Bóng ai trên đường? - Dân Làm Báo

Bóng ai trên đường?

Bảo Giang (Danlambao) - Vào thời gian của chuyến đi sau này, tình hình chiến sự tại Việt Nam đã mạnh thêm cường độ. Chiến tranh mỗi ngày thêm khốc liệt. Thật ra nó đã đã bắt đầu mạnh hơn ngay sau khi Tổng Thống Ngô đình Diệm bị bọn phản tướng làm cuộc đảo chánh và sát hại Ông. Cái chết của Ông đã làm cho nhà Việt Nam thêm tang thương. Tuy thế, lẽ Trời như rất công minh. Nhà Việt Nam càng tang thương, những kẻ làm cuộc đảo chánh và giết hại anh em ông càng phải đưa đầu ra chịu báng. Ở đây, cũng nên ghi lại câu chuyện trong nhân gian lúc đó. TT Diệm và bào đệ của ông đã bị bọn đảo chánh giết lén, mà chẳng mấy người tin ông đã chết. Hơn thế, nay thì họ bảo ông đang ở chỗ này, mai chỗ khác. Lại có người quả quyết rằng, Ông sẽ đem quân về cứu nước, dẹp bọn phản loạn. Thế mới biết lòng người hoài vọng Ông ra sao. Ông đã đi mà cứ tưởng vẫn còn! Xem ra, nhân cách và con người của Ông hoàn toàn khác xa với cái tập đoàn Việt cộng xưa và nay. Chúng còn sống đó mà ai ai cũng nguyền rủa và cầu cho nó chết đi!

*

Câu chuyện của những ngày đầu năm.

- Bà ơi, bà ra ngoài này chơi với con đi. Sao bà cứ ngồi đây mãi vậy?

Bà tôi, cười nhẹ. Đôi mắt sụp, nhìn theo dáng vài đứa cháu:

- Con đưa em ra ngoài chơi đi, bà ngồi đây nhìn con là vui rồi.

Tôi lại lôi tay bà lần nữa. Bà vẫn lắc đầu. Bất chợt, tay tôi chạm vào Cỗ Tràng Hạt trong lòng bàn tay gầy yếu của bà. Tôi mở to đôi mắt:

- Bà đọc kinh à?

Bà gật đầu. Tôi vội chạy biến ra sân, quên cả việc gọi đứa em chạy theo. Tôi trốn chạy vì nhớ đến những buổi kinh tối trong gia đình mà tôi vừa đọc vừa ngáp ngủ. Có lần, đứa em tôi không quên nhéo cho một cái. Câu chuyện ấy những tưởng là đã vào với dĩ vãng riêng của nhiều năm về trước. Ai ngờ, nay bỗng dưng sống lại…

*

Chiều hôm trước, tự nhiên, tôi nhìn một hình hóa hai và dòng chữ mờ hẳn đi, không thể viết được đôi dòng. Con tôi lo lắng, chở bố đi gặp bác sỹ. Gặp ông, thật lạ, ông đã ít nói lại không một toa thuốc, chỉ có một tờ giấy giới thiệu vào bệnh viện. Chưa kịp hỏi, ông bảo: “nên đi ngay”. Khi ra xe, trong tôi đầy hoang mang, nhưng quyết định ở nhà, sáng hôm sau mới đi.

Lạ, chỉ một phút sau khi tôi nộp giấy vào văn phòng. Cánh cửa mở ra, người y tá đứng chân trong chân ngoài mời tôi vào. Chưa kịp ngạc nhiên vì cách đón tiếp. Một nhân viên khác cầm lấy tập giấy trên tay người thư ký, gật đầu chào rồi ra hiệu cho tôi đi theo. Anh chẳng nói gì, chỉ tay, bảo tôi nằm lên chiếc giường cấp cứu. Nằm chưa yên vị, anh đã gắn có đến hơn một chục loại giây chuyền lên ngực, lên phía sau cổ để nghe nhịp tim, nhịp thở, nhịp máu chuyển động, tất cả chuyền vào bản biểu đồ trên màn hình. Kế đến, anh ta bơm đo nhịp tim đập trên cánh tay tôi. Như xong nhiệm vụ, anh cười nhẹ rồi đi…

Khoảng 20 phút sau, bác sỹ trực đến đọc biểu đồ, rồi cặn kẽ hỏi tôi từng chi tiết. Hai ống máu nhỏ được rút ra từ cánh tay tôi. Kim trích lấy máu được giữ lại trên cánh tay thay vì lấy ra như khi đi thử máu. Sau khi chẩn đoán, ông cẩn thận hỏi lại tôi một số dữ kiện rồi kiểm soát lại thật lâu trên đôi mắt, hai bên tai và cổ họng. Khoảng một giờ sau tôi được đưa đi chụp quang tuyến vùng ngực, cổ và đầu. Qua trưa. Bác sỹ trở lại với một thông báo kém vui:

- Ông sẽ được chuyển đi viện chuyên khoa. Ở đây chúng tôi không có đủ phương tiện trị liệu?

- Phải đi à? Tiếng tôi như hốt hoảng hỏi lại. Ông nhỏ nhẹ gật đầu, giải thích cho tôi một số bệnh lý, rồi bảo:

- Ông cần mang theo gì thì gọi người nhà mang đến, vài giờ nữa sẽ chuyển viện.

Tôi như hoảng hốt gọi điện cho con, vì nhà tôi đi vắng, nên sáng nay cháu ở nhà thay vì đi làm. Nửa giờ sau, bên giường tôi là giỏ quần áo và cái computer chưa từng xa tôi với khuôn mặt buồn xo của con. Cháu lặng lẽ hơn, ở lại bên tôi, sau giờ ăn trưa mới rời viện. Khoảng bốn giờ chiều, tôi được chuyển sang giường khác để chuyển lên xe. Tôi lặng lẽ nhìn quanh. Một cảm giác bàng hoàng chợt đến. Khi chiếc giường di chuyển được khóa chặt vào lòng xe, tôi nhìn lên trần xe, rồi lấy điện thoại gọi cho con. Không nghe trả lời. Tôi nhắn gọn trong máy:

- Con à, ba đã ra xe để chuyển lên Westmead. Ở nhà, coi nhà cho ba nhá…

Tôi nghẹn lời, lặng lẽ tắt máy. Hình như có giọt nước vội trào lăn, chảy xuống bên tai. Vừa bỏ điện thoại xuống, nghe tiếng chuông reng, tôi nhắc lên. Có tiếng từ phía bên kia:

- Ba gọi con à?

- Ừ, ba gọi... Tôi mừng rỡ. Bỗng nghẹn. Âm thanh như tiếng nấc trong cổ. Bên kia cũng im lặng. Tôi gắng gượng - Con ở nhà coi nhà nhé. Ba đã ra xe để chuyển đi Westmead! (bệnh viện lớn cách nhà tôi khoảng 20 phút lái xe).

Từ bên kia, âm thanh cũng nhát gừng:

- Ba đi bây giờ à… Bao giờ về?

- Ừ, đi bây giờ… Không sao đâu con...

Câu chuyện nghẹn lại ở cả hai đầu giây. Tôi nói thêm lần nữa. Không sao đâu con, rồi ngưng. Sau khi tắt điện thoại, một nỗi như bàng hoàng, nối tiếc chợt đến. Tôi lẩn tránh, mở mắt thật lớn nhìn lên trần xe. Cái trần màu trắng, không cao xa như bầu trời, chỉ một với tay là tới mà chẳng mấy ai muốn đụng đến. Còn trời cao xanh kia thì sao? Tôi dùng mình, nhắm mắt lại và chẳng hiểu tại sao, tự nhiên đưa tay lên làm Dấu Thánh Giá. Lạ thay, dấu chỉ như đưa tôi vào một thế giới khác với một nguồn an ủi, vô tận. Có thể nói, đã là người công giáo, ai mà không làm dấu Thánh Giá, đọc kinh. Nhưng vào giờ phút này, lời kinh như cho tôi một cảm giác êm ái, nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng một cách lạ thường. Mãi đến nay, tôi cũng không thể biết được đó là sự bằng an trong cậy trông hay phó thác. Tôi chỉ biết, lòng trí tôi như lâng lâng trôi vào nguồn thiêng rất lạ. Ở đó, như “song lộc triều nguyên” tôi nhận được niềm an vui, trìu mến. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi ngưòi nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giời lâm tử, amen”.

Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tôi đọc kinh. Hơn thế, mẹ tôi đã tập cho chúng tôi ngay từ khi bập bẹ tập nói. Nhưng có lẽ, chưa khi nào tôi có được một tâm tình như hôm ấy. Khi viết ra, tôi chẳng sợ bạn cười hay sợ làm cho bạn khó chịu. Tôi chỉ muốn viết lại một điều rất thật khi đó. Rõ ràng, hình ảnh của cha mẹ, vợ con, anh em thật là gần gũi, đầy ắp mà bỗng như xa. Thay vào đó là hình ảnh Maria trong tiềm thức, mà khi vui chẳng buồn nhớ đến. Lúc này, khi nguy nan, sao mà gần gũi thế! Hơn thế, còn là nguồn an ủi và phó thác nữa! Tại sao lại thế nhỉ? Có phải là vào những giờ phút ấy, tâm linh ta hiểu được rằng: Ta là không. Cha mẹ, vợ con, anh em… tất cả cũng là không! Chỉ có Thượng Đế (Thiên Chúa), chỉ có Maria và nguồn an ủi với tình yêu của Ngài là Có? Từ đó, chính bản năng hay tâm linh đã dục tôi (chắc người công giáo nào cũng thế) bám chặt vào chữ Có ấy chăng? Phần bằng hữu của tôi hẳn là vào Đức Phật, Đấng Linh Thiêng? Còn những kẻ tin theo CS thì sao nhỉ? Chắc là họ bám vào cái mã tấu, hay cái búa tạ giết người của HCM mà cầu phúc!

Rồi cùng vói lới kinh êm đềm ấy, trí tôi mở ra và dẫn tôi về lại với những con đường của ngày thơ ấu. Ngày tôi còn chân không dép chạy nhảy, bắn bi, chơi khăng… Rồi ngày đến trường với những bước chân lạ lẫm, hoang mang. Thật lạ, một dĩ vãng dài, hầu như không có một mắt xích nào trong quá khứ, từ héo úa, lo buồn, đến reo vui, nhảy mừng bị lãng quên. Trái lại, tất cả đã kéo nhau về, phủ ngập trong tôi:

- Mày nhìn thấy trước là của mày. Mày leo lên đi, khéo có chim non đấy! Mày nhớ cho tao một con nhá! Tiếng của mấy đứa bạn cùng trốn học cứ dục tôi mãi.

- Nào, tao đỡ chân cho mày, trèo lên đi! Sợ gì.

Không chờ dục thêm, tôi như người hùng trèo lên cành cây chống và đưa bàn tay phải nhỏ bé vào trong hốc cây để bắt chim non. Hỡi ơi! Trời đất quay cuồng. Tôi hoảng hốt buông cánh tay vịn trên thân cây ra, ngã lăn xuống đất. Tôi đau đớn bò dậy, ôm cánh tay nhức buốt, rũ liệt chạy về nhà. Vài đứa bạn tôi trơ mắt ếch, chẳng hiểu gì, lo lắng ôm tập vở chạy theo, gọi hỏi:

- Mày làm sao thế?

- Có chim con không?

- Phải bị bọ cạp… hay là rắn lục cắn không? 

Tôi hoa mắt, trong lúc cánh tay càng lúc càng nhức buốt. Về đến nhà, tưởng rằng cha mẹ sẽ lo lắng, ôm lấy con cùng khóc. Kết quả, sau khi ba mẹ tôi nghe mỗi đứa thuật lại câu chuyện chẳng đầu chẳng đuôi này. Nghe thế, ba tôi đứng dậy, dặn mẹ tôi điều gì đó, rồi đi. Mẹ tôi lấy chút dầu con hổ thoa bóp cho tôi và dục vào giường nằm nghỉ. Tôi nằm trên giường nhăn nhó vì cánh tay đau buốt mà lòng đầy hậm hực. Ba hôm sau, vừa đi học về, tôi giật mình vì thấy ông Hiệu trưởng ngồi sẵn ở đó. Chưa kịp cất sách vở, tôi nhận lệnh nằm xấp xuống đất, “véo, véo” ba hay là năm roi gì đó vút xuống, đau quắn mông vì cái tội “trốn học”! Hởi trời ơi! Oan, mà không oan! Tôi khóc ấm ức. Quả là chuyện nhớ đời.

Từ đó, cứ nhìn lên thân cây có cái hốc là chuyện xưa đổ về. Mà lạ, sau tai nạn ấy, cô giáo của tôi lại bảo: “những roi đòn hữu ích!”. Bởi vì từ đó xem ra cậu học trò của cô ngoan hơn và sáng dạ hẳn ra. Riêng mẹ tôi lại bảo: Con lớn lên rồi đấy! Đến khi tôi vào lớp nhất, trên toàn quốc đã có lệnh miễn thi tiểu học cho trẻ, chỉ còn giữ cho cấp tráng niên và nhiệm ý. Tuy thế, thày hiệu trưởng trường tôi nhất định gởi mấy học sinh đi thi để lấy tên cho trường, Tôi là một trong 4 học trò được gởi đi.

Trước ngày thi, chúng tôi có giờ học ôn chung, và rồi, trời chưa sáng thì đã sang sảng “như quốc kêu mùa hè”. Ngày thi đến, mẹ tôi cơm nắm cơm gói cho con. Hôm đầu là phần bài toán với hai vòi nước chảy ra và chảy vào cái bể chứa nước, rồi bài cách trí, địa lý và lịch sử. Những con quốc kêu hè không biết sợ hãi, chúi mũi vào tờ giấy mà trả bài. Hôm sau là phần thi vấn đáp. Đứa nào đứa nấy mặt xanh như tàu lá. Chẳng biết ông giám khảo là ai, mặt mũi ra sao và ngài hỏi han những gì. Nhở trước ngày thi, thầy hiệu trưởng đã luyện bài “học sinh hành khúc” cho tôi. Phần tôi thì lại thích đọc một bài học thuộc lòng.

Lúc chờ gọi tên, tôi đứng thót tim khi nghe học sinh vào trước đang vang vang bài Quốc Ca: "Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi"! Nghe hát, hồn vía tôi theo lên mây lúc nào tôi không biết. Đến khi nghe gọi tên, tôi run run, đôi chân như dính xuống đất, bước đi không nổi. Khi vào hẳn bên trong, tôi nhìn thấy ông phó trưởng ty tiểu học tỉnh làm giám khảo, ngồi lặng thinh trên ghế. Một tay thầy cầm tập giấy, một tay cầm cái kính trắng gọng vàng. Thầy nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi lúng túng:

- Con chào thầy ạ.

Thầy giáo già nhếch đôi kính cận lên. Sau khi điểm lại tên, thày hỏi:

- Trò muốn thi gì?

- Thưa thầy, con đọc bài học thuộc lòng ạ?

Thầy nhìn tôi lần nữa, rồi gỡ cặp kính ra, nhẹ nhàng bảo:

- Trò đọc bài gì, giữ bình tĩnh, rồi bắt đầu đi.

- Thưa thầy, con đọc bài: “Tôi đi học” của ông Thanh Tịnh ạ.

Thầy lại nhìn tôi. Vào lúc ấy, tôi chẳng còn nhớ được một điều gì mà thầy hiệu trưởng đã căn dặn chúng tôi trước khi thi và có lẽ cũng chẳng kịp hít thở cho đều. Tiếng tôi oang oang: “Tôi đi học. Hàng năm cứ vào cuối thu khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nôn nao nhớ về buổi mai hôm ấy… Buổi mai hôm ấy một buổi mai đầy xương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học…”. Giữa lúc tôi say sưa trả bài, thầy ngồi thẳng lên, gật đầu bảo:

- Giỏi, giỏi lắm. Thầy cho trò mười điểm… Tôi mừng, nói không nên lời. Thầy hỏi tiếp: Sau này trò muốn học gì, làm gì?

- Thưa thày, ở làng con có nhiều em bé chưa đi học, con muốn theo thày ạ.

Thày nhìn tôi, cười nhẹ. Tôi vội bước ra, quên cả chào. Khi nhìn thấy ánh mắt của người thư ký đọc tên gọi thí sinh vào thi, tôi chợt dừng lại, vòng tay "Con cám ơn thầy ạ". Ra khỏi phòng, thầy giáo của tôi đã chờ sẵn ở đó. Thầy đưa chúng tôi về làng. Chuyến đi thi đầu đời của tôi là thế đó. Vài tuần sau có chuyện lạ, tôi được thầy hiệu trưởng khen là học sinh xuất sắc của trường và đã đỗ đầu trong mấy đứa đi thi! Niềm vui và tự hào cũng bùng lên, chúng tôi rủ nhau ghi tên dự thi vào lớp Đệ Thất trường công ở tỉnh.

Giữa lúc tôi ôn bài thi vào Đệ Thất trường Trung Học Công Lập, một bất ngờ lớn đã đến với tôi. Ông cha bác, anh cô cậu của mẹ tôi về thăm quê và quyết định đưa tôi vào Chủng Viện. Tôi nghe mà chẳng hiểu gì. Kết quả, trong lúc tôi ôn bài thi cũng là lúc mẹ tôi mua sắm cho tôi những bộ quần áo mới để dẫn tôi lên Long Phước, Biên Hòa trọ học rồi vào Chủng Viện. Ngày thi của tôi thành một nỗi buồn. Ngày có kết quả, chưa kịp khoa tay múa chân với chúng bạn thì đã đến lúc tôi phải theo ba tôi lên đường. Tôi còn nhớ rõ cái buổi chiều trước ngày xa quê. Thằng Quy, đứa luôn tranh dành vị thế trong lớp với tôi đứng thập thò ngoài đầu ngõ. Tôi chạy ra. Nó báo tin đã có tên, và cũng thấy tên tôi thì cũng là lúc tôi bảo nó:

- Chắc tao phải đi Biên Hòa rồi mày ạ!

- Biên Hòa ở đâu, có xa lắm không? Mày không học ở đây à?

- Tao cũng chẳng biết là ở đâu, nhưng sắp phải đi rồi!

Nói xong, cả hai nhìn nhau như muốn khóc rồi lặng lẽ chia tay thay vì nắm lấy tay nhau hò reo như những ngày trước. Từ đây đã đưa tôi vào một lối rẽ khác. Xa nhà. Xa từ khi lên 11, đến năm 14 về lại với gia đình một năm, rồi lại tiếp tục cuộc va li lên đường trọ học.

Vào thời gian của chuyến đi sau này, tình hình chiến sự tại Việt Nam đã mạnh thêm cường độ. Chiến tranh mỗi ngày thêm khốc liệt. Thật ra nó đã đã bắt đầu mạnh hơn ngay sau khi Tổng Thống Ngô đình Diệm bị bọn phản tướng làm cuộc đảo chánh và sát hại Ông. Cái chết của Ông đã làm cho nhà Việt Nam thêm tang thương. Tuy thế, lẽ Trời như rất công minh. Nhà Việt Nam càng tang thương, những kẻ làm cuộc đảo chánh và giết hại anh em ông càng phải đưa đầu ra chịu báng. Ở đây, cũng nên ghi lại câu chuyện trong nhân gian lúc đó. TT Diệm và bào đệ của ông đã bị bọn đảo chánh giết lén, mà chẳng mấy người tin ông đã chết. Hơn thế, nay thì họ bảo ông đang ở chỗ này, mai chỗ khác. Lại có người quả quyết rằng, Ông sẽ đem quân về cứu nước, dẹp bọn phản loạn. Thế mới biết lòng người hoài vọng Ông ra sao. Ông đã đi mà cứ tưởng vẫn còn! Xem ra, nhân cách và con người của Ông hoàn toàn khác xa với cái tập đoàn Việt cộng xưa và nay. Chúng còn sống đó mà ai ai cũng nguyền rủa và cầu cho nó chết đi! Trời có chiều lòng người không?

Bất chợt, chiếc xe thắng gấp đẩy tôi về phía trước. Tôi mở bừng mắt, người y tá nắm lấy tay tôi như muốn bảo: “yên trí, không sao đâu”. Vì kẹt đường, xe phải đổi hướng để đến đích. Trong khi đó những hình ảnh trong tôi vẫn chẳng chấm dứt sau cú giật mình. Giật mình để thấy mình như đã lớn lên, tôi ngỡ ngàng bước chân vào trường Luật, một trường học mà từ thuở nhỏ, tôi chưa bao giờ có ước mơ đến với nó. Ấy thế, giờ đây tôi đã là học trò của nó. Thầy lạ, trường lạ, bạn cũng lạ! Tất cả những người bạn từ tiểu học của tôi cũng chẳng có ai nơi đây với tôi. Tôi cô đơn, lạc lõng giữa cái sân nhỏ, chật bóng người trong thành phố lớn. Rồi một lần bàng hoảng khi nghe tin một sinh viên trong ban đại diện của trường bị Việt cộng ám sát ngay trong hành lang trường. Lúc ấy, chẳng một học sinh nào không tái mặt. Rồi không phải chỉ hôm ấy, mà nhiều ngày sau đấy, người người đến trường bằng đôi mắt ngập âu lo. Trong nội thành là thế, ngoài biên, chiến sự mở rộng hơn. Cuộc chiến như đã nở hoa ở mọi miền đất nước. Chẳng bao lâu sau, tôi nhận được tin báo về người bạn thân. Sau chín tháng quân trường. Bạn gia nhập lính Thủy, ra Quảng Trị chưa tròn tháng đã chẳng bao giờ trở lại. Phần câu chuyện của bạn trong ngày giã từ đèn sách, cũng chẳng vui gì, nếu như không muốn nói là gói tròn nước mắt.

Hôm ấy, nó đã buồn vì kỳ thi phần hai không có tên, lại nhận được lệnh nhập ngũ. Mẹ nó khóc. Bố nó đã quá nửa đời gói mình trong bộ quân phục, ngồi lặng lẽ trên cái ghế. Ông đưa ánh mắt khá nặng nề nhìn chúng tôi. Vậy đó, rồi bạn tôi lên đường khoác chinh y. Anh đi chưa lâu, trên đầu cô bạn cùng lớp chúng tôi năm nào cũng vội vã quấn một vành khăn trắng cho người vào cuộc chiến!

Tuy thế, những đau thương ấy thấm vào đâu nếu đem so sánh với tiếng thét kinh hoàng của ngày 30-4-1975. Hôm ấy, chẳng phải một người, trăm người mà cả dân tộc Việt Nam từ Bắc chí Nam đã gào thét trong đau thương tận cùng. Lý do, đất nước của họ đã bị tập đoàn cộng sản Nga, Tàu nhuộm đỏ. Những cái tên Minh, Đồng, Chinh, Duẩn, Giáp… mà chi? Tất cả tập đoàn này chỉ là những cái cổ đeo sẵn cái tròng để cho Mao, Stalin… dắt đi hoang, rồi phản dân hại nước mà thôi! Công cán gì, tài, trí gì mà nhắc đến!

Khi tiếng thét chưa tan, tôi và những người bạn đã trở lại trường cũ theo thông báo của những kẻ mới đến. Tất cả đều ngậm ngùi nhìn trường xưa như một kỷ niệm rồi bỏ đi mỗi đứa một nơi. Đến nay chưa một lần gặp lại. Lúc ấy, ngoài kia còn là đổ nát gấp trăm ngàn lần sự gẫy đổ trong ước mơ của chúng tôi. Quả là một ngao ngán khi bước ra khỏi sân trường. Chân như không chạm đất, lòng mang mang nối tiếc. Xa bạn, vắng thầy, chia tay cả người yêu dấu. Nàng học lớp dưới nhưng vừa được nâng lên làm trưởng lớp “nghiệp vụ chính trị” của tôi vì lý do lý lịch! Về thôi? Đi đâu? Cả hai chúng tôi đều ngớ ngẩn nhìn nhau. Cuối cùng, người bạn từ ba năm trước nắm chặt tay tôi, rồi hai đứa chia tay. Chia tay trong nước mắt trào và đến nay vẫn chưa một lần gặp lại.

Cảnh chia tay quá khứ là thế, nhưng xem ra cuộc đón chờ tương lai còn tang thương hơn. Làm sao tôi có thể quên được cái buổi chiều hôm đó. Chiều mùng 2 tháng tám năm 1977. Cảnh nhà vừa lên đèn, mọi người quây quần quanh mâm cơm để đón mừng ba tôi vừa từ bệnh viện Sùng Chính trở về. Đột nhiên, bác đảng Hồ cộng như những bóng ma vụt xuất hiện trên sân, rồi tràn vào nhà:

- Nhà này có mấy người? Tất cả ngồi im. Trái lệnh, bắn bỏ!

Những lời lẽ nghiến từ hàm răng mã tấu tuôn ra làm lạnh xương sống từng người. Trong khi đó, những đôi mắt gia chủ lộ rõ nét kinh hoàng qua lại nhìn nhau mà không ai hiểu nổi là chuyện gì đang đến. Thoáng mắt, căn phòng, ngoài sân chật ních những bóng bò vàng, cán cộng. Một đàn chó từng oai vệ giữ nhà, giữ vườn đã không sủa được một tiếng nào, tất cả đều cúp đuôi bỏ chạy. Rồi một bản văn gọi là lệnh bắt giữ khẩn cấp được tên cầm đầu đọc trước bàn ăn. Kết quả, cùng với bản văn này là một chiếc xe Toyota, một chiếc xe Lambro ba bánh chở hàng và khách cùng với hai chiếc xe Honda và bốn người trong gia đình bị dẫn ra khỏi nhà.

Người trở về sớm nhất là cha tôi. Người được thả về vào mùa giáng sinh cùng năm, sau khi mẹ tôi đã “phải dâng” cho họ toàn bộ giá trị tài sản thu được từ mùa chôm chôm năm đó. Nhắc đến mùa chôm chôm bội thu này, mẹ tôi còn nói mãi: “Lạ lắm con ạ, thu hoạch vào rất sớm, mà đến cuối mùa trái vẫn rũ cành”. Kế đến là người anh tôi, một thương binh đã giải ngũ và tôi sau đó. Người anh lớn hơn, “được” ra khỏi tù vào gần 20 năm sau. Riêng những chiếc xe tôi kể trên thì đã chẳng bao giờ được quay trở về với mái nhà xưa... Phần tôi lại ra đi. Chuyến đi chưa có ngày về.

Xe dừng lại, rồi lùi hẳn vào bến đỗ. Người Y tá theo xe lay nhẹ tay tôi. Tôi mở bừng mắt sau khi chiếc giường được đẩy thẳng vào khu cấp cứu. Đảo mắt nhìn quanh. Một cảnh chẳng thể vui được. Hai bên tay trái và tay phải chiếc giường của tôi là những người đến trước, đang chờ tới phiên chẩn đoán, cứu cấp. Họ có đôi chút khác tôi, người thì đầy những giây chuyền nước biển, ống thở. Người thì được phủ kín từ đầu đến chân, làm như đã đi rồi. Tôi chợt giao động, nhắm mắt lại với hơi thở dài não ruột! Một chiếc giường có bánh xe của bệnh viện được chuyển tới. Họ bảo tôi chuyển sang. Người Y tá cùng đi trong chuyến xe nắm chặt tay, chúc tôi an mạnh. Tội gật đầu, cám ơn.

Lúc này bên tôi ồn áo hơn, mặc, tôi vẫn nhắm nghiền đôi mắt, chờ. Từ bên trái rồi bên phải giường của tôi chợt có những tiếng la hoảng. Tiếng la hét chưa dứt lại có tiếng chửi thề tục tĩu tiếp theo. Tôi ngao ngán, hít vội hơi thở dài để chạy trốn hay cho quên đi thực tại. Rồi chẳng hiểu sao, giữa lúc ồn ào, nao núng ấy, tâm trí tôi lại hướng về những lời kinh. Tôi không biết có Ngài hiện hữu ở bên cạnh giường của tôi hay không, nhưng biết là tôi tìm được một sự bình an thật lớn, chẳng còn lấy một chút lo lắng nào về tình tạng sức khoẻ của mình. Thật hơn, cũng chẳng lo lắng gì cho một chuyến, nếu phải đi.

Đây là một điều lạ thường ư? Có thể! Hỏi xem, trước khi đi có ai không nao núng, không nuối tiếc? Nuối tiếc cho mình, nuối tiếc cho đời. Ấy là chưa kể đến những lo âu cho gia đình, cho vợ, cho con? Chuyện tự nhiên là thế, xem ra, chẳng một ai là người mà ở vòng ngoại lệ. Ngoại trừ những kẻ gian trá cộng sản, chắc là họ vẫn muốn bám chặt vào cái búa, cái liềm của tội ác? Phần tôi, tự nhiên tôi quên. Quên hết. Quên tất cả và lòng trí tôi lâng lâng quy hướng về Đấng Linh Thiêng đã tạo dựng nên Trời Đất, trong đó có con người, và muôn loài…

Có tiếng động bên giường, tôi từ từ mở mắt ra. Đứng bên cạnh giường là một người y tá và y công. Họ đọc bản tên trên hồ sơ, rồi hỏi lại tôi. Tôi gật đầu. “cạch, cạch”, tiếng động từ chiếc khóa bánh xe dưới chân giường được mở ra, chiếc giường được đẩy vào phòng trực. Tôi lặng lẽ nhắm mắt lại, hít mạnh một hơi cho đầy lồng ngực. Hình ảnh “Bóng Ai trên đường” như hiện rõ ra trước mặt. Tôi nói như lời nguyện thiết tha:

- MARIA, nhờ Ngài, qua Ngài, tôi xin phó thác tất cả. Nhưng xin Ngài thương trợ giúp dân tộc và quê hương Việt Nam tôi ra khỏi ách cộng sản hung tàn. Xin tạ ơn Ngài.

Những ngày đầu năm Âm lịch 2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo