Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn: Trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật... Nhưng khi Bộ trưởng láo thì sao? - Dân Làm Báo

Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn: Trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật... Nhưng khi Bộ trưởng láo thì sao?

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Làng báo của đảng vẫn luôn phải nghe những điều dạy bảo của lãnh đạo về nhu cầu làm báo phải nói sự thật. Mới đây, sau vụ nói láo long trời lở đất về thảm họa môi trường Formosa trong những tháng đầu cá chết, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông lại dạy dỗ báo giới lề đảng: "trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật, hạn chế gây hại bằng những thông tin 'bỏng mắt, đắng lòng', bất chấp đạo lý, đảm bảo báo chí hoạt động độc lập". 

Sự thật, đạo lý, độc lập. Đúng là chân lý, là mẫu mực của báo chí. Nhưng dưới sự cai trị của ông và của đảng thì khi bộ trưởng, thứ trưởng lẫn rất nhiều chóp bu đảng nói láo thì báo chí đi tìm sự thật ở đâu?

Dưới chế độ cộng sản, người ta thường bảo nhau rằng khi thấy một tên cộng sản hung hăng hô hào về sự thật thì chính hắn là kẻ nói láo thượng thặng. 

"Thuở Anh chưa ra đời, trái đất còn nức nở, nhân loại chửa thành người, đêm ngàn năm man rợ" (T.H) có một anh nhà báo, ngồi trong bóng đêm man rợ viết những dòng này: 

"Nhiều nhà văn, nhà báo Việt nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: chủ tịch Hồ chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình. Ngày 2-9-45, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ chủ tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ chủ tịch trang nghiêm đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày thứ hai tôi viết thơ xin phép được gặp Hồ chủ tịch. Ngay chiều hôm ấy, tôi rất sung sướng tiếp được thư trả lời của Hồ chủ tịch viết như thế này..."

Anh nhà báo ký tên Trần Dân Tiên, kẻ tự viết là lần đâu tiên trông thấy Hồ chủ tịch, đã viết thơ xin phép được gặp Hồ chủ tịch ấy chính là Hồ Chí Minh, sáng lập viên của tờ báo Thanh Niên, người được đảng cộng sản cho là cha đẻ của nền báo chí cộng sản Việt Nam. 

Cũng trong cái thời... trái đất còn nức nở, một lũ không phải là người đang tiến hành công cuộc "đào tận gốc, trốc tận rễ" mang tên CCRĐ, một "nhà báo kiệt xuất" của đảng đã viết một bài sau: 

Địa chủ ác ghê 

Thánh hiền dạy rằng: "Vi phú bất nhân". Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khóa - thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ: 

Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã: 

- Giết chết 14 nông dân. 

- Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật. 

- Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người. 

- Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang. 

- Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng. 

Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào! 

Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ: 

- Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột. 

- Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống. 

- Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra. 

- Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên. 

- Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt. 

- Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến. 

Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là: 

Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng,
Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể! 

Nhà báo kiệt xuất C.B. ấy, cũng là Hồ Chính Mi, kẻ được lịch sử đảng đánh bóng là "người bắt đầu sự nghiệp cách mạng bằng làm báo, viết báo và tuyên truyền bằng báo." 

Khởi đi từ cái đêm ngàn năm man rợ ấy, nền báo chí cộng sản, dưới ánh sáng soi đường dẫn lối của nhà báo kiệt xuất Trần Dân Tiên, C.B., Hồ Chí Minh, đã trở thành "người" nói láo chuyên nghiệp. Bản chất "sự thật" của nền báo chí lề đảng khởi đi từ ấy, được nuôi dưỡng cho đến ngày hôm nay bằng đạo đức, bằng con đường bác-đi "sống chiến đấu và học tập theo gương Hồ Chí Minh vĩ đại". 

Tấm gương "sự thật" vĩ đại nhất mà báo chí lề đảng phải học chính là "sự thật" Trần Dân Tiên. 

Tấm gương "đạo đức" trong suốt nhất để báo chí lề đảng phải soi theo là "đạo đức" C.B. 

"Sự thật" ấy, "đạo đức" ấy đã được nuôi dưỡng thành cái gọi là truyền thống "báo chí cách mạng", kéo dài qua nhiều thời Bộ trưởng 4T, cho đến bây giờ, thời của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. 

Vào ngày 14.07.2016, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện luật Báo chí 2016, Trương Minh Tuấn dạy dỗ báo giới lề đảng rằng:  

"Trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật, hạn chế gây hại bằng những thông tin 'bỏng mắt, đắng lòng', bất chấp đạo lý. Đây không phải là một khái niệm trừu tượng, khó hiểu đến nỗi không thể làm theo, nó hiển hiện trong đời sống hàng ngày. Nhà báo có thể chưa vi phạm pháp luật nhưng phải tự xem nên hay không nên làm. Mỗi cá nhân ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội của nhà báo". (1)

Để giúp những gì ông nói không còn là một "khái niệm trừu tượng", xin diễn giải bằng một số "ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội của..." ông. 

Vào ngày 30.04.2016, trong khi cả nước xôn xao và âu lo về thảm trạng cá chết khắp 4 tỉnh miền Trung, báo chí lề đảng đăng tin (2): 

"Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã mời tất cả các nhà báo đi ăn cá biển tại nhà hàng hải sản Hải Yến. Không thể phủ nhận, những hành động kịp thời này của các vị lãnh đạo đã góp phần làm người dân an tâm hơn trong lúc cá chết đồng loạt chưa rõ nguyên nhân." 

Ảnh của Trần Việt Đức

"Tối 30.4, ông Trương Minh Tuấn trong chuyến làm việc tại Quảng Bình cũng đã đến đón tàu cá xa bờ cập cảng Nhật Lệ (TP Đồng Hới) để mua cá tại tàu và đề nghị ngư dân chế biến món cá ngừ hấp sả rồi mời mọi người cùng ăn ngay tại cảng cá. Giải thích về việc này, ông Tuấn cho hay để chứng minh cá do ngư dân đánh bắt về đảm bảo an toàn, mọi người có thể dùng cho bữa ăn như trước kia." (3

Đó là "hiển hiện trong đời sống" về đạo đức, lương tâm và trách nhiệm của ông bộ trưởng bộ TT&TT. 

Những hiện hiện đầy "đạo đức, lương tâm và trách nhiệm" trên của ông được các nhà báo "sự thật" của ông ca tụng rằng: 

"Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn cấp bách, đặc biệt khi người dân chưa kịp có đầy đủ thông tin, những hành động chia sẻ kịp thời của lãnh đạo đã góp phần rất lớn làm an lòng dân, giúp định hướng thông tin và quan trọng hơn cả làm người dân vững tin vào chính sách

Nước ta cũng không nằm ngoài dòng chảy này, thậm chí nhiều phần còn khó khăn hơn nên những hành động gương mẫu của lãnh đạo‎ càng đáng trân trọng. Đó chính là mệnh lệnh cuộc sống." (2) 

Vào ngày 01.05.2016, ông kéo nhà báo chụp hình ông cùng các lãnh đạo của sở TT&TT Hà Tĩnh vào nhà hàng Thanh Nhàn để ăn hải sản sau khi tuyên bố với báo giới: “Cá mực bơi lội tung tăng dưới biển thế kia thì sao phải ngại. (3) 

Trương Minh Tuấn (ngoài cùng bên phải) 
Phan Tấn Linh - Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh (ngoài cùng bên trái) 
Ảnh Dân Việt

Và đây là sự thật không thể chối cãi được về màn diễn trò ăn cá để lừa dối dân: 



Tất cả là sự "hiển hiện trong đời sống" toàn vẹn, rõ ràng nhất về "đạo đức, lương tâm và trách nhiệm" của Bộ trưởng 4T Trương Minh Tuấn. 

Cũng trong hội nghị lên lớp báo giới này, Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: "Mục đích là chống lại sự xung đột lợi ích và và chống lạm dụng, làm rõ trách nhiệm của báo chí là tìm kiếm sự thật, hạn chế gây hại bằng những thông tin 'bỏng mắt, đắng lòng', bất chấp đạo lý, đảm bảo báo chí hoạt động độc lập, có trách nhiệm giải trình và sửa sai". 

Thông tin "bỏng mắt, đắng lòng" nhưng đúng sự thật, độc lập, theo đúng trách nhiệm tìm kiếm sự thật đã mang lại hậu quả gì cho người làm báo đã được Trương Minh Tuấn "minh chứng" trước đó: 

Vào ngày 20.06.2016, Trương Minh Tuấn đã thu thẻ nhà báo của ông Mai Phan Lợi, phó Tổng Thư ký báo Pháp Luật thành Hồ, admin điều hành Diễn đàn Nhà báo Trẻ bởi vì ông Lợi đã mở một cuộc thăm dò nhỏ về nguyên nhân máy bay cứu hộ CASA8983 bị rơi với câu hỏi mở đầu cho cuộc thăm dò: "Vì sao CASA tan xác?" (4

Từ Trần Dân Tiên đến Trương Minh Tuấn, xảo trá và láo khoét được đánh một lớp phấn màu đỏ mang tên đạo đức và sự thật. Trong khoảng thời gian nói láo xuyên thế kỷ này, tất cả mọi sự thật được cất lên đều được đảng và nhà nước trùm lên một cái mền đóng dấu hai chữ phản động và truy tận gốc, trốc tận rễ kẻ bị đảng trùm mền như thuở C.B. vừa viết địa chủ ác ghê, vừa bịt râu đi xem đồng bọn đấu tố ân nhân của mình đã từng cưu mang và đóng góp tiền của cho cái gọi là công cuộc kháng chiến chống thực dân. 



Sự thật (và đúng nghĩa sự thật) dưới mắt nhìn xảo trá của đảng được định nghĩa qua trình bày của Trương Minh Tuấn: "Có một số thế lực chống phá chế độ đã lợi dụng tình trạng cá chết để công kích sự lãnh đạo của đảng và sự quản lý của nhà nước, thậm chí kích động để gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân..." (5

Câu này Trương Minh Tuấn phát biểu tại cuộc họp báo chính phủ sau khi Formosa nhận tội là thủ phạm xả thải. Tất cả những sự thật được người dân đưa ra qua truyền thông lề dân khởi đi từ ngày cá chết 04.04 sang đến những ngày ông ăn hải sản ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, cho đến ngày 30.06 - ngày sự thật được phơi bày, đều được ông và cả đảng của ông chụp mũ là phản động.

Mẹ con Hoàng Mỹ Uyên - những công dân Việt Nam "phản động"

Trương Minh Tuấn, quả thật là một đệ tử gương mẫu và trung thành của nhà báo kắt mạng Trần Hồ Dân Chí Tiên Minh Cờ Bờ. Và không có gì khó hiểu với thầy trò như vậy thì "Độc giả đang ngày càng mất niềm tin vào báo chí nói chung, báo mạng nói riêng" - như chính Trương Minh Tuấn đã thú nhận tại Hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện luật Báo chí 2016.

15.07.2016

_____________________________________



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo