Hội nghị Trung Ương 3: Phải đưa ngay vụ Formosa gây ra thảm trạng môi trường lên bàn nghị sự! - Dân Làm Báo

Hội nghị Trung Ương 3: Phải đưa ngay vụ Formosa gây ra thảm trạng môi trường lên bàn nghị sự!

Nguyễn Phú Trọng là cái gương rất xấu, đụng đâu hỏng đó!

Âu Dương Thệ (Danlambao) - ...Khi nói tới trách nhiệm trong việc xử lý thảm trạng môi trường do Formosa gây ra thì đúng ra trước hết phải kể tới trách nhiệm của người đứng đầu chế độ, tức là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau thắng lợi tại Đại hội 12 vừa qua quyền lực của ông Trọng còn bao trùm hơn nữa. Cho nên chính cuộc thăm công ty và Ban giám đốc Formosa ngày 22.4, gần ba tuần sau xảy ra thảm trạng môi trường, của người cầm đầu chế độ đã cản trở trực tiếp nghiêm trọng công việc điều tra. Vì trong chế độ toàn trị như ở VN hiện nay, sau khi Nguyễn Phú Trọng niềm nở gặp Ban giám đốc Formosa thì ai còn dám động vào công ty này! Cũng vào thời gian này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (17.4) và Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh (23.4) - được coi là người sẽ kế vị ông Trọng- cũng đã tới Quảng trị, nhưng cũng không thèm tới thăm các nạn nhân trong thảm trạng cá chết. Mặc dù khi ấy ngay báo chí lề đảng cũng đã báo động "cá chết trắng biển miền Trung". Nhưng khi ấy các vua tập thể vẫn điếc và mù!...

*

Sáng 4.7 Hội nghị trung ương (HNTU) 3 đã họp để bàn về qui chế làm việc toàn Khóa 12 (2016-21) của Bộ chính trị, Ban bí thư, Ban chấp hành trung ương, Ủy ban kiểm tra trung ương và qui định các công tác giám sát và kỷ luật của đảng. Người đứng đầu chế độ đã chọn đúng thời điểm cho HNTU 3, để nó chỉ diễn ra vài ngày sau cuộc Họp báo ngày 30.6 công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt với lời hứa của Ban giám đốc công ty Formosa bồi thường 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD. Trong dịp này các cơ quan của đảng và nhà nước đã coi như là một thành công lớn. Nhờ thế Nguyễn Phú Trọng hẳn sẽ hồ hởi trước HNTU coi thắng lợi này là sự lãnh đạo của chính mình!

Chính vì thế trong chương trình làm việc 5 ngày của HNTU 3 đã không có một điểm nào nói tới thảm họa môi trường từ đầu tháng 4.16, mặc dầu đây là thảm họa môi trường lớn nhất ở VN, gây thiệt hại sức khỏe, tài sản và môi trường sống trực tiếp cho hàng triệu người dân bốn tỉnh Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị và Thừa thiên-Huế; đồng thời còn tạo những nguy hại về lâu dài về nhiều mặt cho nhân dân cả nước. Như thế rõ ràng đối với người cầm đầu chế độ, thảm họa môi trường trước sau vẫn không phải là vấn đề bận tâm lớn. Thái độ bàng quang, ngang ngược và vô cảm lần này của Nguyễn Phú Trọng giống hệt thái độ ngông nghênh và lấp liếm của ông về tình hình biển Đông. Mặc dầu Bắc kinh ngày càng công khai xâm lấn biển Đông nhưng bẩy năm trước ông Trọng vẫn hô lớn "Tình hình biển Đông không có gì mới!".

Chính thái độ coi thường sức khỏe, sinh mạng của hàng triệu nhân dân, nên sau khi thảm trạng môi trường làm cá chết trắng biển nhiều tỉnh miền Trung đã diễn ra gần 3 tuần, nhưng khi tới thăm Hà Tĩnh ngày 22. 4 Nguyễn Phú Trọng đã vô cảm không thăm hỏi hàng vạn ngư dân nạn nhân do Formosa xả thải độc hại đang mất công ăn việc làm phải sống đói rách. Trong khi ấy ông Trọng lại đủng đỉnh cầm đầu phái đoàn cao cấp đảng và nhà nước đích thân thăm nhà máy Formosa ngày 22.4. Tại đây ông còn gặp Ban giám đốc của công ty Formosa (Đài loan) và khen sự làm ăn của họ và không có lần nào ông Trọng đặt vấn đề với Ban giám đốc Formosa về việc đã gây ra thảm họa môi trường! Rõ ràng Nguyễn Phú Trọng quí Dollar của tư bản Formosa hơn mạng sống của nhân dân!

Mặc cho những tuyên bố tự khoe, tự bốc nào là "làm khoa học, khách quan, bài cản, chính xác", trong cuộc Họp báo ngày 30.6 của các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Thông tin & tuyên truyền Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Khoa học & công nghệ Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, và lời cúi đầu xin lỗi của Ban giám đốc Formosa, nhưng nhiều chuyên viên và nhân sĩ, kể cả một số cán bộ trung cấp đã công khai phê bình nghiêm khắc việc làm chậm trễ và thiếu trách nhiệm của các cơ quan đảng và chính phủ trong suốt gần 3 tháng qua về nhiều mặt. Vì đúng ra sau khi thảm họa môi trường xẩy ra các cơ quan có thẩm quyền phải bắt tay điều tra ngay để tìm ra 1. Nguyên nhân. 2. Thủ phạm. 3. Mức độ thiệt hại. 4. Trách nhiệm dân sự và hình sự. 5. Bồi thường... Tuy họ vẫn nhắc đi nhắc lại là "ngay từ đầu, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo, tổ chức hàng chục cuộc họp, yêu cầu điều tra nhanh chóng", nhưng phải đợi tới gần ba tháng sau mới xác nhận được là, thủ phạm chính là công ty Formosa. Mặc dù ngay trong vài ngày đầu nếu điều tra nghiêm túc thì đã biết thủ phạm là ai và từ đó khắc phục được những thiệt hại nhanh chóng hơn. Chẳng những thế lời tuyên bố sau đây của Phát ngôn viên Formosa khi đó là Chu Xuân Phàm đã gián tiếp xác nhận chính họ là thủ phạm: "Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây", "Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ", "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi!". Ông ta còn hách dịch thách đố: "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được..."

Nhưng ở đây Formosa không chỉ là thủ phạm duy nhất, vì nhiều cơ quan đảng và nhà nước đã cấp giấy phép đầu tư, hoạt động và kiểm soát công ty Formosa cũng đều là thủ phạm. Vì chính các cơ quan này đã lơ là và vô trách nhiệm trong các lãnh vực phụ trách, nên đã để cho Formosa làm ăn như một vua con trong vùng. Trong cuộc họp báo ngày 30.6 các Bộ trưởng đã cố tình tránh né không làm rõ cơ quan và người phải chịu trách nhiệm để xẩy ra thảm trạng môi trường làm cá chết hàng loạt trong nhiều tuần lễ.

Tại cuộc họp báo trên, tuy Bộ trưởng tài nguyên-môi trường Trần Hồng Hà có nêu ra một số chất độc cực hại do Formosa đã thải ra biển như "phenol, xyanua". Nếu so với con số của báo Tuổi trẻ đưa ra khoảng 45 độc tố mà Formosa đã dùng thì số này quá ít, không có tính khả tin. Không những thế, ông Hà tuyệt nhiên không nói tới số lượng chất độc đã thải ra biển là bao nhiêu; số lượng đã dùng và mức độc hại trước mắt và lâu dài của từng độc tố cho con người, môi trường sinh thái trước mắt, trung hạn và dài hạn như thế nào. Đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể thẩm định mức độc hại, thiệt hại sức khỏe và việc làm cho ngư dân trong vùng và nhân dân cả nước, cũng như tác hại về lâu dài cho môi trường biển VN. Trái lại các bộ trưởng chủ trì và tham gia họp báo lại đã cố tình đề cao đưa 500 triệu USD bồi thường của Formosa như là một chiến thắng lớn! Nhưng mức bồi thường có xứng đáng không hay chỉ như hạt cát trên biển, điều này tùy thuộc hoàn toàn vào những câu hỏi nồng cốt trên. Đấy là chưa kể, số tiền bồi thường này trong các năm tới Formosa sẽ khai vào phần chi để trừ thuế, vì trong các hoạt động của các công ty các chi phí bồi thường được xếp loại là những chi phí được khai trừ thuế. Ngoài ra mới đây công ty Formosa đã bị ghi trên danh sách "sổ đen", vì trong nhiều năm đã cố tình gian lận sổ sách để trốn thuế, có năm lên tới 4.000 tỉ đồng.

Khi nói tới trách nhiệm trong việc xử lý thảm trạng môi trường do Formosa gây ra thì đúng ra trước hết phải kể tới trách nhiệm của người đứng đầu chế độ, tức là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau thắng lợi tại Đại hội 12 vừa qua quyền lực của ông Trọng còn bao trùm hơn nữa. Cho nên chính cuộc thăm công ty và Ban giám đốc Formosa ngày 22.4, gần ba tuần sau xẩy ra thảm trạng môi trường, của người cầm đầu chế độ đã cản trở trực tiếp nghiêm trọng công việc điều tra. Vì trong chế độ toàn trị như ở VN hiện nay, sau khi Nguyễn Phú Trọng niềm nở gặp Ban giám đốc Formosa thì ai còn dám động vào công ty này! Cũng vào thời gian này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (17.4) và Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh (23.4) - được coi là người sẽ kế vị ông Trọng- cũng đã tới Quảng trị, nhưng cũng không thèm tới thăm các nạn nhân trong thảm trạng cá chết. Mặc dù khi ấy ngay báo chí lề đảng cũng đã báo động "cá chết trắng biển miền Trung". Nhưng khi ấy các vua tập thể vẫn điếc và mù!

Chính vì thế suốt nhiều tuần lễ các cơ quan đã đổ lỗi lẫn cho nhau, ông nói gà bà nói vịt, công việc tiến hành điều tra bị tê liệt trong nhiều tuần. Trong cuộc họp báo ngày 27.4 "chỉ diễn ra trong 6 phút" dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, trên 200 nhà báo đã phải chờ đợi suốt nửa ngày. Nhưng cuối cùng Thứ trưởng Tài nguyên-môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định "Formosa vô can".

Chẳng những thế Ban bí thư, Ban tuyên giáo trung ương và Bộ thông tin tuyên truyền còn ra lệnh cho các báo và đài không được đưa tin và tường thuật tình hình cá chết. Trong thời gian ấy các cơ quan đảng và nhà nước lại còn tổ chức rùm beng cho các tuyên truyền viên và một số cán bộ ở trung ương và địa phương xuống tắm ở các vùng biển vừa xẩy ra thảm trạng môi trường và ăn cá biển. Thật là vô trách nhiệm và vô lương tâm đến thế là cùng!

Tệ hại nữa là khi nhân dân, đi đầu là thanh niên, trí thức và nhiều đảng viên tiến bộ, ý thức trách nhiệm nên đã tham gia ý kiến, xuống đường lên tiếng và đòi kiểm tra (theo tiêu chí của đảng "để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra") qua các cuộc biểu tình vào ba cuối tuần từ đầu tháng 5.16 với các khẩu hiệu "Cá cần nước sạch", "Nước cần minh bạch" đã bị công an mật vụ chế độ toàn trị ngăn cấm, đàn áp và chụp mũ. Trong cuộc họp báo ngày 30.6, các quan chức hiện diện xác nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm trạng môi trường ở miền Trung, nhưng cùng lúc ấy họ lại vẫn kết án gay gắt những cuộc biểu tình của nhân dân đòi Formosa phải sớm công khai minh bạch về nguyên nhân dẫn tới thảm trạng môi trường. Điều này vừa mâu thuẫn vừa sai trái của các bộ trưởng chủ trì cuộc họp báo! Trương Minh Tuấn, Bộ tưởng 4 T vẫn chụp mũ lếu láo:

"Tôi cũng nói thẳng rằng, có thể lực thù địch đã lợi dụng tình trạng cá chết này để công kích sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thậm chí kích động để gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân."

Các phản ứng và hành động của các người đứng đầu và các cơ quan của chế độ toàn trị sau biến cố thảm trạng môi trường ở các tỉnh miền Trung đã cho thấy rõ thái độ từ bị động, lơ là tới tìm cách lấp liếm và bao che cho các thủ phạm (từ Formosa tới các nhân vật và cơ quan có liên đới trách nhiệm trong vụ để xẩy ra thảm họa môi trường). Sau đó chuyển sang bịt miệng báo giới, rồi đàn áp, chụp mũ thanh niên và trí thức lên tiếng đòi phải điều tra nhanh, nghiêm túc và minh bạch vụ này. Điều này cho thấy họ vẫn coi dân là thù, coi Formosa là bạn!

***

Như thế cho thấy, sau khi Nguyễn Phú Trọng đụng vào vụ Formosa đã càng làm rối bầy, vì thế niềm tin vào nhóm cầm đầu chế độ toàn trị càng sa sút trong nhân dân và trong đảng. Ở đây xét 2 trường hợp: Thứ nhất, Nguyễn Phú Trọng không được thông tin gì về thảm trạng môi trường do Formosa xảy ra trước đó gần ba tuần, nên ông đã đích thân tới thăm và khen ngợi Ban giám đốc công ty. Trong trường hợp này Nguyễn Phú Trọng chỉ đứng làm bù nhìn. Thứ hai, nếu ông Trọng biết rõ vụ thảm trạng môi trường lớn nhất từ trước tới nay ở VN, nhưng vẫn cầm đầu phái đoàn cao cấp đảng và nhà nước ân cần tới thăm và khen Ban giám đốc Formosa. Như thế Nguyễn Phú Trọng đã vô cảm trước hàng triệu nạn nhân, đồng thời vô trách nhiệm cùng cực trước nhân dân và đất nước. Xét cả hai trường hợp thì Nguyễn Phú Trọng hoặc chỉ làm bù nhìn, hay bất lực và vô trách nhiệm, coi đồng Dollar của tư bản hơn mạng sống của người dân! Vì vậy Nguyễn Phú Trọng không xứng đáng cầm đầu chế độ. HNTU 3 đang họp phải làm cho rõ đầu đuôi vụ này từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh Thế Huynh và nhiều người đứng đầu các cơ quan đảng và nhà nước, phải xử lý thích đáng và phải công khai minh bạch. Nếu bỏ qua hay im lặng là đồng lõa và vô cảm với hàng triệu ngư dân và nhân dân cả nước!

Can thiệp và đụng vào vụ Formosa nên Nguyễn Phú Trọng đã gây ra sai lầm tai hại và nguy hiểm. Nếu theo dõi kỹ, người ta còn thấy từ khi làm Chủ tịch Quốc hội và nhất là từ khi làm Tổng bí thư, ông Trọng đụng vào đâu là hỏng đó. Cho rằng mình chống tham nhũng giỏi, nên Nguyễn Phú Trọng đã giựt Trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng sau trên 5 năm làm Tổng bí thư tình hình tham nhũng càng trở nên bất trị. Suốt trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng bí thư ông Trọng không dám đánh chuột vì sợ vỡ bình, như lời than của chính ông. Thấy đánh hổ không xong, nên sang nhiệm kỳ thứ hai Nguyễn Phú Trọng đang đổi chiến thuật tìm cách đập ruồi. Mới đây ông đang làm đình đám tố vài vụ xe công biến thành xe ông. Nhưng ông Trọng hẳn còn chưa quên, nhân vật gần ông nhất khi ông làm Bí thư thành ủy Hà nội, là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên, sau khi về hưu đã biến nhà công thành nhà ông, chiếm biệt thự công ở số 12 Nguyễn Chế Nghĩa biết bao nhiêu năm, chính ông Trọng cũng lơ là và bất lực!

Vấn đề cực kỳ quan trọng khác nằm trong thẩm quyền Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng không chỉ đụng vào nó mà còn trực tiếp chỉ đạo thực hiện, nhưng nay vấn đề này không chỉ hỏng mà còn trở nên cực kỳ nguy hiểm cho an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Đó là hậu quả trong chính sách bang giao với Bắc Kinh. Khi làm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cấm không cho Quốc hội thảo luận về việc Bắc kinh chủ trương xâm lấn và làm tình hình biển Đông căng thẳng. Không ai quên tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng khi đó "Tình hình biển Đông không có gì mới!" Nguyễn Phú Trọng còn cho nhiều tướng lãnh sang Bắc kinh ca tụng là Trung quốc không có ý định thôn tính biển đảo của VN! Tiếp đó trong những lần thăm Bắc kinh Nguyễn Phú Trọng đã thỏa thuận là các tranh chấp biển đảo giữa hai nước chỉ đàm phán song phương giữa lãnh đạo hai bên!

Hậu quả của chính sách vừa nhu nhược vừa sai lầm của Nguyễn Phú Trọng ai cũng thấy rõ: Nay Bắc kinh đã xây dựng và mở rộng nhiều đảo chiếm của VN thành các căn cứ quân sự uy hiếp an ninh và chủ quyền của VN, đồng thời đe dọa an ninh hàng hải quốc tế. Bắc kinh đang biến biển Đông thành cái hồ của họ, tự do thao diễn quân sự, cấm tầu quốc tế, giết hại ngư dân và phá hủy các tầu đánh cá của VN!

Đụng đâu hỏng đó. Đụng vào vụ Formosa đã làm tê liệt cuộc điều tra, không làm minh bạch đối với các quan chức và cơ quan chịu trách nhiệm, bao che người có tội, đàn áp người có công! Đụng vào tham nhũng nhưng Nguyễn Phú Trọng chỉ sờ bên ngoài cho nên tham nhũng mọc ra như rươi ở trong các cơ quan đảng và nhà nước từ trung ương tới cơ sở. Đụng vào bang giao với Bắc Kinh với thái độ cúi đầu, tự ti mặc cảm là nhược quốc, nên đế quốc mới Bắc Kinh đã được đằng chân lân đằng đầu chiếm đất, chiếm đảo, chiếm biển, bòn rút tài nguyên và uy hiếp an ninh và chủ quyền VN. Các sự kiện này chứng minh rõ ràng là Nguyễn Phú Trọng đụng vào đâu thì hỏng đó, càng lâu càng nguy hiểm!

Tại sao như vậy? Theo dõi đường quan lộ của Nguyễn Phú Trọng trong một phần tư thế kỷ qua cho thấy, ông là người có tham vọng quyền lực cực kỳ lớn, nhưng khả năng rất giới hạn và tư cách lại rất tồi. Chính vì thế từ khi có quyền lực lớn Nguyễn Phú Trọng đã trở thành người tham nhũng quyền lực. Từ đó thỏa hiệp với bọn quan tham nhũng tiền bạc, tới thờ Dollar hơn sinh mạng của dân, hay cúi đầu thỏa hiệp với Bắc kinh để củng cố quyền hành chỉ là một bước ngắn, một biện chứng tất yếu! Đỉnh cao mới nhất của sự tham quyền và lạm quyền của Nguyễn Phú Trọng là Đại hội 12 cuối tháng 1.2016. Mặc dù là người cao tuổi nhất trong số các Ủy viên trung ương, nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn nằng nặc đòi được xếp vào "Trường hợp đặc biệt" để nắm ghế Tổng bí thư tiếp tục!

ĐCSVN tự nhận là đảng cầm quyền độc tôn, cho nên Ban chấp hành trung ương của đảng phải đưa vụ Formosa gây ra thảm trạng môi trường lớn nhất từ trước tới nay ở VN lên bàn nghị sự ngay trong HNTU 3 đang họp. Phải nêu rõ và làm minh bạch các quan chức và cơ quan nào của đảng từ Tổng bí thư, Bộ chính trị tới các địa phương đã toa rập ngăn cản điều tra. Nếu bỏ qua và im lặng là tự làm mất tư cách cầm quyền!

5.7.2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo