Bạn đọc Danlambao - Tại buổi tọa đàm “Phát huy vai trò của báo chí” trong cái gọi là “đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” diễn ra chiều ngày 6/1/2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng đã dạy dỗ cánh bồi bút rằng báo chí là phải “phò chính diệt tà” chứ không phải “đánh đấm”.
Xin lấy một sự kiện cụ thể liên quan đến Hồ Chí Minh để thấy bản chất của nền báo chí Cắt Mạng do chính y chủ xướng và cổ vũ có vai trò thế nào trong việc tạo nên những trang sử đẫm máu của dân tộc. Ấy là sự kiện đấu tố và tử hình bà Cát Hanh Long, tức Nguyễn Thị Năm, một người phụ nữ giàu có và ủng hộ Việt Minh hết mình, cả về tài sản lẫn công sức. Các tài liệu liên quan đến bà trong phần cống hiến cho Việt Minh ghi lại “Trong kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn Thị Năm đã đóng góp nhiều tiền bạc, vải vóc, nhà cửa cho Việt Minh."
“Trước Cách mạng tháng Tám, gia đình bà từng ủng hộ Việt Minh 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương bảy trăm lạng vàng lúc bấy giờ) và sau đó giúp đỡ nhiều vật dụng, thóc gạo, y tế và nhà cửa.[3] Khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức "Tuần lễ vàng", bà đóng góp hơn 100 lạng vàng.[6] Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn Thị Năm tham gia các cấp lãnh đạo của Hội Phụ nữ của tỉnh Thái Nguyên và Liên khu Việt Bắc, trong đó có 3 năm làm Chủ tịch hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên[7]. Khi thực hiện lệnh "tiêu thổ kháng chiến", bà đã cho san bằng khu biệt thự Đồng Bẩm tại Thái Nguyên.[7].
Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà. Bà Nguyễn Thị Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt [8], Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị...[9]
Bà còn "đã phóng xe nhà treo cờ đỏ sao vàng từ Hải Phòng lên thẳng chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng đến Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai và các đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền”.
Và đây là cách mà Hồ Chí Minh và đảng cộng sản “trả ơn” cho ân nhân Cát Hanh Long: Vu khống bà là “tư sản địa chủ cường hào gian ác”, trở thành người đầu tiên bị đem ra đấu tố và bị giết trong Cải cách ruộng đất.
Trong buổi đấu tố bà Cát Hanh Long, Hồ Chí Minh và Trường Trinh đã cải trang đến tận nơi giám sát. Hồ Chí Minh còn viết bài báo “Địa chủ ác ghê” để kết tội và cổ vũ cho việc giết bà Cát Hanh Long.
Trong hồi ký Đèn cù, Trần Đĩnh đã ghi lại lời kể của Tiêu Lang, phóng viên báo Cứu quốc trong đội cải cách như sau: "Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van "các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh." Du kích quát: "đưa đi chỗ giam khác thôi, im!." Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng. Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất. Và không được lộ là mua chôn địa chủ. Sợ như thế sẽ đề cao uy thế uy lực địa chủ mà. Khổ tớ, đi mua cứ bị nhà hàng thắc mắc chưa thấy ai đi mua áo cho người nhà mà cứ đòi cái rẻ tiền nhất. Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: "Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?" Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy...”.
Từ khi cái gọi là nền báo chí Cách mạng Việt Nam ra đời cho đến tận ngày hôm nay đã bước sang những năm đầu của thế kỷ 21, báo chí cộng sản vẫn luôn đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ giết người. Không chỉ một mạng người của bà Cát Hanh Long mà là gần 200 ngàn người trong Cải cách ruộng đất. Là những mạng người trong Nhân văn giai phẩm, Ôn Như Hầu, Xét lại chống đảng… Là hàng triệu con người trong cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam”. Và vô số bản án tù bất công dành cho những công dân yêu nước.
Nền báo chí mà Võ Văn Thưởng nói đến, không chỉ là “đánh đấm” mà là nền báo chí giết người, phục vụ cho sự nghiệp “phò đảng diệt dân”.