Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Vào ngày 11/4/2016, Đông Timor đã nộp đơn khởi kiện Úc với Tòa Trọng Tài Thường Trực tại The Hague (PCA) theo thủ tục Hòa Giải (Conciliation) dưới Phụ Lục V của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Mục đích của đơn kiện là yêu cầu Úc tiến hành thương lượng phân định lãnh hải giữa Đông Timor và Úc.
Đây là vụ kiện thứ tư của Đông Timor. Vụ kiện đầu tiên diễn ra vào ngày 24/3/2013 khi Đông Timor nộp đơn với PCA yêu cầu Tòa Trọng tài tuyên phán là Hiệp Ước Thỏa Thuận Hàng Hải trong Biển Timor (Certain Maritime Arrangements in the Timor Sea 2006 hoặc CMATS) là không có giá trị pháp lý. Vụ kiện thứ hai diễn ra vào năm 2014 khi Đông Timor yêu cầu Tòa Án Công Lý Quốc Tế (ICJ) không được sử dụng văn kiện mà cảnh sát Úc bố ráp và tịch thu từ văn phòng luật sư người Úc của Đông Timor tại Canberra trong vụ kiện mà Đông Timor tiến hành vào năm 2013. Vào tháng 9 năm 2015, Đông Timor cũng tiến hành một đơn kiện khác với PCA tranh chấp với Úc quyền đánh thuế liên quan tới đường ống dẫn dầu từ khu vực mỏ dầu Greater Sunrise.
Để hiểu lý do tại sao lại có những vụ kiện như vậy thì phải lược lại dòng lịch sử lập quốc của Đông Timor. Đông Timor trước kia là thuộc địa của Bồ Đào Nha từ thế kỷ 16. Tới tháng 11 năm 1975, Mặt Trận Cách Mạng Đông Timor Độc Lập (Revolutionary Front for an Independent East Timor) tuyên bố Đông Timor là một quốc gia độc lập. Chỉ 9 ngày sau đó, Nam Dương xua quân xâm chiếm và biến Đông Timor thành tỉnh thứ 27 của Nam Dương.
Vào năm 1989, Úc và Nam Dương ký Hiệp Ước Timor Gap (Timor Gap Treaty) đồng ý cùng hợp tác khai thác tài nguyên trong Biển Timor. Năm 1999, Nam Dương quyết định từ bỏ quyền kiểm soát và rút quân khỏi Đông Timor. Sau khi Đông Timor trở thành một quốc gia độc lập và gia nhập thành viên Liên Hiệp Quốc vào ngày 20/5/2002, Úc và Đông Timor ký Hiệp Ước Timor Sea (Timor Sea Treaty), thay thế cho Hiệp Ước Timor Gap.
Chỉ hai tháng trước khi Đông Timor giành được độc lập, Úc quyết định rút ra khỏi cơ chế tài phán của UNCLOS đối với những tranh chấp liên quan tới phân định lãnh hải.
Vào năm 2006, Úc và Đông Timor ký Hiệp Ước CMATS thay thế cho Hiệp Ước Timor Sea. CMATS quy định là hai quốc gia sẽ chia đều thu nhập từ mỏ Greater Sunrise và đồng ý giữ nguyên trạng cũng như không đặt vấn đề phân định lãnh hải trong 50 năm.
Vào năm 2012, một cựu nhân viên tình báo Úc (nhân chứng K) tiết lộ là cơ quan tình báo Úc ASIO đã gắn thiết bị nghe lén trong vách tường phòng họp của Nội Các Chính phủ Đông Timor từ năm 2004 khi Úc viện trợ xây cất và tu bổ cơ sở hạ tầng và tòa nhà chính phủ cho một chính quyền Đông Timor độc lập vừa mới ra đời.
Thực chất của cuộc tranh chấp này là quyền kiểm soát và khai thác tài nguyên trị giá khoảng 40 tỷ Mỹ kim trong vùng biển Timor. Lập luận của Đông Timor là Úc đã lợi dụng một quốc gia non trẻ để khuyến dụ Đông Timor ký Hiệp Ước CMATS đánh mất chủ quyền kinh tế tại khu vực mỏ Sunrise mà đúng ra theo luật quốc tế phải hoàn toàn thuộc về Đông Timor vì nằm trong đường trung tuyến ranh giới lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế giữa Đông Timor và Úc.
Đông Timor có dân số khoảng 1.2 triệu và GDP mỗi đầu người xấp xỉ 1,000 Mỹ kim, so với Úc là 25 triệu và 55,000 Mỹ kim. Như những trận đụng độ giữa David và Goliath khác, Đông Timor hy vọng là công pháp quốc tế sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các quốc gia giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và công bằng. Vào ngày 3/3/2014, Tòa Án Công Lý Quốc Tế ban hành phán quyết (12 phiếu thuận, 4 phiếu chống) ra lệnh cho Úc trả lại văn kiện mà cảnh sát Úc đã đột kích và tịch thu từ văn phòng luật sư Bernard Collaery là luật sư của Đông Timor tại Canberra. Ngoài ra, Úc không được sử dụng nội dung của các văn kiện này trong vụ kiện CMATS do Đông Timor tiến hành vào năm 2013 cho tới sau khi vụ kiện này kết thúc. Úc đã tuân thủ quyết định này và trao trả văn kiện lại cho Đông Timor.
Về vụ kiện CMATS, luật sư của Đông Timor có thể đưa ra 3 luận điểm để yêu cầu Tòa Trọng Tài tuyên phán là Hiệp Ước CMATS không có giá trị pháp lý. Thứ nhất là Úc đã gian lận trong tiến trình đàm phán. Điều 49 của Công Ước Vienna về Hiệp Ước (Vienna Convention on the Law of Treaties) quy định là khi một quốc gia bị khuyến dụ ký kết hiệp ước bởi hành vi gian lận của một quốc gia khác thì quốc gia đó có thể hủy bỏ hiệp ước một cách chính đáng. Đặt máy nghe lén thu thập thông tin bảo mật để trục lợi trong lúc thương lượng là một hành vi gian lận. Vấn đề là hành vi này có khuyến dụ Đông Timor ký kết hiệp ước CMATS hay không? Nếu Đông Timor chứng minh được là Úc thật sự đã đặt máy nghe lén khi sử dụng chiêu bài viện trợ dẫn đế một hiệp ước bất công và thiệt thòi thì Đông Timor sẽ có nhiều cơ hội thắng kiện.
Lập luận thứ hai tương tự như lập luận thứ nhất đó là Đông Timor cáo buộc Úc đã thiếu "thiện ý" (good faith) trong tiến trình đàm phán. Thiện ý là một nguyên tắc được luật quốc tế công nhận. Khi đàm phán hiệp ước, các quốc gia liên hệ cần phải có thiện ý để đưa đến một kết quả công bằng cho cả hai bên. Lúc đó, thế thương lượng của Úc mạnh hơn Đông Timor rất nhiều với nguồn lực và phương tiện dồi dào về khả năng ngoại giao, luật pháp và khoa học liên quan tới tài nguyên trong vùng Biển Timor. Như vậy mà Úc còn nghe lén các cuộc thảo luận của tân chính quyền Đông Timor khi thương lượng hiệp ước thì rõ ràng Úc đã vi phạm nguyên tắc thiện ý.
Luận điểm thứ ba là Úc đã thu thập tình báo bất hợp pháp trên lãnh thổ của Đông Timor. Hành vi này vi phạm luật hình sự của Đông Timor. Hoạt động tình báo trong thời bình cũng có thể được xem là can thiệp vào nội vụ của một quốc gia và vi phạm chủ quyền của quốc gia đó trái ngược với tập quán quốc tế.
Hiện nay, vụ kiện này vẫn đang tiếp diễn trong vòng bảo mật tại The Hague. Có một số nguồn tin cho rằng phiên xử đã bắt đầu vào ngày 29/8/2016. Hội Đồng Thẩm Phán gồm có Giáo Sư Tullio Treves, Lors Colin of Mapesbury và Giáo sư W. Michael Reisman. Luật sư đại diện cho Đông Timor gồm có Sir Franklin Berman QC, Sir Geoffrey Nice QC, Giáo Sư Vaughan Lowe QC và Tiến Sĩ Andrew Legg. Có nghĩa toàn là những chuyên gia luật quốc tế thượng thặng. Đội ngũ luật sư của Úc cũng chẳng vừa gì và gồm có Chánh Luật Sư Liên Bang Justin Gleeson SC, Sir Daniel Bethlehem QC, Henry Burmester QC và Giáo Sư Luật Quốc Tế Chester Brown thuộc Đại Học Sydney.
Lập luận của Úc (tương tự như lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện "Đường Lưỡi Bò") là PCA không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này vì nó liên quan tới việc phân định lãnh hải giữa hai quốc gia mà Úc đã tuyên bố rút lui khỏi cơ chế tài phán của UNCLOS. Nhưng khác với Trung Quốc, Úc đã chấp nhận tham gia vào vụ kiện và chấp nhận quyền phán xét của chính Tòa Trọng Tài là Tòa có thẩm quyền xét xử hay không. Vì có tham gia vào vụ kiện nên Úc đã lèo lái và yêu cầu tất cả mọi phiên xử được giữ trong vòng bí mật. Do đó, ngoài danh sách Hội Đồng Thẩm Phán và luật sư đại diện cho hai bên, trang mạng của PCA không cho biết thêm chi tiết nào khác về vụ kiện, ngay cả khi nào sẽ có phán quyết hoặc đã có phán quyết sau cùng chưa?
Cũng có thể là Tòa đã ban hành phán quyết theo yêu cầu của Đông Timor là Hiệp Ước CMATS không có giá trị pháp lý. Đó là vì nào ngày 21/4/2016 vừa qua, Đông Timor tiến hành đơn kiện theo thủ tục hòa giải dưới Phụ Lục V của UNCLOS yêu cầu Ủy Hội Hòa Giải (Conciliation Commission) phân định lãnh hải giữa Úc và Đông Timor. Thủ tục Hòa Giải dưới Phụ Lục V được áp dụng khi có tranh chấp giữa hai quốc gia lân cận nhưng quốc gia liên hệ không chấp nhận quyền tài phán của tòa được thành lập dưới UNCLOS. Vào ngày 25/6/2016, Ủy Hội Hòa Giải được thành lập gồm có Đại Sứ Đan Mạch Peter Taksoe-Jensen, Tiến sĩ Rosalie Balkin (Úc), Thẩm Phán Abdul G. Koroma (Sierra Leone), Giáo Sư Danald McRae (Canada và Tân Tây Lan) và Thẩm Phán Rudiger Wolfrum (Đức). Ủy Hội đã bắt đầu phiên xử khai mạc vào ngày 29/8/2016. Trái với thủ tục của Tòa Trọng Tài, phiên xử này đã được trình chiếu trực tiếp qua hệ thống webcast và luật sư của Đông Timor và Úc đã trình bày những lập luận căn bản của mình.
Theo thủ tục hòa giải dưới Phụ Lục V, Ủy Hội Hòa Giải sau khi kết thúc phiên xử sẽ đệ trình một bản báo cáo lên Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc với một số đề nghị cụ thể. Úc và Đông Timor sau đó có trách nhiệm đàm phán theo tinh thần của bản báo cáo đó.
Tóm lại, công pháp quốc tế ngày càng được sử dụng như là một công cụ giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia và tạo ra sân chơi bình đẳng bất kể sự khác biệt về tầm cỡ, dân số, sức mạnh kinh tế và quân sự giữa các quốc gia có tranh chấp. Tương quan sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao giữa Đông Timor và Úc không khác gì khi so với Việt Nam và Trung Quốc. Các quan chức ngoại giao Việt Nam thường hay than phiền là cứ mỗi lần họ nêu ra vấn đề đàm phán về tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa là đồng nhiệm Trung Quốc có phản ứng giận dữ đập bàn, đập ghế. Việt Nam có thể nghiên cứu và áp dụng thủ tục hòa giải dưới Phụ Lục V của UNCLOS đối với Trung Quốc như Đông Timor đã làm với Úc. Khác với Trung Quốc là tuy bị kiện mà Úc vẫn vui vẻ vác chiếu ra Tòa và tiếp tục viện trợ hàng trăm Úc kim hàng năm cho Đông Timor. Khi thua kiện thì nghiêm túc tuân thủ án lệnh của Tòa. Tổng Thống đầu tiên của Đông Timor độc lập là Xanana Gusmao. Ông là một người có nhiều thiện cảm với Úc và có vợ người Úc. Ngược lại, Úc cũng đã hỗ trợ ông rất nhiều trong tiến trình đấu tranh giành độc lập. Nhưng có lẽ vấn đề khác biệt đáng nói nhất là chính quyền và giới lãnh đạo Đông Timor chọn đặt quyền lợi của quốc gia trên quyền lợi riêng của bản thân hoặc đảng phái. Còn giới lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt nam thì lúc nào cũng chỉ biết đặt quyền lợi và sự tồn vong của Đảng trên mọi quyền lợi của tổ quốc và dân tộc Việt Nam.
11.09.2016