Nó rớt rồi sao - Dân Làm Báo

Nó rớt rồi sao

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - "Dân chủ không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay." - Ngô Nhân Dụng.

Hồi cuối thập niên 1980, lúc Liên Xô sắp đổ, có một ông chồng kiên nhẫn đứng xếp hàng trước cửa hàng thịt tươi sống quốc doanh từ lúc tờ mờ sáng. Đến quá trưa thì nghe tiếng loa oang oang là hàng hết nhẵn rồi!


Thằng chả nổi điên: “Tôi là công nhân. Tôi là công dân X.H.C.N. Tôi là cựu binh của cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vỹ Đại mà lại không được mua vài lạng thịt à! Thật là một đất nước khốn nạn!”

Một thằng cha khác, trông như cớm chìm, lừ lừ sáp lại: “Này, đồng chí liệu mà giữ mồm giữ miệng nhá. May là bây giờ chứ mấy năm trước mà phát biểu linh tinh như thế thì ăn đạn đấy. Có xéo ngay đi không thì bảo!” Hắn vừa nói vừa dí hai ngón tay vào thái dương của ông chồng, như thể là đang cầm một khẩu súng ngắn và sẵn sàng để bóp cò vậy.

Về nhà, bà vợ hỏi: 

- Lại hết thịt à? 

- Không chỉ thịt hết mà súng đạn giờ cũng chả còn!

Chuyện “súng đạn” của thành trì phe Xã Hội Chủ Nghĩa, vào lúc suy tàn, khiến tôi liên tưởng đến bản tin (“Cảnh Sát Cơ Động ‘Khoe’ Dàn Xe Hummer Chống Đạn, Xe Bọc Thép Đặc Chủng”) của Báo Dân Trí, hồi cuối năm rồi:

Trong buổi triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới sáng nay, 8/9, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CATP Hà Nội) đã diễu binh, diễu hành, phô diễn sức mạnh. Tổ chức bộ máy của Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ – Công an TP Hà Nội) gồm 10 đầu mối trực thuộc, trong đó có 5 Tiểu đoàn CSCĐ (Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần, Ban Huấn luyện, Đội Nghi Lễ Công an Thủ đô, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm và 4 Tiểu đoàn CSCĐ). Đặc biệt, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) được tập trung đầu tư trang thiết bị, phương tiện, vũ khí… đủ mạnh để chủ động ngăn chặn, trấn áp các vụ gây rối.

Ảnh & chú thích: news.zing

Tôi in đậm mấy từ (khoe, phô diễn, sức mạnh) trong đoạn văn thượng dẫn với không ít lo âu. Khi một chế độ phải khoe khoang hay phô diễn sức mạnh thì e là “sức khỏe” của nó đã có vấn đề rồi. 

Y như rằng. Ba tuần sau, từ Việt Nam, blogger Phạm Thanh Nghiên có bài tường thuật (“Cởi Áo Tháo Chạy”) với những hình ảnh khiến người xem phải lấy làm ái ngại: 

“Nhiều tên công an, bộ đội đã cởi bỏ sắc phục, rời bỏ hàng ngũ trong hoảng hốt khi những người biểu tình bao vây trụ sở Formosa Hà Tĩnh.

Có thể nói đây là hình ảnh chưa từng có trong lịch sử đàn áp của công an, bộ đội-lực lượng cốt cán và trực tiếp bảo vệ chế độ cộng sản. Cuộc biểu tình của người dân (đa số là giáo dân) trước đại bản doanh của Formosa Hà Tĩnh sáng ngày 2/10/2016 chắc chắn đi vào lịch sử.”


Vài tháng sau lại thêm một sự cố khác nữa, cũng “chắc chắn sẽ đi vào lịch sử” – theo tường trình VOA, nghe được vào ngày đầu năm 2017:

“Vào đêm 2/1, người dân ở một xã của tỉnh Bình Định đã vây đánh 2 nhân viên công an vì nghi họ đã đánh chết một người địa phương...

Tin cho hay khoảng 20-30 người đánh bạc đã ‘bỏ chạy tán loạn’ khi thấy 6 nhân viên công an, nhưng không có thông tin chi tiết về diễn biến cụ thể nào đã làm anh Phạm Đặng Toàn, 29 tuổi, bị thiệt mạng trong vụ này.

Mạng xã hội và báo chí nói người dân đã đưa nạn nhân đến một bệnh viện và bắt giữ hai công an có tên Trần Đức Thuận và Nguyễn Ngọc Khánh vì nghi hai người này đã đánh chết anh Toàn. Có thông tin là nhiều người không kiềm chế tức giận đã đánh và bắt hai nhân viên công an quỳ gối.”

Đã đến nước mà lực lượng công an và cảnh sát phải cởi áo/ tháo giầy bỏ chạy, và bị dân chúng bắt qùi thì dù có năm, hay mười (hoặc hàng trăm) Tiểu Đoàn Cảnh Sát Cơ Động thì cũng thế thôi. Nhà nước hiện hành được xây dựng trên căn bản lừa gạt và tồn tại được nhờ vào bạo lực. Nay thì mọi sự dối trá đều đã bị bóc mẽ, và bạo lực thì bị bắt qùi. Sinh mạng của chế độ (tựa) như chỉ mành treo chuông. 

Rớt là cái chắc! 

Nhưng nó “rớt” rồi sao?

Năm ngoái, tôi cũng đã đặt một câu hỏi tương tự (nó sập rồi sao?) khiến không ít người hơi bị phiền lòng. Tuần rồi đọc lại những trang sách (viết lúc cuối đời) của Bùi Ngọc Tấn, tôi mới chợt nhận ra rằng mình quả vô duyên thiệt, và vô tâm quá:

“Tôi mong đợi từng ngày và mong đợi quá lâu rồi, sự sụp đổ của cái trật tự bóp chết con người, bóp chết tự do, sự dối trá thống trị, cái trật tự làm thành một bầu trời đá xám úp chụp lên đầu..! Cái trật tự xã hội tôi đã sống gần trọn đời và ghê sợ nó.”

Lê Phú Khải gọi “cái trật tự bóp chết con người, bóp chết tự do” này là một con điếm, và cũng than rằng ông đã phải sống với nó “cả đời người.”

Tôi may mắn chỉ phải chung đụng với cái thứ điếm đàng vài ba năm (lẻ) nên không hiểu cái tâm trạng “nóng như hơ” của rất nhiều người khác. Ai cũng chỉ mong nó sụp cho rồi. Đổ (mẹ) nó đi, càng nhanh càng tốt, khỏi phải bàn luận lôi thôi gì ráo! 

Lịch sử tính bằng thế kỷ; đời người tính bằng năm. Kiếp nhân sinh vốn ngắn nên nôn nóng là điều dễ hiểu. Tôi cũng đã bước vào tuổi xế chiều, và cuối đời cũng không có mong ước gì khác hơn là “nó rớt trước mình!”

Tuy thế - đôi lúc - tôi vẫn cứ băn khoăn tự hỏi “nó sụp rồi sao,” hay “nó rớt rồi sao,” hoặc “nó đổ rồi sao”… chỉ vì vài câu nói (nghe) quanh bàn nhậu. Bữa đó, ngồi uống ở Phnom Penh với mấy bạn trẻ Khmer Krom ( quê quán Sóc Trăng và Trà Vinh) vừa chạy sang Cambodia xin tị nạn. Rượu vào lời ra, chúng tôi thi nhau kể chuyện cười chơi:

- Người Miên tụi em chịu chơi lắm. Họ đợi khi nào cơm sôi rồi thì mới chịu mang cần câu ra sông kiếm cá về kho!

- Người Việt còn chịu chơi hơn nhiều. Khỏi thổi cơm và kho cá luôn. Chỉ nấu nước sôi, rồi xé gói mì là kể như xong bữa.

Dù là chuyện bên bàn rượu (nghe qua rồi bỏ) nhưng hổng biết sao, từ đó tôi buồn! Dân Việt bất đồng quan điểm trong mọi vấn đề, và trên từng cây số. Tuy thế, hầu như tất cả mọi người (bất kể tôn giáo, tuổi tác, giới tính, sắc tộc, và thành phần xã hội) đều chuộng món mì ăn liền – trừ có mỗi ông Ngô Nhân Dụng: “Dân chủ không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay.”

Cứ theo ý của của ông nhà báo (khó tính, khó nết) này thì “lỡ” mai, hoặc mốt, đám lãnh đạo Hà Nội chịu đội nón ra đi thì đến ngày kia (hay ngày kìa) nước Việt vẫn chưa có dân chủ đâu. Còn lâu, lâu lắm, bởi người Việt chưa sẵn sàng để sống trong một thể chế tự do! Mà cái gì chớ “chuẩn bị” thì e không hợp với cái tạng của một dân tộc vốn chỉ thích ăn liền. 

Không tin, cứ thử đặt một câu hỏi nhỏ (cỡ con thỏ) xem: “Nếu tuần sau nó đổ thì tuần tới nữa hệ thống giáo dục ở Việt Nam có vẫn còn tiếp tục dùng những cuốn sách giáo khoa hiện nay không?” 

Bộ sách của nhóm Cánh Buồm. Ảnh: huynhngocchenh

Mọi người (trong cũng như ngoài) đều sẽ đỏ mặt lên ngay vì chả ai có thể trả lời được câu hỏi giản dị thượng dẫn, trừ nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm. Ít nhất thì nhóm này cũng không đến nỗi ngượng ngập khi đáp rằng tuy ở vào một hoàn hết sức khó khăn nhưng họ đã “làm việc thiện nguyện để xây dựng bộ sách giáo khoa làm mẫu theo định hướng hiện đại hóa nền Giáo dục Việt Nam.”

Thế còn những nhóm khác? Hàng tỉ bè nhóm, hội hè, đoàn thể, phe đảng (của những kẻ tị nạn chính trị, sống an ổn bên ngoài đất nước) thì làm gì – hơn bốn mươi năm qua – để chuẩn bị cho một Việt Nam mai hậu? 

13/3/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo