Formosa “mới” ở Đồng bằng Sông Cửu Long: Nhà máy giấy Hậu Giang - Dân Làm Báo

Formosa “mới” ở Đồng bằng Sông Cửu Long: Nhà máy giấy Hậu Giang

Ts. Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Đây là một nhà máy có lượng nước thải với 28.500 tấn Sodium Hydroxide (NaOH), đặc biệt có sự hiện diện của Dioxin trong nước thải phát sinh trong giai đoạn làm trắng bột giấy, và hiện tại nhà máy không có hệ thống thanh lọc nước thải, vấn đề bảo đảm việc ô nhiễm môi trường không được tuân thủ. Điều nầy trái ngược hoàn toàn với các Điều luật trong Bộ Luật Đầu tư và Luật Môi trường là phải có báo cáo nghiên cứu tác động môi trường và phải có dự án xây dựng nhà máy thanh lọc phế thải trước khi được cấp giấy phép xây cất...

*

Vào ngày 6 tháng 8 năm 2007, một nhà máy giấy ở Việt Nam xuất hiện. Dự án nhà máy với tổng mức đầu tư lên đến 1,2 tỷ Mỹ kim. Địa điểm xây dựng tại khu công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu thành, Hậu Giang với diện tích 200 mẫu. Dự án nhà máy đã được chấp thuận nhưng không qua thủ tục cần thiết ghi trong luật môi trường Việt Nam, nhất là việc nghiên cứu tác động môi trường trước khi dự án được duyệt xét.

Mặc dù mới được khởi công tháng 3/2015, nhưng dự án đã được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 27/6/2007 và lễ động thổ nhà máy đã diễn ra vào ngày 6/8/2007. Đây là một dự án làm bột giấy và sản xuất giấy lớn nhất Việt Nam hiện tại phỏng theo mô hình của tập đoàn Lee&Man Paper, Hong Kong, Trung Cộng. 

- Khu vực đặt nhà máy gọi là khu công nghiệp Cái Cui - Nam sông Hậu (Tỉnh Hậu Giang) thực chất là vùng cây ăn trái trù phú với những đặc sản bưởi, cam, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn, mận, ổi... và những hộ chuyên nuôi cá đồng, không thích hợp cho nhà máy vì vấn đề nước thải nhà máy quá lớn với 28.500 tấn Sodium Hydroxide (NaOH), đặc biệt có sự hiện diện của Dioxin trong nước thải phát sinh trong giai đoạn làm trắng bột giấy, và ô nhiễm môi trường cho cả một vùng trồng cây ăn trái rộng lớn; 

- Hiện tại, nhà máy không có hệ thống thanh lọc nước thải. Vì vậy, vấn đề bảo đảm việc ô nhiễm môi trường không được tuân thủ. Điều nầy trái ngược hoàn toàn với các Điều luật trong Bộ Luật Đầu tư và Luật Môi trường là phải có báo cáo nghiên cứu tác động môi trường và phải có dự án xây dựng nhà máy thanh lọc phế thải trước khi được cấp giấy phép xây cất. Nhưng hai sự việc trên không hề xảy ra! 

Tập đoàn Lee&Man Paper

Tập đoàn Lee&Man Paper được thành lập từ 1994 có trụ sở tại Quảng Đông và di dời về Hong Kong năm 1995. Đây là một đại công ty giấy lớn nhất Á Châu và có tầm vóc quốc tế, với cơ sở và thiết bị tối tân.

Nhà máy giấy đầu tiên bắt đầu được xây cất từ năm 1996 và đi vào hoạt động từ giữa năm 2005 trên một diện tích 80 mẫu tại Hongmei thuộc tỉnh Quảng Đông (Dongguan). Chi phí cho nhà máy là 461 triệu Mỹ kim với mức sản xuất 2 triệu tấn giấy/năm. Nhà máy này chỉ chiếm 1/3 vốn đầu tư và sản xuất gần gấp 4 lần so với nhà máy Hậu Giang!. Nhà máy còn có hệ thống thanh lọc nước thải và một nhà máy phát điện với công suất 0,2MW. Tập đoàn đã thành lập Cty Viet Nam Lee&Man Paper Manufacturing và đầu tư vào nhà máy Giấy Hậu Giang. Tính đến nay, Tập Đoàn Lee&Man Paper đã có 8 nhà máy đang hoạt động trong vùng Đông Nam Á và sản xuất 2,08 triệu tấn giấy/năm. Cty dự trù trong năm 2008, mức sản xuất hàng năm sẽ lên đến 4 triệu tấn.

Công ty giấy Hậu Giang


1- Dự án không có nghiên cứu tác động môi trường do đó vi phạm Luật Môi trường và Luật Đầu tư, 

2- Nguồn nguyên liệu dự trù cho sản xuất quy hoạch rất mơ hồ, 

3- Phương án xử lý phế thải chỉ ghi chú trong vòng vài trang giấy trong hồ sơ dự án, không có kế hoạch và thiết kế chi tiết, cùng công tác xây dựng nhà máy “xử lý” cũng không được nêu ra.

Cũng trước đó, vì địa điểm xây dựng nhà máy lại nằm sát bờ Sông Hậu và nhà cửa dân chúng cho nên Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT) có ý kiến để các cơ quan nhà nước nghiên cứu kỹ vị trí của dự án nhà máy giấy và bột giấy Lee&Man nhằm không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước của vùng nuôi thuỷ sản ở ĐBSCL. 

Nhưng tất cả ý kiến trên đều không được lắng nghe vì tinh thần nô lệ và thuần phục của những kẻ bán đứng linh hồn cho Tàu cộng, và vì mãnh lực của kim tiền qua việc “bôi trơn dự án”!

Thảm họa môi trường dưới sự "lãnh đạo" của CSVN

Mặc dù Việt Nam vẫn còn phải nhập cảng 700 ngàn tấn giấy/năm (mức tiêu thụ giấy của Việt Nam hiện tại là 1,8 triệu tấn giấy cho năm 2006 (thời điểm của dự án), và đã tăng lên 5 triệu tấn cho năm 2015.

Qua kinh nghiệm lịch sử các nhà máy giấy nhất là kinh nghiệm nơi nhà máy Bãi Bằng, và một số nhà máy giấy rải rác từ Bắc chí Nam (xem bài viết Nhà máy giấy Bãi Bằng - Phần I) trải qua gần 40 năm hoạt động vẫn còn nhiều vấn nạn môi trường hầu như không giải quyết được và nguyên liệu cần phải nhập cảng đến 20%, mặc dù đã quy hoạch việc trồng rừng trên diện tích 1,2 triệu mẫu, nhà máy cũng vẫn chưa chạy hết công suất. 


Trong lúc đó, nhà máy Hậu Giang chỉ quy hoạch từng phần trong 200 mẫu rừng cho một công suất sản xuất gấp 10 lần hơn nhà máy Bãi Bằng. Điều nầy có nghĩa là việc quyết định thực hiện nhà máy Hậu Giang hoàn toàn không dựa theo một tiêu chuẩn nào cả.

Vị trí ba căn cứ quân sự trá hình của Trung Quốc trên bản đồ.

Trong bài Báo động: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải sắp trở thành căn cứ của Trung Quốc đăng trên VOA ngày 31/3/2016 và bài Trung Cộng lại sắp lập căn cứ ở Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu? trên VOA ngày 11/4/2016, đã cảnh báo dư luận về việc người TC đang núp bóng các công ty nước ngoài để âm mưu biến hai trung tâm nhiệt điện nằm ở những vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng này thành những căn cứ quân sự lợi hại.

Điều trên chứng tỏ rằng:

- Lãnh đạo trung ương khi quyết định chấp thuận một dự án phát triển quốc gia hoàn toàn không nắm vững những thông tin kỹ thuật cũng như các ảnh hưởng lên mội trường khi xây dựng và khi nhà máy đi vào sản xuất;

- Lãnh đạo địa phương (nơi xây dựng nhà máy) tiếp nhận dự án đầu tư vào tỉnh nhà theo chỉ thị của cấp trên và cũng hoàn toàn không thông hiểu về quy trình sản xuất cùng những điều kiện địa phương có thích hợp với việc lấp đặt nhà máy hay không?

Đây là hai điều căn bản đã xảy ra trong suốt thời gian quản lý Đất và Nước từ sau 1975 trở đi. Hai điều căn bản trên tiếp tục được lập đi lập lại như một âm bản giống nhau như đúc mặc dù đất nước được lãnh đạo bởi nhiều thế hệ lãnh tụ khác nhau theo suốt chiều dài lịch sử kể từ khi CS Bắc Việt chiếm được miền Nam sau ngày 30-4-1975.

Đây mới chính là một nguy cơ "mãn tính" cho dòng tộc Việt trong công cuộc phát triển quốc gia của một nhóm cầm quyền “vô cảm”.

- Cao nguyên Trung phần Việt Nam đang CHẾT vì việc khai thác Bauxite.

- Biển ĐÔNG đang CHẾT vì Tàu cộng cố tình đầu độc nguồn nước đại dương.

- Đồng bằng sông Cửu Long đang CHẾT vì Tàu cộng kiểm soát dòng chảy của sông Mẹ Mêkong ở thượng nguồn.

Câu hỏi còn lại cho Tuổi Trẻ Việt Nam là còn con đường SỐNG nào cho dân tộc Việt Nam đây?

Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPS)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo