Hội nghị Trung ương 6 của đảng CSVN có thể đã bắt đầu khởi động - Dân Làm Báo

Hội nghị Trung ương 6 của đảng CSVN có thể đã bắt đầu khởi động

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Những rò rỉ ra ngoài gần đây từ nội bộ Trung ương đảng dẫn đến một suy đoán, rằng, việc đi hay ở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được quyết định vào hội Nghị Trung ương 6, dự kiến vào cuối quý 3 năm nay, 2017.

Nội dung chủ yếu của Hội nghị Trung ương 6 sẽ bàn tới công tác tổ chức, xây dựng đảng, nhất thể hóa các chức danh tới cấp tỉnh áp dụng cho cả nước, nhưng sẽ chủ yếu bàn tới công tác nhân sự cho nửa nhiệm kỳ sau của Đại hội XII, từ đó sẽ dự kiến quy hoạch lần đầu nhân sự cho đại hội XIII. Việc nhất thể hoá hai vị trí Tổng bí thư và chủ tịch nước hay Tổng thống, cùng với việc loại bỏ hầu hết các chức danh đảng chuyên trách trùng lặp với chính quyền ở cấp trung ương sẽ được dạo những bản nhạc đầu tiên.

Như thông tin được đồn đoán từ đại hội XII rằng ông Trọng hứa sẽ chỉ tiếp tục giữ ghế tổng bí thư nửa nhiệm kỳ, chỉ để tiếp tục sự nghiệp tẩy trừ tham nhũng trong bộ máy chóp bu lãnh đạo đảng, thực chất là gạt ông Dũng ra khỏi Ban phòng chống tham nhũng, tước vũ khí, buộc ông Dũng về vườn, để trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo, rảnh tay bứt hết các chân rết còn lại.

Tuy nhiên, sự đồn đoán đó, đã hơn một năm vẫn không có gì thêm để làm rõ thật giả, trong khi mặc dù ông Dũng, một "bunker" tham nhũng hạng nặng đã bị bứng, nhưng chiến dịch làm trong sạch bộ máy, càng ngày càng trở nên bất khả thi.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh tất yếu dẫn đến chỗ ngồi của bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. 

Vụ Formosa, nếu cách chức Võ Kim Cự mà bỏ qua Hoàng Trung Hải thì khó thuyết phục được Quốc Hội.

Trong khi vụ Trầm Bê và bê bối ngân hàng, tình tiết nào cũng dẫn đến chỗ Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình.

MobilFone, Núi Pháo có bóng dáng của cả ông Dũng lẫn anh em ông Trần Quang Tỏ, Trần Đại Quang.

Bê bối trong nội bộ đảng uỷ tỉnh Thanh Hoá phản ánh sự ruỗng nát của nền đạo đức cộng sản.

Mâu thuẫn giữa Bí thư và chủ tịch Đà Nẵng cho thấy khả năng nhất thể hoá trong chế độ độc đảng là không tưởng.

Khởi tố uỷ viên bộ chính trị, khởi tố nguyên Thủ tướng, khởi tố bí thư hai thành phố quan trọng nhất nước? Một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử đảng cộng sản, và không một ai đủ can đảm và trí tưởng tượng để hình dung ra những gì có thể xảy ra.

Nếu ông Trọng chịu lui về, ai sẽ là người dám và đủ bản lĩnh đứng mũi chịu sào? Một câu hỏi thực sự khó. Nhưng khó hơn là nếu tiếp tục cuộc chiến, sẽ không biết khi nào có thể kết thúc, các sợi dây sẽ còn lan tới đâu, đến những ai. Và điều chắc chắn là đảng sẽ không tránh được tan vỡ, nếu không tự giải tán thì từ bên ngoài, cũng sẽ xuất hiện các tác nhân thay thế.

Đứng trước nguy cơ khủng hoảng rối loạn dẫn đến "vỡ bình" nếu tiếp tục tìm "diệt chuột", ông Trọng và Bộ Chính trị có thể đã lựa chọn giải pháp nửa vời: dừng lại và giữ nguyên. Kết thúc mọi vụ án ở nguyên hiện trạng, không phát triển thêm. Các vi phạm sẽ xử lý bằng phê và tự phê. Hồ sơ sẽ lưu phục vụ cho công tác quy hoạch. Chỉ kỷ luật cán bộ các cấp từ chiến lược trở xuống.

Nếu đây là phương án đã được quyết định, thì việc ông Trọng rút về giữa nhiệm kỳ có thể là hiện thực. Ông có ngồi tiếp trên chiếc ghế tổng bí thư thì cũng không còn làm được gì và không còn gì để làm. Trước một thực tế vô vọng, ông cũng nhận ra là lực bất tòng tâm. Gần đây, nhiều người nói đã chứng kiến những biểu hiện để lộ vẻ mệt mỏi của ông.

Nhưng nếu có một sự chuyển động của ông tổng bí thư theo chiều thoái, thì chính nó lại khởi động những luồng chuyển động theo chiều ngược lại, mỗi lúc một sôi động.

Ông Đinh Thế Huynh, một ứng viên gần như đương nhiên sau đại hội XII, không rõ vì lý do gì, hình như đang mất dần ảnh hưởng. Chuyến đi Mỹ tháng 10/2016 vừa nhằm thăm dò triển vọng các chính sách của Mỹ sau bầu cử, vừa úp mở vị trí kế nhiệm của mình, hình như đã phản tác dụng. Có thông tin ông này đã tiết lộ với Kerry chủ trương, mà ông vô tình dùng từ bắt cá hai tay, cả Mỹ lẫn Trung quốc của Bộ Chính trị, và có biểu hiện bộc lộ hướng thiên Mỹ của ông, sau đó bị phê phán trong bộ chính trị.

Tháng chín năm 2016, khi quyết định thành lập lại Hội đồng Lý luận Trung ương, đáng lẽ thường trực Ban bí thư phải giao lại chức chủ tịch cho trưởng Ban tuyên giáo, nhưng ông Đinh vẫn tiếp tục giữ chủ tịch Hội đồng lý luận, nhưng lại không rõ vì lý do gì, ông không tổ chức Hội thảo luân phiên với Trung Quốc, mặc dù cuộc Hội thảo lần thứ XII đáng lẽ phải được tổ chức từ trước tháng 7/2016, và khi phải tổ chức theo quyết định của Bộ Chính trị một cách vớt vát vào cận ngày hết năm, ngày 23/12/2016, ông vẫn từ chối trách nhiệm trưởng đoàn phía Việt Nam và Bộ Chính trị buộc phải phân công ông Phạm Minh Chính, trưởng ban Tổ chức Trung ương thay thế.

Và suốt thời gian sau đó, đáng lẽ như dự đóan, việc xuất hiện trên các phương tiện đại chúng và các phát ngôn của ông sẽ có tần suất rất ấn tượng để tạo lập hình ảnh kế cận của ông, thì ngược lại, hầu như ông im tiếng. Nếu có dự và phát biểu ở đâu đó, thì cũng chỉ trích dẫn tường thuật mà không chỗ nào đăng toàn văn. Không biết có phải vì thất sủng với ông tổng mà ông mất thế thượng phong. Tất nhiên, ông sẽ không buông bỏ, nhưng làm gì và làm như thế nào, vốn bản tính kín kẽ và thâm trầm, người ngoài chưa thể nhìn ra được.

Ông Trần Đại Quang vẫn được coi là một ứng viên có trọng lượng. Ông đang là chủ tịch nước, chỉ một bước kiêm chức tổng bí thư, thì nhất thể hoá hệ thống chính trị đã được thực hiện. Trước một nhu cầu đồng nhất hóa chính quyền với vai trò lãnh đạo của đảng, quy tụ quyền lực và chức danh vào vị trí nguyên thủ quốc gia, tránh cho đảng đứng trên nhưng đứng ngoài hệ thống, phương án ông Quang ít tốn kém, ít xáo trộn và xem ra tự nhiên nhất.

Nhưng không hề đơn giản. Một ông nguyên Đại tướng công an, nguyên Bộ trưởng một bộ có chức năng ngăn chặn lừa bịp, gian dối, lại có thể đắc cử vào vị trí đứng đầu đảng bằng việc sửa ngày sinh của mình lùi lại 6 năm? Nếu ông Đinh Thế Huynh vẫn chưa chịu cởi giáp, thì ông Trần Đại Quang không có cách gì vượt qua được chỉ thị 13/BBT, do Phạm Minh Chính, bí thư TƯ đảng, trưởng Ban tổ chức TƯ phổ biến ngày 17/08/2016: "Kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định theo tuổi khai trong hồ sơ gốc của Lý lịch đảng viên khi được kết nạp vào Đảng". Theo tinh thần chỉ thị này, thì dù vào giữa nhiệm kỳ, tức vào giữa năm 2018, ông Quang cũng bị loại vì đã 68 tuổi, quá 3 tuổi, chỉ còn nước về hưu.

Như vậy, trên con đường dẫn lên phía trước, đột nhiên, chỉ còn một người đi duy nhất là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ít ai có thể ngờ được, sự việc lại diễn ra như vậy. Mới chỉ cách đây vài tháng, người ta chỉ thấy một ông Phúc tất bật, chạy ngược chạy xuôi, đầu tắt mặt tối, hết lo ngân sách thiếu hụt, lo nợ công sắp vỡ, nền tài chính quốc gia sắp sụp đổ, suy thoái tiếp tục trượt, không có cách gì ngăn cản được. Người ta chỉ thấy một ông Phúc suốt ngày lắc đầu cay đắng với cái đống vỏ ốc mà ông Dũng và guồng máy của ông Dũng bỏ lại sau khi đã "mút sạch sành sanh".

Nhưng, cái khó ló cái khôn. Cũng vì chính phủ ông Dũng đã dồn ông vào chỗ không còn đường lùi, ông Phúc đang trở thành một nhà cải cách, ít nhiều hợp với lòng người. Ông hô hào một chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Ông thúc bách cải cách hành chính tới mức đơn giản nhất có thể. Ông cải cách chế độ thủ tục hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Ông kêu gọi phát triển công nghiệp phụ trợ, thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng ưu tiên công nghệ thế hệ 4, bán vốn 100% các doanh nghiệp nhà nước, giảm thiểu tài sản nhà nước trong tay các doanh nghiệp quốc doanh, tăng ồ ạt số lượng các doanh nghiệp tư nhân. Tăng và tiến tới giải phóng hạn điền nông nghiệp, tăng cường doanh nghiệp hoá và công nghệ hoá sản xuất nông nghiệp và thuỷ hải sản. Giảm và tiến tới không bảo lãnh nợ vay của các doanh nghiệp nhà nước. Giảm thấp nhất chi thường xuyên và tăng tỷ trọng đầu tư công trong cơ cấu sử dụng ngân sách.

Mặc dù ông chỉ hành động theo sức ép của thị trường, sức ép chính trị duy trì tăng trưởng bền vững nền kinh tế, nhưng ông đã để lại dấu ấn một thủ tướng năng nổ, tâm huyết, phần nào bù đắp cho ấn tượng ban đầu về một ông thủ tướng vụng về và ít văn hoá.

Nếu Hội nghị TƯ 6 được gọi là hội nghị nhất thể hoá, thì tinh thần của Hội nghị này sẽ chắc chắn do lực lượng thuộc chính phủ kiểm soát, vì trừ ông Trọng, trong Bộ Chính trị sẽ không còn ai còn đủ máu mặt để khả dĩ đối diện. Ban bí thư, từ ông Đinh Thế Huynh trở đi, đều thuộc chuyên trách đảng, bị liệt vào đám quan văn, chẳng biết gì việc võ. Nếu để mấy ông này đứng trên mấy ông bên chính phủ thì sẽ chẳng ai phục. Ngay như ông Trương Hoà Bình, đương kim phó thủ tướng thứ nhất, nhưng xuất thân công an, thâm niên chuyên ngành Toà án, ngồi ghế phó thứ nhất nhưng chỉ làm việc sen-đầm, giữ trật tự, không dính sản xuất.

Theo tập quán thì những gì bàn tới và được quyết định tại hội nghị Trung ương 6, sẽ được xới ra, vừa gợi ý vưà thăm dò ngay trong hội nghị 5 sắp tới, có thể sẽ diễn ra vào đầu tháng năm. Hội nghị TƯ 5 có chủ đề về cải cách cơ cấu tăng trưởng và các giải pháp lối thoát cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu năm kế hoạh 2017, là vấn đề hóc búa nhất, trước thực tại suy thoái và vỡ chỉ tiêu 6,7% mà chính phủ đặt ra đầu năm và Quôć Hội đã phê chuẩn. Chẳng có gì vô duyên hơn là tự lập rồi tự điều chỉnh và tự thưởng hoàn thành thắng lợi kế hoạch. Ba tháng đầu năm đã chỉ đạt có 5,1%, báo trước một tương lai cả năm sẽ chỉ dưới 6%.

Nhưng ngay tại hội nghị 5, dù phái chuyên trách đảng không ai muốn, diễn đàn cũng sẽ thuộc về chính phủ và micro sẽ không chuyển sang tay cho cánh quan văn. Lợi thế thuộc về ông Phúc. Có thể từ hội nghị TƯ 5, ý tưởng tham vọng sẽ bắt đầu lấn chiếm con người ông Phúc.

Nhưng có một điều không khó khẳng định là dù cho ý chí của Bộ Chính trị, của TƯ đảng có mạnh và quyết tâm đến đâu, thì việc đồng nhất hoá chế độ độc đảng với thể chế chính trị phổ quát toàn cầu luôn chỉ là một ảo tưởng, không nên và không bao giờ nên trở thành hiện thực.

Bởi vì trước khi đồng nhất đảng với chính quyền, nhất thể hóa chức danh Tổng bí thư đảng với chức danh tổng thống nền Cộng Hoà, việc đầu tiên cần làm là tách Tư pháp ra thành một thiết chế hoàn toàn độc lập và thiết lập cơ chế để đảm bảo tính chất hoàn toàn độc lập đó. Việc thứ hai là làm cách mạng Quốc Hội, đảm bảo quyền kiểm soát thật sự của Quốc Hội đối với các thiết chế hành pháp.

Thiếu hai việc này, nhất thể hoá sẽ tạo ra một loại độc tài bệnh hoạn. Hiện đang độc tài nhóm, đất nước đã không có dân chủ, nhất thể hoá để thâu tóm quyền lực vào tay một người trong khi không có cơ chế kiểm soát, sẽ không có gì nguy hại hơn.

Viết lại Hiến pháp, bỏ điều 4, đảng cộng sản chỉ là một lực lượng trong một xã hội tự do cạnh tranh chính trị. Khi đó thể chế chính trị của quốc gia sẽ tự động đồng nhất với các thể chế thông thường, phổ quát của nhân loại. 

12/04/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo