Mẹ Nấm (Danlambao) - ... Ai sẽ xử công an khi có sai phạm? Câu hỏi này chắc hơi... bị khó trả lời khi Chủ tịch nước mới lên lại là cựu Bộ trưởng Bộ Công an và trong suốt thời gian ông nắm giữ vị trí đầu não của ngành tình trạng vào đồn thì sống ra đồn tắt thở đã xảy ra như cơm bữa...
Theo quy định của pháp luật, với một người chưa đến tuổi thành niên (chưa có đủ năng lực hành vi dân sự) thì các giao dịch liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp phải do “người giám hộ” (cha mẹ) thực hiện.
Luật dân sự cũng quy định rõ: người giám hộ của người chưa đủ mười lăm tuổi có nghĩa vụ “đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ”.
Tuy nhiên, thực tế không như mơ. Đôi khi luật chỉ là nói cho vui, để cho đẹp, còn dưới chế độ mà nhiều người gọi là chế độ công an trị như hiện nay thì việc hỏi cung, bắt giữ, tạm giam trẻ vị thành niên xảy ra khá nhiều lần.
Điều này không những đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các em vị thành niên, của gia đình mà thậm chí còn có thể để lại những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển bình thường của tuổi trẻ Việt Nam.
Chiều ngày 31/3/2016, em Nguyễn Đức Anh (học sinh lớp 10, Trường THPT Cao Bá Quát) phải nhập viện điều trị sau khi công an đồn Nam Đuống thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội “mời” lên trụ sở công an xã để làm rõ về việc đánh nhau với một nam sinh khác trong trường. Trước đó vào buổi sáng cùng ngày, phụ huynh và đại diện gia đình các bên đã có buổi làm việc với công an và thống nhất với nhau là tự giải quyết. Việc học sinh Nguyễn Đức Anh bị hỏi cung không có người giám hộ bên cạnh là việc làm trái pháp luật. Không chỉ thế, Đức Anh còn thông báo với gia đình việc bị đánh đập ở vùng bụng dù công an chối phăng. Đức Anh có thể may mắn trở về nhà sau khi nhận “lời mời”, còn em Tu Ngọc Thạch - học sinh lớp 9 ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa - thì đã vĩnh viễn ra đi sau khi được công an “mời”.
Việc công an “mời” học sinh về trụ sở làm việc không có người giám hộ không phải là chuyện mới. Tuy nhiên hướng giải quyết hành vi sai phạm này chỉ mới dừng lại ở mức độ cảnh cáo, nhắc nhở và kết thúc bằng lời xin lỗi của của công an với gia đình nạn nhân là xong.
Điển hình như ngày 9/9/2009, thượng tá Nguyễn Thanh Tiền - phó công an Tp. Sóc Trăng đã trực tiếp nhận lỗi với gia đình em N.T.T, học sinh lớp 8 Trường THCS phường 1, TP Sóc Trăng vì khi nghe con trai kêu mất điện thoại đã đưa cả nhóm thanh niên chơi chung với con mình về trụ sở công an TP Sóc Trăng bằng xe Jeep để ghi lời khai, trong đó có em T. không có người giám hộ.
Tháng 2/2008, em T.T.T.T, một nữ sinh lớp 9 Trường THCS An Khánh, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự. Công an xã Phú Túc, huyện Châu Thành đưa Thủy về xã hỏi cung mà không có người giám hộ vì nghi ngờ lấy cắp điện thoại di động là tang vật vụ án. Sau đó, em Thủy có dấu hiệu rối loạn tâm lý.
Một trong các thủ thuật thường được ngành công an sử dụng để né tội trước tòa đó là sử dụng thuật ngữ “mời” thay vì thừa nhận việc “bắt người”, “tạm giữ”, “tạm giam”.
Hình thức “mời” đối với các đương sự không có khả năng phản kháng, đặc biệt là các trẻ chưa đến tuổi vị thành niên mà không có người giám hộ là một hình thức dọa dẫm, trấn áp tinh thần trẻ em cần phải bị nghiêm trị.
Bên cạnh đó, tính thiếu nghiêm minh trong các sai phạm của lực lượng hành pháp điển hình là ngành công an nên việc hỏi cung, đánh đập và giam giữ tùy tiện với trẻ vị thành niên vẫn thường xuyên diễn ra.
Ai sẽ xử công an khi có sai phạm? Câu hỏi này chắc hơi... bị khó trả lời khi Chủ tịch nước mới lên lại là cựu Bộ trưởng Bộ Công an và trong suốt thời gian ông nắm giữ vj trí đầu não của ngành tình trạng vào đồn thì sống ra đồn tắt thở đã xảy ra như cơm bữa.
05.04.2016