CSVN bao che tội ác của tập đoàn Formosa - Dân Làm Báo

CSVN bao che tội ác của tập đoàn Formosa


Đại Nghĩa (Danlambao) - Tập đoàn Formosa được nhà cầm quyền Việt Nam trải thảm đỏ mời vào đầu tư với nhiều ưu đãi. Chính quyền Hà Tĩnh đã vượt quá quyền hạn khi cho Formosa thuê đất hợp đồng 70 năm thay vì chỉ được phép ký 50 năm, nhưng chính phủ Việt Nam cũng cho qua. Ở đây tôi cần nói rõ, tập đoàn Formosa là một tập đoàn có thành tích sử dụng chất độc hại có tiếng, đã từng gây thảm họa cho nhiều nước trên thế giới, nhất là Campuchia đã có nhiều kinh nghiệm sâu đậm với tập đoàn này, vậy mà:

“Chính ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh (trước đó là Phó chủ tịch rồi chủ tịch Hà Tĩnh), là người chủ chốt trong việc ‘hết lòng mai mối’ cho tập đoàn Formosa Đài Loan có được chỗ đứng chân vững chãi tại Vũng Áng bằng mọi giá, vượt qua bất kỳ trở lực nào của đất nước, như an ninh quốc phòng…

…dự án đầy tai tiếng và có quy mô hơn chục tỷ đô từ tập đoàn Formosa Đài Loan đi dích dắc đến ông thủ tướng xong xuôi trót lọt vẻn vẹn mất 12 ngày. Không cần đếm xỉa đến những văn bản thảo vội vàng, sai be bét chính tả…

…rước Formosa vào trấn Vũng Áng một cách sai quy chế và trái với luật đầu tư dành cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam”. (Boxitvn online ngày 6-5-2016)

Nhưng “Thanh tra ‘chém’ Thủ tướng ‘che”. Ông Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo:

“Ngày 3/3-2015 sau phiên họp Chính phủ tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nên cho báo chí biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý không thay đổi thời hạn giấy phép kéo dài 70 của Formosa, mặc dù tỉnh Hà Tĩnh thực hiện sai pháp luật và Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và đề nghị xử lý kể cả điều tra hình sự. Theo Dân Trí online, tỉnh Hà Tĩnh cho biết chính Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký cho phép địa phương thực hiện việc cấp chứng nhận đầu tư thời hạn 70 năm”. (RFA online ngày 4-3-2015)

Việc tập đoàn Formosa xử lý các chất độc hóa học như thế nào thì Bộ TN&MT coi như không hay biết mà phải đợi cho đến sự việc cá chết hàng loạt mới cho kiểm tra và chờ “xào nấu sự kiện theo chỉ đạo” rồi sẽ “thông báo sau”.

“Từ đầu năm 2016, Formosa đã được chấp thuận để nhập khẩu 204 tấn với 43 loại hóa chất, đây là theo quy định. Với mục đích nhập khẩu để làm sạch mặt kim loại, hóa chất dùng để khử khuẩn, chất keo tụ xử lý nước, hóa chất ổn định…

Từ đầu năm 2016 đến nay công ty đã sử dụng khoảng 51 tấn hóa chất, còn tồn đọng trong kho 248 tấn hóa chất…

Khi đến bể xả thì Formosa có tuân thủ theo đúng các quy định về môi trường hay không, đã xử lý việc đó thế nào, Bộ TN&MT đã có đoàn kiểm tra, sau này sẽ có báo cáo Chính phủ và Chính phủ sẽ có thông báo chính thức”. (TuoiTre online ngày 5-5-2016)

Khi nhà nước CSVN chọn “nhà máy” thì phải chấp nhận “mất cá tôm”, vì trong hai chỉ chọn được một, không có lối dung hòa, thủ tướng cũng làm không được.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết:

Trong phát triển công nghiệp, với những công nghiệp như công nghiệp thép mà sử dụng công nghệ lò nấu cao, bất kỳ nhà khoa học nào cũng biết sẽ có tác động môi trường rất kinh khủng”. (RFA online ngày 10-5-2016)

Cái chết bất đắc kỳ tử của anh Lê Văn Ngày, thợ lặn của công ty Nibel và cuộc khám nghiệm mà kết quả theo “yêu cầu của công an” (?) và việc chôn cất vội vàng đầy khuất lấp. Ngoài ra sự “mất tích” của kình ngư Nguyễn Xuân Thành sau khi khám phá ra đường ống xả thải ngầm bất hợp pháp của Formosa khiến cho mọi nghi ngờ càng có cơ sở.

“Khoảng 4h30 chiều qua, khi đang ngồi chơi bất ngờ ông Ngày lên cơn co giật. Sau khi sơ cứu, mọi người chuyễn ông lên bệnh viện Ba Đồn cấp cứu. Tuy nhiên ông đã tử vong trên đường đi…

Vị đại diện nhà thầu cũng cho biết, ngoài ông Ngày còn có 5 thợ lặn khác của công ty Nibel phải đi kiểm tra sức khỏe sau khi có dấu hiệu không bình thường”. (Vietnamnet online ngày 25-4-2016)

Qua phân tích, thử nghiệm những xác cá chết ở biển miền Trung được xác nhận là do nhiễm kim loại nặng, tuy nhiên không được phép công bố vì đây là vấn đề “nhạy cảm”, đó là lệnh của thủ tướng “tạm thời” Nguyễn Xuân Phúc.

“Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám hôm 5/5 nói với báo chí Hà Nội là, các mẫu cá chết ở Bắc Trung bộ mà Bộ phân tích cho thấy cá bị nhiễm kim loại nặng.

Tuy vậy Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết không được phép công bố chi tiết, về chủng loại, thành phần cũng như số lượng kim loại nặng mà cá bị nhiễm từ nước biển.

Báo điện tử Tiền Phong trích lời Thứ trưởng Vũ Văn Tám giải thích là, Thủ tướng chỉ đạo tất cả kết quả phải được chuyễn cho Bộ TN&MT và chỉ có Bộ TN&MT là cơ quan được phép công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Được biết giới khoa học trong nước, cũng như Hội nghề cá Việt Nam thiên về giả thuyết Khu Công nghiệp Vũng Áng, trong đó có nhà máy thép Formosa đã xả thải hóa chất độc hại qua đường ống ngầm chôn dưới đáy biển và làm cá chết hàng loạt”. (RFA online ngày 6-5-2016)

Nhìn vào một Video clip, thấy hai con cá đang bơi lội tung tăng trong thau nước, nhưng:

“Cá chết sau 2 phút thả vào nước biển Vũng Áng.

Trung tâm quan trắc Môi trường của sở TN&MT Hà Tĩnh đã có mặt tại biển Vũng Áng để làm cuộc thử nghiệm thực tế sau khi nước biển tại đây tiếp tục xuất hiện màu vàng đục”. (Petrotimes online ngày 26-4-2016)

Ông Phan Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết là sẽ tiến hành thuê thợ lặn tìm hiểu vùng biển nơi ngư dân phát hiện cá chết xếp lớp dưới đáy biển.

“Ông Nguyễn Hơn, ngư dân ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch cho biết khi lặn xuống đáy biển, nơi có rạn san hô để bắt cá, thấy cá chết xếp lớp. Bên cạnh đó, rạn san hô bị phủ một lớp bùn đen kịt khác với ngày xưa. ‘Nhìn trên mặt biển thì thấy màu nước vẫn bình thường rứa đó, nhưng mà lặn xuống thì có màu vàng đục’.

“Ông Nguyễn Cần cũng ở xã Nhân Trạch, chuyên thả lưới bắt cá gần bờ cho biết, khi tấm lưới cũ của ông thả xuống đáy biển, sau đó kéo lên thì sạch bóng. ‘Lưới đánh ở vùng rạn thường rất bẩn, chỉ vài tháng là đen sì. Nhưng đợt này tui mà thả xuống, khi kéo lên lưới lại trắng tinh như mới mua. Tui nghi đáy biển có chất tẩy rửa”. (TienPhong online ngày 6-5-2016)

Phần chất tẩy rửa nhẹ trên mặt nước thì được thủy triều cuốn đi, loãng bớt, nhưng phần chì nặng thì trầm tích lại dưới đáy không biết bao giờ mới tan…

Để trấn an dư luận quần chúng, một số quan chức tổ chức tắm và ăn cá biển để quay phim, theo Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ thì:

“Theo tôi đấy chỉ là những hành động mang tính biểu tượng nhằm làm an lòng dân chứ hoàn toàn không có tính cách khoa học khi làm những chuyện đó…

Theo tôi đó là việc làm hoàn toàn không phải. Việc cần làm là phải đòi chính quyền xác định được ngay nguyên nhân vì sao cá chết? Chết vì cái gì? Và từ đâu mang lại cá chết đó? Cái đó là quan trọng nhất chứ không phải là xuống biển tắm hoặc ăn cá để mà làm dân an lòng. Tôi không đồng tình và không tin rằng cách xử sự ấy có tác dụng tốt”. (RFA online ngày 5-5-2016)

Nhà cầm quyền CSVN cố đánh lạc hướng dư luận để không tập trung vào Formosa bằng cách tung tin nghi ngờ 5 “tàu lạ” xuất hiện ở vùng biển Thừa Thiên-Huế trước khi cá chết, có nhà khoa học “quốc doanh” cho rằng bị “phá hoại”, ngoài ra còn “ngụy tạo” thủy triều đỏ để đánh lừa dư luận.

Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm thuộc Viện Hải dương học ở Nha Trang, một thành viên trong Hội đồng Chuyên gia Khoa học và Công nghệ trả lời Thanh Trúc đài RFA chiều ngày 5-5 như sau:

“Tôi xin nhắc lại vệt màu đỏ này không hẳn là thủy triều đỏ, chuyện nó hẹp lại cũng là chuyện rất bình thường…Tôi muốn nói lần nữa là cái hiện tượng dải nước màu đỏ ở Quảng Bình chưa chắc nó là thủy triều đỏ mà cái này cần phải kiểm chứng lại. Có thể nó do những vật liệu màu từ sông đổ ra, nó tạo thành những vệt có thể gọi là phù sa”. (RFA online ngày 5-5-2016)

Giáo sư Tiến sĩ Lê Đức Tố, chủ nhiệm Công trình khoa học về Công nghệ Biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội của Việt Nam cho rằng:

“Bộ TN&MT và các nhà lãnh đạo giải thích (về) hiện tượng đó là không đúng, có tính chất biện hộ.

Vì sao? Là vì người ta gắn hiện tượng này với thủy triều đỏ là không đúng với quy luật tự nhiên. Thủy triều đỏ là hiện tượng phú dưỡng do các chất dinh dưỡng ở vùng nước nào đó quá giàu làm cho vi sinh vật phát triển tạo ra vùng nước mà nhìn trên hình ảnh thì có màu đỏ và nó dồn lên một vùng nước nào đó trên bờ; và thủy triều đỏ chỉ xảy ra ở lớp nước bề mặt thôi. Còn hiện tượng này không phải thủy triều đỏ”. (RFA online ngày 10-5-2016)

Nhà cầm quyền CSVN muốn để lâu cho cứt trâu hóa bùn, cho chất độc tan hết trong nước biển, phi tang chứng cứ nhưng các nhà khoa học thì nói “Vụ cá chết: ‘Đủ bằng chứng để kết luận’? Vậy nhà cầm quyền CSVN còn chờ đợi “chỉ đạo xào nấu tin” nên chưa chịu công bố nguyên nhân cá chết ở bờ biển 4 tỉnh miền Trung, có phải chăng cố tình kéo dài để bao che tội ác của tập đoàn Formosa?

“Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tác An nói trong thảo luận trực tuyến hôm 5/5: ‘Cá chết là thảm họa môi trường, không nên để lâu nữa. Theo quan điểm của tôi, những cơ sở đấy [chứng cứ khoa học] có thể kết luận được nguyên nhân rồi.

…khoảng hôm 20 [tháng tư] những kết quả ấy đã được phân tích, được hình thành báo cáo, tôi nghĩ đã đến lúc hội đồng khoa học cấp quốc gia đánh giá và thông báo một cách khách quan…

Còn công bố kết quả khoa học này, tôi nghĩ các cơ quan chức năng không thể để muộn hơn, người ta sẽ công bố ra”. (BBC online ngày 5-5-2016)

Sau vụ cá chết ở ngoài biển đến vụ cá chết trên dòng sông Bưởi của tỉnh Thanh Hóa, vụ chết cá này đã tìm ra nguyên do xả thải của nhà máy đường Hòa Bình nên công an sớm vào cuộc lập hồ sơ truy tố. Riêng vụ cá chết do Formosa xả thải thì không thấy công an đâu mà chỉ thấy những tên miệng bịt khẩu trang giả dạng côn đồ để đàn áp người dân đi biểu tình chống Tập đoàn Formosa. Ông Chu Xuân Phàm, trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội trả lời báo điện tử Tuổi Trẻ cũng đã nhận “có ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường”. Ông này liền bị cho nghĩ việc và đưa về Đài Loan để tránh lôi thôi trong việc điều tra nguyên do làm chết cá, đây là một nhân chứng quan trọng cần được hỏi thăm việc Formosa đã sử dụng 51 tấn hóa học như thế nào, thế mà công an đã lờ đi vì “nhạy cảm” chăng? Ông Phàm đã nói:

“Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên…

Nếu xả thải đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm”. (TuoiTre online ngày 25-4-2016)

Một việc làm ám muội mà nhà cầm quyền CSVN đang rắp tâm che dấu sự thật…

“Sáng 7-5, đoàn cán bộ của Trung tâm Điều tra tài nguyên-môi trường biển (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cùng nhóm thợ lặn ở Nha Trang đã phối hợp với Sở TN&MT Quảng Bình thực hiện khảo sát, tìm kiếm trên vùng biển cách cửa sông Nhật Lệ (TP Đồng Hới) khoảng 3 hải lý…

Khi phát hiện thuyền chở phóng viên xuất hiện gần đó, đoàn đã yêu cầu thuyền của phóng viên quay vào bờ để cho họ khảo sát. Trước đó, Sở TN&MT Quảng Bình nhận được thông tin ngư dân xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch đi thả lưới ngoài biển, lúc kéo lên lưới trắng sạch… như giặt”. (ThanhNiên online ngày 7-5-2016)

Theo Nhà báo Thanh Ngọc của báo điện tử Petrotimes nhận định là:

“Với những thông tin được các cơ quan chức năng công bố thì việc cho rằng Formosa là ‘nghi can tiêm năng’ dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở khu vực biển miền Trung là hoàn toàn có cơ sở…

Với những thông tin như trên và căn cứ theo tài liệu thu thập được, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân cá chết ở vùng biển miền Trung do chất ô nhiễm hữu cơ được thải ra từ bờ là có cơ sở nhất và ‘nghi can tiềm năng’ ở đây chính là Formosa”. (Petrotimes online ngày 29-4-2016)

Nhà cầm quyền cộng sản chọn nhà máy hay chọn cá tôm?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo