Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Các em thì đứng còn tôi lại ngồi. Thật là rất khiếm nhã! Nhưng các em biết tại sao tôi ngồi; chính vì tôi cần ghi lại những điều mà người bạn chúng ta ở đây đã nói. Những điều ấy là những điều hôm nay tôi muốn nói đến.
Một từ thật ấn tượng bạn ấy dùng là "mơ". Một nhà văn Châu Mỹ La tinh từng nói rằng tất cả chúng ta đều có hai mắt: một mắt thịt và một mắt thủy tinh. Bằng mắt thịt, chúng ta thấy những gì trước mắt chúng ta. Bằng mắt thủy tinh, chúng ta thấy những gì chúng ta mơ tưởng. Đẹp chứ, phải không các em?
Trong hiện thực cuộc sống hàng ngày, phải có chỗ cho mơ mộng. Người trẻ không biết mơ mộng thì cô độc, khép kín. Mọi người đôi khi mơ về những chuyện mà không bao giờ xảy ra. Nhưng dù sao vẫn hãy mơ về chúng, hãy ao ước chúng, hãy tìm kiếm những chân trời mới, hãy mở lòng ra trước những điều lớn lao.
Tôi không biết chắc ở Cuba các em có dùng từ này không, nhưng ở Argentina chúng tôi nói: " Đừng làm kẻ yếu đuối!". Đừng cam phận hay buông xuôi. Hãy mở lòng ra mơ mộng! Hãy mơ có các em xã hội có thể khác đi. Hãy mơ nếu các em gắng hết sức mình, các em sẽ góp phần làm thay đổi xã hội này. Đừng quên mơ! Nếu các em say mê mơ mộng quá nhiều, cuộc đời sẽ cắt ngang giấc mơ các em. Tuy chẳng thay đổi gì; nhưng dù sao vẫn cứ mơ, và hãy chia xẻ ước mơ của các em. Hãy nói về những điều cao cả các em mong muốn, vì các em có thể mơ càng cao thì các em sẽ đi càng xa hơn; cho dù cuộc đời cắt ngang nửa chừng giấc mơ các em thì các em vẫn đã đi khá xa rồi. Cho nên, trước hết, hãy mơ!
Các em nói một câu mà tôi đã ghi xuống và gạch dưới dòng. Các em nói rằng chúng ta phải biết cách hoan nghênh và chấp nhận những ai suy nghĩ khác với chúng ta. Thành thực mà nói, đôi khi chúng ta rất khép kín. Chúng ta giam mình trong thế giới nhỏ bé của chúng ta: " Hoặc mọi sự theo như ý của tôi hay chẳng gì hết." Các em còn nói tiếp. Các em nói rằng chúng ta không được ẩn mình trong "thế giới" ý thức hệ hay tôn giáo nhỏ bé của chúng ta... rằng chúng ta cần vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức.
Khi tôn giáo trở thành "thế giới nhỏ bé", tôn giáo mất đi tinh hoa vốn có, tôn giáo không còn thờ phượng Chúa, không còn tin Chúa. Tôn giáo trở thành thế giới nhỏ bé của những câu kinh lời nguyện, của " Tôi tốt còn anh xấu", của luân thường đạo lý. Khi tôi có ý thức hệ của tôi, nếp nghĩ của tôi, còn anh có ý thức hệ, nếp nghĩ của anh, tôi giam mình trong thế giới ý thức hệ nhỏ bé này.
Hãy mở rộng tấm lòng ra, và hãy mở rộng tâm hồn ra Nếu anh khác tôi, thì tại sao chúng ta không nói? Tại sao chúng ta luôn luôn ném đá lẫn nhau vào những gì chia rẽ chúng ta, vào những gì khiến chúng ta khác biệt nhau? Tại sao chúng ta không đưa tay ra bắt tay nhau ở nơi chúng ta cùng có điểm chung? Tại sao không khích lệ mình nói về những điều chúng ta có chung với nhau trước, và rồi chúng ta có thể nói về chỗ chúng ta khác biệt nhau. Nhưng tôi nói "nói"; chứ tôi không nói "đánh". Tôi không nói lui về "thế giới nhỏ bé" của chúng ta. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được khi tôi có thể nói về những gì tôi có chung với người khác, về những điều chúng ta có thể làm việc chung với nhau.
Ở Buenos Aires, tại giáo xứ mới ở vùng cực kỳ nghèo, một nhóm sinh viên đại học đang xây phòng ốc cho giáo xứ. Vậy là cha xứ nói với tôi: " Tại sao cha không đến vào ngày thứ Bảy nào đấy để tôi giới thiệu họ với cha." Họ xây phòng vào các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật. Họ đều là những nam nữ sinh viên. Cho nên tôi đến, tôi thấy họ và được giới thiệu về họ. " Đây là kiến trúc sư. Anh là người Do Thái. Người này là cộng sản. Người này là tín đồ Công giáo ngoan đạo." Họ thảy đều khác nhau, tuy nhiên tất cả họ đều cùng nhau làm việc vì lợi ích chung.
Sự hợp tác này tên là tình thân hữu xã hội, nơi mọi người cùng nhau làm việc vì lợi ích chung. Ngược lại hận thù xã hội chỉ phá hoại. Hận thù phá hoại gia đình. Hận thù phá hoại quốc gia. Hận thù phá hoại thế giới. Ngày nay chúng ta thấy chiến tranh đang tàn phá thế giới, bởi vì con người không thể nào ngồi xuống nói chuyện với nhau. " Được rồi, chúng ta hãy thương lượng. Chúng ta có thể chung tay nhau làm được điều gì chăng? Chúng ta sẽ vạch ra giới hạn ở đâu? Nhưng chúng ta hãy đừng giết người nữa." Nơi nào có chia rẽ, nơi ấy có chết chóc: cái chết của tâm hồn, vì chúng ta đang giết chết khả năng đến với nhau. Chúng ta đang giết chết tình thân hữu xã hội. Và đây chính là điều tôi yêu cầu các em hôm nay: hãy tìm mọi cách tạo ra tình thân hữu xã hội.
Rồi các em nói một từ nữa: "hy vọng". Tuổi trẻ là hy vọng của mỗi dân tộc; chúng ta thường nghe điều này. Nhưng hy vọng là gì? Phải chăng hy vọng nghĩa là lạc quan? Không phải. Lạc quan là tâm trạng. Ngày mai các em thức dậy với tâm trạng buồn bã thì các em cũng chẳng lạc quan gì; các em chỉ thấy mọi sự đều nhuốm màu u sầu. Hy vọng cao hơn nhiều. Hy vọng bao hàm đau khổ. Hy vọng là biết chấp nhận đau khổ để thành công; hy vọng là biết hy sinh. Các em có thể hy sinh cho tương lai hay các em chỉ muốn sống cho hôm nay và để mặc cho thế hệ mai sau phải tự lo lấy? Hy vọng là thành tựu. Hy vọng ban sự sống. Các em có thể ban sự sống chăng? Hay các em là lớp trẻ khô khan về tinh thần, không thể ban sự sống cho người khác, không thể xây dựng tình thân hữu xã hội, không thể xây dựng quốc gia, không thể làm những điều cao cả?
Hy vọng là thành tựu. Hy vọng khởi đi từ việc làm, từ có được công ăn việc làm. Ở đây tôi đề cập đến vấn đề rất nghiêm trọng ở Châu Âu: số người trẻ thất nghiệp. Có nhiều nước ở Châu Âu nơi 40% người trẻ hai mươi lăm tuổi và trẻ hơn hiện thất nghiệp. Tôi đang nghĩ đến một nước. Ở nước khác đó là 47% và ở một nước nữa, 50%.
Hiển nhiên, khi nhân dân không quan tâm đến việc tạo công ăn việc làm cho thanh niên-và khi tôi nói "nhân dân", tôi không muốn nói chính quyền; tôi muốn nói đến toàn thể nhân dân nên quan tâm đến những người trẻ này có việc làm hay không-nhân dân ấy không có tương lai.
Tuổi trẻ hiện nay trở thành một phần của văn hóa vất bỏ mà tất cả chúng ta hôm nay đều biết rõ. Trong thế giới kim tiền ngự trị này, mọi thứ đều bị vất bỏ và con người bị vất bỏ. Trẻ em bị vất bỏ vì người ta không muốn chúng, hay chúng bị giết trước khi chúng chào đời. Người già bị vất bỏ- tôi đang nói về thế giới nói chung- vì họ không còn có ích nữa...Tuổi trẻ bị vất bỏ vì họ không được trao cho công ăn việc làm. Vậy thì, người trẻ không có việc làm còn lại gì đây? Khi quốc gia hay nhân dân không tạo công ăn việc làm cho tuổi trẻ, những người trẻ còn gì nếu không là nghiện ngập đủ loại, hay tự tử, hay bỏ nhà ra đi tìm đến những đạo quân hủy diệt để gây chiến tranh.
Văn hóa vất bỏ này gây tổn thương đến tất cả chúng ta; nó tước đoạt niềm hy vọng của chúng ta. Và đây chính là điều các em yêu cầu nhân danh tuổi trẻ: "Chúng tôi muốn hy vọng." Hy vọng mà đòi hỏi nỗ lực, cần cù, và thành tựu; hy vọng mà đưa mọi người đến với nhau, vì người có hy vọng chính là người có thể biết đoàn kết nhau để hướng về tương lai và xây dựng nên tình thân hữu xã hội bất chấp mọi khác biệt.
Như tôi từng nói, đối với tôi, gặp người trẻ không có hy vọng là gặp người về hưu non. Có nhiều người trẻ tưởng như về hưu lúc hai mươi hai tuổi. Họ là những người trẻ chất chứa đầy nỗi buồn chán hiện sinh, những người trẻ đã cam phận thất bại, những người trẻ than vãn và thoát ly cuộc đời. Con đường hy vọng là con đường không dễ dàng. Cho nên không ai có thể đi một mình trên con đường hy vọng. Châu Phi có câu tục ngữ: "Nếu ta muốn đi nhanh, hãy đi một mình, nhưng nếu ta muốn đi xa, hãy đi với người khác."
Nguồn:
Trích dịch từ bài diễn văn ứng khẩu của Đức Giáo Hoàng Francis trước sinh viên Cuba vào ngày 20 tháng Chín 2015 ở Havana. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.