Người thương binh và tượng đài - Dân Làm Báo

Người thương binh và tượng đài

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Đất nước còn nghèo, bệnh viện, trường học còn nhiều thiếu thốn, nhà nước cộng sản lại chi ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng các tượng đài, muc̣ đích phô trương và cơ hội tham nhũng. Tượng đài Mẹ Anh hùng được khoe khoang là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á nhưng Việt Nam lại có thu nhập trên đầu người thua xa các nước trong khối.

Người thương binh và tượng đài

Ngày qua ngày, bà Mẹ Anh Hùng vẫn phải tiếp tục đứng sừng sững giữa trời, chân chôn chặt vào tảng đá, mắt nhìn về chân trời xa xăm, như một diễn viên tuồng để các khách đến chiêm ngưỡng, chụp hình lưu niệm một tượng đài vĩ đại.

Một buổi chiều, bà mệt mỏi nhìn những người khách cuối cùng của đoàn thăm quan. Một cô bé kéo tay người cha:

- Mình về đi bố, con thấy lạnh lắm.

Như mọi ngày, trên quảng trường vắng vẻ cuả tượng đài, cảm giác lạnh lẽo lại như lưỡi dao đâm vào tim bà mẹ. Tất cả chung quanh bà đều là đá. Phải một ngục tù bằng đá đang giam cầm, giữ chặt bà ở đây. Những hình thù sau lưng bà, bà thấy xa lạ. Mặt bọn chúng như tài tử điện ảnh Hàn Quốc, không quen thuộc gì. Bà thèm một cái gì ấm cúng, thân thương. Bỗng…

Trong ánh sáng mờ nhạt của buổi chiều tối, bà chợt nhìn thấy một người đàn ông đã luống tuổi, mặc bộ đồ bộ đội đã cũ, từng bước khó nhọc, chống gậy bước đến gần tượng đài. Đặt túi vải cũ trên vai xuống, ông không ngước lên nhìn bà và trầm trồ, khen ngợi như các người khác. Ông khẽ đặt tay lên tảng đá đang chôn cứng bà, nhìn thực lâu vào tảng đá. Dường như trí nhớ của ông đang đưa về một thời xa xưa nào đó, ông đã có một bà mẹ để được thương yêu... Bà Mẹ Anh Hùng đã lâu lắm rồi mới cảm thấy sự chân thật. Trong không gian tịch mịch, bà cảm thấy lòng như ấm lại, bà buột miệng hỏi, giọng thì thào như gió thoảng từ nơi xa xôi nào:

- Con chắc từ xa đến phải không?

Người đàn ông giật mình, ông ngước mắt nhìn lên. Bà Mẹ Anh Hùng như vừa nở nụ cười thân thiện.

-Vâng, con từ thành phố Phóng Thanh ở phía bắc, xa lắm.

- Thành phố tên lạ quá. Mẹ không biết rồi.

- Thành phố sau giải phóng mới có tên mới, vì sáng nào loa phóng thanh trong thành phố được mở thật to để đọc tin, hô khẩu hiệu... Ngày như mọi ngày, dân thành phố nghe cũng quen. Có người nghe tai này cho qua tai kia. Có người, nhất là cấp lãnh đạo, nghe qua tai, sau đó cho phát ra bằng mồm, lập lại y những gì loa nói, thế mới có tên là thành phố Phóng Thanh.

- À, Mẹ hiểu rồi. Lúc này nhà nước làm ăn thế nào, kinh tế có khá không? So với các nước láng giềng thì sao?

- Kinh tế quốc gia cứ ỳ à, ỳ ạch, tham nhũng đầy rẫy cả ra. Hết vay mượn vốn chổ này rồi đến chỗ khác. Đất đai, biển đảo bị lấn chiếm. So sánh với các nước láng giềng thì xấu hổ lắm. Còn các ông cấp lãnh đạo, người nào người ấy giàu kinh, ngai vàng, ngà voi, hàng khủng... chả thiếu thứ gì! Người nào lên tiếng đòi thay đổi là đảng, nhà nước đánh đập, giam cầm. Khối người là tù nhân lương tâm, được các tổ chức trên thế giới can thiệp để trả tự do cho họ nhưng chả đến đâu!

Bà mẹ buồn rầu, nói lảng sang chuyện khác:

- Thế con thì sao? Dường như con bị thương tật gì thì phải?

-Chẳng giấu gì mẹ. Con là con út trong gia đình có hai trai, hai gái. Con tính hay nói thẳng, nên ở nhà hay gọi con là thằng Ruột Ngựa. Mẹ con thương con lắm, vì con là út, lại là đứa trẻ nhút nhát. Khi con đi bộ đội, lên đường vào Nam, mẹ con cứ dặn đi dặn lai: "Ruột Ngựa à, mẹ thương con lắm. Con khi ra trận thấy không xong thì phải bỏ chạy thực nhanh. Con có gì mẹ đau lòng lắm, không sống được đâu. Cố gắng sống còn trở về thăm mẹ con nhé ".

Trên đường vào Nam, đêm đi, ngày nghỉ để tránh máy bay phát giác. Khi nghỉ còn phải học tập đường lối của đảng. Buổi chiều nào, con lại ngủ gà, ngủ gật vì ông chính ủy cứ thao thao như thể lập lại điệp khúc: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi... Biết rồi...”. Con thường chợt tỉnh khi có người gõ vào đầu. Dưới ánh sáng long lanh của những tia nắng buổi chiều như chơi đùa với những cành lá cây đang xào xạc, khuôn mặt chính uỷ cười, nhe hàm răng vàng do khói thuốc lá:

- Đồng chí có nghe và hiểu rõ lời Bác dạy chưa?

Con tỉnh hẳn, đứng bật dậy, hô to:

- Báo cáo đồng chí... RÕ: đánh cho tất cả lộn nhào, tan hoang rồi xây dựng lại vạn lần hơn.

Chính ủy bước đi, rất vui vẻ như mọi lần:

- Giỏi... Giỏi... đúng là bộ đội Bác Hồ.

Nhớ lời mẹ con dăn dò, con ngày nào cũng cố gắng tập chạy. Trong cả sư đoàn, con là người chạy nhanh nhất. Trong trận đánh mùa hè 1975, con nhìn thấy không biết bao nhiêu xác chết không toàn ven của người lính hai miền, của phụ nữ, trẻ thơ, người già... Khi đơn vị con bị đánh bật ra khỏi thành phố, nhìn thấy các đồng đội bỏ chạy, con cũng bỏ cả súng ống chạy. Con chạy nhanh lắm. Khi chạy qua chính ủy, ông vẫn vừa chạy vừa hô khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác Lê bách chiến, bách...” Một tiếng nổ lớn. Con cảm thấy đau nhói ở một chân, nhưng vẫn tiếp tục chạy. Quay lại nhìn chính ủy, ông vẫn chạy. Chỉ một phần thân thể đầy máu còn xót lại vẫn chạy, tay chính ủy đang cầm cái đầu ông ấy.

Con chạy thoát về được hậu cứ, nhưng phải cưa đi một chân. Đồng đội trong tiểu đoàn con, chậm chân quá nên hy sinh cả. Lãnh đạo đảng, nhà nước gắn cho con bao nhiêu là huy chương, đeo còng cả lưng. Khi con trở về quê cũ, mẹ con đã mất hơn một tháng. Con chỉ còn biết ra thăm mộ mẹ, đặt bàn tay lên ngôi mộ đất vừa đắp, mắt nhìn vào đấy, nghẹn ngào gửi vào lòng đất lời nói mẹ con hằng mong ước được nghe "Mẹ ơi, con đã về đây…"

Sau đó con lấy vợ. Được một năm cô ấy bỏ con lấy một công an khu vực vì con còn khó khăn và hàng đêm lại bị các cơn ác mộng, la hét... Con có người chị, chồng chết trong trận chiến biên giới phía Bắc với Trung quốc. Một năm sau chị và con gái nhỏ lại bị tai nạn giao thông, chị ấy chết, con bé bị thương tật. Con thương tình nên đem đứa cháu về nhà. Nay cháu đã lớn, đi làm công cho một cửa hàng gần hãng sản xuất Samsung. Cháu rất chịu khó, đi làm, ra chợ, về nấu nướng. Trong buổi ăn chiều cháu kể chuyện ở chỗ làm. Hạnh phúc của con hiện tại chỉ đơn sơ như thế.

Bà mẹ anh hùng chép miệng:

- Các hãng Hàn quốc qua đây đầu tư, tạo ra bao nhiêu việc làm cho người mình.

- Vâng. Trước 1975, kinh tế nước họ cũng như trong miền nam mình. Bây giờ họ làm ăn hiệu qủa lắm, trở nên giàu có. Đầu tư vào VN, họ mướn cả ngàn nhân công, chưa kể đến những công ty, cửa hàng vệ tinh... Hàng sản xuất của họ được ưa chuộng trên thế giới nên đóng góp lớn vào thu nhập của VN. Trong khi đó các công ty quốc doanh làm ăn chả ra hồn, lỗ vốn rồi tham nhũng…

À, con kể cho mẹ nghe chuyện. Vào một buổi chiều, con đang ngồi trên ghế, mơ mơ màng màng. Bỗng nghe tiếng động từ cửa tủ của góc phòng. Khi cửa mở hẳn ra, một phần thân thể người chính ủy với cái đầu đầy máu bước ra, tay gõ vào đầu con như ngày nào, nhe hàm răng nay đã đầy máu: "Đồng chí đã hiểu rỏ chủ trương đảng và nhà nước chưa?". Con đứng bật dậy “Báo cáo đồng chí́... RÕ: Samsung, Hyundai, Sony, Toyota...” Con ngồi xuống. Chính ủy đưa tay xoay cái đầu đang nằm lệch lạc trên cổ, cúi xuống đưa sát mặt vào. Con như nhìn thấy cái mặt ông TBT Nguyễn Phú Trọng: “Đấy là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thế đồng chí có hiểu rõ chủ trương đảng về đánh tham nhũng không?". Con bật ngay dậy: "Báo cáo đồng chí... RÕ: Ta giết tham nhũng là Ta giết Ta". Phần thây ma Chính uỷ lặng lẽ cầm cái đầu, quay bước đi vào tủ, còn vọng lại tiếng nói: “Giỏi... giỏi... dân tộc anh hùng"

Bà mẹ anh hùng như muốn đưa tay vuốt tóc người thương binh:

- Tội nghiệp con. Chiến tranh chấm dứt bao nhiêu năm mà con còn mãi bị ám ảnh bởi hình ảnh cũ sao?

- Không mẹ ạ. Đêm con có nhiều giấc mơ khác. Gần đây con mơ thấy bác Hồ. Con đi vào lăng, đứng cạnh quan tài của Bác. Đột nhiên Bác mở mắt ra, mắt Bác xanh lè như mắt mèo. Bác đưa tay mở nắp quan tài, ngồi dậy, lấy tay gõ nhẹ vào đầu cháu và cười, mồm đỏ lòm như Bác vừa ăn tiết canh vịt: "Đồng chí hiểu rỏ đảng ta chưa?”. Con đứng nghiêm lại: "Báo cáo Bác... RÕ: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm... Ô SIN". Bác ôm bụng cười văng cả hàm răng ra ngoài: "Giỏi... giỏi... các chú, các cháu ngoan của Bác”. Bác nhặt hàm răng, bỏ lại vào mồm, nằm xuống…

Bà mẹ như mỉm cười, hỏi thăm chuyện khác:

- Con có việc gì gấp, sao phải đi lúc tối trời vậy?

- À, con vào nam, thành phố Còi Hụ ấy, thăm một anh bạn.

Thành phố là nơi du lịch, các ông lãnh đạo sáng nào cũng kéo còi hụ để dân dậy sớm, nghe loa phóng thanh. Bọn Tây ba lô nghe còi hụ, giật nẩy cả mình, sau đó thì cười sằng sặc, vui quá, giống như trong phim ảnh thời thế chiến thứ hai! Gia đình anh bạn làm nghề đánh cá. Vừa rồi, con hay tin tàu anh bị Trung quốc cướp bóc, anh bị đánh vỡ cả đầu. Đảng và nhà nước chỉ nói phét, chả bảo vệ được ngư dân mình. Con thương anh lắm, vào thăm để an ủi.

Bà mẹ ngậm ngùi:

- Sao anh bạn con không đánh bắt cá gần bờ, đi xa chi cho khổ .

- Mẹ không biết chuyện cá chết ở các tỉnh miền trung? Formosa thả chất thải độc hại xuống biển. Nhà nước chả chịu đưa ra biện pháp nào để làm sạch, bảo biển sẽ tự làm sạch. Trên thế giới chưa có quốc gia nào khi biển nước mình bị nhiễm hóa chất độc lại không làm gì, để kệ cho biển tự làm sạch. Người dân bảo biển Việt Nam có khác, đấy là “biển anh hùng”, hoá chất đổ cở nào cũng tự làm sạch. Cá sống ở "biển anh hùng" cũng là cá đặc biệt chỉ ở VN có́, được gọi là “cá anh hùng”. Cá không sợ chết mới dám sống trong môi trường độc hại. Người nào ăn “cá anh hùng” này có cơ may trở thành “người anh hùng”. Dân họ không ai muốn làm anh hùng, lạm phát anh hùng đủ rồi, nên không mấy ai dám mua “cá anh hùng”. Thế nên anh bạn con phải đi đánh cá ở xa.

Bà mẹ cảm thấy gần gủi như một người thân thương mà bà không muốn rời xa:

- Con bây giờ đã lớn tuổi, còn ước mơ gì không? Chẳng lẽ cứ có các cơn ác mộng suốt cuộc đời?

- Từ ngày quyết định trả thẻ đảng viên, con cảm thấy thanh thản, đêm ngủ không còn thức dậy la hét. Đấy là quyết định trễ nhưng có còn hơn không.

Con có anh bạn thân vẫn thường nói với con: "Khi tớ dẫn đơn vị vào Sài Gòn ngày 30 tháng 4 1975, tớ đã ngỡ ngàng: mình đã bị một cú lừa lớn nhất trong đời. Từ nơi nghèo đói, thiếu thốn mọi thứ, trên lưng chỉ đeo vài mẩu lương khô Trung quốc, thế lại gọi là đi giải phóng thành phố phồn vinh, giàu có hơn mình bao nhiêu lần. Vào miền Nam, họ xua đuổi bọn tư bản giẫy chết Sony, Sanyo... đi, bây giờ lại trải thảm đỏ mời trở lại. Không th́ích bị lừa dối thêm, tớ đã trả thẻ đảng, chỉ chú tâm kinh doanh, buôn bán. Không sạch sẽ lắm đâu, cũng phải biết đút lót người này người kia nên cũng vừa đủ tiền đưa con trai đi học nước ngoài. Buồn cười... mình hy sinh tính mạng để đánh đuổi bọn tư bản giẫy chết, may mắn không bị chết để trở th̀ành anh hùng, liệt sĩ. Thế mà con mình, đi học ở nước tư bản giẫy chết và không chịu trở về nước. Nó bảo sống ở nước tư bản giẫy chết nó thấy như thiên đường so với nước mình. Một ông thủ hiến nắm quyền tiểu bang có thành phố Sydney, chỉ vì không khai báo quà tặng là một chai rượu vang, phải từ chức. Một chai rượu, một món quà nhỏ nhoi không đáng gọi là tham nhũng bị nhóm đối lập khui ra, phải từ chức vì vi phạm luật pháp mà bất kỳ ai cũng phải tôn trọng. Còn xứ mình, kẻ tham nhũng hàng tỷ đồng vẫn ung dung đi ra nước ngoài???"

Con đã già, ước mơ cuối cùng trong đời con chỉ mong đất nước hay Trung quốc sẽ có một Gorbachev khác để có thay đổi. Hay đơn giản, thực tế hơn con mong những những người đảng viên cộng sản, những người còn lương tâm đặt tổ quốc trên quyền lợi cá nhân hãy cùng nhau trả lại thẻ đảng, như cùng chung tiếng nói: "Đã đủ rồi. Đừng tiếp tục lừa dối người dân bằng chủ thuyết lỗi thời mà thế giới đã quăng vào xọt rác. Cuộc sống con người ngắn ngủi, ít ra khi chết đi cũng để lại cho con cháu đời sau một xã hội trong sạch, tự do hơn".

Người thương binh tần ngần khi thấy trời đã tối khua:

- Hôm nay, trên đường về nhà, con lỡ một chuyến xe nên đi bộ tới làng gần bên để ngủ qua đêm. Qua chỗ mẹ đứng, nhớ đến mẹ con khi xưa có lẽ hàng ngày đứng tựa cửa ngóng con về, con tạt vào xem có tìm lại cảm giác khi mình còn mẹ. Thôi trời đã tối, con phải về. Mẹ đi nghỉ, con về.

Bóng dáng nhấp nhô của người thương binh loáng thoáng chìm dần vào bóng đêm. Bà mẹ buồn rầu nhìn theo. Người thương binh đã mang đi một không khí ấm cúng, gần gũi,để bà ở lại lẻ loi một minh trong tượng đài hoành tráng nhưng lạnh lẽo như ngục tù. Rồi ngày mai bà lại vẫn tiếp tục đứng, mình bị buộc chặt vào tảng đá, không một cử động, không một cảm xúc để làm hình tượng cho khách thăm quan. Bà cảm thấy đau nhói trong tim. Như mọi tối bà sẽ mất ngủ, thao thức, trăn trở,: sao bắt bà giam cầm chốn này để làm biểu tượng, để che giấu cái chế độ thối rữa đầy dối trá, bất công, tham nhũng. Càng suy nghĩ bà càng thấy cơn giận trong lòng tăng lên, bà phải thoát khỏi chổ này, chổ ngục tù của sự chân thật, sự ngay thẳng. Bà cố gắng cử động đôi chân đang chôn vùi trong khối đá lớn, cảm thấy khối đá dưới chân của mình như đang rạn nứt. Bà vùng vẫy với tất cả sức lực còn lại và như khối đá bó chặt bà đã vỡ tan... bà thoát ra được, thân thể nhẹ nhàng bay bổng lên cao. Phía dưới chỉ còn lại một hình thù lờ mờ của tảng đá.

Buổi sáng sớm, người công nhân quét dọn, ngạc nhiên nhìn thấy nhiều mảnh đá vỡ người gần tượng đài. Ông nhìn lên tượng đài, một tảng đá vô tri giác, ông cảm thấy lạnh hơn bình thường.

Trong bản tin địa phương: "Vào trưa hôm qua, trên quốc lộ Một, một tai nạn thảm khốc xẩy ra giữa một xe khách và một xe hàng khiến một hành khách, một thương binh, chết ngay tại chổ...”




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo