Quỳnh Thi (Danlambao) - Chuyến công du lịch sử của Tổng thống Barack Obama ngày 22-5- 2016 tại Việt Nam đã gây nên một tiếng vang xôn xao dư luận người Việt trong và ngoài nước. Đa số đều ca ngợi và nói đến chuyến đi rất thành công, dư luận quốc tế nhận xét cho đây là cái đích cuộc xoay trục 90 độ của Mỹ hướng về châu Á Thái Bình Dương hiện tại và trong tương lai, mà biển Đông Việt Nam nằm ở một vị trí trung tâm giữa sự giao dịch chiến lược quân sự quan trọng bậc nhất của Đông Nam Á và Á châu. Sự ưu đãi của thiên nhiên về một bờ biển dài bao gồm các hải cảng quan trọng như Hải Phòng, Đà Nẵng và nhất là Vịnh Cam Ranh có một địa thế chiến lược quân sự, mà hầu hết các cường quốc Nga, Mỹ và Trung quốc thèm muốn, để được lập căn cứ quân sự chiến lược phòng khi chiến tranh xảy ra.
Ai cũng biết Việt Nam dưới sự thống trị của đảng CSVN hiện tại là một nước đồng minh thân thiết của Trung cộng, mặc dù năm 1979 Tàu cộng đã tấn công và dạy cho Việt Nam một bài học quân sự đích đáng. Theo như nhận định của phía Trung cộng, thì Việt Nam đã phản bội lại nước anh em "môi hở răng lạnh" đã tận tình giúp đỡ Việt Nam về đủ mọi phương diện quân sự và kinh tế để chiến thắng "đế quốc Mỹ xâm lược" vào năm 1975, nhưng Việt Nam đã không chịu nghe lời quan thầy dám đem quân xâm lăng nước đàn em của Trung cộng là Campuchia.
Việc dạy cho Việt Nam một bài học không ngoài việc cổ xúy và đồng tình cho lệnh cấm vận của nước Hoa Kỳ về kinh tế và quân sự đối với Việt Nam sau một cuộc chiến tranh dai dẳng không dành được thắng lợi của Mỹ. Cho đến khi lệnh cấm vận được hủy bỏ từng phần sau khi Tổng thống Bill Clinton tới thăm Việt Nam 1995 để thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường giữa hai quốc gia.
Để đi đến kết quả được Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường, phía Cộng sản Việt Nam đã phải chịu HẦU HẾT những nhượng bộ quan trọng về chủ thuyết làm biến cải bộ mặt cộng sản toàn trị. Nghĩa là hình thức thì là chế độ CSVN, nhưng thực tế Việt Nam phải cải cách theo hướng Kinh tế thị trường tự do. Nền kinh tế chủ yếu như ngân hàng, nội ngoại thương, xuất nhập cảng phải chuyển sang kinh tế thị trường để tư nhân nắm giữ, nghĩa là phải tư nhân hóa dần dần từ kinh tế hoạch định quốc doanh do nhà nước quản lý chuyên chính nắm giữ. Cùng lúc Thị trường Chứng khoán được thiết lập, tư hữu hóa cổ phần các doanh nghiệp để bán cho công nhân. v.v... Nghĩa là phần hồn chế độ Cộng sản đã bị thay đổi hay triệt tiêu.
Bây giờ kinh tế không còn là của chế độ Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam “ngăn sông cấm chợ” mà đã trở thành một nước theo Thị trường Tự do. Lệnh cấm vận kinh tế đã được phía Mỹ gỡ bỏ và Việt Nam đã có một nền ngoại thương và đầu tư với hầu hết các nước trên thế giới. Tuy về chính trị người ta thấy đảng CSVN cố sức dựa vào Bắc Kinh để đeo bám, hầu duy trì sinh mệnh của chế độ độc tài do một số người vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm, chưa muốn từ bỏ. Một số đảng viên trong Bộ Chính Trị cầm đầu, cam tâm cấu kết với Bắc Kinh để dâng đất ở biên giới và biển Đông cho Tàu. Họ cũng bất chấp nguyện vọng của toàn dân là muốn được tự do dân chủ để phát triển đất nước để chống lại sự bành trướng xâm lăng của Tàu cộng. Nhất là những ngày gần đây, kể từ đầu tháng Tư, dọc bờ biển miền Trung Việt Nam từ Hà Tĩnh tới bình Trị Thiên, cá biển chết vì nhiễm độc cho đến nay. Do nguyên nhân chủ yếu nào gây nên? Do nhà máy Furmosa thải ra chất độc, hay do một nguyên nhân nào khác, một nước khác chủ mưu đầu độc? Chính quyền do đảng cộng sản vì hèn nhát, không muốn làm rõ, để tố cáo trước nhân dân và dư luận thế giới. Trước tình thế ấy, người dân trong nước đang đón chờ cuộc đi thăm của tổng thống Obama để làm dịu đi tình hình căng thẳng ở biển Đông do phía Trung Cộng gây nên.
Chuyến công du của Tổng thống Obama về hình thức và nội dung đã được chuẩn bị chu đáo từ những tháng vừa qua bởi hai Bộ Ngoại giao Mỹ và Việt Nam. Ông Orville Schell, Giám đốc cơ quan Arthur Ross cho rằng, chỉ riêng biện pháp tách Việt Nam ra khỏi Trung cộng cũng đủ làm nước này bối rối. Và nói thêm “Nếu khôn ngoan Trung cộng nên tìm cách hạ nhiệt, đừng làm căng thẳng thêm ở biển Đông để tránh đối đầu với Hạm đội 7 của Hoa Kỳ ở Thái bình dương.”
Nhưng cốt lõi của cuộc viếng thăm của Obama là việc gỡ bỏ toàn phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tổng thống Obama cho biết Hoa Kỳ chấm dứt dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương và cung cấp cho VN mọi vũ khí cần thiết cho việc bảo vệ lãnh thổ và biển Đông. Yếu tố quan trọng nữa là giúp VN gia nhập vào TPP (Trans- Pacific Partnership) Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một văn bản ký kết Hiệp định thị trường chung mà cả VN lẫn các nước Châu Á Thái Bình Dương đều muốn tham dự, để VN phát triển nhiều hơn về kinh tế. Hoa Kỳ cũng muốn thiết lập các cơ sở sản xuất làm ra những sản phẩm để giao lưu vào thị trường tiêu thụ được giảm thuế ở Mỹ. TPP còn là một đòn kinh tế đối với hàng hóa cạnh tranh của Trung Cộng. Đồng thời yêu cầu CSVN phải tôn trọng nhân quyền đối với những người bất đồng về dị biệt chính trị vẫn đang bị cầm tù. Trong bài diễn văn đọc sau khi máy bay chở ông Obama hạ cánh xuống phi trường Nội Bài, không hề thấy nhắc đến biển Đông và cũng không ai nghe ông nói gì về việc Trung cộng đang nắm giữ hai đảo Trường sa và Hoàng Sa của VN.
Chiếc Air Force One hạ cánh vào tối Chủ Nhật ngày 22- 5- 2016. Chủ yếu của cuộc viếng thăm VN lần này để nhấn mạnh đến việc chuyển hướng của Hoa Kỳ về khu vực Châu Á Thái bình Dương để giúp các nước châu Á và Đông Nam Á đối phó với sự bành trướng của Trung cộng là chính. Tổng thống Obama đến VN để kiện toàn chiến lược đó, và có một tiếng nói cương quyết duy trì sức mạnh của Mỹ để cân bằng sự hiện diện quân sự hùng hậu của Trung cộng gây căng thẳng ở Biển Đông. Sau khi đọc xong bài diễn văn vào lúc 12h 40, các viên chức Việt Mỹ đã ký kết những văn bản về thương vụ trong đó có Tập đoàn General Electric, Tổng giám đốc Boeing Ray Conner và bà Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo ký một hợp đồng mua 100 chiếc phi cơ Boeing 737, trị giá khoảng 11.3 tỷ USA, trong vòng 5 năm, kể từ 2019 tới năm 2023. Cũng cần nên biết thêm, phi trường Nội Bài sẽ mở rộng gấp rưỡi với kinh phí hơn 5 tỷ USD trong những năm sắp tới do các nhà thầu chủ yếu của Mỹ đảm nhận.
Chủ Tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã thiết đãi bữa quốc yến để tiếp đãi tổng thống Barack Obama và ông đã phát biểu trong bài diễn văn chào mừng: “Sau một mùa Đông rét mướt, mùa xuân đã ấm áp trở lại!” Tổng thống Obama đã nói trong phần đáp từ, “Xin cám ơn” bằng tiếng Việt Nam. Ông còn nói với các thính giả có mặt “Tôi mong chờ có cơ hội nói chuyện với người VN. Và có thể tôi sẽ thích ly cà phê sữa đá.” Cuối bài phát biểu, ông nói “Hy vọng khi về hưu ông có thể cùng gia đình trở lại thăm VN.”
Trong chuyến viếng thăm VN ngoài chiếc Air Force One dành riêng cho tổng thống còn có 3 chiếc Boeing chở hơn 800 nhân viên và các chuyên gia kinh tế của các tập đoàn kinh tế, an ninh phục vụ tháp tùng, trong đó bao gồm cả một máy bay trực thăng và 3 chiếc limousine dành riêng cho tổng thống cũng được mang theo. Điều đó cho thấy rằng, tất cả mọi nhu cầu sinh hoạt từ ăn uống xe cộ đi lại đến vũ khí để bảo vệ tổng thống, đều được mang sang từ Hoa Kỳ chỉ trừ bữa quốc yến là do chủ tịch Nguyễn Đại Quang khoản đãi là của Việt Nam!
Cuộc viếng thăm của Tổng thống Obama ở một nước cựu thù hơn 41 năm trước đã được nhân dân Việt Nam chào đón một cách nồng nhiệt. Ở khắp nơi, mỗi khi ông ghé thăm, nhiều tầng lớp dân chúng đã chen lấn nhau để được đến gần, để được bắt tay tỏ tình thân ái, vì sự giàu sang và lòng nhân ái của nước Mỹ đối với những người tỵ nạn Việt Nam 41 năm trước đã được dân chúng Mỹ mở rộng vòng tay nhân ái để đón thân nhân của họ, khi chân ướt chân ráo mới đặt chân lên nước Mỹ. Sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của Hoa Kỳ sau chiến tranh đã làm cho dân tộc Việt Nam bớt đi phần nào nỗi khổ đau vì chiến cuộc do hai bên gây ra. Hoa Kỳ cũng đã mở ra một hướng đi mới về tự do dân chủ và nhân quyền cho những nước chậm tiến và nghèo nàn như Miến Điện, và các nước Đông Nam Á noi theo.
Những người trẻ tuổi ở Việt Nam ngày nay đã tiến bộ hơn, nhờ có cách mạng internet đã phần nào trưởng thành và ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh của dân tộc, trong tương lai hướng đi của dân tộc mình phải là tiến bước trên con đường tự do và dân chủ để kiến tạo một đất nước phồn vinh, như thế mới mong bảo vệ được đất nước thoát khỏi tay kẻ thù xâm lược.
Trong dịp gặp gỡ giới lãnh đạo trẻ Việt Nam ở Sài Gòn, TT Obama đã hòa đồng khi nói chuyện với họ, và đã yêu cầu những người trẻ hát nhạc Rap và ông đã nghe những tiếng hát và tâm sự của họ. Ở Hà Nội và Sài Gòn, đi đến đâu ông cũng được dân chúng niềm nở đón chào không như sự thờ ơ mà dân chúng đã dành cho giới lãnh đạo của họ. Lịch sử đã bước sang một trang mới, nếu nhà cầm quyền CSVN biết nhân thời cơ đón nhận, bằng chứng là cuộc chào đón nồng nhiệt mà dân chúng đã dành cho nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Trong khi đi thăm Sài Gòn tổng thống Obama đã được hướng dẫn đi thăm một ngôi chùa cổ ở vùng Dakao, ngôi chùa có tên là Ngọc Hoàng (Jade Pagoda), còn có tên khác là chùa Phước Hải. Không rõ cuộc viếng thăm chùa Ngọc Hoàng của tổng thống lần này, đây là sáng kiến của nhân viên sứ quán Mỹ ở Sài Gòn hay sáng kiến cho cuộc viếng thăm của Ban Văn Hóa thành ủy TP. HCM. Vì ngôi chùa này không phải thuần túy là một cơ sở của Phật giáo Việt Nam, nó chỉ là một ngôi đền để thờ tự, cúng quảy của người Hoa để cầu phước thì đúng nghĩa hơn (và nó cũng có thể hiểu đượm màu sắc mê tín dị đoan?) Chả thế mà khi tổng thống được hướng dẫn đến để thắp nhang lễ Phật, vị trụ trì hỏi: “Tổng thống có muốn cầu để được sinh con trai hay không?” Và tổng thống đã trả lời ngay, không cần suy nghĩ. “ Tôi không thích con trai, chỉ thích con gái!” Ngôi đền cũng không nằm trong danh sách danh lam thắng cảnh nổi tiếng quốc gia như những ngôi chùa khác, như chùa Một Cột, chùa Hương, và nhiều chùa chiền khác ở miền Bắc. Lại cũng không phải là chùa Thiên Mụ, Thiên Trù, Linh Sơn, Từ Đàm miền Trung hay những ngôi chùa khác như Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi, chùa Việt Nam Quốc Tự ở Sài Gòn, được mọi người biết đến của đất nước.
Người ta đặt câu hỏi, tại sao Tòa Đại sứ Mỹ không hướng dẫn ngài tổng thống đến Thanh Minh Thiền Viện, nơi Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ đương kim Tăng Thống của Giáo hội Việt Nam Thống Nhất đang trụ trì ở đó? Vì Thanh Minh Thiền Viện không những là một ngôi chùa nổi tiếng mà còn là nơi giam giữ vị Cao Tăng rất mực tôn kính của Phật Giáo Việt Nam, đang bị mất quyền tự do hành đạo? Hỏi tức là trả lời thay cho nhà cầm quyền CSVN rồi vậy.
Bài diễn văn của Tổng thống Obama đọc hôm đến VN đã được nhiều người nghe và đã được đánh giá rất cao, vì ông Obama đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về văn hóa, phong tục VN, lễ nghi tôn giáo và cách sống của người Việt trong bài phát biểu.
*
Thiết nghĩ việc viếng thăm VN để giải tỏa toàn bộ cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì nhu cầu của ông Obama và quyền lợi của nước Mỹ đối với Trung cộng nhiều hơn là quyền lợi muốn mang tự do dân chủ và nhân quyền đến cho dân tộc Việt Nam. Vì tiếng kêu của người tù lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và những tù nhân lương tâm khác vẫn còn đang gầm thét ngày đêm, không được bạo quyền CSVN đoái hoài để được hưởng chút tự do khi mà nhà lãnh đạo dân chủ tự do hàng đầu trên thế giới đang viếng thăm Việt Nam và đang lên tiếng bênh vực cho lý tưởng của họ, hình như ông Obama không nghe thấy!
Những nhà đấu tranh có tâm huyết với đất nước, trước sau gì cũng đi tới con đường tù tội mà ai cũng biết. Nhưng những bất khuất và lẽ phải, vì tự do dân chủ là phương châm và là quyền lợi tối cao của quốc gia dân tộc, không phải tự dưng mà có phải kiên quyết đấu tranh bền bỉ lâu dài và phải trả bằng máu mới có được. Ở thời nào cũng vậy, tiền tài vinh hoa phú quí, vợ đẹp con khôn là một miếng mồi ngon luôn được các chế độ độc tài mang ra để mua chuộc, dụ dỗ những người đấu tranh. Trong những năm vừa qua không ít người đấu tranh, có hoài bão cho tự do dân chủ đất nước cũng đã bị CSVN ép buộc để rời khỏi đất nước như Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần... làm yếu đi một lực lượng vốn dĩ đã chưa vững mạnh. Đó là một mất mát lớn cho phong trào đấu tranh trong nước. Trường hợp anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng đang rơi vào một ưu tư đáng lo lắng. Hy vọng rằng quyết tâm của anh sẽ vượt qua sóng gió và chúng tôi tha thiết mong muốn tổng thống Obama sẽ lưu tâm đến vấn nạn xuất huyết của lực lượng những nhà đấu tranh cho đất nước chúng tôi, sau cuộc viếng thăm đầy khích lệ này.
Sự thành công của cuộc viếng thăm của Tổng thống Obama hết sức có ý nghĩa, khi Hoa Kỳ đã kéo Việt Nam ra khỏi tay Trung cộng về phía mình. Trong khi bọn họ đang là những người bạn chí cốt thân thiết của nhau, gọi nhau là đồng chí. Sự ngỡ ngàng của Trung cộng đối với VN, rồi đây, mong sao VN thoát ra khỏi quỹ đạo của sự xảo quyệt và bất nhân của tên bá quyền cướp nước trong một thời đại chia xẻ quyền lợi của các nước lớn.
Kể từ sau khi Tổng thống Clinton đến thăm thiết lập bang giao với nước cựu thù, cho đến bây giờ là Tổng thống Obama sắp hết nhiệm kỳ sang thăm, kinh tế của Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi, mỗi ngày chế độ độc tài thêm vững mạnh. Bằng chứng là các quan chức từ cấp quận huyện tới trung ương đã trở nên giàu có gấp bội do sự hà hơi tiếp sức của việc bỏ cấm vận kinh tế, của tham nhũng từ dưới lên trên, tha hồ vơ vét ruộng đất, tiền triệu tiền tỷ đô la của dân để gửi ra nước ngoài. Rất nhiều thương nhân và cán bộ, vợ con của họ đã có chiếu khán nhập cảnh ở Hoa Kỳ và các nước tự do khác trên thế giới. Họ đã ăn cướp và rửa tiền hợp pháp. Chỉ cần họ có nửa triệu USD thì đã trở thành thường trú nhân của Mỹ. Điều này chính quyền và Bộ Ngoại Giao của Tổng thống Obama rõ hơn ai hết. Theo thống kê năm 2015 có đến hơn 15 ngàn hồ sơ xin nhập cảnh đầu tư của VN vào làm ăn ở Mỹ. Chúng ta đã thấy những chiếc xe sang trọng mắc tiền Rolls Royce của Việt kiều "vượt biên chính thức" chạy trên Đại lộ Sài Gòn (Bellaire Blv) ở Houston mà những người tỵ nạn hồi năm 75 nằm mơ cũng không bao giờ có.
Thực tế thì chế độ cộng sản ở VN không còn theo sự lượng định và nhận xét của Hoa Kỳ. Nó vẫn còn tồn tại một chế độ độc đảng gian ác, lâu nay đã mang tiếng, hèn với giặc ác với dân.
10.06.2016