Sao Biển và Nhện: Sức mạnh vô đối của tổ chức không có lãnh đạo - Dân Làm Báo

Sao Biển và Nhện: Sức mạnh vô đối của tổ chức không có lãnh đạo

Thánh Ca Tự Do - ...Khi những viên tướng công an lên kế hoạch trấn áp cuộc biểu tình, phản xạ tự nhiên của họ sẽ hỏi “Những ai là người có khả năng lãnh đạo?”, và giải pháp là cử công an, an ninh, côn đồ... đến giam lỏng họ tại nhà. Vậy mọi việc sẽ thế nào nếu không có ai lãnh đạo?...

*

Liệu người biểu tình có thể chiến thắng sức mạnh trấn áp và ưu thế gần như tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam?

Câu trả lời đơn giản là: tổ chức, tổ chức và tổ chức.

Khi những đảng viên cộng sản thâu tóm tất cả mọi quyền lực trong xã hội và tổ chức bộ máy công an dày đặc đến từng phường, xã, tổ dân phố, sẵn sàng trấn áp, khủng bố, tự ý bắt giam, tra tấn và tù đày những cá nhân bất đồng chính kiến... họ nghĩ rằng sẽ không có một cá nhân nào có thể thách thức hay chống lại sức mạnh độc tài của họ.

Khi những đảng viên cộng sản giam lỏng những người biểu tình tại nhà của họ, xua lực lượng đông đảo công an, dân phòng, thanh niên xung phong, an ninh, mật vụ... ngăn cản, chà đạp, đánh đập, bắt giam những người biểu tình ôn hòa tại Sài gòn và Hà Nội... họ và những kẻ tay sai đó tin rằng không có một tổ chức nào có thể lật đổ họ.

Thế nhưng có một tổ chức có thể chống lại và chiến thắng sức mạnh độc tài đó. Giải pháp vẫn thường được dùng để hủy diệt các tổ chức đối lập là triệt hạ những nhà lãnh đạo của nó không còn tác dụng. Một con nhện sẽ chết khi nó bị chặt đầu, nhưng con sao biển, cắt nó làm đôi mỗi nửa đó sẽ phát triển thành hai con sao biển, tiếp tục cắt đôi, chúng phát triển thành bốn con sao biển, và cứ như vậy... Càng phá hủy, tổ chức “con sao biển” càng phát triển mạnh mẽ cho đến khi sức mạnh của nó sẽ nhấn chìm kẻ bạo quyền. Tổ chức đó gọi là tổ chức phi tập trung, phân tán hay tổ chức không có lãnh đạo.

Đây là tổ chức sẽ nhấn chìm cộng sản Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên về một tổ chức như vậy thoạt nghe có vẻ nguyên thủy và lộn xộn. Nhưng đó chính là cách mà một bộ máy phức tạp nhất hành tinh, bộ não con người, được tổ chức. Sau nhiều thập kỷ tìm kiếm và thử nghiệm, các nhà khoa học về thần kinh, đã phát hiện ra rằng trí nhớ con người không nằm trong một sắp xếp có tổ chức thứ bậc, mà trái lại nó phân tán khắp bộ não. Không thể xóa bỏ một phần ký ức của một người bằng cách định vị vị trí của nơi lưu giữ ký ức đó và phá hủy nó. Đó là lý do tại sao các bác sỹ tâm thần đã thất bại trong việc tìm cách xóa bỏ ký ức của các bệnh nhân bằng các liệu pháp chích điện, các điều tra viên thất bại trong mọi nỗ lực xóa bỏ ký ức của tù nhân.

Khi những viên tướng công an lên kế hoạch trấn áp cuộc biểu tình, phản xạ tự nhiên của họ sẽ hỏi “Những ai là người có khả năng lãnh đạo?”, và giải pháp là cử công an, an ninh, côn đồ... đến giam lỏng họ tại nhà.

Vậy mọi việc sẽ thế nào nếu không có ai lãnh đạo? Câu hỏi này đem chúng ta trở lại gần năm thế kỷ trước, vào năm 1519, đến vùng đất ngày nay gọi là Mexico City, lúc đó một trong những nhà thám hiểm nổi tiếng nhất mọi thời đại, huyền thoại Hernando Cortes, đưa mắt nhắm nhìn thủ đô Aztec lần đầu tiên.

Nhà thám hiểm đã ngạc nhiên bởi con đường rộng thênh thang dẫn tới thủ phủ, lúc đó gọi là Tenochtitlan, cũng như hệ thống mương cấp nước phức tạp, vẻ đẹp của những ngôi đền và các kim tự tháp dốc gần thẳng đứng.

Cortes đã tưởng sẽ nhìn thấy một bộ lạc thời dã man, thay vào đó ông ta bắt gặp nền văn minh với hơn 15 triệu dân, có ngôn ngữ riêng, có niên lịch, và có một chính phủ trung ương. “Thành phố”, ông ta ngạc nhiên, “lớn như là Seville hay Cordoba”, và chợ “có hơn 60,000 người buôn bán tất cả các mặt hàng có thể tìm thấy trong những vùng đất xung quanh”.

Nhưng Cortes không đến Tenochtitlan để ngắm cảnh, ông ta đến đó để giàu có. Và cách để giàu có thời đó là chạm tay của bạn vào vàng. Do vậy một trong những việc đầu tiên Cortes làm là nói chuyện với người lãnh đạo của Aztec, Montezuma II. Ông ta đi vào dinh thự to lớn của Montezuma, sức chứa của nó đủ cho toàn bộ quân đội Tây Ban Nha của Cortes. Cuộc đàm thoại của ông ta có thể tóm tắt lại như sau: “Đưa cho tôi toàn bộ số vàng ông có, hoặc tôi sẽ giết ông.”

Montezuma đã không biết phải làm gì với nhà thám hiểm. Ông ta chưa bao giờ gặp ai như Cortes trước đó, và nghĩ rằng Cortes là thần linh, Montezuma nhượng bộ và giao nộp toàn bộ số vàng của mình.

Nhưng cũng như chưa một ai bao giờ gọi Cortes là một du khách, chưa một ai gọi ông ta là người có chữ tín. Bất chấp lời hứa, Cortes giết chết Montezuma. Hỗn loạn xảy ra. Cortes và quân đội của ông ta bao vây Technotitlan. Họ chặn mọi con đường đưa lương thực vào thành phố, họ cắt đường mương cấp nước. Trong vòng 80 ngày, 240,000 người dân thành phố chết vì đói.

Đến năm 1521, tức là chỉ hai năm sau khi Cortes lần đâu tiên nhìn thấy Technotitlan, toàn bộ đế quốc Aztec, mà nền văn minh của nó bắt đầu hàng trăm năm trước công nguyên, sụp đổ. Không phải chỉ mình Aztec, định mệnh tương tự rơi xuống người Inca. Quân đội Tây Ban Nha, dưới sự chỉ huy của Francisco Pizzaro, bắt giam nhà lãnh đạo Atahuallpa vào năm 1532. Một năm sau, với tất cả vàng của Inca trong tay, người Tây Ban Nha hành quyết Atahuallpa. Một lần nữa sự hủy diệt toàn bộ xã hội chỉ mất hai năm.

Những sự kiện phi thường cuối cùng đã mang lại cho người Tây Ban Nha quyền kiểm soát phần lớn lục địa. Đến những năm 1680, sức mạnh của người Tây Ban Nha có vẻ như không thể ngăn cản được. Với những làn gió chiến thắng thổi sau lưng, họ tiến lên phía bắc và bắt gặp bộ lạc người Apache. Sự gặp gỡ này, liên hệ chặt chẽ với tổ chức sẽ nhấn chìm cộng sản Việt Nam. Tại sao? Bởi vì người Tây Ban Nha đã thua.

Họ đã thua trận bởi những người thoạt nhìn rất nguyên thủy. Không giống người Aztec và người Inca, những người Apache đã không xây được thậm chí một cái kim tự tháp, không lát đá được dù chỉ một con đường, thậm chí không có được một cái gọi là thị trấn. Nhưng đối với hai nhà chinh phục Cortes và Pizzaro, còn quan trọng hơn cả kim tự tháp hay đại lộ lớn, là người Apache cũng chẳng có vàng. Do đó thay vì cướp bóc, người Tây Ban Nha quyết định biến những người này thành những nông dân bằng cách ép buộc họ vào cuộc sống tá điền. Một số người Apache đã bắt tay cầm cào và cuốc, nhưng đại đa số phản kháng lại. Không chỉ phản kháng, họ tích cực đánh trả lại, tấn công bất thình lình mọi thứ trong tầm mắt mà ở xa người Tây Ban Nha.

Bạn sẽ nghĩ rằng đánh lại một quân đội như người Tây Ban Nha ư? Người Apache sẽ không có bất cứ cơ hội nào. Nhưng thực tế đã không vậy. Đến cuối thế kỷ 17, người Tây Ban Nha đã đánh mất sự kiểm soát ở phía bắc Sonora và Chihuahua vào tay người Apache. Người Apache đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát của Bắc Mexico – mà vốn dĩ họ chưa bao giờ có ý định đó. Hơn thế, đây không phải là một chiến thắng bất chợt. Người Apache đã tiếp tục cầm chân người Tây Ban Nha trong hai thế kỷ tiếp theo.

Không phải là vì người Apache có một vũ khí bí mật mà người Aztec và người Inca không biết. Cũng chẳng phải vì người Tây Ban Nha đã đánh mất sức mạnh của họ. Toàn bộ câu chuyện người Apache đánh bại người Tây Ban Nha nằm ở cách người Apache tổ chức xã hội của họ.

Sự khác biệt của giữa người Apache và các bộ lạc khác ở chỗ người Apache đã phân tán quyền lực chính trị và có rất ít sự lãnh đạo trung ương. Người Apache đứng vững bởi vì họ được tổ chức phi tập trung.

Để hiểu rõ hơn điều này, hãy xem xét hai hệ thống tổ chức đối nghịch này: trung ương và phi tập trung hay phân tán. Tổ chức trung ương rất dễ hiểu. Tưởng tượng bất kỳ công ty lớn hay tổ chức chính phủ nào. Có một người lãnh đạo rất rõ ràng chịu trách nhiệm, có nơi ra quyết định như văn phòng công ty hay tòa thị chính. Đây là tổ chức có tính cưỡng bách. Khi CEO đuổi việc bạn, bạn mất việc. Khi Cortes ra lệnh hành quân, quân đội hành quân. Người Tây Ban Nha, người Aztec, người Inca tất cả được tổ chức trung ương. Tổ chức trung ương không hẳn là xấu. Khi bạn có sức mạnh ưu thế tuyệt đối, bạn thích đối đầu với các tổ chức trung ương khác. Cộng sản Việt Nam hẳn thích thú trấn áp các cuộc biểu tình được tổ chức từ trung ương.

Tổ chức phân tán hơi khó hiểu hơn một chút. Trong tổ chức phân tán không có lãnh đạo rõ ràng, không có tầng nấc, không có trụ sở đầu não. Và nếu khi có một lãnh đạo nổi lên, người này có rất ít quyển hạn đối với những người khác. Cách tốt nhất một người có thể làm để ảnh hưởng đến người khác là lãnh đạo bằng các làm gương. Có thể gọi đây là hệ thống mở do mỗi người được tin tưởng để tự ra quyết định cho chính mình. Điều này không có nghĩa rằng tổ chức phân tán là kiểu vô chính phủ. Vẫn có những luật lệ và qui tắc, nhưng không được áp đặt bởi bất cứ một người nào. Hơn nữa, quyền lực được phân tán giữa tất cả mọi người trải rộng suốt các miền địa lý. Về cơ bản, không có Technotitlan, không có Montezuma.

Trong khi mọi con mắt hướng về cuộc biểu tình ở Sàigòn, thì tại Vinh cuộc biểu tình nổ ra tại giáo sứ Song Ngọc, hàng trăm người dân đã vào tận bên trong trụ sở Ủy ban nhân dân để biểu thị chính kiến. Tại Vũng Tàu, Huế, Đà Nẵng... biểu tình nỗ ra với những nhóm nhỏ, thậm chí cả cá nhân đã biểu tình để biểu thị chính kiến. Vâng, đó chính là cách tổ chức của người Apache.

Câu hỏi bạn đặt ra: không có Montezuma, làm thế nào để lãnh đạo? Thay vì một lãnh đạo, người Apache có Nant’an - là tên chung chỉ người lãnh đạo văn hóa và tinh thần. Nant’an lãnh đạo bằng cách làm gương và không nắm quyền lực áp đặt lên người khác. Những thành viên bộ lạc đi theo Nant’an không phải bởi vì họ phải làm mà là vì họ muốn. Một trong những Nant’an nổi tiếng nhất lịch sử là Geronimo, người đã bảo vệ nhân dân của mình chống lại những lực lượng của người Mỹ trong nhiều thập kỷ. Geronimo không bao giờ chỉ huy quân đội. Hơn thế, ông bắt đầu tự mình chiến đấu, và tất cả mọi người xung quanh ông dần tham gia vào. Ý tưởng đơn giản chỉ là, “Nếu Geronimo bắt đầu cầm vũ khí, có thể đó là ý hay. Geronimo đã đúng trong quá khứ, do đó cầm súng chiến đấu bên cạnh ông cũng có lý”. Bạn muốn theo Geronimo, bạn theo ông. Bạn không muốn theo Geronimo? Bạn ở nhà. Quyền lực nằm ở cá nhân - bạn tự do làm điều gì bạn thích. Cụm từ “bạn nên” thậm chí còn không tồn tại trong ngôn ngữ của người Apache.

Nant’an là cốt yếu cho sự thành công của các hệ thống mở như vậy. Nhưng tổ chức phân tán tác động nhiều hơn, không đơn giản chỉ là sự lãnh đạo. Không có thủ đô, không có chỉ huy trung ương, những quyết định của người Apache được đưa ra khắp mọi nơi. Ý định đột kích vào trại của người Tây Ban Nha có thể nảy ra tại một nơi, được tổ chức ở một nơi khác, và được tiến hành ở một nơi khác nữa. Bạn không bao giờ biết được người Apache sẽ đến từ đâu.

Công an sẽ không bao giờ biết các cuộc biểu tình sẽ diễn ra ở đâu, đến từ đâu. Vị tướng công an kia sẽ không biết cần phải gửi quân lính của ông ta tới chặn cửa nhà của ai.

Hiểu theo một cách, không có một nơi nào để đưa ra một quyết định quan trọng, hoặc hiểu theo cách khác việc những quyết định quan trọng được đưa ra bởi tất cả mọi người, mọi nơi.

Thoạt nhìn, người Apache có vẻ có lỏng lẻo và thiếu tổ chức. Nhưng trên thực tế họ đã có một tổ chức xã hội phức tạp và tiên tiến. Đặc điểm của xã hội phân tán là sự linh động, sự chia sẻ quyền lực, sự mơ hồ mà đã giúp người Apache miễn nhiễm với những đòn tấn công có sức mạnh phá hủy các xã hội được tổ chức tập trung.

Hãy xem những gì sẽ diễn ra khi một tổ chức tập trung tấn công một tổ chức mở. Người Tây Ban Nha tuân theo chiến thuật đã giúp họ chiến thắng trong quá khứ (chiến thuật lấy vàng và giết chết người lãnh đạo), và bắt đầu triệt hạ các Nant’an. Nhưng ngay khi họ giết chết một Nant’an, một Nant’an khác sẽ nổi lên. Chiến thuật bị vô hiệu hóa bởi vì không có một ai là nhân tố sống còn cho sự lớn mạnh tổng thể của xã hội người Apache.

Người Apache không chỉ đã trụ vững trước sự tấn công của người Apache, kỳ lạ hơn, những đòn tấn công đó lại giúp họ phát triển mạnh mẽ hơn. Khi người Tây Ban Nha tấn công họ, họ lại càng trở nên phân tán hơn. Khi người Tây Ban Nha phá hủy làng mạc của họ, người Apache có thể đã đầu hàng nếu như làng mạc là sống còn đối với xã hội của họ. Nhưng họ đã không đầu hàng. Thay vào đó, họ từ bỏ làng mạc và trở thành du mục. (Hãy thử bắt họ xem)

Đây là nguyên tắc đầu tiên của tổ chức phân tán: khi bị tấn công, tổ chức phân tán càng trở nên mạnh hơn, bởi vì nó càng mở hơn và càng phân tán hơn.

Khi chính quyền cộng sản Việt Nam trấn áp các cuộc biểu tình ở Sàigòn, các cuộc biểu tình đã phân tán ra nhiều khu vực xung quanh, nhiều tầng lớp tham gia hơn. Chính điều đó đã làm họ lúng túng đối phó hơn. Và đó là dấu hiệu bắt đầu của sự thất bại. Khi các cuốc biểu tình được tổ chức phân tán, diễu hành khắp mọi nơi trong thành phố, bất kỳ ngày nào trong tuần, từ bất cứ nhóm nào, nó trở thành những tấm gương có sức lan tỏa, tạo ra ngày càng nhiều các Nant’an biểu tình. Và lúc đó sẽ là hồi chuông gióng lên cho sự sụp đổ của chính quyền cộng sản tại Việt Nam.

Càng bị tấn công, tổ chức phân tán càng lớn mạnh. Tổ chức phân tán sẽ nhấn chìm cộng sản Việt Nam.

Đọc thêm:





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo