Mẹ Nấm (Danlambao) - Trong phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV diễn ra vào ngày 20/7/2016 tại Hà Nội, nhiều lãnh đạo và đại biểu Quốc hội nhắc tới thảm họa Formosa. Và báo chí cho rằng đây là một điều hiếm có ở Việt Nam khi một cái tên của một nhà máy được liên tục nhắc đến nhiều lần. Tuy nhiên điều cần chú ý ở đây trong toàn bộ các phát biểu, thảm họa môi trường đã cụm từ được thay thế bằng “sự cố môi trường”.
Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân có nói: "Sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân." (*)
Formosa không phải là sự cố môi trường. Nó là thảm họa đã được dự báo trước và diễn ra trong sự im lặng của hàng trăm đại biểu Quốc hội, diễn ra trước mắt các cơ quan chức năng và sự xuê xoa của lãnh đạo từ trung ương đến địa phương.
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày có mục “hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân hải sản chết hàng loạt và chỉ rõ Công ty Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường.”
Cần nhắc lại, các cơ quan chức năng đã im lặng quá lâu khi thảm họa môi trường xảy ra. Và đến nay, thảm họa này vẫn chưa có hướng khắc phục.
Formosa không thể được gọi tên là sự cố khi thông tin về toàn bộ nguyên nhân gây ra thảm họa vẫn còn bị bưng bít. Các số liệu quan trắc trong những ngày xảy ra thảm hoạ vẫn không được minh bạch.
Nếu các đại biểu Quốc hội có ý kiến cho rằng “Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường” vậy hướng xử lý là thế nào sau phiên họp ngày 30/6/2017 đến nay?
Tôi đoán rằng các đại biểu QH không theo dõi tin tức từ Đài Loan, không đọc được bài trả lời báo chí của Phó Chủ tịch Tập đoàn Formosa ông Hồng Phúc Nguyên khẳng định trước báo giới rằng họ đã làm đúng “quy trình”, và không hề vi phạm pháp luật Việt Nam.
Formosa là thảm hoạ, không phải là sự cố để các đại biểu QH lên tiếng ghi điểm hay thể hiện trước nghị trường.
Các đại biểu QH đã im lặng, đã quan sát thảm hoạ trong một thời gian dài, và đến nay khi nhắc đến Formosa đó không còn là sự cố ghi dấu ấn của đảng và chính phủ nữa.
Sai phạm cấp phép 70 năm cho Formosa không chỉ là trách nhiệm cá nhân của ông Võ Kim Cự - người được báo chí nhắc đến như một người Việt thầm lặng trong phiên họp quốc hội mới nhất. Nó là sai phạm được bảo hộ bởi chính phủ, sau khi chạy đúng quy trình bôi trơn mọi thủ tục và các giấy phép đầu tư.
Formosa không phải là quyết định cá nhân của ông Võ Kim Cự, nó là quyết định của Bộ Chính trị đảng CSVN và là mục đích chung của toàn hệ thống lãnh đạo từ trung ương đến địa phương bất chấp nhiều phản đối trong một thời gian dài.
Phải gọi đúng tên thảm hoạ, chỉ đúng nguyên nhân gốc rễ gây ra thảm hoạ mới có thể có phương án và hành động giải quyết cụ thể thảm hoạ này.
Né tránh gọi tên thảm hoạ là cách giảm nhẹ vấn đề để đẩy hướng xử lý thông tin và quy trách nhiệm cho các cá nhân trong vụ Formosa.
Tương lai Việt Nam rồi sẽ còn phải hứng chịu nhiều thảm hoạ tương tự bởi tư duy nhiệm kỳ và hành vi thôn tính lợi ích của các nhóm lãnh đạo qua từng giai đoạn.
____________________________________