Mẹ Nấm (Danlambao) - ...Formosa không sai, chính phủ không sai, chỉ có người dân Việt Nam đã sai khi im lặng chứng kiến trò hề này diễn ra trước mắt mình mà không phản kháng. Bỏ qua nhiều cảnh báo về nguy cơ an ninh, môi trường, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục chọn Formosa và không quên buộc nhân dân phải “biết ơn” vì đã kịp sửa sai kịp thời. Hãy quan sát và theo dõi kỹ các phát ngôn của lãnh đạo các bộ, của các quan chức chính phủ, để thấy rằng họ không từ một cơ hội nào để xây dựng hình ảnh hay ghi điểm trên chính những sai lầm của các cộng sự trong đảng Cộng sản...
*
Trả lời báo Dân Trí ngày 4/7/2016, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TNMT) phát biểu: "Chúng ta có rất nhiều căn cứ để cho rằng, FHS sẽ thực hiện điều họ cam kết" (1).
Ở đây, ông bộ trưởng đang dùng thì hiện tại để đảm bảo cho tương lai. “Sẽ” là những tuyên bố của chính phủ Việt Nam với báo giới, Formosa không có bất kỳ công bố nào với truyền thông thậm chí ở Đài Loan.
Về phía Việt Nam trong việc làm thế nào để bảo vệ môi trường, ông nói: “Chúng ta đã có một hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường khá chặt chẽ, đủ để răn đe và trừng phạt đối với mọi tổ chức, cá nhân xâm hại đến môi trường. Tôi cũng thừa nhận rằng, trong hệ thống luật pháp này còn một số lỗ hổng, nhưng điều đó sẽ được khắc phục nhanh chóng trong thời gian tới”.
"Đã có" thế nhưng tại sao hàng cá chết hàng loạt? Và lỗ hổng trong vụ Formosa đã được chính phủ Việt Nam vá vội vàng bằng con số 500 triệu? Hệ thống luật pháp chặt chẽ nên đại diện chính phủ đứng ra xin nhân dân khoan hồng thay Formosa?
Và luật pháp Việt Nam là thứ có thể bẻ cong và uyển chuyển thay đổi theo phát biểu về ống xả thải ngầm của Bộ trưởng Bộ TNMT?
Còn nhớ, hồi tháng 4/2016, trả lời báo Tuổi Trẻ về quá trình kiểm tra trực tiếp tại Formosa, ông Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nói như sau: “Đối với pháp luật VN, việc xả thải ngầm, ống thải ngầm là không cho phép”.
Ngược lại, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân trước đó lại nói “đường ống ngầm của Formosa là hợp pháp”. Ông Bộ trưởng giải thích thế nào về câu nói của ông Thứ trưởng cùng trong một bộ?
Ông giải thích: "Tôi khẳng định pháp luật VN không cho phép vì điều 101 Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015 đã thể hiện, trong đó quy định: bất cứ đường ống nào - nhất là đường ống xả thải - đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng. Còn Thứ trưởng Nhân có nói về sự hợp pháp là do nhìn vào hồ sơ thấy có sự cho phép của cơ quan chức năng." (2)
Đến nay sau canh bạc 500 triệu đô, quan điểm của ông Hà đã thay đổi: từ "không cho phép" chuyển sang "phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát..."
Riêng về các đường ống làm ngầm để xả thải ra đáy biển, có phải đây là một sự cố ý vi phạm, hướng xử lý với các đường ống đó như thế nào? Ông bắt đầu dẫn chuyện ở đâu đó trên thế giới vào Việt Nam:
"Các đường ống được làm ngầm để xả thải ra đáy biển không phải là trường hợp ngoại lệ ở Việt Nam. Việc dùng các ống ngầm để xả thải xa bờ được sử dụng khá phổ biến trên thế giới nhằm tạo điều kiện cho hoạt động giao thông và tránh làm xáo trộn môi trường nước vùng ven bờ. Vấn đề không phải là đường ống ngầm mà là nước thải trước khi thải ra môi trường trong ống ngầm này đã được xử lý đạt tiêu chuẩn hay chưa, việc kiểm soát để đảm bảo chắc chắn nước thải đảm bảo an toàn có minh bạch không, khi có sự cố thì phương án dự phòng là gì? Nếu nước thải đã được xử lý đạt tiêu chuẩn, thì vẫn có thể thải qua các ống ngầm đã xây dựng."
Bài viết “Bộ Tài nguyên - Môi Trường: Formosa đã thừa nhận sai phạm trong xây đường ống xả thải” cũng đã bị gỡ bỏ.
Làm sạch, phục hồi môi trường biển là vấn đề khá nan giải, bởi “việc phục hồi hoàn toàn hệ sinh thái biển là một việc khó khăn, tốn thời gian.” Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ TNMT rất lạc quan cho rằng “nếu chúng ta có giải pháp tích cực thì điều đó là khả thi. Các mô hình trồng mới san hô đã được thực hiện ở Việt Nam với kinh phí không quá đắt đỏ. Có thể tạo ra một sinh kế mới cho người dân ven biển thông qua việc tổ chức, thực hiện các công việc có liên quan đến phục hồi hệ sinh thái biển vùng thảm họa.”
Vấn đề lớn hơn ở đây đó là việc bảo đảm tính bền vững cho người dân trong vùng thảm hoạ. Và như mọi lần, khuyến khích đánh bắt xa bờ vẫn là “chiến lược kinh tế biển của Việt Nam”.
Tiếc là, ngư dân Việt Nam hiện nay vẫn phải vừa đánh cá, vừa bảo vệ chủ quyền một cách tự than, trước tình trạng bị đuổi, bị cướp bóc trên biển.
Formosa không sai, chính phủ không sai, chỉ có người dân Việt Nam đã sai khi im lặng chứng kiến trò hề này diễn ra trước mắt mình mà không phản kháng.
Bỏ qua nhiều cảnh báo về nguy cơ an ninh, môi trường, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn tiếp tục chọn Formosa và không quên buộc nhân dân phải “biết ơn” vì đã kịp sửa sai kịp thời.
Hãy quan sát và theo dõi kỹ các phát ngôn của lãnh đạo các bộ, của các quan chức chính phủ, để thấy rằng họ không từ một cơ hội nào để xây dựng hình ảnh hay ghi điểm trên chính những sai lầm của các cộng sự trong đảng Cộng sản.
07.07.2016
____________________________________