. Tiến sĩ Nguyễn Quang A (Hà Nội): 6/75. Ông Nguyễn Kim Môn (Hà Nội): 3/81.
Nói tóm lại, hầu hết hội nghị cử tri ở khắp nơi đều có những vi phạm pháp luật cố ý và nặng nề.
Trước các hiện tượng bất thường và các chiêu trò ma mãnh nói trên, các tổ chức xã hội dân sự tuyên bố:
1- Việc lấy ý kiến cử tri do Mặt trận Tổ quốc phối hợp với nhà cầm quyền và công an địa phương tổ chức, bằng kiểu chỉ định sắp xếp mời cử tri, di chuyển đến địa bàn xa lạ, chỉ đạo đấu tố ứng viên cách vô liêm sỉ, ngăn chận họ trình bày và phản biện, kiểm phiếu tín nhiệm trong âm thầm bí mật, thậm chí chẳng thèm mời ứng viên tham dự, khiến cuối cùng tất cả những ứng viên có tinh thần dân chủ, từng đấu tranh nhân quyền đều bị loại… Đó đúng là một trò lừa bịp quốc dân lẫn quốc tế, một sự khinh bỉ tột cùng đối với định chế đáng kính hàng đầu (trên nguyên tắc) của quốc gia, một thái độ coi luật pháp chỉ là trò đùa bỡn.
2- Việc các hội nghị cử tri diễn ra với trò đấu tố thô bỉ -kèm thêm chiến dịch phỉ báng vu khống trên mạng- nhắm những công dân ứng cử ngoài ý muốn và sắp xếp của đảng CS chính là sự tái hiện những cuộc đấu tố rùng rợn thời Cải cách ruộng đất mà nay đảng vẫn còn muốn sử dụng như một thứ vũ khí để giành uy lực tuyệt đối và kiểm soát toàn bộ xã hội… Đó đúng là dấu chỉ chứng tỏ khả năng siêu hạng và tàn độc xưa rày của cộng sản: tàn phá văn hoá của dân tộc và đạo đức của con người.
3- Việc một thiểu số "quần chúng" đã có quyền thay thế hàng ngàn cử tri nơi ứng viên ở hoặc trăm ngàn cử tri của mỗi khu vực bầu cử để quyết định "tư cách ứng cử đại biểu Quốc hội" của những công dân đầy tâm huyết, bất chấp việc họ có được sự ủng hộ của quảng đại quần chúng... đúng là một cơ chế bầu cử phi pháp và khốn nạn, vì nó gạt bỏ những vị có tâm, có tài, có óc phản biện chính quyền, có trái tim đứng về phía nhân dân; và qua đó, nhà cầm quyền đã khiến cho đám quần chúng mù quáng và bị giật dây tiêu diệt được sinh mệnh chính trị của những con người thiện chí, y như đám bần dân vô sản bị xúi giục thời cải cách ruộng đất đã tiêu diệt được sinh mệnh xác hồn của giới địa chủ.
4- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân, kẻ từng đứng đầu cái ngành có sứ mạng giáo dục giới trẻ về sự đàng hoàng, chính trực, liêm sỉ, lương thiện, có lẽ đang hể hả cùng với đám tay chân của họ. Thế nhưng, tất cả những màn diễn vụng về, đểu cáng, thô bạo, gây căng thẳng và chia rẽ trong mọi tầng lớp dân chúng suốt mấy tuần nay chỉ là những cái tát giáng vào những kẻ luôn mồm ra rả “dân chủ đến thế là cùng”, là bản cáo trạng dành cho đảng trong tòa án lịch sử muôn niên và là những nét khắc trên bia miệng ngàn đời của Dân tộc.
Do đó, các tổ chức xã hội dân sự đề nghị:
1- Toàn thể đồng bào Việt Nam tại quốc nội hãy quyết tâm đập tan mưu đồ “đảng hóa” Quốc hội bằng cách tẩy chay mạnh mẽ trò “đảng cử dân bầu” tháng 5 tới. Bằng một trong 3 phương cách:
a- Bất hợp tác dân sự: không đến phòng phiếu, không nhờ bầu hộ;
b- Bất hợp lệ hóa: gạch bỏ hết tên những người ứng cử.
c- Bất tuân ý đảng: không bầu quan chức của đảng, không bầu người do đảng đề cử, bầu cho những ứng viên độc lập, ngoài đảng hay ứng viên thuộc đảng song bị “quán triệt loại bỏ”.
2- Quý ứng viên độc lập và có tinh thần dân chủ –vốn đã tạo được một thành công lớn lao là vạch trần bộ mặt gian manh thô bỉ của đảng cộng sản và đang được phiếu tín nhiệm từ trong trái tim của đồng bào- xin hãy cùng kết hợp với nhau để làm thành một Quốc hội của nhân dân, Quốc hội trên không gian mạng, hoạt động song hành và bàn thảo song song những vấn đề mà quốc hội của đảng rồi đây sẽ bàn thảo, để nhân dân thấy thực chất vấn đề và giải pháp đích thật. Hay ít nhất Quý vị hãy cùng nhau làm thành một tổ chức xã hội dân sự với cũng tinh thần và mục tiêu như trên.
Làm tại Việt Nam ngày 24 tháng 04 năm 2016
Các tổ chức xã hội dân sự độc lập đồng ký tên:
01- Bach Dang Giang Foundation. Đại diện: Ths Phạm Bá Hải.
02- Giáo hội Liên hữu Lutheran Viet Nam- Hoa Kỳ. Đại diện: Ms Nguyễn Hoàng Hoa
03- Hội Bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Đại diện: Cô Hà Vân.
04- Hội Bầu bí Tương thân. Đại diện: Ông Nguyễn Lê Hùng
05- Hội Cựu tù nhân Lương tâm. Đại diện: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, linh mục Phan Văn Lợi.
06- Hội Dân oan Đòi quyền sống. Đại diện: Bà Hồ Thị Bích Khương.
07- Hội Anh em Dân chủ. Đại diện: Kỹ sư Phạm Văn Trội.
08- Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Đại Diện: Bà Huỳnh Thị Xuân Mai
09- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Kỹ sư Đỗ Nam Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
10- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Linh mục Nguyễn Hữu Giải.
11- Nhóm Người Bảo vệ Nhân quyền. Đại diện: Ông Vũ Quốc Ngữ
12- Tổ chức Bảo vệ Tôn giáo và Sắc tộc. Đại diện: Ông Hỳnh Trọng Hiếu