Muốn tự vệ hữu hiệu, cần định rõ mối nguy (Phần 2): Những việc đã được làm để tìm nguyên nhân chuỗi thảm họa môi trường - Dân Làm Báo

Muốn tự vệ hữu hiệu, cần định rõ mối nguy (Phần 2): Những việc đã được làm để tìm nguyên nhân chuỗi thảm họa môi trường

Thục Quyên (Save Vietnam's Nature) - Từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 6/2016 một chuỗi thảm họa cá chết đã xảy ra từ Bắc chí Nam (1). Những việc đã được làm để tìm nguyên nhân:

1. Về phía nhà cầm quyền Việt Nam

a- Liên quan đến vụ thảm họa từ bờ biển Kỳ Anh chạy dọc vào Thừa Thiên:

* Làm lơ, không phản ứng:

- Từ ngày 6/04 đến 24/04, và giấu giếm tin tức, gây tình trạng dân ăn thủy sản bị nhiễm độc (21/04), nhiều thợ lặn ngã bệnh, thợ lặn Lê văn Ngày tử vong (24/04).

- Tệ hại hơn nữa quan chức Hà Tĩnh đã để yên cho bán gần hết 4 kho cá biển đông lạnh ra thị trường cho dân chúng ăn trong khi việc xét nghiệm ngay từ tháng 4 đã cho kết quả đó đều là cá bị nhiễm độc, nhưng kết quả xét nghiệm kinh hoàng này đến rất gần đây mới được công bố. Có nghĩa là nhà nước đã mặc nhiên đầu độc dân chúng bằng cá biển nhiễm độc, để bảo vệ uy tín của công ty Formosa.

* Mất chủ quyền trên chính quê hương mình:

- 21/04, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản Phạm Khánh Ly cho biết không có chỉ đạo của Thủ tướng thì không được vào vùng đất công ty Formosa Vũng Áng tiến hành kiểm tra. Phải tới hơn 2 tuần sau (tính từ 04/4) mới vào để kiểm tra sự việc.

- Ngày 22/04, Bộ trưởng Công thương Trần Anh Tuấn mới ký văn bản gởi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa loan báo sẽ kiểm tra việc sản xuất và kiểm soát ô nhiễm của công ty này.

- Chưa hề điều tra nhưng chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh là Đặng Ngọc Sơn đã tuyên bố "Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này".

- Cũng ngày 22/04, Tổng bí thư đảng CSVN là Nguyễn Phú Trọng vào Hà Tĩnh "kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thôn mới và tiến độ dự án Formosa", nhưng hoàn toàn làm ngơ trước tình trạng sống của dân trong vùng đang gặp nguy biến về sức khỏe cũng như lao đao về kinh tế, và không hề đoái hoài gì đến hiện tượng những công nhân của Formosa ngã bệnh trong khi làm việc dưới biển.

* Không minh bạch điều tra mà đã lo chạy tội cho kẻ bị tình nghi:

- 25/04, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới chính thức chỉ đạo các bộ điều tra làm rõ nguyên nhân; công nhận thiệt hại của dân vì phải ngưng đánh bắt hải sản đưa tới chỉ đạo các UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế có chương trình giúp dân ngừa đói.

Trong thực tế:

- 23/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân lo buộc tội báo chí “khiến dư luận hiểu nhầm rằng Formosa xả trộm bằng đường ống khổng lồ dưới đáy biển”, đồng thời khẳng định “Formosa được phép xả thải” và đường ống ngầm của hãng là hoàn toàn hợp pháp.

- 27/04, ông Võ Tuấn Nhân còn cấm phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới hiện tượng cá chết.

- 28/04, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết chưa phát hiện được bằng chứng gì về mối quan hệ giữa nước thải, chất thải của Formosa Hà Tĩnh với thảm họa môi trường, nghĩa là chưa biết nguyên nhân gây cá chết thì:

- 1/05, chính ông Trần Hồng Hà lại khẳng định nước biển ở Vũng Áng đã được quan trắc và hiện trong ngưỡng an toàn.

* Cố tình âm mưu ém nhẹm và xuyên tạc sự việc bằng cách:

- Cấm không cho các phòng khám, bệnh viện/ bác sĩ tư loan tin tức về số người ngộ độc vì ăn hải sản;

- Cấm các phòng khám, bệnh viện /bác sĩ tư thử nghiệm máu cho những thợ lặn bị bện;h

- Cấm các nhà báo tự do đến những vùng có cá chết tìm hiểu hoặc phỏng vấn những nạn nhân. Bắt bớ, giam cầm những người đi lấy tin tức, phạt tiền những tờ báo giấy đăng tin, cáo buộc phóng viên đài truyền hình VTC đưa thông tin sai lệch.

- 14 và 15/5, Đài truyền hình VTV1 và truyền hình CAND công khai đả kích nhóm nhân sĩ trí thức ngày 27/4 ra Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung Việt Nam nhằm trực tiếp phê phán công ty Formosa làm cho cả một vùng biển hơn 200 km nhiễm độc và cá chết là "kích động" dân chúng, trong đó chỉ đích danh TS Nguyễn Quang A, GS Nguyễn Huệ Chi và nhà thơ Hoàng Hưng là những người khởi xướng. Cũng mấy đài truyền hình này còn phê phán Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình của Giáo hội Công giáo Việt Nam "thiếu thiện chí" trong bản tuyên bố ngày 13/5 của ông, tỏ ý lo ngại việc cá chết, biển bị nhiễm độc, giáo dân và dân chúng miền Trung lâm vào tình trạng bất an.

* Loan tin trái ngược, loan tin thất thiệt, và diễn những trò nhằm đánh lừa dân chúng thay vì hướng dẫn dân chúng hiểu rõ tầm nghiêm trọng của thảm họa:

14/05, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm công Tạc cho biết "...có thể nói đã đủ cơ sở khẳng định sẽ có câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận".

Nhưng ngày 25/05 Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, Bộ TN&MT, khẳng định không ém thông tin nhưng chưa tìm được nguyên nhân và sẽ hứa cung cấp rộng rãi khi có đủ chứng cứ khoa học.

Trong khi đó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu tuyên bố bảo đảm cùng nhiều cán bộ Sở TN&MT đã đi tắm biển tại bãi Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà). Ông Điểu tuyên bố: "Kết quả kiểm định mẫu nước ở Đà Nẵng đảm bảo an toàn nên chúng tôi cũng như mọi người yên tâm tắm biển".

* Từ chối đề nghị giúp đỡ điều tra của LHQ và Hoa Kỳ

* Loan tin mời các nhà tư vấn khoa học đến từ các quốc gia Đức, Mỹ, Israel để hoạt động chung với các nhà khoa học trong nước, tuy nhiên không cho biết rõ tên tuổi, lãnh vực hoạt động của họ có thích hợp không, cũng như không công bố chương trình hoạt động cũng như kết quả. Bất thình lình, cuối tháng 7, một nhà hóa học Đức, TS Friedhelm Schroeder, cho biết tuy ông được nhà nước VN mời cộng tác trong quá trình điều tra nhưng lại giới hạn công việc của ông chỉ được bình luận những báo cáo của các khoa học gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong khi phần có mặt, kiểm tra tại chỗ, thì chỉ hời hợt và lướt qua cho có lệ. Ông cũng không được tự lấy mẫu để nghiên cứu (2).

* Không xác định nghiêm túc thảm họa, không minh bạch chi tiết kết quả điều tra, trong cuộc họp báo ngày 30/6, Chính phủ Việt Nam tuyên bố nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ô nhiễm biển, gây ra nạn cá chết hàng loạt ở tỉnh này và 3 tỉnh lân cận. Trước đó, Tập đoàn Formosa đã gửi thư nhận trách nhiệm đến Thủ tướng Chính phủ, xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, và cam kết bồi thường 500 triệu đôla đã thỏa thuận với Chính phủ VN, mục đích sau đó sẽ tiếp tục cho nhà máy hoạt động.

* Cho tới ngày 23/7, nhà chức trách đã phát hiện 8 điểm chôn lấp và xử lý chất thải bất hợp pháp của Formosa Hà Tĩnh trên đất liền, tập trung ở thị xã Kỳ Anh, các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Phù Ninh (Phú Thọ)(3).

* Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết vẫn chưa có chủ trương thành lập Ủy ban lâm thời riêng để điều tra về Formosa, và ca ngợi việc buộc được Tập đoàn Formosa phải cúi đầu nhận lỗi và nhận trách nhiệm, đồng thời phải cam kết thay đổi công nghệ, khắc phục hậu quả, bảo vệ môi trường... là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, các đơn vị liên quan và các nhà khoa học.

b- Liên quan đến chuỗi thảm họa cá chết sau Vũng Áng và bờ biển Miền Trung, xảy ra tại thượng nguồn sông Bưởi, sông La Ngà, sông Lạch Bạng, đảo Phú Quý, sông Bưởi, sông Hinh, kênh Nhiêu Lộc, hồ Hoàng Cầu, sông Thương, khu vực biển Xuân Phương (Sông Cầu)

Khác với tại Vũng Áng với nghi vấn về Formosa, ở những địa điểm này nhà nước nhanh chóng và dễ dàng tìm ra thủ phạm mà không cần minh chứng: thời tiết hoặc ô nhiễm (sẵn có từ nhiều tháng nhiều năm). Những nơi có thủ phạm nhận tội là đủ, như Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình thừa nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi, công ty cổ phần mía đường La Ngà vỡ bồn chứa mật. Không thấy có điều tra diễn tiến cũng không thấy đặt nghi vấn do phá hoại.

2/ Về phía người dân

So sánh với sự hiểu biết và phản kháng của người dân tại những quốc gia nơi Tập đoàn Formosa Plastics Group đã từng gây ô nhiễm như Đài Loan, Mỹ, Campuchia, thì sự phản kháng của dân chúng Việt Nam thật quá yếu ớt. Những cuộc biểu tình để nói lên nguyện vọng của người dân, nhiều nhất cũng chỉ lên tới vài trăm, còn thường thì chỉ vài chục cho đến lẻ tẻ vài người.

Khác biệt lớn nhất với tất cả những quốc gia vừa kể, là mọi nơi các chính phủ cho cảnh sát đi dọn đường, bảo vệ người đi biểu tình và các chính phủ hợp lực với người dân ngay từ phút đầu để phanh phui và đưa kẻ chủ mưu gây thảm họa môi trường ra trước pháp luật. Nhà cầm quyền Việt Nam là chính phủ duy nhất trên thế giới đổ tội cho chính những nạn nhân lên tiếng kêu cứu là "thổi phồng thảm họa", là "mưu đồ chính trị" và cả... "phản động".

Chỉ có dân Việt Nam đi biểu tình bất bạo động đòi cứu biển cứu dân tộc là bị đánh đổ máu bởi chính nhà cầm quyền của mình, chỉ có dân Việt Nam mới còng lưng đóng thuế để nuôi lực lượng công an hùng hậu đấm đá bắt giữ mình, những kẻ cùng là đồng bào mà có thể xông vào lấy đá đập vỡ đầu mình, hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt sống mình.

Chỉ có chính phủ Việt Nam mới đặc biệt không những "có chính sách độ lượng" chỉ riêng với thủ phạm mà còn cẩn thận giáo đầu cho dân sau khi đã được nghe lời xin lỗi của kẻ thủ ác thì phải "khoan hồng, độ lượng" với chúng. Riêng chính phủ tuyên bố chỉ cần một lời hứa của nhà đầu tư, cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ sẽ tiếp tục đảm bảo cho họ hoạt động hiệu quả.

Cũng khác với các nước trên, Việt Nam có một lực lượng truyền tin rất có kỷ luật, muôn ngành như một, hoàn toàn theo đúng nguồn chính phủ đưa ra. Người dân ở xa những vùng trực tiếp bị thảm họa nếu không thuộc vào giới biết sử dụng internet thì chỉ biết những tin chính phủ muốn họ biết, thí dụ như lời tuyên bố chắc nịch của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: "Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương công khai, minh bạch diễn biến và các biện pháp xử lý sự cố môi trường nghiêm trọng này. Ngay từ đầu, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tích cực, quyết liệt chỉ đạo."

Khác với Đài Loan, Việt Nam chẳng có 1000 nhà khoa học dám đoàn kết đương đầu với Formosa Plastics Group, có lẽ vì ở Việt Nam chẳng có hy vọng gì ở một hệ thống pháp luật nghiêm minh bảo vệ cho sự Tự Do Học Thuật (4). Cũng chỉ ở Việt Nam Y sĩ ra trường mới phải thề "dưới chân dung Chủ tịch Hồ chí Minh sẽ trung thành với Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa" nên từ chối thử nghiệm máu cho bệnh nhân vì những người này là thợ lặn làm việc với Formosa.

Nhà báo tự do bị ngăn chặn thì ngư dân và gia đình họ phải sống trong cảm giác cô đơn, bị bỏ mặc, chẳng ai biết tới số phận mình, vì truyền thanh truyền hình nhà nước đâu có nhắc tới hàng trăm ngàn chữ ký của đồng bào họ tại hải ngoại yêu cầu Tổng Thống Obama chú ý tới thảm họa môi trường tại Việt Nam, hay loan tin đề nghị giúp điều tra nguyên nhân của Mỹ hay của Liên Hiệp Quốc?

Chắc chắn vì vậy mà biển chết, đất mất, vẫn chẳng thấy nổi vài trăm ngàn người (nói chi tới cả triệu) dám cầm nến tràn ra đường như ngày xưa tại Đông Đức, hay gần đây, và rất gần Việt Nam, tại Manila. Hay ở một đất nước có truyền thống theo Phật Giáo như Việt Nam, không cầm nến thì ít ra cũng ào đến những nơi cá chết oan uổng để tụng kinh siêu thoát cho cá, cầu an cho dân?

Những điều cần ghi nhận:

1/ Liên Hiệp Quốc đã nhìn thấy không những thảm họa môi trường mà thêm tình trạng bi đát của một Việt Nam nhỏ bé trong tay 2 tập đoàn khổng lồ MCC China Metallurgical Group Corporation (của chính phủ Trung Cộng) và FPG Formosa Plastics Group (của tư nhân), nên đã tự đề nghị giúp Việt Nam điều tra. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã từ chối đề nghị giúp đỡ này, một sự giúp đỡ bảo đảm vừa về chất lượng lẫn tính trung thực.

Người dân Việt cần phải thức tỉnh: từ chối sự chú ý và có mặt của LHQ tại Việt Nam trong lúc này, phải chăng giới hữu trách Việt Nam không hề có ý muốn khẩn cấp tìm ra sự thật toàn vẹn, hoặc họ đang sa lầy trong thế kẹt nào đó để không còn quyền quyết định những phương thức cứu nguy?

2/ Cho tới nay, nhà cầm quyền Việt Nam chưa hề công bố phúc trình khoa học, kết quả nghiên cứu/phân tích khoa học, tài liệu nghiên cứu dùng làm cơ sở cho cuộc điều tra... gây tình trạng chính các khoa học gia Việt Nam trong và ngoài nước còn đang tranh cãi về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân cá chết do chính phủ đưa ra.

Tình trạng mù sờ voi này hé cho thấy nguy cơ chạy tội của MCC và Formosa, và nguy cơ càng rõ khi một trong những nhà tư vấn quốc tế được chính phủ Việt Nam mời vào điều tra nguyên nhân thảm họa cá chết là TS Friedhelm Schroeder, đã trả lời phỏng vấn của Quỹ Học viện Đức Bảo vệ Biển và đã phủ nhận việc được phép lấy mẫu để tự nghiên cứu như đăng trong các báo Việt Nam. Ngoài ra ông còn kết tội việc kiểm tra tại chỗ hời hợt và chiếu lệ, cũng như cho rằng những công ty khác (ngoài Formosa) có thể là thủ phạm gây ô nhiễm đã không bị điều tra.

MCC và Formosa sẽ không bỏ qua sự kiện này (hay chính họ đã sửa soạn kịch bản từ đầu?). GS Châu văn Minh, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cấp quốc gia để tìm nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung và đội ngũ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam liệu có đủ sức, đủ dữ kiện trong tay để chống đỡ?

Đối đầu với MCC và Formosa, nhà cầm quyền CSVN không thể áp dụng chính sách im lặng hay tung tin làm loãng sự kiện hay đàn áp không cho lên tiếng như họ thường làm đối với dân.

Sẽ phải nhượng bán những gì còn lại?

03.08.2016



_________________________________________

Bài đã đăng:



Bài tiếp: Biển chết, đất mất. Làm gì?

Chú thích:






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo