Tham nhũng sống nhăn răng - cán bộ ăn thoải mái - Dân Làm Báo

Tham nhũng sống nhăn răng - cán bộ ăn thoải mái

Phạm Trần (Danlambao) - Không đâu như ở Việt Nam dưới thời Cộng sản, chống tham nhũng đã thất bại ê chề mà vẫn ngại bứt dây động rừng, đập chuột sợ vỡ bình hay có ghẻ mà không dám chữa.

Chuyện này ai cũng biết đã kéo dài trong suốt 10 năm, kể từ khi Luật phòng, chống Tham nhũng được thi hành năm 2006. Cả hệ thống đảng và các cơ quan nhà nước đã vào cuộc mà tham nhũng vẫn cao như núi, vô phương cứu chữa. Như vậy thì giới cầm quyền phải có vấn đề, bởi vì chỉ có cán bộ, đảng viên có chức có quyền mới có thể tham nhũng.

Đảng đã có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (BCĐTƯ), trước đây do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Nhưng sau 7 năm tiêu phí không biết bao nhiêu tiền mồ hôi nước mắt của dân, tham nhũng vẫn sinh con đẻ cháu tràn lan nên Bộ Chính trị đã giao Ban này cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điều hành từ ngày 01-02-2013.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo gồm 9 điều được quy định trong Quyết định số 162-QĐ/TW của Bộ Chính trị, cơ cấu tối cao quyết định mọi việc ở Việt Nam. Các điều 4,5,6 của Quyết định là đã chứng minh ông Nguyễn Phú Trọng và 15 thành viên đã không làm tròn nhiệm vụ.

Nguyên văn điều 4 quy định ban này có nhiệm vụ: "Chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thông qua hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm của mình làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; những sơ hở, bất hợp lý về cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền đưa ra biện pháp ngăn ngừa, khắc phục."

Trong điều 5, nhiệm vụ tập trung vào: "Chỉ đạo các cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo, đôn đốc điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm."

Sau cùng, điều 6 cho Ban này quyền: "Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và xử lý các thông tin về vụ, việc tham nhũng do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp."

Như vậy, BCĐTƯ có trách nhiệm thúc đấy các cơ quan đảng và nhà nước truy cứu nguyên nhân nẩy sinh ra tham nhũng, truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu để kiểm tra, thanh tra và điều tra để truy tố. 

Và để bảo đảm trung thực, BCĐTƯ còn có trách nhiệm theo dõi và xem xét thực hư của lời tố cáo và đơn khiếu nại nếu có.

Vậy Ban này đã làm được gì sau 3 năm? Có lẽ không nhiều vì chỉ biết ngồi một chỗ để chỉ tay năm ngón, hay “chỉ đạo” như Bộ Chính trị đã ấn định nên ông Trưởng ban Nguyễn Phú Trọng vẫn còn than tại phiên họp thứ 10 của BCĐTƯ ngày 27/4/2016: "Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, vô cùng khó khăn, phức tạp, vẫn là vấn đề nhức nhối, xã hội chưa yên tâm". 

Dân chưa yên tâm vì ông Trọng đã chứng minh đảng vừa đánh vừa run ngay từ cửa miệng ông qua thời gian, bắt đầu từ cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội (đơn vị bầu cử số 1 gồm các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ) ngày 6/8/2016. 

Ông Trọng đã "đồng ý với những ý kiến của cử tri về việc cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng."

Nhưng ông lại nói: "Khi thực hiện công việc này cần chắc chắn, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả và giữ cho được ổn định." (VOV, Voice of Vietnam)

Tại sao chống kẻ tham nhũng mà lại sợ mất ổn định, xáo trộn nội bộ hay ông thấy đâu đâu cũng có tham nhũng nên nếu làm mạnh, làm sạch sẽ tan hàng ra đám, nát tan cả đảng?

Ông Nguyễn Phú Trọng còn nói: "Đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn phức tạp. Khó khăn bởi lẽ nó là cuộc đấu tranh trong nội bộ, trong mỗi con người, giữa cái tốt, cái xấu; liên quan đến danh dự, lợi ích của con người... Dù khó khăn như vậy nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, phải làm cho bằng được."

Ông cam kết thế thì biết vậy nhưng tính nhút nhát chống tham nhũng vừa đánh vừa run của ông Trọng đã chứng minh từ ngày 27/09/2013, cũng trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội.

Khi cử tri thắc mắc tại sao công tác chống tham nhũng cứ mãi không đi đến đâu, ông Trọng nhìn nhận: "Sốt ruột, bức xúc lắm, không phải bây giờ mà mấy năm trước Đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng… Lãng phí cũng ghê gớm, có khi còn hơn tham nhũng, về thời gian, công sức, tiền bạc..." (Theo báo VNNet)

Là người đứng đầu BCĐTƯ phòng, chống tham nhũng nên ông biết rất rõ quốc nạn tham nhũng mỗi ngày thêm phức tạp. Ông còn bảo: "Phải chống nhiều thứ như lợi ích nhóm, cục bộ, suy thoái và cả tham nhũng nhỏ… Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu."

Tuy biết hai năm rõ mười như thế nhưng ông Trọng vẫn không tìm được mặt kẻ nội thù tham nhũng. Đến lần tiếp xúc với cử tri ngày 06/10/2014, người ta lại nghe ông Tổng Bí thư phét lác ngập ngừng như kẻ sợ ma về cách ứng xử với giặc tham nhũng.

Ông nói: "Xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển. Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm.

"Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định".

Đánh chuột tham nhũng nhưng lại sợ vỡ cái bình đảng bọc ngoài thì còn phòng với chống cái gì? Trong quân sự thời chiến tranh Việt Nam người ta gọi đây là lối “di tản chiến thuật” để không bị “quân ta bắn quân mình” mà chết cả lũ.

Nhưng mà bác Tổng Trọng ơi, từ khi ông nói nhiều và ngần ngại không đám đánh nhanh, đánh mạnh và thằng thẳng vào mặt tham nhũng thì những kẻ có chức, có quyền dưới trướng của ông đã có những bước nhảy vọt quá độ từ tham nhũng vặt một trăm, vài nghìn hè phố, dọc đường tăng lên hàng chục nghìn tỷ đồng là tại sao? 

10 năm không bằng một tiếng

Chẳng tại sao hay tại trăng gì hết. Tại vì lãnh đạo đảng đã thiếu quyết tâm chính trị và không dám đánh rắn phải đánh vào đầu và đánh cho tuyệt nọc thì may ra mới thoát.

Chuyện chống tham nhũng giờ giăng giở đèn của đảng đã tự lột ra hết tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), tổ chức tại Hà Nội ngày 12/7/2016 vừa qua.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nói huỵch toẹt trước Hội nghị rằng: "Cùng với những kết quả đạt được, công cuộc đổi mới đất nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng. Công tác PCTN hiện nay chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo.”


Vậy 55.000 tỷ và 200 mẫu đất biến đâu mất? Báo trong nước viết: "Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, theo báo cáo là do nhiều nguyên nhân, việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn; nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản."

Vì vậy, ông Sáu cho biết: "Qua 10 năm, tỷ lệ kê khai tài sản đạt 99,5%, đã xác minh được gần 5.000 trường hợp trong đó đã phát hiện xử lý, kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực."

Chỉ tìm ra có 17 người khai không thật trong 10 năm thì quả là mắt đảng cũng cần phải thay. Tuy nhiên ông Sáu cũng đã nhìn nhận: "Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt."

Tổng Thanh tra Chính phủ đã nói thật lòng, nhưng không bằng những tuyên bố của Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC).

Ông Độ nói thẳng: "10 năm qua, tham nhũng ngày càng “phát triển”, hầu như lĩnh vực nào cũng có, quy mô rất lớn khi có những vụ lên tới cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ, còn tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Chính vì thế tôi cho rằng phải sớm thành lập Ủy ban Điều tra tham nhũng độc lập và có sức mạnh." (theo báo Dân Trí, 16/08/2016)

Ông Độ đã đề nghị như thế tại cuộc họp thẩm tra dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) mà cả ông và nhiều người khác đã phê bình "không có gì mới và sẽ chẳng giải quyết được những việc cần phải làm."

Tướng Độ nhận xét: "10 năm qua, mặc dù chúng ta có nhiều cơ quan chỉ đạo của Đảng, các cơ quan chống tham nhũng ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao, cơ quan thanh tra ở các bộ ngành, địa phương nhưng thực tế đều hoạt động không hiệu quả. Đối tượng tham nhũng đều là những người có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt trong những vụ tham nhũng lớn thì “dây mơ rễ má” rất lớn, những tổ chức, cơ quan thông thường không đủ quyền lực, quyền hạn để phát hiện, điều tra và xử lý."

Ông nói: "Đặc biệt là việc phát hiện tham nhũng thông qua kiểm toán, thanh tra, phải có cơ quan áp dụng điều tra đặc biệt để đưa những vụ án đấy ra ánh sáng. Có như vậy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng mới hiệu quả hơn."

Theo ông Độ thì: "Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ xây dựng có đề xuất Quốc hội có thể thành lập Ủy ban lâm thời điều tra vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm nhưng chúng ta phải hiểu đó là thành lập, xử lý những vụ án đã bị phát hiện rồi, đã rõ ràng rồi. Điều chúng ta cần là phát hiện và đưa ra xử lý những vụ án tham nhũng ra ánh sáng. Khi vụ án tham nhũng chưa xuất hiện thì Quốc hội khó có thể lập Ủy ban lâm thời được."

Ủy ban Điều tra tham nhũng độc lập do Tướng Độ đề xuất, theo ý ông là "là cơ quan có thẩm quyền về tố tụng, tư pháp để phát hiện, điều tra và chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát truy tố."

Lập ra cho oai thôi

Khi được hỏi vậy vai trò của BCĐTƯ phòng, chống tham nhũng đang do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm đầu có làm được gì không, tướng Độ thẳng thắn: "Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là cơ quan chỉ đạo của Đảng, lãnh đạo của Đảng cho phương hướng, ý kiến thôi, còn có quyền hạn nhà nước gì đâu. Ủy ban Điều tra tham nhũng này (do ông đề xướng) trực tiếp bắt tay vào làm, có quyền hạn, thẩm quyền của một cơ quan nhà nước."

Ông Độ còn xác nhận tính bù nhìn, bầy ra cho oai của các cơ quan phụ trách chống tham nhũng như thế này: "Trên thực tế, qua 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng với rất nhiều ban chỉ đạo, cơ quan ban ngành nhưng đến nay chưa cơ quan nào tự phát hiện tham nhũng trong cơ quan mình cả."

Vì vậy ông bảo: "Chúng ta phải có cơ quan ở bên ngoài, có thẩm quyền điều tra đặc biệt, khi có phản ánh hoặc báo chí nêu thì cơ quan đó phải trực tiếp vào làm, chứ cứ để các cơ quan tự phát hiện thì chả có phát hiện nào đâu, không hiệu quả là vì thế."

Tất nhiên làm sao mà hiệu quả được vì có bao giờ lại lột áo nhau ra cho thiên hạ xem lưng?

Ông Độ kết luận: "Có thể thấy rằng tham nhũng đã “phát triển vượt bậc” trong 10 năm qua. Hầu như lĩnh vực nào cũng có tham nhũng, từ tham nhũng vặt đến quy mô rất lớn, xuất hiện nhiều vụ tham nhũng nghìn tỷ, chục nghìn tỷ đồng với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Nếu chúng ta không chống tham nhũng thành công thì sẽ kìm hãm rất lớn sự phát triển của đất nước và làm giảm niềm tin của nhân dân."

Chả biết đề xướng của ông Trung tướng Trần Văn Độ có lọt vào tai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không, nhưng nếu cứ làm như hiện nay là: Đảng làm luật, đảng thi hành luật và đảng xử lý kẻ tham nhũng thì có khác gì vừa đá bóng vừa thổi còi?

Dân phản ứng

Trước báo cáo sau 10 năm chống tham nhũng, nhiều người dân đã lên tiếng bất bình nhưng không ai biết phải làm gì.

Một người ký tên Đinh Xuân Chồn viết trên báo Dân Trí ngày 13/08/2016: "Cái gì phát triển như tham nhũng ở VN năm sau tăng hơn năm trước thì đất nước ta bây giờ ai củng có ô tô đi làm rẫy rồi."

Quang Huy nói thẳng: "Chỉ có quan mới tham nhũng mà thôi, thử hỏi ai chống tham nhũng? ai tham nhũng?"

Duc Trung chất vấn: "Không có mấy nghìn tỉ để làm đường phải tính chuyện đi vay vậy mà mỗi vụ phát hiện thất thoát tham ô hàng trăm nghìn tỉ lại xử lý nửa vời thậm chí cho vào quên lãng, đành rằng cần vốn để phát triển nhưng phải là hiệu quả khi sử dụng đồng vốn đấy vay rồi để tham nhũng thì đi vay làm gì cho dân gánh nợ."

Độc gỉa Trần Thị Như Quỳnh bày tỏ: "Những người dân đang số tại Việt Nam hiện tại đã nợ nước ngoài mỗi người khoảng 30 triệu đồng. Đất nước cần phải có người đứng đầu quyết tâm và có lòng tự trọng dân tộc mới có thể chống tham nhũng được, theo tôi cần lập một Tổ chức phòng chống tham nhũng riêng biệt và không phụ thuộc vào nhà nước để chống tham nhũng quyết liệt. Người dân bây giờ không còn tin tưởng vào chế độ nữa rồi, ví dụ như quan cấp xã, cấp huyện thôi mà người nào cũng có nhà lầu, xe ôtô, con cháu đi học ở các nước tiên tiên trên thế giới, so mặt bằng chung của xã hội thì quan chức bây giờ quá giàu, trong khi đất nước đã thống nhất hơn 40 năm rồi mà càng ngày càng đi xuống, tham những hầu hết các lĩnh vực, tất cả người dân chán với khẩu hiệu hô hào chống tham nhũng mà chỉ cần chính phủ hành động thôi."

Pham Nhat Minh phát biểu: "Do cơ quan quản lý nhà nước yếu kém nên mới thế. Nói thì hay nhưng có làm đâu. Tại các buổi hội nghị họp xong rồi cũng xong luôn, tiền của dân ấy mà đúng là cha chung không ai khóc."

Một người ký tên Chim Gõ Kiên viết: "Ngày xưa tham nhũng "lẻ tẻ" dễ lộ nên chỉ chừng chục tỷ là đã quá muộn rồi! Bây giờ tham nhũng có "quy mô lớn và tổ chức" hẳn hoi! Nghìn tỷ trở lên vẫn còn "trong giới hạn an toàn" và luôn được khẳng định "vẫn còn trong tầm kiểm soát"! Tạm hiểu theo kiểu "giang hồ" là có "bảo kê"."

Sau cùng Bằng Van kết luận: "Giờ thì ai cũng hiểu không thể chống tham nhũng được, tất cả chỉ là hô hào thôi."

Và đó là lý do tại sao tham nhũng vẫn sống nhăn răng để cho cán bộ được ăn thoải mái. -/-

(08/016)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo